CHƯƠNG 2. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.4. Phương phápnghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp rệp sáp bột hồng
49 2.4.4.1. Nghiên cứu biện pháp thủ công
Biện pháp thủ công được áp dụng trong nghiên cứu này là ngắt và tiêu hủy ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Thí nghiệm đánh giá hiệu quả biện pháp ngắt, tiêu hủy ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng được thực hiện tại huyện Đồng Xuân và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Thí nghiệm gồm 2 công thức:
- Công thức 1: Ngắt ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng và tiêu hủy.
- Công thức 2 (đối chứng): Không ngắt ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, không phun thuốc trừ sâu.
Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên, diện tích mỗi công thức tối thiểu là 300 m2. Trên công thức 1 tiến hành ngắt bỏ toàn bộ các ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Độ dài của ngọn cây sắn được ngắt bỏ là 20 cm tính từ đỉnh sinh trưởng. Phần ngọn cây sắn bị ngắt là bộ phận cây sắn tập trung phần lớn số lượng cá thể của quần thể rệp sáp bột hồng.
Trên các công thức thí nghiệm đã tiến hành điều tra mức độ bị nhiễm rệp sáp bột hồng vào các thời điểm trước khi ngắt ngọn cây sắn, sau ngắt ngọn cây sắn 7, 14, 21 và 28 ngày. Chỉ tiêu điều tra là số lượng ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, mức độ bị nhiễm rệp sáp bột hồng của các ngọn cây sắn.
Dựa vào số liệu điều tra, tính tỷ lệ ngọn cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng (%). Chỉ tiêu này được tính như sau:
Tỷ lệ ngọn cây sắn bị nhiễm (%) =
Số ngọn cây sắn bị nhiễm RSBH
x 100 Tổng số ngọn cây sắn điều tra
- Mức độ bị nhiễm rệp sáp bột hồng của các ngọn cây sắn được đánh giá theo thang cấp sau:
+ Cấp 0: Không bị nhiễm rệp sáp bột hồng
+ Cấp 1: Bị nhiễm nhẹ (rệp sáp bột hồng xuất hiện rải rác trên ngọn cây sắn) + Cấp 2: Bị nhiễm trung bình (rệp sáp bột hồng bao phủ dưới 1/3 bề mặt của ngọn cây sắn)
50
+ Cấp 3: Bị nhiễm nặng (rệp sáp bột hồng bao phủ nhiều hơn 1/3 bề mặt của ngọn cây sắn).
- Yếu tố cấu thành năng suất và năng suất sắn củ ở các công thức thí nghiệm Năng suất lý thuyết = Năng suất sắn củ của 1 khóm sắn x Tổng số khóm sắn/ha 2.4.4.2. Đánh giá hiệu quả của biện pháp hóa học kết hợp biện pháp thủ công
Thí nghiệm đánh giá hiệu quả của biện pháp hóa học kết hợp với ngắt và tiêu hủy ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng đối với rệp sáp bột hồng được thực hiện tại huyện Đồng Xuân và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Thuốc hóa học bảo vệ thực vật được sử dụng trong thí nghiệm là Actara 25 WG (là loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phổ biến và được đánh giá là có hiệu lực tốt). Thí nghiệm gồm 3 công thức:
Công thức 1: Ngắt và tiêu hủy ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, phun một lần thuốc Actara 25 WG (liều lượng 6g/1 000m2 ).
Công thức 2: Không ngắt ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, phun một lần thuốc Actara 25 WG (liều lượng 6g/1 000m2 ).
Công thức 3: Không ngắt ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, không phun thuốc.
Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên, diện tích mỗi công thức tối thiểu là 300m2. Tiến hành theo dõi tình hình bị nhiễm rệp sáp bột hồng vào các thời điểm trước khi tác động các biện pháp, sau khi tác động các biện pháp 7, 14, 21 và 28 ngày. Chỉ tiêu điều tra, mức độ bị nhiễm rệp sáp bột hồng, tỷ lệ ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng và năng suất sắn củ ở các công thức thí nghiệm được tính hoặc đánh giá như nêu trong mục 2.4.4.1.
2.4.4.3. Nghiên cứu sử dụng thiên địch tự nhiên để phòng chống RSBH
Nhân nuôi ong ký sinh Anagyrus lopezi để phục vụ thí nghiệm được thực hiện trong nhà lưới của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh.
Nuôi vật chủ để nhân nuôi ong ký sinh
Vật chủ để nhân nuôi ong ký sinh Anagyrus lopezi trong nghiên cứu này là rệp sáp bột hồng Phenacoccus manihoti. Theo Tiva Sempetch (2013)[102], rệp sáp bột hồng có thể được nuôi hoàn toàn trên cây sắn hoặc nuôi hoàn toàn trên quả bí ngô.
Trong nghiên cứu này, rệp sáp bột hồng được nuôi theo phương pháp kết hợp vừa
51
nuôi trên cây sắn vừa nuôi trên quả bí ngô. Sử dụng nguồn hom sắn sạch để nuôi rệp sáp bột hồng thế hệ thứ nhất. Sau đó, để nuôi với số lượng lớn đã chuyển rệp sáp bột từ cây sắn sang nuôi trên quả bí ngô trong điều kiện có che tối.
Nhân nuôi ong ký sinh Anagyrus lopezi
Nguồn ong ký sinh Anagyrus lopezi được nhập nội từ Thái Lan. Sử dụng nguồn rệp sáp bột hồng đã được nuôi theo phương pháp nêu trên để nhân nuôi ong ký sinh A. lopezi. Việc nhân nuôi ong ký sinh được thực hiện theo phương pháp của Tiva Sempetch (2013) [102].
Xếp quả bí ngô có rệp sáp non tuổi 3 vào kệ 3 tầng đặt trong lồng nuôi côn trùng (kích thước 0,8 x 0,9 x 0,7 m) để ở nơi thoáng mát. Thả trưởng thành ong ký sinh với số lượng 5-10 cặp ong/quả bí ngô (quả bí ngô có khối lượng khoảng 0,5kg) tùy thuộc vào số lượng rệp sáp non tuổi 3 có trên quả bí ngô. Nếu rệp sáp non tuổi 3 phủ 75% bề mặt quả bí ngô thì thả khoảng 8 cặp trưởng thành ong ký sinh cho một quả bí ngô. Phụ thuộc nhiệt độ phòng nuôi, khoảng 15 - 21 ngày sau thả trưởng thành ong ký sinh vào lồng nuôi côn trùng có quả bí ngô với rệp sáp non tuổi 3 thì sẽ xuất hiện trưởng thành ong ký sinh thế hệ mới với số lượng tăng gấp 20 - 40 lần so với số lượng trưởng thành ong ký sinh thả vào ban đầu.
Trưởng thành ong ký sinh thế hệ mới được thu vào các chai nhựa sạch (chai đựng nước khoáng 500 ml) để đưa đi thả ra đồng sắn. Trường hợp chưa thả ngay có thể bảo quản trưởng thành ong ký sinh trong tủ định ôn ở nhiệt độ 15oC với thời gian tới 30 ngày.
Đánh giá hiệu quả thả ong ký sinh Anagyrus lopezi trên đồng ruộng
Chọn ruộng sắn đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng để tiến hành thí nghiệm thả ong ký sinh Anagyrus lopezi. Năm 2014 thí nghiệm tại 3 xã gồm Thanh Điền, An Bình (huyện Châu Thành) và xã Phan (huyện Dương Minh Châu). Năm 2015 thí nghiệm tại 3 xã gồm Ninh Điền, Hảo Đước (huyện Châu Thành) và Bình Minh (tp. Tây Ninh).
Tại mỗi xã chọn 3 ruộng, mỗi ruộng có diện tích 1 ha để thả ong ký sinh.
Đồng thời chọn 3 ruộng đối chứng không thả ong. Mỗi năm tiến hành thả 1 lần ong ký sinh khi ruộng sắn có 10% số cây bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Số lượng trưởng
52
thành ong ký sinh được thả là 500 cặp ong/1 ha (ước khoảng 4 - 5 cặp ong/ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng). Ong ký sinh được thả nhiều điểm ở phía đầu hướng gió trên ruộng thí nghiệm để chúng dễ dàng phát tán theo gió.
Tiến hành điều tra tình hình cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng và tình hình rệp sáp bột hồng bị ký sinh trên ruộng sắn được thả ong ký sinh và ruộng không được thả ong ký sinh. Mỗi ruộng điều tra 5 điểm trên 2 đường chéo góc. Tại mỗi điểm điều tra ngẫu nhiên 10 cây sắn (các cây sắn được điều tra cách nhau 10 cây sắn).
Quan sát và ghi nhận các chỉ tiêu sau: số ngọn sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, mật độ rệp sáp bột hồng (con/ngọn), số cá thể rệp sáp bột hồng bị ký sinh và số cá thể rệp sáp bột hồng không bị ký sinh trên từng ngọn cây sắn được điều tra. Việc điều tra được thực hiện vào các thời điểm 15 ngày, 30 ngày, 45 ngày và 60 ngày sau khi thả ong ký sinh.
Đồng thời tiến hành đánh giá sự phát tán của ong ký sinh Anagyrus lopezi.
Chọn 6 xã chưa được thả ong ký sinh tại tỉnh Tây Ninh và một số xã của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu, tỉnh Đồng Nai có vị trí địa lý gần sát với tỉnh Tây Ninh để điều tra tình hình rệp sáp bột hồng bị ký sinh bởi ong Anagyrus lopezi. Mỗi xã chọn 3 ruộng để điều tra. Việc điều tra được tiến hành theo phương pháp nêu trên và tiến hành 10 ngày/lần trong các tháng 3 - 5 năm 2014.