Chương 2 KẾT HỢP TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI TRONG XÂY DỰNG
2.2.1. Nét đặc thù của công nhân ngành than Quảng Ninh
Là một trong những công nhân ra đời sớm nhất so với công nhân cả nước, lại chịu bóc lột trực tiếp bởi tư sản mỏ thực dân cùng với những đặc điểm ngành nghề có những nét khác biệt, ngay từ khi ra đời, công nhân ngành than Quảng Ninh đã sớm mang trong mình những nét đặc thù:
Thứ nhất: công nhân than Quảng Ninh ra đời sớm, lại chịu bóc lột trực tiếp, nặng nề bởi chế độ thực dân nên sớm hình thành truyền thống đấu tranh cách mạng.
Có thể nói công nhân mỏ ở Quảng Ninh được hình thành sớm nhất và tập trung với số lượng đông đảo nhất so với công nhân cả nước, từ cuối thế kỷ
XIX cùng với sự đô hộ của thực dân Pháp xâm lược. Theo lịch sử, ngành khai thác than được ghi nhận ra đời vào ngày 10.1.1840 (tức mùng 6 tháng chạp năm Kỷ Hợi - năm Minh Mạng thứ 20), Vua Minh Mạng đã phê chuẩn theo lời cầu xin của Tổng đốc Hải An Tôn Thất Bật, cho phép mở mỏ khai thác than tại núi Yên Lãnh, xã Đông Triều (nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Đông Triều).
Ngày 18/2/1885, Triều đình Huế ký với Pháp một bản công ước về mỏ. Sau khi lập được quyền thống trị trên đất Quảng Ninh, thực dân Pháp biến vùng mỏ thành "vương quốc" của bọn chủ mỏ thực dân. Hoạt động trực tiếp về mỏ của thực dân Pháp chính thức được diễn ra từ năm 1888. Quá trình mở rộng khai thác than của bọn thực dân cũng là quá trình hình thành đội ngũ công nhân mỏ ngày càng đông đảo và tập trung. Sống dưới ách thống trị của bọn đế quốc, phong kiến và bọn chủ mỏ thực dân, những người công nhân mỏ bị bóc lột thậm tệ. Trong cuốn tiểu thuyết "Trên đường cái quan", R.Dorgelès viết:
Khi tôi đi thăm mỏ, tôi thấy các tầng mỏ lúc nhúc công nhân.
Những sinh vật mặc quần áo tả tơi. Họ cuốc với hai cánh tay gầy còm. Cũng có nhiều đàn bà, miệng nhai trầu đỏ như trào máu họng.
Đằng sau những xe goòng nhỏ, những đứa trẻ còng lưng đẩy: thân hình bé tí, khô khan, mặt tràn mệt nhọc như đã kiệt quệ, than bụi bám đen mò [25, tr. 126].
Áp bức, bóc lột đè trên lưng người thợ mỏ Quảng Ninh đã đặt người công nhân mỏ vào hoàn cảnh những người đau khổ nhất trong số những người bị mất nước nên sớm hình thành trong họ truyền thống đấu tranh cách mạng. Để cải thiện đời sống, công nhân mỏ phải tự mình đấu tranh công khai.
Buổi đầu cuộc đấu tranh theo hướng này nổ ra lẻ tẻ, tự phát. Hình thức đấu tranh đầu tiên ở đây không phải là đập phá máy móc như công nhân các nước châu Âu mà là những cuộc bỏ trốn tập thể hoặc cá nhân và những vụ đánh cai Tây gian ác. Tháng 2/1916, cuộc đấu tranh đầu tiên của thợ mỏ Quảng Ninh
mang đặc trưng của giai cấp công nhân hiện đại đã nổ ra. Từ năm 1925 đến năm 1928, ở khu mỏ Quảng Ninh đã xảy ra nhiều cuộc đấu tranh trong đó có 5 cuộc đấu tranh (3 cuộc bãi công và 2 cuộc biểu tình) diễn ra trong quy mô của một mỏ hoặc trong khu vực một công ty. Điểm nổi bật là trong cuộc đấu tranh này, thợ mỏ đã bắt đầu biết vận động, phối hợp, hành động giữa các bộ phận thợ khác ngành nghề, làm cho cuộc đấu tranh nổ ra trên quy mô lớn, có sức áp đảo, yêu sách đưa ra trong đấu tranh cụ thể và thiết thực, phản ánh nguyện vọng của đông đảo thợ mỏ. Sự thắng lợi cũng như sự thất bại của các cuộc đấu tranh này đã đặt ra vấn đề là: Phải có một tổ chức chặt chẽ, đông đảo được giác ngộ về quyền lợi chung của giai cấp và dân tộc, phải có người lãnh đạo kiên quyết vững vàng, có khả năng đương đầu với kẻ thù, đại diện trung thành quyền lợi thiết thân lâu dài của họ. Những đòi hỏi ấy đã cho thấy sự chuyển biến trong tư tưởng của người công nhân từ tự phát sang tự giác, mở đầu cho một truyền thống đấu cách mạng từ rất sớm trước khi có ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin rọi vào vùng mỏ.
Thứ hai: công nhân than Quảng Ninh chủ yếu xuất thân từ nông dân, được tuyển mộ từ nhiều nơi, phát triển nhanh về số lượng, có mật độ tập trung cao và thuần nhất nên đã sớm hình thành tình hữu ái giai cấp và văn hóa công nhân mỏ.
Công nhân mỏ hầu hết xuất thân từ nông dân, chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng bắc bộ (chiếm tới 80% tổng số thợ mỏ) những người còn lại là nông dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và một bộ phận không nhỏ là nông dân Quảng Ninh. Công nhân phải sống tập trung trong một số lán trại một số khu vực dành riêng cho thợ. Mỗi lán có hàng trăm thợ, mỗi khu có hàng chục lán. Chẳng hạn như mỏ than Vàng Danh có gần 4.500 thợ mà phải chen chúc trong một cái thung lũng nhỏ hẹp chưa tới một cây số vuông [35. Tr.128].
Vào năm 1957, Viện bảo tàng Quảng Ninh đã tiến hành điều tra nguồn gốc của công nhân ở một số phố thợ. Kết quả điều tra cho biết, cứ 100 công
nhân được hỏi thì có 94 người gốc là nông dân và 6 người thuộc thành phần khác, trong đó đa số là nông dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ [4].
Cho đến nay, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, đã có hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế ra đời thu hút một lượng lao động rất lớn nhưng không nhiều nơi có mật độ tập trung công nhân cao như ở vùng than Cẩm Phả, Hòn Gai, Vàng Danh và Mạo Khê. Riêng Cẩm Phả còn được mệnh danh là “Thành phố Than – Thủ đô của thợ mỏ”. Tuy nhiên, số công nhân là người ngoại tỉnh vẫn chiếm số lượng lớn.
Không chỉ tập trung với mật độ cao, công nhân mỏ Quảng Ninh còn có tính chất thuần nhất. Phần lớn họ là phu xuất thân từ nông dân làm việc bằng chân tay nặng nhọc trong các tầng lò. Ngay cả với thợ có kỹ thuật thì tiền công cũng không chênh nhau là mấy và đều bị bóc lột nặng nề.
Do tính chất lao động trong ngành mỏ là loại lao động nặng nhọc nên công nhân nam giới chiếm tỉ lệ cao sao với công nhân nữ và trẻ em. Công nhân nữ chỉ có thể làm những công việc này tại các cơ sở trên mặt đất. Chẳng hạn năm 1939, công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ có 21.385 công nhân thì trong đó: 18.012 người là công nhân nam (chiếm 84,2%), 2.901 người là công nhân nữ (chiếm 16,3%), 472 người là công nhân trẻ em (chiếm 2,2%) [92, tr.51].
Trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu này vẫn không có sự thay đổi. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ nam công nhân chiếm 85% [32].
Do tập trung với mật độ cao lại thuần nhất nên tinh thần tập thể, đoàn kết của người nông dân trong xã thôn đã sớm chuyển thành tình hữu ái giai cấp trong YTCT của người công nhân mỏ. Một tinh thần đoàn kết, gắn bó, hữu ái, thương yêu trong đấu tranh đã sớm xuất hiện. Đây là một trong những giá trị cốt lõi để hình thành nên văn hóa công nhân mỏ.Nét văn hóa rất riêng đó sẽ còn tiếp tục được duy trì và phát triển trong hiện tại và tương lai. Bởi nó chính là nền tảng tinh thần vững chắc để thợ mỏ vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức hướng tới xây dựng ngành than phát triển mạnh mẽ.
Thứ ba: công nhân than Quảng Ninh ra đời trên vùng đất có truyền thống yêu nước nên sớm chịu tác động bởi các giá trị truyền thống của quê hương.
Mảnh đất Quảng Ninh vốn có truyền thống yêu nước, đấu tranh quật cường là nơi sinh ra đội ngũ công nhân Quảng Ninh. Ngay từ buổi ban đầu những người thợ mỏ đã sớm tham gia vào các phong trào yêu nước, phong trào dân tộc do các tầng lớp sĩ phu trong tỉnh lãnh đạo như: Năm 1885, phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Triều do Đốc Tít lãnh - Phong trào quần chúng do Lưu Kì lãnh đạo năm 1891 gồm Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ làm cho thực dân Pháp tại khu vực mỏ than bị nghĩa quân uy hiếp mạnh. Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Lãnh Pha, Lãnh Hy năm 1890 - 1895 xây dựng căn cứ ở Vạn Hoa và Hà Vốc vốn thuộc huyện Kế Bào. Công nhân mỏ Cẩm Phả, mỏ Magnota, mỏ Kế Bào…đã tham gia tích cực vào hai cuộc khởi nghĩa này. Lực lượng nghĩa quân là thợ mỏ khá đông, bên cạnh thợ mỏ Việt, có cả thợ mỏ Hoa. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc rèn đúc binh khí và trong các cuộc tấn công.
Hòa mình vào những cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, những công nhân mỏ sẵn lòng căm thù sâu sắc bè lũ thực dân, lại càng thiết thiết tha yêu nước. Vì vậy, khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin sớm dọi vào vùng mỏ Quảng Ninh, bằng con đường "vô sản hóa" của những thanh niên cách mạng như đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Xứng, Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Văn Lịch… đã khiến cho những người công nhân dễ dàng giác ngộ lý tưởng cộng sản, tiếp thu tư tưởng cách mạng mới và giác ngộ sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình.
Thứ tư: công nhân than Quảng Ninh làm việc trong môi trường sản xuất nguy hiểm độc hại nên số lượng công nhân truyền thống ngày càng có xu hướng giảm dần.
Khai thác mỏ là một công việc nặng nề. Nhiều người đã phát biểu rằng “đường cùng mới chọn nghề thợ mỏ” đủ biết công nhân ngành than làm việc vất vả và nguy hiểm như thế nào.
Trong thời kỳ thuộc Pháp, do phương pháp khai thác lạc hậu, cũ kỹ thủ công, lại không có phương tiện bảo hiểm nên hầu hết những công việc của người thợ mỏ như mở lò, khoan bắn, cuốc than, chống lò, đẩy xe than… đều nặng nhọc, vất vả. Công việc nặng nhọc cộng với chế độ ăn uống kham khổ nên người thợ mỏ rất nhanh chóng kiệt sức. Tai nạn đổ tầng, sập lò và bệnh tật chết chóc thường xuyên. Những người thợ làm lò cố hết sức cũng chỉ làm nổi 15 - 17 công trên một tháng và thường đến 30 tuổi đã bị chủ đuổi ra khỏi sở vì không còn sức cuốc than cho chúng nữa.
Trong giai đoạn hiện nay, khai thác than vẫn là một ngành lao động đặc thù, được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hầu hết các mỏ có kiến tạo phức tạp, công nghệ khai thác lạc hậu, điều kiện môi trường lao động khắc nghiệt, người lao động phải làm việc dưới hầm sâu, chật hẹp, gò bó, tối tăm, thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố, nguy cơ gây nên các bệnh nghề nghiệp và những bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Trong quy trình khai thác mỏ có nhiều công đoạn phát sinh bụi như đào, xúc, múc, khoan đá, nổ mìn, vận chuyển, nghiền sàng, bốc dỡ đất. Vì vậy, công nhân khai thác mỏ phải tiếp xúc với tiếng ồn hầu hết vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép và cao nhất là ở khu vực khoan, nghiền đá có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10-18 dBA. Tỷ lệ mắc bệnh của công nhân nghiền sàng than, khoan than, khoan đá từ 8 – 23,6%. Nhiều vị trí lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 15 – 30 lần. Tỷ lệ mắc bụi phổi - silic trong công nhân khai thác từ 3 – 14%, trong đó khai thác hầm lò là chủ yếu (chiếm 70%), bệnh viêm phế quản mãn tính khoảng 19,3%. Ngoài ra do điều kiện lao động ẩm ướt, tỷ lệ bệnh da nghề nghiệp của công nhân khai thác than là 40,8%, trong đó bệnh nấm da có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là 27,5%. Do tính chất lao động, người công nhân cùng một lúc tiếp xúc với nhiều yếu tố tác hại nên họ có thể mắc nhiều loại bệnh nghề nghiệp riêng lẻ hoặc cùng một lúc [112].
Không chỉ tiếp xúc với môi trường độc hại, công nhân mỏ còn bị đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Từ khi bắt đầu nghề khai thác than cho đến tận bây giờ, hàng năm vẫn diễn ra ra những vụ sập lò chôn vùi hàng chục người thợ. Ngoài ra, hỏa hoạn, bục túi nước, nước dâng đột ngột… cũng rất nguy hiểm đến tính mạng của người thợ đang làm việc trong hầm. Bởi vậy, công việc của người thợ mỏ còn được gọi là “sống trong hầm mồ”.
Thứ năm: Công nhân than Quảng Ninh có trình độ kỹ thuật ngày càng cao, có xu hướng hiện đại hóa.
Ngay khi tiến hành khai thác than, thực dân Pháp đã đầu tư một số lượng máy móc thiết bị nhất định cho dây chuyền sản xuất. Mặt khác ngành khai thác than cũng là một ngành sản xuất công nghiệp ra đời sớm nhất tại Việt Nam. Đó cũng chính là cơ hội - môi trường thuận lợi để người công nhân mỏ sớm làm quen và thích nghi với sản xuất công nghiệp - cơ giới hóa. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, trong đội ngũ công nhân mỏ đã có một bộ phận thuộc các ngành khác nhau như thợ cơ khí, thợ điều khiển các loại máy móc, thợ điện, thợ nguội. Vào thời kỳ này, chính quyền Pháp cũng đã mở các trường kỹ thuật thực hành. Sau khi tốt nghiệp, một số học sinh ra mỏ làm việc, dần hình thành nên một lớp công nhân kỹ thuật trong đội ngũ công nhân mỏ.
Tuy nhiên, song song với các ngành của tư bản Pháp ở Việt Nam, ngành công nghiệp lạc hậu nhất, "thủ công" nhất vẫn là ngành công nghiệp khai mỏ.
Ở đây không đòi hỏi phải có trình độ văn hóa để tiếp thu kỹ thuật, sử dụng máy móc, không bị đòi hỏi phải khéo tay, phải có kỹ xảo mà chỉ cần có sức khỏe.
Vì vậy, số lượng công nhân kỹ thuật hay công nhân "áo xanh" chiếm tỷ lệ rất thấp, đa số là vô sản “áo nâu”. Công nhân kỹ thuật là người Việt Nam càng ít.
Tuyệt đại đa số công nhân lao động ngành than thời kỳ này là công nhân thô sơ, không có trình độ kỹ thuật do bị mù chữ - công nhân áo nâu. Đến năm 1929, một tờ báo Pháp còn nhận xét rằng "Việc khai thác bằng sức người thường thường vẫn còn thay thế cho việc khai thác bằng máy móc hay sức động vật" [32, tr.
111]. Trong bản thống kê năm 1986 của chính quyền Pháp, tỷ lệ công nhân chuyên môn ăn lương ngạch Pháp so với tổng số công nhân ở công ty than gày Bắc Kỳ rất thấp: 31 người trên tổng số 1.800 công nhân, trong đó thợ máy và đốc công chỉ có 12 người, như vậy vẫn chưa đủ 1% [4. tr.112]. Năm 1929, riêng trong mục công nhân mỏ không thấy nói đến số công nhân chuyên môn nữa, có lẽ do số lượng của họ là không đáng kể. Đó là một trong những điểm yếu của công nhân ngành than.
Từ ngày vùng Mỏ được giải phóng đến nay, đặc biệt trong sự nghiệp CNH, HĐH ngành sản xuất than, công nhân ngành than Quảng Ninh đã không ngừng vươn lên từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến hiện đại. Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành sản xuất than luôn là một ngành đi đầu trong đổi mới công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Đến cuối năm 2016, TKV có 22,1% số công nhân, lao động có trình độ đại học, 17,7%
có trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, công nhân có tay nghề bậc cao chiếm 25,5% [82, tr.257].
Đó là những nét đặc thù tác động tích cực và tiêu cực đến việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong xây dựng YTCT công nhân ngành than Quảng Ninh.