Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Nông nghiệp: Nghiên cứu rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti (MatileFerrero, 1977) (Homoptera: Pseudococcidae) hại sắn và biện pháp quản lý theo hướng tổng hợp (Trang 32 - 38)

1.3. Nghiên cứu ở ngoài nước về sâu hại cây sắn và rệp sáp bột hồng

1.3.2. Những nghiên cứu về rệp sáp bột hồng hại sắn trên thế giới

1.3.2.4. Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng

Chi tiết về đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti có thể tìm thấy trong một số tài liệu của tác giả ngoài nước (Barilli et al., 2014; Le Rü and Fabres, 1987; Nwanze, 1978; Parsa et al., 2012) [34], [71], [89], [93].

Tập tính hoạt động sống

Trưởng thành cái và rệp sáp non luôn tiết ra chất sáp tạo thành một lớp bột sáp màu trắng bao phủ trên cơ thể chúng (Barilli et al., 2014) [34].

Trưởng thành cái của rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti không có cánh, do đó sự di chuyển của chúng trên cây sắn rất bị hạn chế (Barilli et al., 2014;

19

Nwanze, 1978) [34], [89]. Trưởng thành cái đẻ trứng vào túi trứng ở mặt dưới của lá sắn hoặc xung quanh ngọn, chồi của cây sắn (Parsa et al., 2012) [93].

Rệp sáp non tuổi 1 (được gọi với tên tiếng Anh là “crawler”) hoạt động rất tích cực. Ngay sau khi nở từ trứng, rệp sáp non tuổi 1 phải bò đi tìm kiếm các vị trí thích hợp trên cây sắn để hút dinh dưỡng. Rệp sáp non các tuổi khác rất ít di chuyển trên cây sắn (Barilli et al., 2014; Nwanze, 1978; Parsa et al., 2012) [34], [89], [93].

Rệp sáp non tuổi 1 dễ dàng bị phát tán thụ động nhờ gió (Parsa et al., 2012) [93].

Theo Nwanze (1978) [89], hình như rệp sáp non tuổi 1 có tính hướng quang dương, nên ngay sau khi nở từ trứng chúng đã bò lên phía trên ngọn các chồi sắn tìm kiếm chỗ thích hợp và định vị tại nơi đó để hút dinh dưỡng hoặc phát tán nhờ gió.

Nwanze (1978) [89] đã nghiên cứu về sự phân bố và gây hại của rệp sáp bột hồng P. manihoti trên các bộ phận của cây sắn. Kết quả cho thấy phần lớn (60,21%) số cá thể rệp sáp bột hồng sống ở mặt dưới của các lá sắn đã mở hoàn toàn và 7,78% số cá thể rệp sống ở mặt trên của các lá sắn đã mở hoàn toàn; có 27,48% số cá thể rệp sáp bột hồng sống ở điểm sinh trưởng của cây sắn; chỉ có 1,33% số cá thể rệp sáp bột hồng sống ở cuống lá sắn. Trên lá sắn, có 51,86% số cá thể rệp sáp bột hồng sống ở bên cạnh gân chính của lá sắn; khoảng 36,32% số cá thể sống ở cạnh gân phụ của lá sắn và có 10,23% số cá thể sống ở bản lá sắn; chỉ có 1,59% số cá thể sống ở phần cuống của lá sắn.

Thời gian phát triển các pha và vòng đời Tuổi của rệp sáp non

Nwanze (1978) [89] nuôi rệp sáp bột hồng trên các bộ phận của cây sắn ở mức nhiệt độ 25,9oC ghi nhận rệp sáp non có 3 tuổi. Rệp sáp non của rệp sáp bột hồng P.

manihoti ở Congo có ba tuổi (Le Rü and Fabres, 1987) [34]. Kết quả các nghiên cứu nuôi thí nghiệm ở Brazil và một số nơi khác cũng đều ghi nhận rệp sáp non của rệp sáp bột hồng cũng có ba tuổi (Barilli et al., 2014; Parsa et al., 2012) [34], [93] cũng chỉ ra rằng rệp sáp non của rệp sáp bột hồng có ba tuổi. Nhưng nghiên cứu ở Thái Lan cho thấy rệp sáp non rệp sáp bột hồng có 4 tuổi (Tiva Sempetch, 2013) [102].

20 Thời gian phát triển của các pha/giai đoạn

Thí nghiệm nuôi rệp sáp bột hồng ở mức nhiệt độ 25,9oC, thời gian phát triển của pha trứng, rệp sáp non tuổi 1, rệp sáp non tuổi 2, rệp sáp non tuổi 3 và thời gian trước đẻ trứng tương ứng là 8,0 ngày; 4,5 ngày; 4,1 ngày; 4,2 ngày và 5,2 ngày (Nwanze, 1978) [89].

Thí nghiệm nuôi rệp sáp bột hồng trên giống sắn Santa helena, thời gian phát triển pha trứng và rệp sáp non của rệp sáp bột hồng kéo dài trung bình tương ứng là 7,7 ngày và 17,5 ngày. Rệp sáp non tuổi 1 có thời gian phát triển dài nhất và rệp sáp non tuổi 2 có thời gian phát triển ngắn nhất. Thời gian phát triển của rệp sáp non các tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3 của rệp sáp bột hồng trung bình tương ứng là 6,9 ngày; 4,9 ngày và 5,7 ngày. Thời gian từ pha trứng đến trưởng thành của rệp sáp bột hồng kéo dài trung bình 25,2 ngày. Thời gian trước đẻ trứng của trưởng thành cái là 6,2 ngày.

(Barilli et al., 2014) [34].

Thời gian phát triển của pha rệp sáp non và thời gian trước đẻ trứng của trưởng thành rệp sáp bột hồng cái trong các thí nghiệm thực hiện tại Congo đều kéo dài hơn và tương ứng là 18,5 ngày và 7,4 ngày (Le Rü and Fabres, 1987) [71]. Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở mức nhiệt độ 25oC, thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành của rệp sáp bột hồng kéo dài 31 - 33 ngày (Iheagwam and Eluwa, 1983) [68]. Trong thí nghiệm của Leuschner (1978) [74] cho thấy thời gian phát triển từ pha trứng đến trưởng thành của rệp sáp bột hồng cái kéo dài từ 20 đến 30 ngày phụ thuộc vào mức nhiệt độ.

Thời gian vòng đời

Thời gian vòng đời của rệp sáp bột hồng đạt trung bình là 45,22 ngày (Barilli et al., 2014) [34]. Nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy thời gian vòng đời của rệp sáp bột hồng rất biến động, khoảng từ 32 ngày đến 92 ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ và ẩm độ (Tiva Sempetch, 2013) [102].

Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm, với điều kiện tự nhiên ở phía Nam miền Trung của Brazil rệp sáp bột hồng có thể hoàn thành được 5 thế hệ (Barilli et al., 2014) [34].

21 Bảng sống của rệp sáp bột hồng

Trong các thí nghiệm thực hiện tại Brazil đã tính toán được các thông số bảng sống liên quan đến sự gia tăng quần thể của rệp sáp bột hồng. Hệ số nhân của một thế hệ (Ro) của rệp sáp bột hồng là 223,64 và tỷ lệ tăng tự nhiên (rm) là 0,145; thời gian của một thế hệ tính theo đời con (T) trung bình là 36,5 ngày và thời gian để tăng gấp đôi số lượng của quần thể rệp sáp (Dt) là 4,78 ngày (Barilli et al., 2014) [34].

Trong khi đó, các thí nghiệm thực hiện ở Congo cho thấy hệ số nhân của một thế hệ (Ro) và tỷ lệ tăng tự nhiên (rm) tính được đều đạt cao hơn và tương ứng là 355,0 và 0,155; còn thời gian của một thế hệ tính theo đời con (T) đạt gần tương tự và trung bình là 37,9 ngày (Le Rü and Fabres, 1987) [71].

Sinh sản của rệp sáp bột hồng P. manihoti Giới tính

Theo Nwanze (1978) [89] và Leuschner (1978) [74], không bắt gặp trưởng thành đực của rệp sáp bột hồng ở cả quần thể ngoài đồng ruộng và quần thể nuôi trong phòng thí nghiệm. Rệp sáp bột hồng là loài côn trùng có phương thức sinh sản đơn tính, trưởng thành cái chỉ đẻ ra những trứng sẽ phát triển thành trưởng thành cái rệp sáp bột hồng (Bellotti et al., 2012; Parsa et al., 2012) [36], [93].

Sức đẻ trứng và thời gian đẻ trứng của trưởng thành cái

Sức đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng được công bố trong các tài liệu rất khác nhau. Một trưởng thành cái có thể đẻ được từ 37 đến 497 trứng với trung bình 247,1 trứng/cái (Barilli et al., 2014) [34]. Theo Nwanze (1978) [89], sức đẻ trứng của trưởng thành cái đạt trung bình 440,89 trứng/cái. Trong khi đó, sức đẻ trứng của trưởng thành cái theo dõi ở Congo lại đạt số lượng cao hơn, trung bình là 387,0 trứng/cái (Le Rü and Fabres, 1987) [71]. Trong điều kiện tối thuận, sức đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng biến động từ 200 đến 600 trứng/cái (Iheagwam, 1981; Lema and Herren, 1985; Leuschner, 1978; Parsa et al., 2012) [67], [73], [74], [93]. Nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy mỗi trưởng thành cái rệp sáp bột hồng cái có thể đẻ từ 300 đến 500 trứng (Tiva Sempetch, 2013) [102].

Thời gian đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng cái kéo dài khoảng 14,6 ngày. Trong tuần đầu của thời gian đẻ trứng, sức đẻ trứng hàng ngày của

22

trưởng thành cái rệp sáp bột hồng gia tăng (trung bình tăng 4,5 trứng/ngày) và đạt cao nhất là 32 trứng/ngày vào ngày đẻ trứng thứ 7 hay ngày tuổi thứ 35 của trưởng thành cái. Trong thời gian từ ngày tuổi thứ 31 đến ngày tuổi thứ 37, trưởng thành cái rệp sáp bột hồng có thể đẻ được lượng trứng chiếm đến 55,4% tổng số trứng (Barilli et al., 2014) [34]. Đỉnh cao thời gian đẻ trứng của rệp sáp bột hồng quan sát được từ ngày tuổi thứ 33 đến ngày tuổi thứ 40 của trưởng thành cái và trong thời gian này trưởng thành cái có thể đẻ được 53,6% tổng số trứng (Le Rü and Papierok, 1984) [114].

Tuổi thọ của trưởng thành

Trong thí nghiệm của Nwanze (1978) [89], ở mức nhiệt độ 25,9oC trưởng thành cái rệp sáp bột hồng có thể sống được trung bình 20,2 ngày. Tuổi thọ trung bình của trưởng thành cái trong thí nghiệm được thực hiện ở Brazil là 20,7 ngày (Barilli et al., 2014) [34].

Tỷ lệ sống sót của rệp sáp bột hồng

Rệp sáp bột hồng có tỷ lệ sống sót rất cao khi nuôi thí nghiệm. Trong thí nghiệm nuôi rệp sáp bột hồng thực hiện tại Brazil trên giống sắn Santa helena, tỷ lệ trứng nở đạt 95,75%; rệp sáp non tuổi 1 và tuổi 2 có tỷ lệ sống sót đạt 100% và chỉ tiêu này đối với rệp sáp non tuổi 3 là 96,66%. Tỷ lệ sống sót chung từ pha trứng đến trưởng thành của rệp sáp bột hồng đạt 92,55%. Trong 18 ngày đầu của thời gian đẻ trứng, trưởng thành cái có tỷ lệ sống sót đạt từ 82 đến 92% và sau đó thì tỷ lệ này sẽ giảm rất mạnh (Barilli et al., 2014) [34].

Phạm vi cây thức ăn của rệp sáp bột hồng

Rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti là loài côn trùng hẹp thực (oligophagous) chỉ gây hại trên các loài thuộc chi Manihoti (Akinlosotu, 1983; Cox and Williams, 1981) [32], [48]. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng rệp sáp bột hồng là loài côn trùng chuyên tính trên cây sắn (Gutierrez et al., 1988) [59].

Loài rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti và loài rệp sáp bột P. herreni là những côn trùng gây hại chính trên cây sắn. Ở châu Phi, đã ghi nhận sự gây hại nhẹ của loài rệp sáp bột hồng P. manihoti trên cây thổ sâm (họ cây sam) (Neuenschwander et al., 1986) [82]. Tuy nhiên, ở Nam Mỹ, rệp sáp bột hồng P.

23

manihoti đã được tìm thấy trên các loài cây thuộc chi Citrus spp. (họ cam Rutaceae) và cây Glycine max (L.) Merr. (họ đậu Fabaceae). Còn loài rệp sáp bột P. herreni chỉ được ghi nhận gây hại trên cây sắn (Williams and Willink, 1992) [107]. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, loài rệp sáp bột hồng P. manihoti có thể nuôi được trên cây trạng nguyên (họ Euphorbiaceae) (Boussienguet, 1984) [113].

Một vài nghiên cứu khác đã ghi nhận được rệp sáp bột hồng hút dinh dưỡng trên một số loài thuộc 9 họ thực vật khác nhau. Tại Nigeria, điều tra đã ghi nhận được rệp sáp bột hồng trên 13 loài thuộc 7 họ thực vật khác nhau. Các loài thực vật này gồm 9 loài hoang dại (cây cứt lợn Ageratum conyzodies, cây Aspilla spp., cây cỏ lào Chromolaema odorata, cây cỏ sữa Euphorbia heterophylla, cây Fleurya aestuans, cây hạ diệp châu Phyllanthus amarus, cây rau sam Portulaca oleracea, cây lưỡi rắn Oldenlandia corymbosa, cây bọ xít Sydrella nodiflora), 1 loài cây cảnh (cây cỏ sữa lá lớn Euphorbia hirta) và 3 loài cây rau (rau dền Amaranthus spp., cây đay Corchorus spp., cây thổ sâm Talinum triangulare) (Essien et al., 2013) [52].

Tại phía nam vùng Oshimili đã ghi nhận được 9 loài thực vật là cây thức ăn của rệp sáp bột hồng. Đó là các cây đu đủ, cà chua, lạc, đậu bắp, cỏ lào, củ từ, dứa, sắn thân gỗ và cỏ Eupatoriun odoratum (Egho et al., 2013) [49].

Tuy nhiên, loài côn trùng này rất ưa thích sống trên cây sắn (Essien et al., 2013; Muniappan et al., 2009; Neuenschwander, 2003) [52], [80], [84]. Điều này cũng tương tự như nhận xét ở Thái Lan là rệp sáp bột hồng gây hại nghiêm trọng chỉ trên cây sắn (Winotai et al., 2010) [108].

Theo kết quả công bố của CABI (2012) [44], thức ăn ưa thích đặc biệt của rệp sáp bột hồng là cây sắn và các loài khác thuộc chi Manihot. Các loài cây trồng khác và các loài thực vật hoang dã chỉ ghi nhận bị rệp sáp bột hồng gây hại nhẹ. Các loài thổ nhân sâm Talinum triangulare và cây trạng nguyên Poinsettia thích hợp cho việc nhân nuôi rệp sáp bột hồng trong phòng thí nghiệm. Các ghi nhận về sự xuất hiện của loài rệp sáp bột hồng này trên các cây trồng khác dường như là ngẫu nhiên (Herren and Neuenschwander, 1991) [66]. Mặc dù rệp sáp bột hồng đã được thu thập trên các loài thực vật khác nhau như cây ăn quả có múi, cà chua, nhưng không có bằng chứng cho thấy nó có thể tồn tại hơn một thế hệ trên các loài cây trồng khác

24

ngoài các loài thuộc chi Manihot và cây khác thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae (Williams and Willink, 1992) [107].

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Nông nghiệp: Nghiên cứu rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti (MatileFerrero, 1977) (Homoptera: Pseudococcidae) hại sắn và biện pháp quản lý theo hướng tổng hợp (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)