CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. Biện pháp quản lý tổng hợp rệp sáp bột hồng hại sắn Phenacoccus manihoti theo hướng bền vững tại vùng nghiên cứu
3.4.4. Nghiên cứu sử dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống rệp sáp bột hồng
3.4.4.1. Lợi dụng hoạt động hữu ích của thiên địch tự nhiên
Thành phần thiên địch của rệp sáp bột hồng ở vùng nghiên cứu
Trong thời gian thực hiện đề tài, tại vùng nghiên cứu (Tây Ninh, Phú Yên) đã ghi nhận được 6 loài thiên địch trong quần thể rệp sáp bột hồng, kết quả cụ thể tại bảng 3.27.
127
Bảng 3.27. Danh sách thiên địch trên cây sắn tại Tây Ninh và Phú Yên năm 2014 -2015
TT Tên Việt Nam
Tên khoa học Bộ, họ
1 Bọ rùa 6 vệt đen
Menochilus sexmaculata (Fabricius)
Coleoptera, Coccinellidae
2 Bọ rùa đỏ Micraspis discolor (Fabricius) Coleoptera, Coccinellidae
3 Bọ rùa Nephus sp. Coleoptera, Coccinellidae
4 Bọ cánh gân Plesiochrysa ramburi (Schneider)
Neuroptera, Chrysopidae
5 Ong ký sinh Anagyrus lopezi (De Santis) Hymenoptera, Encyrtidae 6 Ong ký sinh Acerophagus sp. Hymenoptera, Encyrtidae
Hầu hết (5/6 loài) các loài thiên địch đã ghi nhận được ở vùng nghiên cứu đều là những loài bản địa, đa thực, không chuyên tính trên rệp sáp nói chung và rệp sáp bột hồng nói riêng. Riêng loài ong ký sinh Anagyrus lopezi là một loài thiên địch chuyên tính, không phải loài bản địa. Loài ong ký sinh Anagyrus lopezi đã du nhập vào Việt Nam theo vật chủ là rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti. Riêng một vài địa điểm ở tỉnh Tây Ninh như xã Phan (huyện Dương Minh Châu), xã Thanh Điền, An Bình, Ninh Điền và Hảo Đước (huyện Châu Thành), xã Bình Minh (thành phố Tây Ninh) có sự hiện diện của ong ký sinh Anagyrus lopezi là do nhập nội từ Thái Lan trong chương trình IPM-FAO.
Đặc điểm ong ký sinh Anagyrus lopezi
Ong ký sinh Anagyrus lopezi thuộc họ Encyrtidae (bộ cánh màng Hymenoptera). Trưởng thành cái loài ong A. lopezi có cơ thể màu đen, kích thước cơ thể nhỏ, dao động trong khoảng từ 1,2 mm đến 1,4 mm. Trưởng thành đực có kích thước cơ thể nhỏ hơn so với trưởng thành cái.
Đặc điểm cơ bản nhất để dễ dàng phân biệt giữa trưởng thành đực và trưởng thành cái là râu đầu. Râu đầu của trưởng thành đực chỉ có một màu đen duy nhất.
Trong khi đó, râu đầu của trưởng thành cái lại có những đốt màu trắng và đen xen kẽ nhau (hình 3.23).
128
Hình 3.23. Trưởng thành cái ong ký sinh Anagyrus lopezi
Trong điều kiện nhà lưới, thời gian vòng đời của ong ký sinh A. lopezi dao động trong khoảng từ 17 đến 21 ngày, tùy theo điều kiện nhiệt độ (Tiva Sempetch, 2015) [102]. Đây là một trong những loài ong ký sinh có chuyên tính cao, trưởng thành cái thường đẻ trứng vào trong cơ thể rệp sáp bột hồng.
Ong Anagyrus lopezi là loài ong ký sinh có khả năng sinh sản đơn tính, trưởng thành cái không cần giao phối nhưng vẫn có khả năng đẻ trứng bình thường. Tuy nhiên, những trứng này sẽ chỉ nở ra trưởng thành đực. Trưởng thành ong ký sinh Anagyrus lopezi được ghi nhận hoạt động chủ yếu vào ban ngày, với nhiệt độ thích hợp là 28oC, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp (dưới 15oC) trưởng thành ong Anagyrus lopezi sẽ không hoạt động (Tiva Sempetch, 2013) [102].
Quần thể tự nhiên của ong ký sinh A. lopezi tại một số tỉnh trồng sắn
Quần thể tự nhiên của ong ký sinh A. Lopezi tại một số tỉnh Đông Nam bộ Trong thời gian tháng 3 đến tháng 5 năm 2014 đã tiến hành điều tra tỷ lệ ký
129
sinh tự nhiên của ong Anagyrus lopezi trên rệp sáp bột hồng tại một số nơi thuộc các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các địa điểm được tiến hành điều tra là những nơi không được chương trình IPM-FAO nhập nội và thả ong ký sinh Anagyrus lopezi.
Hình 3.24. Tỷ lệ bị ong A. lopezi ký sinh của rệp sáp bột hồng và mức độ cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (tháng 3 - 5/2014)
Kết quả điều tra cho thấy rệp sáp bột hồng trên các ruộng sắn ở tỉnh Tây Ninh bị ong Anagyrus lopezi ký sinh với tỷ lệ cao (trung bình là 47,3%). Với tỷ lệ bị ký sinh này đã góp phần hạn chế được sự phát triển quần thể của rệp sáp bột hồng dẫn đến tỷ lệ ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng đạt ở mức thấp (chỉ khoảng 5,4%).
Trong khi đó, trên các ruộng sắn được điều tra ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, rệp sáp bột hồng bị ong Anagyrus lopezi ký sinh với tỷ lệ thấp hơn đáng kể, tương ứng đạt trung bình 9,3% và 22,8%. Với tỷ lệ bị ký sinh thấp như vậy nên rệp sáp bột hồng phát triển ít nhiều thuận lợi hơn, hình thành được quần thể lớn hơn dẫn đến tỷ lệ ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng đạt cao hơn, tương ứng đạt trung bình 43,8% và 35,8% (hình 3.24). Đã điều tra tỷ lệ bị ký sinh tự nhiên của rệp sáp bột
130
hồng tại 6 xã/thị trấn chưa được chương trình IPM-FAO nhập nội và thả ong ký sinh thuộc tỉnh Tây Ninh. Kết quả cho thấy tỷ lệ bị ký sinh tự nhiên của rệp sáp bột hồng đạt cao nhất (31,1%) tại thị trấn Tân Châu và thấp nhất (6,4%) tại xã Thạnh Tây. Ở hầu hết các địa điểm điều tra (4/6) đều có tỷ lệ bị ký sinh của rệp sáp bột hồng đạt cao hơn 20% (bảng 3.28).
Bảng 3.28. Tỷ lệ bị ký sinh tự nhiên của rệp sáp bột hồng (Tây Ninh, 2015) TT Địa điểm
nghiên cứu
Số cá thể RSBH được theo dõi
Tỷ lệ bị ký sinhcủa RSBH(%)
1 Thị trấn Tân Châu 100 31,1
2 Xã Thạnh Đông 100 21,3
3 Xã Suối Đá 100 24,4
4 Xã Tân Phong 100 11,8
5 Xã Long Chữ 100 23,4
6 Xã Thạnh Tây 100 6,4
Ghi chú: RSBH = Rệp sáp bột hồng
Quần thể tự nhiên của ong ký sinh Anagyrus lopezi tại tỉnh Phú Yên
Đã nghiên cứu mức độ hiện diện của ong ký sinh A. lopezi trên đồng sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng tại một số nơi chưa tiến hành thả ong ký sinh của tỉnh Phú Yên. Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Đồng Xuân và huyện Phú Hòa tỉnh Phú Yên từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2016. Kết quả được trình bày tại bảng 3.29.
Kết quả điều tra ghi nhận sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi trên rệp sáp bột hồng từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2016. Mẫu theo dõi (đoạn ngọn cây sắn dài 20 cm bị nhiễm rệp sáp bột hồng) có sự hiện diện của ong ký sinh đạt tỷ lệ từ 10% đến 90% tổng số mẫu theo dõi. Mẫu theo dõi có sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi đạt cao nhất vào ngày 15 tháng 5 và ngày 1 tháng 6 với tỷ lệ tương ứng là 90% và 70%. Tỷ lệ mẫu theo dõi có sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi giảm còn 20%
trong tháng 7. Thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 không phát hiện được mẫu theo dõi có sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi. Nguyên nhân có thể do thời gian này xảy ra mưa liên tục tại khu vực nghiên cứu (bảng 3.29).
131
Bảng 3.29. Mức độ hiện diện của ong ký sinh A.lopezi tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên năm 2016
Ngày thu mẫu
Số mẫu ngọn cây sắn thu
theo dõi
Số mẫu ngọn cây sắn có ong
ký sinh
Tỉ lệ mẫu có ong ký sinh
(%)
Thời tiết đặc biệt
01/2/2016 10 0 0
15/2/2016 10 1 10
01/3/2016 10 3 30
15/3/2016 10 3 30
01/4/2016 10 4 40
15/4/2016 10 6 60
01/5/2016 10 5 50
15/5/2016 10 9 90
01/6/2016 10 7 70
15/6/2016 10 4 40 Mưa giông
01/7/2016 10 2 20
15/7/2016 10 2 20
01/8/2016 10 0 0
Mưa
15/8/2016 10 0 0
01/9/2016 10 0 0
15/9/2016 10 0 0
01/10/2016 10 0 0
15/10/2016 10 0 0
01/11/2016 10 0 0
15/11/2016 10 0 0
01/12/2016 10 0 0
15/12/2016 10 0 0
Ghi chú: Mẫu thu theo dõi là đoạn ngọn cây sắn với độ dài 20 cm tính từ đỉnh sinh trưởng bị nhiễm rệp sáp bột hồng
132
Bảng 3.30. Mức độ hiện diện của ong ký sinh A. lopezi tại huyện Phú Hòa, Phú Yên năm 2016
Ngày thu mẫu
Số mẫu ngọn cây sắn thu
theo dõi
Số mẫu ngọn cây sắn có ong
ký sinh
Tỉ lệ mẫu có ong ký sinh (%)
05/2/2016 0 0 0
19/2/2016 0 0 0
4/3/2016 10 0 0
18/3/2016 10 0 0
01/4/2016 10 0 0
15/4/2016 10 1 10
29/4/2016 10 2 20
13/5/2016 10 4 40
27/5/2016 10 3 30
10/6/2016 10 1 10
24/6/2016 10 0 0
8/7/2016 10 0 0
22/7/2016 10 0 0
05/8/2016 10 0 0
19/8/2016 10 0 0
01/09/2016 0 0 0
Ghi chú: Mẫu thu theo dõi là đoạn ngọn cây sắn với độ dài 20 cm tính từ đỉnh sinh trưởng bị nhiễm rệp sáp bột hồng
Một nghiên cứu khác về sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi được tiến hành tại các ruộng trồng sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng tại huyện Phú Hòa tỉnh Phú Yên từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2016. Kết quả được trình bày tại bảng 3.30.
133
Kết quả đã ghi nhận sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi trong các mẫu theo dõi (ngọn sắn nhiễm rệp sáp bột hồng) được thu trên ruộng sắn từ 15/4/2016 đến 10/6/2016. Tỷ lệ mẫu theo dõi có sự hiện diện của ong ký sinh A. lopezi đạt từ 10%
đến 40%, đạt cao nhất vào ngày 13/5/2016 (bảng 3.30).
Như vậy, ở điều kiện tự nhiên tại những nơi (chưa có chương trình nhập nội và thả ong ký sinh của IPM-FAO) thuộc một số tỉnh trồng sắn chính tại miền Đông Nam Bộ và tỉnh Phú Yên, ong ký sinh A. lopezi chỉ xuất hiện vào thời gian vài tháng trong năm và không xuất hiện trong điều kiện thời tiết mưa liên tục (mùa mưa). Mức độ xuất hiện của ong ký sinh cũng thay đổi khác nhau giữa các tháng trong năm. Kết quả này chứng tỏ loài ong ký sinh A. lopezi đã du nhập theo vật chủ rệp sáp bột hồng và thiết lập được quần thể với các mức độ khác nhau tại những vùng trồng sắn bị rệp sáp bột hồng xâm nhiễm. Điều này xảy ra do trao đổi hom sắn giống bị nhiễm rệp sáp bột hồng, trong đó có cả các cá thể rệp sáp bột hồng đã bị ký sinh và nguồn ký sinh này tự nhân số lượng, thiết lập quần thể cùng với rệp sáp bột hồng tại nơi ở mới. Ngoài ra, có thể do gió đã giúp phát tán trưởng thành ong ký sinh từ nơi này đến nơi khác. Trưởng thành ong ký sinh Anagyrus lopezi có khả năng phát tán theo gió một khoảng cách khá xa. Theo Tiva Sempetch (2013) [102], tại Thái Lan trong thời gian một vòng đời (15 - 20 ngày) trưởng thành ong ký sinh Anagyrus lopezi có thể di chuyển theo gió đi xa được từ 1 - 20 km.