Quá trình thu hoạch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc tính thực vật, nông học và đông lạnh trái của dòng nhãn mới phát hiện trên giồng nhãn bạc liêu (Trang 38 - 41)

2.3 Kỹ thuật canh tác nhãn

2.3.3.8 Quá trình thu hoạch

Theo Vũ Công Hậu (1999), ở miền Bắc nhãn chín vào giữa tháng 7 cho

đến hết tháng 8, còn ở miền Nam trái nhãn chín rãi rác hơn. Cây nhãn thường ra hoa nhiều đợt, tập trung vào hai đợt tháng 3, 4; chín vào tháng 7, 8 (chính vụ) và nhãn ra hoa vào tháng 7, 8; chín vào tháng 11, 12 (nghịch vụ).

Từ khi cây ra hoa cho đến khi trái chín trung bình khoảng 3-4 tháng, tùy thuộc vào giống nhãn. Khi chín, vỏ trái không đổi màu rõ rệt mà vỏ trái chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng vàng, vỏ trái từ xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn. Đồng thời vỏ trái mềm do vỏ mỏng hơn, thịt trái nhiều nước hơn, có mùi thơm, vị ngọt và hạt chuyển sang màu nâu đen hoàn toàn (Nguyễn Danh Vàn, 2008; Nguyễn Minh Thuỷ, 2010). Nhãn nên được thu hái vào những ngày nắng ráo, buổi sáng hoặc chiều mát, tránh thu hái vào buổi trưa. Khi hái nên dùng kéo cắt cành nhẹ nhàng, tránh làm trái bầm giập rất dễ bị nhiều loại nấm tấn công gây thối trái trong thời gian bảo quản. Phải thu hoạch đúng độ chín, không nên để trái quá chín trên cây vì phẩm chất sẽ giảm và không bảo quản được lâu. Sau khi hái cần tỉa bỏ những trái bị sâu bệnh gây hại, trái nhỏ, trái bị bầm giập rồi mới cho vào sọt, thùng giấy để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

2.3.4 Một số kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của phương pháp nhân giống vô tính và tuổi cây đến sự sinh trưởng và phát triển của cây

Việc ghép nhãn trên gốc vải cho tới nay chưa có tài liệu nào công bố.

Tuy nhiên ở Lục Ngạn - Bắc Giang có một nông dân đã có sáng kiến ghép cải tạo nhãn lên vải và đã thành công. Đã xác định được 3 giống nhãn thích hợp có thể ghép lên vải Thiều là nhãn chín sớm địa phương Lục Ngạn, nhãn Hương Chi và nhãn chín muộn Hà Tây (Ngô Thế Dân, 2011). Theo McConchie et al. (1994), có thể tạo ra cây lai giữa nhãn và vải khi cây vải là cây mẹ. Điều này tạo ra tiềm năng có thể kết hợp một số đặc tính tốt của cây nhãn vào bộ gene của cây vải. Ví dụ như khả năng đậu trái, theo Subhadrabandhu and Stern (2005), một phát hoa nhãn có thể cho 50-100 trái, trong khi đó một phát hoa vải chỉ cho 5-30 trái.

Theo Trần Văn Khởi (2001), khi nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp nhân giống và kỹ thuật phân bón đến một số đặc điểm thực vật học của cây nhãn. Kết quả thí nghiệm cho thấy các cây con được nhân giống vô tính (chiết và ghép) từ dòng HC4 và ở các công thức phân bón khác nhau tương đối ổn định và không có sự khác biệt so với cây mẹ về một số chỉ tiêu chính như số lá chét/lá kép, dài lá chét, tỷ lệ thịt trái, độ Brix và chiều cao trái. Tuy nhiên, lại có sự khác nhau giữa các cây con và dòng mẹ về chỉ tiêu khối lượng trái, chiều rộng lá chét. Ở công thức áp dụng mức phân bón cao hơn, cây sinh trưởng tốt hơn thì các chỉ tiêu này có xu hướng cao hơn. Một nghiên cứu của Nguyễn Văn Nghiêm và ctv. (2010), khi sử dụng ba loại gốc ghép khác nhau,

gồm nhãn Lồng, nhãn Nước và nhãn Thóc, giống cành ghép là nhãn Lồng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ ghép sống, tỷ lệ xuất vườn và sự sinh trưởng của cành ghép sau khi ghép. Tuy nhiên, theo Yetisir and Sari (2003); Karaca et al. (2012) cho rằng gốc ghép có ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái khi nghiên cứu trên cây dưa hấu. Ngoài ra, Rugini et al. (2005) cũng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của gốc ghép đến sự sinh trưởng và chất lượng trái của cây cherry.

Tại Bangladesh, khi sử dụng mắt ghép cây chôm chôm (Nephelium lappaceum L.), một loài cây cùng họ với nhãn và vải, ghép trên các gốc ghép khác nhau: ghép trên chính nó, ghép trên gốc vải và ghép trên gốc nhãn. Kết quả đạt được cho thấy khi ghép chôm chôm lên chính nó cho kết quả tốt nhất ở các chỉ tiêu theo dõi như: thể tích tán cây, tỷ lệ sống, chiều cao của gốc ghép và mắt ghép, đường kính của gốc ghép và mắt ghép (Hossain et al., 2008).

Theo Trần Văn Hâu và Nguyễn Bảo Vệ (2004), khi nghiên cứu ảnh hưởng của gốc ghép đến đặc tính sinh trưởng, ra hoa và phẩm chất trái của cây ghép xoài Cát Hòa Lộc. Gốc ghép của các giống xoài như Cát Chu, Thơm, Châu Hạng Võ làm tăng cường sự sinh trưởng của mắt ghép, gốc ghép giống xoài Thanh Ca làm giảm sự sinh trưởng. Tác giả đã kết luận gốc ghép khác nhau không làm ảnh hưởng đến chất lượng trái xoài Cát Hòa Lộc. Theo Reddy et al. (2003), tại Ấn Độ, các gốc ghép khác nhau rõ ràng có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất của giống xoài ‘Alphonso’- một giống xoài đơn phôi.

Cũng theo tác giả trên, sử dụng gốc ghép là giống xoài ‘Muvandan’ hoặc

‘Bappakai’ có tác dụng làm tăng sự sinh trưởng của xoài ‘Alphonso’, trong khi đó sử dụng gốc ghép là giống xoài ‘Vellaikulamban’ có tác dụng làm lùn nhánh ghép giống xoài ‘Alphonso’. Trong nghiên cứu trên, tác giả không trình bày về vấn đề gốc ghép có làm ảnh hưởng đến chất lượng của trái hay không.

Tại Đông Nam Tây Ban Nha, gốc ghép trên xoài thường được sử dụng là của giống xoài đa phôi Gomera 3 đã được nghiên cứu có ảnh hưởng tốt nhất đến sinh trưởng và năng suất của nhánh tháp (Zuazo et al., 2006). Ngoài ra, nhiều thí nghiệm tại nhiều nơi trên thế giới đã chứng minh ảnh hưởng mạnh mẽ của gốc ghép đến sự sinh trưởng, năng suất và sự hấp thu dinh dưỡng của nhánh ghép (Kurian et al., 1996; Nartvaranant et al., 2003).

Phạm Thị Hương (2006) nghiên cứu ảnh hưởng của gốc ghép chanh Volka (Citrus volkameriana) đến sự sinh trưởng và năng suất của giống cam Đường Canh tại Hà Nội, đây là một loại cam không hạt, phẩm chất thơm ngon, chín gần vào dịp tết. Cam Đường Canh được ghép trên gốc chanh Volka trồng bằng hạt và bằng cách giâm cành cho thấy trên gốc chanh Volka hữu tính cam Đường Canh sinh trưởng khỏe hơn trên chanh Volka vô tính nhưng

trên gốc chanh Volka vô tính cam Đường Canh có tỷ lệ đậu trái và cho năng suất cao hơn so với cam Đường Canh ghép trên gốc chanh Volka hữu tính.

Về tuổi cây, cây ở các độ tuổi khác nhau thì năng suất của chúng khác nhau là đương nhiên. Theo Tiến sĩ Marc Eric từ đại học Penn State của Hoa Kỳ, trong tài liệu giảng dạy môn học “Forest Resources Management” có đề cập đến vấn đề này, theo tác giả, tuổi cây rừng càng cao tuổi thì năng suất (khối lượng gỗ) sẽ càng tăng (Eric, 2016). Tuổi cây khác nhau thì sẽ có các chế độ chăm sóc khác nhau, nhằm đạt được năng suất tốt nhất. Trong các tài liệu về kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, các tác giả thường chia cây ăn trái ra làm hai giai đoạn để chăm sóc (Thái Hà và Đặng Mai, 2016). Giai đoạn đầu là giai đoạn tăng trưởng, giai đoạn sau là giai đoạn cây kinh doanh. Giai đoạn tăng trưởng tính từ lúc mới trồng đến chuẩn bị có vụ trái đầu tiên. Giai đoạn kinh doanh từ vụ trái đầu tiên trở đi. Năng suất thì chắc chắn là khác nhau khi tuổi cây khác nhau nhưng chất lượng trái có khác nhau khi tuổi cây khác nhau thì vẫn còn là một câu hỏi. Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, những cây cam vụ đầu tiên mới cho trái thì trái sẽ to và vỏ dày hơn so với cây lớn tuổi.

Trên cây măng cụt cũng cho kết quả tương tự, trái măng cụt ở những cây càng lâu năm thì ăn càng ngon. Giả thuyết đặt ra là các tuổi cây khác nhau sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của trái nhãn. Vì vậy, qua khảo sát sẽ phần nào làm rõ câu hỏi trên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc tính thực vật, nông học và đông lạnh trái của dòng nhãn mới phát hiện trên giồng nhãn bạc liêu (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)