Vị trí phân loại, nguồn gốc, phân bố và tác hại của rệp sáp bột hồng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Nông nghiệp: Nghiên cứu rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti (MatileFerrero, 1977) (Homoptera: Pseudococcidae) hại sắn và biện pháp quản lý theo hướng tổng hợp (Trang 28 - 31)

1.3. Nghiên cứu ở ngoài nước về sâu hại cây sắn và rệp sáp bột hồng

1.3.2. Những nghiên cứu về rệp sáp bột hồng hại sắn trên thế giới

1.3.2.2. Vị trí phân loại, nguồn gốc, phân bố và tác hại của rệp sáp bột hồng

Hình 1.1. Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti (Nguồn: Tiva Sempetch 2013) [102]

Ghi chú: Trong ảnh bên phải của hàng thứ 2 có cá thể rệp sáp bột màu trắng không phải là RSBH

15

Nguồn gốc, phân bố và sự xâm lấn của rệp sáp bột hồng

Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ (Trung Mỹ và Nam Mỹ) (Gutierrez et al., 1988; Lửhr et al., 1990; Muniappan et al., 2009; Neuenschwander, 2003; Parsa et al., 2012; Sartiami et al., 2015) [59], [75], [80], [84], [93], [98].

Rệp sáp bột hồng đã tồn tại ở Zaire từ năm 1972 và mãi đến năm 1975 khi gửi mẫu đi xác định ở Viện Côn trùng của CAB thì mới công bố loài côn trùng này là sâu hại mới trên cây sắn ở châu Phi (Ezumah and Knight, 1978) [53].

Vào những năm 1970, rệp sáp bột hồng đã ngẫu nhiên nhập nội vào phía Tây châu Phi và tàn phá cây sắn ở vùng này. Cụ thể, rệp sáp bột hồng được xác định xâm nhập vào Zaire, Congo vào đầu thập niên 1970 và đã nhanh chóng trở thành sâu hại quan trọng trên cây sắn (Zeddies et al., 2001) [110]. Năm 1979, rệp sáp bột hồng được ghi nhận đã ngẫu nhiên xâm nhập vào Nigeria (Emehute and Egwuatu, 1990a) [50]. Tuy nhiên, lại có ý kiến khác cho rằng rệp sáp bột hồng đã ngẫu nhiên nhập nội vào vùng xích đạo của châu Phi chỉ từ thập niên 1980 (Muniappan et al., 2009; Williams and Willink, 1992) [80], [107]. Sau đó nó đã xâm lấn ra 24 nước thuộc Nam Phi, sa mạc Sahara (Gutierrez et al., 1988; Hahn, 1978;

Neuenschwander, 2001) [59], [60], [83]. Rệp sáp bột hồng lây lan theo chiều ngang châu Phi trong khoảng thời gian 16 năm với tốc độ trung bình 150 - 300 km/năm.

Đến năm 1987, nó đã xâm nhiễm và gây hại trên cây sắn tại 31/35 nước thuộc dải trồng sắn ở châu Phi (CABI, 2012; Herren, 1990; Neuenschwander et al., 1990;

Winotai et al., 2010) [44], [64], [86], [108].

Vào tháng 4 năm 2008, lần đầu tiên rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti được phát hiện ở châu Á tại Thái Lan. Ngay trong năm đó, rệp sáp bột hồng đã phát tán, lan truyền nhanh chóng trong khắp các vùng trồng sắn của Thái Lan (Winotai et al., 2010) [108]. Tuy nhiên, theo Vaenkeo (2009) [103], rệp sáp bột hồng đã được ghi nhận ở các tỉnh Nakhon Ratchasima, Rayong và Buri Rum của Thái Lan từ năm 2007 và từ năm 2009 rệp sáp bột hồng đã trở thành loài sâu hại chính trên cây sắn tại Thái Lan.

Ở Campuchia, năm 2009 đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên diện tích

16

95 ha sắn ở vùng Pailin. Năm 2010, diện tích sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng đã tăng lên 5 040 ha ở Battambang và 8 382 ha ở Banteay Meanchey. Đến năm 2011, rệp sáp bột hồng đã phát hiện được thêm ở các tỉnh như Svay Rieng, Kampong Cham, Ratanakiri và Kratie (FAO-IPM, 2013; Parsa et al., 2012) [56], [93].

Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti cũng đã được phát hiện lần đầu tiên ở Indonesia vào năm 2010 (Muniappan et al., 2011) [79].

Vào năm 2011, rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti cũng đã được công bố ghi nhận xuất hiện và gây hại trên cây sắn ở Lào (FAO-IPM, 2013) [56].

Tác hại của rệp sáp bột hồng Triệu chứng gây hại

Trên cây sắn, rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti thường được tìm thấy ở mặt dưới của lá sắn, đặc biệt là ở xung quanh gân chính của lá sắn (Barilli et al., 2014; Calatayud and Le Rü, 2006; Nwanze, 1978) [34], [45], [89].

Trưởng thành cái và rệp sáp non trực tiếp chích hút nhựa và đã tiết ra độc tố (thực chất là men tiêu hóa) vào dịch của cây sắn, gây ra sự biến dạng mạnh ở ngọn các chồi sắn, làm cho lá trên cây sắn bị hại trở nên rất quăn queo và biến thành màu vàng, làm ngắn các lóng, cây trở nên còi cọc, thân cây kém giá trị khi sử dụng làm hom giống (Barilli et al., 2014; Egho et al., 2013; Leuschner, 1978; Parsa et al., 2012; Soysouvanh et al., 2013) [34], [49], [74], [93], [101]. Tuy nhiên, triệu chứng quăn lá tìm thấy ở các lá ngọn của những cây sắn bị hại lại không tìm thấy trên các cây thức ăn khác mà rệp sáp bột hồng xâm nhiễm như cây thổ nhân sâm Talinumtriangulare, cây cứt lợn Ageratum conyzodies, cây cỏ sữa Euphorbiaheterohylla, cây rau sam Portulacaoleracea (Essien et al., 2013) [52].

Ngoài ra, rệp sáp bột hồng còn gây tác hại gián tiếp do dịch bài tiết của rệp sáp bột hồng là môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho nấm muội bồ hóng phát triển mạnh, dẫn đến làm suy giảm hiệu quả quang hợp của những cây sắn bị hại (Bellotti et al., 1999) [40].

17 Tác hại của rệp sáp bột hồng

Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti là loài côn trùng gây hại nguy hiểm nhất trên cây sắn (Bellotti et al., 1999) [40]. Vào những năm 1970, rệp sáp bột hồng đã ngẫu nhiên được nhập nội và xâm lấn vào phía Tây châu Phi, trở thành sâu hại quan trọng trên cây sắn. Rệp sáp bột hồng đã tàn phá cây sắn ở dải trồng sắn của châu Phi và trở thành mối đe dọa sinh kế của khoảng 200 triệu người (Calatayud et al., 1994; Gutierrez et al., 1988; Sartiami et al., 2015) [46], [59], [98]. Theo Herren (1981) [63], rệp sáp bột hồng đã gây ra tổn thất tới hơn 60% về năng suất sắn củ ở châu Phi. Khi bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng, người trồng sắn sẽ bị tổn thất kinh tế rất lớn, năng suất sắn củ có thể bị giảm 58 - 84% (Nwanze, 1982; Schulthess et al., 2009) [90], [100]. Ở Nigeria, khi cây sắn bị rệp sáp bột hồng gây hại có thể bị giảm năng suất sắn củ tới 52 - 58% (Le Rü et al., 1993) [72].

Tại Thái Lan, trong các năm 2009 - 2010, rệp sáp bột hồng đã gây thiệt hại nghiêm trọng, làm giảm khoảng 50% năng suất sắn củ, ước tính đã gây thiệt hại khoảng 30 triệu đô la Mỹ (Winotai et al., 2010) [108]. Nhưng theo FAO-IPM (2013) [56], tại Thái Lan kể từ khi xâm nhập vào đến tháng 5 năm 2009, rệp sáp bột hồng đã phát tán trên diện tích 230 796 ha, gây ra thiệt hại lớn hơn rất nhiều và ước tính khoảng 200 - 1 000 triệu đô la Mỹ.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Nông nghiệp: Nghiên cứu rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti (MatileFerrero, 1977) (Homoptera: Pseudococcidae) hại sắn và biện pháp quản lý theo hướng tổng hợp (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)