Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC
1.4. XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG TRÒ CHƠI KĨ THUẬT TRONG DẠY HỌC MÔN CÔNG NGHỆ Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.4.2. Đặc điểm và tiêu chí của trò chơi kĩ thuật trong dạy học
TCKT trong dạy học có những đặc điểm sau:
a) Mang đầy đủ tính chất của trò chơi:
Có thể thấy rằng TCKT trong dạy học như tên gọi của nó mang đầy đủ tính chất của trò chơi, nghĩa là loại hoạt động có qui luật xác định, không chỉ mang tính chất giải trí mà còn rèn luyện trí tuệ, thể chất, phẩm chất cho HS.
Đặc trưng của loại hoạt động này là có nhiều hình thức phong phú, tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn rất phù hợp với tiến trình tổ chức dạy học theo định hướng dạy học phát huy tính tích cực của HS.
b) Nội dung, cách thức tiến hành gắn với mục tiêu, nội dung dạy học:
TCKT trong dạy học nói riêng hay trò chơi trong dạy học nói chung được xác định là một nội dung trong quá trình tổ chức dạy học, được người GV xây dựng nhằm mục đích không chỉ tích cực hóa hoạt động học tập của HS mà còn là một nội dung dạy học. Chẳng hạn, với nội dung dạy học về vẽ kĩ thuật và mục tiêu dạy học là HS phải đọc được bản vẽ kĩ thuật đơn giản thì nội dung trò chơi phải đề cập về việc đọc bản vẽ và sau khi chơi, HS sẽ có kĩ năng đọc được bản vẽ trong nội dung dạy học . Hoặc với môn Công nghệ lớp có nội dung kiến thức và các kĩ năng về điện, điện tử thì trò chơi cũng phải là các trò chơi về những nội dung này và phù hợp với phân phối chương trình cũng như tiến trình dạy học môn học. Người GV không thể hoặc không nên lấy những trò chơi được xây dựng cho phần kĩ thuật điện (vốn học sau kĩ thuật điện tử) để sử dụng trong quá trình dạy nội dung kĩ thuật điện tử.
Thời gian, thời điểm tiến hành được xác định phù hợp với quá trìn h dạy học:
Quá trình dạy học được thể hiện qua giáo án của GV. Người GV cần phải xác định một cách cụ thể, trước hết là thời điểm tiến hành trò chơi. Việc xác định thời điểm tùy thuộc vào nội dung và mục đích tiến hành trò chơi như trò chơi ôn tập bài cũ hoặc trò chơi khởi động, trò chơi chiếm lĩnh tri thức hạy trò chơi củng cố kiến thức, Trên cơ sở đó GV xác định thời gian tiến hành trò chơi trên tổng thể thời gian dạy học.
d) Trò chơi phải có nội dung kĩ thuật phù hợp với người chơi:
Trong bối cảnh khoa học, kĩ thuật, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, HS không chỉ có kiến thức, kĩ năng về môn học mà còn có những kiến thức, kĩ năng có được từ thực tiễn cuộc sống. Do vậy, có thể có những TCKT không hoàn toàn gắn với nội dung dạy học nhưng phù hợp với hiểu
biết và kĩ năng thực tiễn của HS. Khai thác hiểu biết thực tiễn của HS trong TCKT là một giải pháp vừa nâng cao hứng thú học tập vừa tạo động lực cho HS tích cực khám phá thực tiễn.
e) Người chơi phải có kiến thức, kĩ năng nhất định về kĩ thuật:
Trong dạy học môn Công nghệ ở THPT nói riêng hay dạy học các môn kĩ thuật nói chung có rất nhiều khái niệm, công thức tính toán, thiết bị, máy móc, qui trình và quá trình kĩ thuật. TCKT là một phần của quá trình dạy học vì vậy có nội dung phản ánh những kiến thức này; đây cũng là yêu cầu với mục tiêu dạy học môn học. Vì vậy những TCKT sử dụng trong dạy học môn học không thể được tiến hành với đối tượng học tập khác cũng như không thể tiến hành với HS ở bất kì trình độ nào vì không có kết quả có ý nghĩa. Điều này cũng thể hiện những tính chất khác biệt của trò chơi dạy học với các trò chơi nói chung nhằm mục đích vui chơi, giải trí đơn thuần.
1.4.2.2. Một số tiêu chí cơ bản của trò chơi kĩ thuật trong dạy học TCKT sử dụng trong dạy học phải đảm bảo được các tiêu chí sau:
Tạo được hứng thú cho HS trong quá trình tham gia trò chơi.
Trò chơi phải phản ánh nội dung dạy học, gắn kết chặt chẽ với tiến trình dạy học.
Thời gian tiến hành trò chơi hợp lí, phù hợp, không gây ảnh hưởng tới thời gian dành cho những nội dung chính của giờ/tiết dạy.
Phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lí HS.
An toàn cho người và thiết bị dạy học trong quá trình sử dụng.
Góp phần rèn luyện trí nhớ, phát triển tư duy kĩ thuật, rèn luyện kĩ năng kĩ thuật.
- Khai thác tối đa các phương tiện, thiết bị kĩ thuật với liều lượng sử dụng sao cho có hiệu quả cao nhất.
1.4.3. Xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong dạy học 1.4.3.1. Cơ sở của việc xây dựng trò chơi kĩ thuật
Xây dựng TCKT phục vụ cho việc dạy học phải dựa vào các cơ sở sau:
a) Căn cứ vào mục tiêu và nội dung dạy học:
Vì trò chơi dùng trong dạy học nên khi xây dựng trò chơi cần căn cứ vào mục tiêu và nội dung dạy học. Từ đó xây dựng trò chơi nhằm hình thành kiến thức, củng cố kiến thức, phát triển tư duy hay kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó. Thông thường, trong một tiết lên lớp không thể tổ chức quá nhiều trò chơi, GV cần xây dựng và lựa chọn sao cho phù hợp với mục tiêu, nội dung chính của bài học.
b) Căn cứ vào cơ sở vật chất, thiết bị dạy học:
Khi tổ chức hoạt động chơi, đặc biệt là với TCKT, thường cần phải có phương tiện, công cụ hỗ trợ. Vì vậy, khi xây dựng TCKT cần phải căn cứ vào cơ sở vật chất, phương tiện hỗ trợ. Đối với loại trò chơi vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn càng cần quan tâm tới yếu tố này.
c) Căn cứ vào trình độ và năng lực nhận thức của học sinh:
Trong dạy học, tính vừa sức luôn luôn được chú ý. Vì thế, khi xây dựng TCKT cần phải căn cứ vào trình độ và năng lực nhận thức của HS. Nhờ đó mà trò chơi đảm bảo tính hấp dẫn và phát huy được vai trò dạy học. Trò chơi quá dễ hoặc quá khó sẽ không thu hút được HS.
Ngoài 3 yếu tố chủ yếu trên, khi xây dựng TCKT cũng cần phải quan tâm tới yếu tố thời lượng để tổ chức hoạt động chơi phù hợp và hiệu quả.
1.4.3.2. Các nguyên tắc xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong dạy học
Khi xây dựng TCKT dùng trong dạy học, cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc 1: Trò chơi phải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dạy học.
Mục đích của trò chơi là tạo hứng thú, phát huy tính tích cực học tập, sáng tạo của HS và nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy, trò chơi phải đòi hỏi
HS huy động tối đa các giác quan, các thao tác trí tuệ, kĩ năng t hực hành,...
trong hoạt động chơi. Qua đó, HS có thể lĩnh hội kiến thức, củng cố kiến thức của bài học, phát triển tư duy, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức, kĩ năng giải quyết vấn đề.
Nguyên tắc 2: Nội dung trò chơi phải gắn với nội dung dạy học và mang tính thi đua.
Vì trò chơi dùng trong dạy học nên nội dung của trò chơi phải luôn gắn với nội dung dạy học. Nguyên tắc này vừa đảm bảo tính vừa sức vừa đảm bảo tính thiết thực của trò chơi. Ngoài ra, trò chơi còn phải là một hoạt động tích cực hóa hoạt động học tập của HS, tạo cơ hội cho các em hứng thú, tự nguyện tham gia vào trò chơi, tích cực vận dụng vốn hiểu biết và năng lực trí tuệ của mình để giải quyết nhiệm vụ học tập. Để tạo hứng thú, trò chơi bao giờ cũng phải mang tính chất thi đua, thậm chí còn có thể nói là “ganh đua” nữa.
Nguyên tắc 3: Không ảnh hưởng tới thời lượng dạy học của lớp và các lớp học khác trong nhà trường.
Nguyên tắc này giúp cho GV xây dựng, lựa chọn trò chơi có lượng thời gian chơi phù hợp và hoạt động chơi không ồn ào quá mức gây ảnh hưởng tới các lớp học xung quanh.
* Nguyên tắc 4: Trò chơi phải đảm bảo tính giáo dục.
Trò chơi dùng trong dạy học phải đảm bảo thực hiện được c ác nhiệm vụ dạy học là trí dục, phát triển và giáo dục. Ngoài truyền đạt kiến thức, phát triển kĩ năng, các trò chơi còn phải chú trọng tới nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mĩ cho HS. Trò chơi phải góp phần xây dựng khối đoàn kết tập thể cho HS; phải kích thích được tính tích cực phấn đấu của mỗi HS vì thành tích bản thân và vì thành tích đồng đội. Qua đó, trò chơi góp phần vun đắp cho HS ý thức đoàn kết, thân ái, tình bạn bè.
1.4.3.3. Quy trình xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong dạy học
TCKT dùng trong dạy học không phải là một trò chơi mới hoàn toàn nhưng cũng chưa được quan tâm nghiên cứu về xây dựng và sử dụng một cách đầy đủ, có quy trình khoa học. Vì thế, người GV cần nghiên cứu, tìm hiểu để biết được cách thức xây dựng và sử dụng TCKT. Dựa theo lí thuyết về trò chơi, đặc điểm của trò chơi nói chung và TCKT nói riêng, có thể rút ra quy trình xây dựng TCKT dùng trong dạy học bao gồm 3 bước chủ yếu sau:
Bước 1: Xác định mục đích, nội dung và thời lượng của trò chơi. - Xác định mục đích dạy học của trò chơi.
Đây là một khâu rất quan trọng, nó có tính chất quyết định tới sự thành bại của trò chơi trong dạy học. Trò chơi dạy học phải được xây dựng, lựa chọn sao cho góp phần đạt được mục tiêu dạy học. Như trên đã trình bày, người xây dựng, lựa chọn TCKT phải xác định rõ mục đích trò chơi nhằm hình thành kiến thức, củng cố kiến thức, phát triển tư duy hay kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó. Càng xác định được mục đích cụ thể thì trò chơi càng dễ thực hiện được mục đích dạy học.
- Xây dựng nội dung của trò chơi.
Nội dung trò chơi phải gắn với nội dung dạy học. GV cần phân tích nội dung của bài dạy cụ thể nhằm xác định tỉ lệ kiến thức tương ứng với thời gian tiến hành dạy học trên cơ sở giáo án thường soạn. Người GV cần xác định nội dung kiến thức và kĩ năng của bài dạy, tính toán những phương án dạy học cụ thể và những điểm chốt kiến thức trong dạy học. Trên cơ sở đó xác định trò chơi và những yếu tố cần thiết sao cho trò chơi và các nội dung dạy học được gắn kết thành một thể thống nhất, tạo hứng thú cho HS.
Khi xây dựng nội dung trò chơi, GV cần đặt tên trò chơi. Để trò chơi hấp dẫn, thu hút sự chú ý của HS, để quá trình tổ chức hoạt động chơi được thiết thực, khả thi và có hiệu quả, việc đặt tên trò chơi cũng khá quan trọng.
Tên trò chơi phải ngắn gọn, hấp dẫn và phải thể hiện được nội dung trò
chơi. Tính mục đích, khả thi của trò chơi một phần được thể hiện thông qua bước này.
- Xác định thời lượng của hoạt động chơi.
Trong tiến trình dạy học, việc phân phối thời gian dành cho các nội dung cụ thể là rất cần thiết. Khi sử dụng trò chơi trong dạy học, GV xác định thời gian, thời điểm tiến hành trò chơi sao cho phù hợp để đạt hiệu quả dạy học cao nhất. Để tăng tính hấp dẫn, rèn luyện kĩ năng cho HS, thời gian tiến hành trò chơi thường ngắn, tiết tấu nhanh và sôi nổi.
* Bước 2: Xây dựng thể lệ, quy định của trò chơi.
GV phải xây dựng được thể lệ, quy định của trò chơi, nghiên cứu kĩ cách thức chơi và cách tổ chức trò chơi, xác định tiến trình của trò chơi, hình thức tổ chức và những điều kiện, phương tiện cần thiết để thực hiện trò chơi.
Có thể coi đây cũng là bước phác thảo “đề trò”, “luật trò” và “thưởng phạt”
trong cấu trúc của trò chơi. Điều đặc biệt là thể lệ, quy định của trò chơi phải phù hợp với hình thức, nội dung, điều kiện và thời lượng dạy học. Trò chơi dạy học được thực hiện trên lớp có những điều kiện ràng buộc khác so với trò chơi vui ở ngoài lớp học.
Sau khi đã phân tích nội dung dạy học, xây dựng trò chơi, GV tiến hành xác định cách thức và thời điểm tổ chức trò chơi. Cách thức tổ chức dựa vào mục đích và nội dung của trò chơi, số HS trong lớp và điều kiện về thiết bị, môi trường học tập. Thời điểm tiến hành trò chơi phụ thuộc mục đích sử dụng trò chơi phục vụ cho hoạt động nào trong giờ học. Thường có các hoạt động khởi động (còn gọi là vào bài mới, mở bài), hoạt động hình thành kiến thức mới, hoạt động củng cố, ôn tập kiến thức hoặc vận dụng kiến thức.
* Bước 3: Hoàn thiện và soạn thảo nội dung trò chơi
Sau khi phác thảo trò chơi, GV có thể trao đổi xin ý kiến bộ môn, đồng nghiệp về tên gọi, nội dung, cách thức, thời điểm sử dụng trò chơi để tham khảo về độ hấp dẫn, tính khoa học, khả thi, hiệu quả của trò chơi.
Sau khi hoàn thành các công việc trên, GV hoặc người xây dựng, lựa chọn trò chơi sẽ tiến hành hoàn thiện toàn bộ nội dung trò chơi. Nội dung trò chơi là một văn bản bao gồm: tên trò chơi, hướng dẫn luật chơi, quy định thưởng phạt khi chơi và những kết quả nhận được sau khi chơi về khía cạnh học tập.
Bước 1: Xác định mục đích, nội dung và thời lượng của trò chơi
Xác định mục đích dạy học của trò chơi.
Xây dựng nội dung của hoạt động chơi.
Xác định thời lượng của hoạt động chơi.
Bước 2: Xây dựng thể lệ, quy định của trò chơi
Xây dựng “đề trò”, “luật trò” và “thưởng phạt” của trò chơi trong dạy học.
Xác định cách thức tiến hành.
Bước 3: Hoàn thiện và soạn thảo nội dung trò chơi
Tham khảo ý kiến chuyên gia, đồng nghiệp về trò chơi trong dạy học.
Hoàn thiện nội dung trò chơi.
Hình 1.1. Quy trình xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong dạy học.
Có thể tóm tắt quy trình xây dựng TCKT dùng trong dạy học qua sơ đồ trên hình 1.1.