Chương 3 KẾT HỢP TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI TRONG XÂY DỰNG
3.1.3. Về hiện đại hóa các giá trị truyền thống của công nhân mỏ, xây dựng các phẩm chất chính trị mới cho công nhân ngành than Quảng Ninh
Xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tinh thần yêu nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nhất là khi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang trong thời kỳ hội nhập đang tiếp tục đặt ra cho người công nhân ngành than Quảng Ninh những nhiệm vụ đầy vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn thách thức như sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dậy “Ngành sản xuất than như quân đội đánh giặc”. Vì vậy, trong công tác tư tưởng ở đây không chỉ dừng lại ở kêu gọi lòng yêu nước mà còn hướng dẫn cho người công nhân hành vi yêu nước đúng đắn thông qua công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, phát triển đảng viên. Chỉ tính riêng trong Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện nay có trên 19.000 đảng viên, sinh hoạt trên 1000 chi bộ thuộc 45 tổ chức cơ sở đảng (chiếm khoảng 30%bsố đảng viên toàn tỉnh) [82, tr.16]; hầu hết các đảng viên đều có ý thức học tập và tu dưỡng phẩm chất chính trị. Con số đó đã nói lên, công nhân mỏ vẫn tin vào Đảng, vẫn muốn đến với Đảng.
Suốt 20 năm làm việc tại nhiều hầm lò ở Quảng Ninh; được sống và làm việc trong lòng giai cấp công nhân mỏ, tôi được rèn luyện giáo dục và trưởng thành. Chính người thợ mỏ đã dạy cho tôi thành thạo làm thợ; dạy cho tôi nhiều bài học làm người; đã xây dựng đưa tôi vào đội ngũ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam và suốt đời hết lòng với nhiệm vụ Đảng giao [14, tr. 64].
Năm 2017, Đảng bộ Than Quảng Ninh đã phấn đấu xây dựng đạt trong sạch vững mạnh. Trên 95% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 75%, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên, phấn đấu kết nạp đảng viên mới đạt tỷ lệ trên 5,5% so với tổng số đảng viên đầu năm [26]. Khi được hỏi, "Theo anh (chị) nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta là?": 9,67% trả lời chủ nghĩa Mác - Lênin, 12,3% trả lời tư tưởng Hồ Chí Minh, 78% trả lời chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; "Theo anh (chị) việc Đảng ta lựa chọn xây dựng đất nước theo định hướng XHCN là đúng hay sai?": 76,3% trả lời là đúng, 4,67% trả lời là sai, 19% khó trả lời (xem phụ lục). Như vậy, phần lớn công nhân lao động ngành than Quảng Ninh đều tin tưởng và đi theo đường lối của Đảng, tin tưởng vào CNXH. Đặc biệt, ở Việt Nam, nhiều ngành nghề, nhiều nơi có bãi công, biểu tình, đình công nhưng lịch sử ngành than chưa bao giờ có.
Đối với các đơn vị thuộc ngành than Quảng Ninh, yêu nước không chỉ là những hành động như: nộp nghĩa vụ thuế, làm công tác từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi, công trình văn hóa, đóng góp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp… mà yêu nước còn phải lấy lợi ích của ngành, của địa phương, của đất nước làm mục tiêu phát triển. Ngành than Quảng Ninh đã có nhiều chương trình, công tác phối hợp với tỉnh về mọi mặt như quản lý tài nguyên, xây dựng và thực hiện các phương pháp khai thác bền vững, cải thiện môi trường với mục tiêu “Mỏ xanh – mỏ sạch – mỏ an toàn”, đề ra các phương châm phát triển “Thân tiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Đồng thời, ngành than Quảng Ninh cũng luôn đặt mình trong guồng máy chung của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, thử thách, vận hội của đất nước. Giữ gìn hình ảnh đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế, xây dựng và phát huy lòng tự hào dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Có thể khẳng định, tập thể cán bộ, công nhân TKV nói chung và ngành than Quảng Ninh nói riêng luôn quyết tâm đồng lòng, nhất trí phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Từ Đảng ủy Than Quảng Ninh đến các cấp ủy trực thuộc, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên đều tích cực, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống anh hùng, đoàn kết, tinh thần vượt khó của thợ mỏ để mỗi người lao động ngành than Quảng Ninh thêm tự hào về truyền thống vẻ vang. Khẩu hiệu “Kỷ luật – Đồng tâm – Thành công” đã
được ngành than Quảng Ninh nâng tầm, gắn trong chiến lược phát triển của Tập đoàn trở thành khẩu hiệu “Trí tuệ, trung thành, kỷ luật, đồng tâm” là phương châm hành động.
Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người công nhân tại các đơn vị ngành than Quảng Ninh khá hài hòa, tiến bộ trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng, đồng chí, đồng nghiệp, anh em, bạn bè với đầy đủ ý nghĩa “đồng cam cộng khổ”, chia ngọt sẻ bùi”. Tính cộng đồng nghề nghiệp, dân chủ, YTCT cao. 88,3% công nhân đã tham gia xây dựng quy chế cơ quan đơn vị. Khi được hỏi trước những sai trái của người quản lý hoặc của ban quản lý doanh nghiệp, anh (chị) sẽ lựa chọn phương án nào: 56% trả lời trực tiếp gặp người đó (hoặc ban quản lý) đó để kiến nghị, chỉ có 3,33% trả lời kêu gọi mọi người trong doanh nghiệp đình công (Xem phụ lục).
Các cơ sở sản xuất than, kể cả các đơn vị đã cổ phần hóa, đều có tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ. Đặc biệt, sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của Công đoàn luôn được phát huy vai trò hạt nhân chính trị đi sâu, đi sát với phương châm “Bám công nhân tại nơi làm việc và nơi ở”, tổ chức tuyên truyền các giá trị truyền thống gắn với các chủ trương, nghị quyết và đường lối của Đảng đến người công nhân lao động.
Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận công nhân hạn chế, không quan tâm đến việc tìm hiểu các giá trị truyền thống, càng không quan tâm đến việc hiện đại hóa các giá trị truyền thống ấy. Công tác giáo dục, truyền bá hiện đại hóa các giá trị truyền thống còn thiên về lý luận, ít chú ý đến kỹ năng thực hành do đó khi áp dụng vào thực tiễn chưa thật sự hiệu quả. Phương pháp truyền đạt theo hướng chỉ giới thiệu các giá trị truyền thống mà không đặt câu hỏi phải làm thế nào để phát huy các giá trị truyền thống ấy trong giai đoạn hiện nay để mỗi người công nhân tự ý thức, tự tìm tòi, suy nghĩ sáng tạo. Việc chuẩn vị các tình huống có vấn đề nhằm định hướng và tăng sức đề kháng cho người nghe của các chủ thể thuyết trình còn khá giản đơn hoặc vượt quá tầm nhận thức của người học.
Cách giải quyết các tình huống có vấn đề còn chưa triệt để dẫn đến việc người học hồ nghi, hiểu chưa chính xác, chưa cảm thấy bị thuyết phục, chưa thỏa mãn với cách giải thích của chủ thể tuyên truyền. Một số chủ thể tuyên truyền đã có cố gắng đưa phương pháp mới vào bài giảng tuy nhiên sự kết hợp giữa các phương pháp còn chưa tốt, chưa linh hoạt và chưa phù hợp với người nghe. Người học thì thụ động trong tiếp thu, trì trệ, ngại đọc tài liệu tìm hiểu về các giá trị truyền thống, ngại tranh luận, thiếu khả năng thuyết trình, lười tư duy, thiếu tính sáng tạo. Các hình thức truyền bá, hiện đại hóa những giá trị YTCTTT cho người công nhân còn giản đơn, làm theo, chậm đổi mới, thiếu tâm huyết và thiếu sáng tạo, vẫn còn hình thức mang tính giản đơn, hô khẩu hiệu. Còn phổ biến tâm lý xem nhẹ, coi nhẹ việc HĐH các giá trị truyền thống, xem giá trị truyền thống như là biểu tượng đóng khung của quá khứ chỉ để tưởng nhớ, tự hào chứ không có tác dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hiện tại. Một số đơn vị lại áp dụng một cách máy móc các giá trị truyền thống mà không nhận thấy rằng cần phải hiện đại hóa, loại bỏ những yếu tố truyền thống lạc hậu không còn phù hợp.
Trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong xây dựng YTCT của người công nhân ngành than Quảng Ninh hiện nay vẫn còn tồn tại các quan điểm cực đoan biểu hiện ở sự “xung đột thế hệ”: Giữa thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, giữa “thế hệ già” và “thế hệ trẻ”. “Thế hệ già” đã nhiều năm sống với nghề than vất vả, độc hại nhưng cũng rất vinh quang thường gắn bó nhiều hơn với truyền thống, với lịch sử với những gì đã trở nên ổn định, họ đã quen với những gì là kinh nghiệm và với quan điểm, thái độ chính trị truyền thống nên thường không tin tưởng, không mong muốn có những biến động nào đó của cái mới và hay có những phản ứng “đề phòng”
đối với những điều mới mẻ của những biểu hiện mới trong YTCTHĐ. Còn
“thế hệ trẻ”, phần lớn không phải người địa phương, càng không phải là công nhân truyền thống. Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, với
những biến động nhanh chóng của xã hội, chính trị và dưới ảnh hưởng của xu thế giao lưu hội nhập quốc tế, rất dễ bị tác động từ nhiều phía, dễ bị mất phương hướng trong thái độ với kinh nghiệm, với các giá trị YTCTTT và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh. Sự xung đột này, cũng làm cho việc kế thừa và hiện đại hóa các giá trị truyền thống gặp nhiều khó khăn.