Tại Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây sắn. Tuy nhiên, những nghiên cứu chủ yếu tập trung về lĩnh vực chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác cây sắn. Các nghiên cứu về sinh vật hại nói chung và sâu hại trên cây sắn nói riêng còn rất hạn chế.
Đến nay đã có ít nhất 4 đợt điều tra cơ bản sâu bệnh hại cây trồng trên quy mô lớn (1967 - 1968, 1977 - 1980, 1997 - 1998, 2006 - 2010), nhưng không có đợt điều tra cơ bản nào có danh lục thành phần sâu hại cây sắn (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2010b; Viện Bảo vệ thực vật, 1976, 1999a, 1999b) [3], [27], [28], [29]. Đến nay có 6 loài chân khớp ăn thực vật được ghi nhận là sâu hại cây sắn ở Việt Nam (kể cả loài rệp sáp bột hồng mới xâm nhập vào). Tuy nhiên, sự ghi nhận những loài côn trùng/nhện nhỏ này là sâu hại cây sắn mang tính tản mạn trong các công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu về vài nhóm chân khớp ăn thực vật mà cây sắn là cây thức ăn của chúng (Bộ môn Côn trùng, 2003; Nguyễn Thị Chắt và nnk., 2005; Nguyễn Văn Đĩnh, 1992; Phạm Văn Lầm, 2013; Lê Thị Tuyết Nhung và nnk., 2011; Trần Huy Thọ và nnk., 2000) [1], [6], [11], [17]. [19], [21].
Gần đây, tại Quảng Ngãi đã tiến hành điều tra thành phần sâu bệnh hại cây sắn trong hai năm 2012 - 2013 và ghi nhận được 3 loài sâu hại (nhện đỏ hai chấm, bọ phấn, rệp sáp), 4 loại bệnh hại (bệnh chổi rồng, bệnh đốm vàng, bệnh đốm hồng, bệnh đốm xám). Trong số đó, nhện đỏ hai chấm Tetranychus urticae và bệnh chổi rồng do Phytoplasma là 2 đối tượng gây hại chính làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của cây sắn (Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi, 2013) [7].
1.4.2. Nghiên cứu về rệp sáp bột hồng ở Việt Nam 1.4.2.1. Thành phần rệp sáp bột trên cây sắn ở Việt Nam
Đến nay, ở Việt Nam có rất ít những nghiên cứu chuyên về rệp sáp nói chung, rệp sáp bột trên cây sắn nói riêng. Các dẫn liệu có được về rệp sáp hại cây trồng ở Việt Nam được công bố tản mạn theo nhiều đề tài nghiên cứu, điều tra khác nhau.
Điều tra trong các năm 1999 - 2007 trên nhiều loài cây trồng ở phía Nam, đã
30
ghi nhận được 40 loài rệp sáp thuộc các họ Coccidae, Dispididae, Pseudococcidae, nhưng chỉ có một loài rệp sáp bột Ferrisia virgata ghi nhận được trên cây sắn (Nguyễn Thị Chắt, 2008) [5].
Đến năm 2013, từ nhiều công trình đã công bố, đã thống kê được 35 loài thuộc họ rệp sáp bột (Pseudococcidae) gây hại trên các loài cây trồng ở Việt Nam, trong đó có cả loài rệp sáp bột hồng hại cây sắn (Phạm Văn Lầm, 2013) [17]. Cũng theo tác giả này, trên cây sắn ở Việt Nam đã ghi nhận được hai loài rệp sáp bột trong tổng số 6 loài sâu hại cây sắn được ghi nhận đến năm 2013. Đó là các loài Ferrisia virgata và Phenacoccus manihoti.
Gần đây đã ghi nhận được 4 loài rệp sáp giả trên cây sắn ở tỉnh Tây Ninh. Đó là các loài Ferrisia virgata, Paracoccus marginatus, Phenacoccus manihoti, Pseudococcus jackbeardsleyi (Lê Thị Tuyết Nhung và nnk., 2014) [20].
1.4.2.2. Sự xâm lấn và tác hại của rệp sáp bột hồng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, rệp sáp bột hồng P. manihoti là loài côn trùng hại ngoại lai. Lần đầu tiên rệp sáp bột hồng được phát hiện tại vùng trồng sắn của tỉnh Tây Ninh vào tháng 7/2012 trên diện tích bị nhiễm là 169 ha với tỷ lệ cây sắn bị nhiễm phổ biến ở mức 10 - 15%, một số ít có tỷ lệ bị nhiễm đạt ở mức cao tới 25 - 50% (Cục Bảo vệ thực vật, 2013) [8].
Đến năm 2013, đã ghi nhận 10 tỉnh có sự hiện diện và gây hại của rệp sáp bột hồng trên cây sắn với tổng diện tích bị nhiễm rệp sáp bột hồng là 1 350,037 ha (Cục Bảo vệ thực vật, 2013) [8].
1.4.2.3. Nghiên cứu đặc điểm hình thái của rệp sáp bột hồng
Đây là loài côn trùng hại ngoại lai mới được ghi nhận xâm lấn vào Việt Nam gây hại trên cây sắn. Những nghiên cứu chuyên về loài côn trùng này còn rất hạn chế. Có một vài nghiên cứu bước đầu về rệp sáp bột hồng ở những vùng bị loài này xâm lấn. Các nghiên cứu này chủ yếu phục vụ cho việc ngăn chặn sự lây lan của rệp sáp bột hồng.
Cũng đã có nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng, nhưng chưa có nghiên cứu nào quan tâm tới việc mô tả các đặc điểm hình thái học của rệp
31
sáp bột hồng (Trần Đăng Hòa, Nguyễn Thị Giang, 2014; Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a, 2018b) [12], [23], [25].
1.4.2.4. Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng
Cho đến nay, ở Việt Nam có một vài kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh vật học của rệp sáp bột hồng được thực hiện tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế). Nghiên cứu này đã thu rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti trên cây sắn tại tỉnh Quảng Trị để tạo nguồn rệp sáp bột hồng cho thí nghiệm. Rệp sáp bột hồng được nuôi trong nhiều điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cố định, chế độ chiếu sáng 12 giờ sáng/ngày với thức ăn là lá các giống sắn khác nhau. Kết quả cho thấy thời gian pha trứng là 4,5 - 11,7 ngày. Rệp sáp non có 3 hoặc 4 tuổi. Thời gian phát triển của cả pha rệp sáp non kéo dài từ 11,8 ngày đến 28,1 ngày. Thời gian từ trứng đến thành trưởng thành từ 16,3 đến 39,7 ngày. Thời gian trước đẻ trứng kéo dài từ 3,1 - 8,8 ngày (Trần Đăng Hòa, Nguyễn Thị Giang, 2014; Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a, 2018b) [12], [23], [25].
Trong các thí nghiệm ở nhiều điều kiện khác nhau tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho thấy sức đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti thay đổi từ 125,4 - 346,6 trứng/cái; thời gian sống của trưởng thành cái từ 7,6 đến 18,6 ngày (Trần Đăng Hòa, Nguyễn Thị Giang, 2014;
Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a, 2018b) [12], [23], [25].
1.4.2.5. Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của rệp sáp bột hồng
Ở Việt Nam, tuy không nhiều nhưng cũng có một số kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh thái học rệp sáp bột hồng. Đã tiến hành thí nghiệm nuôi rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti ở hai điều kiện nhiệt độ cố định (25oC; 27,5oC) với cùng ẩm độ và chế độ chiếu sáng và thức ăn là lá cây sắn giống KM94. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống sót các pha/giai đoạn phát triển của rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti ở các điều kiện thí nghiệm không giống nhau. Tỷ lệ sống sót các pha/giai đoạn trước trưởng thành của rệp sáp bột hồng ở 25oC đều thấp hơn so với chỉ tiêu tương ứng ở 27,5oC. Cụ thể, tỷ lệ nở của trứng rệp sáp bột hồng đạt không cao, chỉ từ 49,97% ở 25oC đến 56,12% ở 27,5oC. Rệp sáp non tuổi 1 có tỷ lệ sống sót đạt
32
cao hơn so với tỷ lệ sống sót của rệp non các tuổi khác và biến động từ 70,0% ở 25oC đến 76,7% ở 27,5oC. Rệp non tuổi 4 có tỷ lệ sống sót đạt thấp nhất trong các tuổi rệp non, chỉ tiêu này đạt 50,0% ở 25oC và 60,0% ở 27,5oC. Tỷ lệ sống sót của rệp non tuổi 2, tuổi 3 biến động trong phạm vi 53,3 - 60,0% ở 25oC đến 60,0 - 63,3% ở 27,5oC. Tỷ lệ sống sót của rệp sáp non các tuổi ở 27,5oC (là 60,0 - 76,7%) luôn cao hơn so với tỷ lệ sống sót ở 25oC (là 50,0 - 70,0%) (Trần Đăng Hòa, Nguyễn Thị Giang, 2014) [12].
Một nghiên cứu khác đã tiến hành đánh giá ảnh hưởng của 6 mức nhiệt độ (20;
22,5; 25; 27,5; 30 và 32,5oC) đến sinh trưởng, phát triển của rệp sáp bột hồng. Kết quả cho thấy khi nhiệt độ gia tăng thì thời gian phát triển các pha/giai đoạn cũng như thời gian sống của trưởng thành cái ở loài rệp sáp bột hồng đều rút ngắn lại.
Thời gian từ trứng đến trưởng thành ngắn nhất ở 32,5oC và kéo dài nhất ở 20oC (tương ứng là 16,3 và 39,7 ngày). Thời gian sống của trưởng thành cái kéo dài nhất là 18,6 ngày ở 20oC, rút ngắn khi nhiệt độ thí nghiệm gia tăng và ngắn nhất chỉ còn 7,6 ngày ở 32,5oC (Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a) [23].
Nhiệt độ cũng ảnh hưởng khá rõ đến sức đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng. Nhiệt độ gia tăng từ 20oC đến 30oC thì sức đẻ trứng của trưởng thành cái rệp sáp bột hồng tăng từ 125,4 trứng/cái lên 315,2 trứng/cái. Nhưng nhiệt độ gia tăng tiếp lên 32,5oC thì chỉ tiêu này lại giảm xuống rất thấp và chỉ còn là 94,1 trứng/cái (Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a) [23]. Nhiệt độ gia tăng từ 20oC đến 30oC thì tỷ sống sót của rệp sáp non các tuổi gia tăng, nhưng nếu nhiệt độ gia tăng tiếp lên 32,5oC thì tỷ sống sót của rệp sáp non các tuổi lại giảm. Thí dụ, nhiệt độ tăng từ 20oC đến 30oC thì tỷ sống sót của rệp sáp non tuổi 2 tăng từ 56,7% lên 73,3%; nhưng chỉ tiêu này chỉ là 56,7% ở 32,5oC (Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018a) [23].
Tại Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cũng đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của 5 giống sắn (KM94, KM981, KM444, KM419, HL23) đến sinh trưởng, phát triển của rệp sáp bột hồng. Kết quả cho thấy khi nuôi trên giống KM981, rệp sáp bột hồng có thời gian phát triển kéo dài nhất (thời gian từ trứng đến trưởng thành là 28,2 ngày), sức đẻ trứng thấp nhất (163,87 trứng/cái), tỷ lệ sống sót của rệp
33
sáp non đạt thấp nhất (53,33 - 76,67%) so với các chỉ tiêu tương ứng (25,13 - 27,47 ngày; 216,73 - 346,6 trứng/cái; 60,0 - 90,0%) khi nuôi trên các giống sắn KM94, KM444, KM419, HL23 (Hoàng Hữu Tình và nnk., 2018b) [25].
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu công bố về tình hình phát sinh, phát triển trong năm tại các địa điểm mà loài rệp sáp bột hồng này đã xâm lấn và thiết lập được quần thể.
1.4.2.6. Nghiên cứu biện pháp phòng chống rệp sáp bột hồng
Đến nay, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu khoa học nào về các biện pháp phòng chống rệp sáp bột hồng. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự lây lan của loài côn trùng ngoại lai nguy hiểm này, dựa vào kết quả nghiên cứu ở trên thế giới đã chỉ đạo sử dụng thuốc hóa học để phòng chống rệp sáp bột hồng. Thực tế cho thấy việc sử dụng các loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật để phòng chống loài sinh vật hại này đều đem lại hiệu quả rất thấp (Cục Bảo vệ thực vật, 2013) [8].
Trên cơ sở các nghiên cứu của thế giới, Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn bước đầu các biện pháp nhằm quản lý và ngăn ngừa sự bùng phát của rệp sáp bột hồng trên diện rộng tại Việt Nam. Phối hợp với một số tổ chức quốc tế như FAO, CIAT đã có thử nghiệm áp dụng quy trình sử dụng ong ký sinh Anagyrus lopezi trong quản lý rệp sáp bột hồng được tiến hành tại một vài nơi. Kết quả của các thử nghiệm này chưa được công bố chính thức.
Để có cơ sở khoa học chắc chắn trong lợi dụng ong ký sinh Anagyrus lopezi để phòng chống rệp sáp bột hồng ở điều kiện Việt Nam, một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của 3 mức nhiệt độ (25; 27,5 và 30oC) đến ong ký sinh Anagyrus lopezi đã được tiến hành. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy các nhiệt độ thí nghiệm không ảnh hưởng đến tập tính lựa chọn vật chủ của trưởng thành cái ong ký sinh.
Nhiệt độ tăng từ 25oC lên 30oC dẫn đến thời gian phát triển của ong ký sinh Anagyrus lopezi rút ngắn hơn. Thí dụ, thời gian từ trứng đến trưởng thành kéo dài 19,2 ngày ở 25oC và chỉ là 14,8 ngày ở 30oC. Ở 27,5oC, tỷ lệ ký sinh, tỷ lệ ong vũ hóa và tổng số ong vũ hóa từ một trưởng thành cái ban đầu đều đạt cao hơn so với ở 25 và 30oC (Hoàng Hữu Tình và nnk., 2017) [24].