Chương 2. XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG TRÒ CHƠI KĨ THUẬT
2.2. XÂY DỰNG TRÒ CHƠI KĨ THUẬT DÙNG TRONG DẠY HỌC MÔN CÔNG NGHỆ
2.2.4. Xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong hoạt động vận dụng kiến thức
Điều này lại càng quan trọng trong đ ịnh hướng dạy học phát triển năng lực HS, giúp HS thấy giá trị của kiến thức trong cuộc sống. Hoạt động vận dụng kiến thức có thể tổ chức HS thực hiện cá nhân hoặc nhóm, có thể phối hợp với GV hoặc gia đình. Bài toán cần giải có thể là vấn đề đặt ra cần giải quyết hoặc một dự án cần thực hiện.
Sau đây giới thiệu việc xây dựng trò chơi kĩ thuật dùng trong dạy học bài 34 - Công nghệ 11.
Trò chơi kĩ thuật 8 : Thi thiết kế kĩ thuật
Đây là TCKT dùng trong dạy học bài 34 - Công nghệ 11.
Trong chương trình Công nghệ 11, bài 34 “Động cơ đốt trong dùng cho xe máy” được dạy trong 1 tiết với nội dung giới thiệu về đặc điểm của động cơ, cách bố trí động cơ và đặc điểm của hệ thống truyền lực [33].
Quá trình xây dựng trò chơi này tuân theo quy trình xây dựng TCKT dùng trong dạy học nêu trong tiểu mục 1.4.3 ở chương I.
Theo quy trình trình bày trên hình 1.1, quá trình xây dựng TCKT dùng trong hoạt động vận dụng kiến thức bài 34 cũng bao gồm 3 bước sau:
* Bước 1: Xác định mục đích, nội dung của trò chơi.
Mục đích của hoạt động vận dụng kiến thức là giúp HS biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết một vấn đề nào đó trong thực tiễn như giải thích vấn đề, đề xuất biện pháp, triển khai áp dụng v.v...
Hoạt động vận dụng kiến thức vào thực tiễn chủ yếu do HS thực hiện tại nhà. Đây có thể là những hoạt động mang tính nghiên cứu, sáng tạo, vì thế cần hướng dẫn HS tranh thủ sự hướng dẫn của gia đình, cộng đồng để hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Như vậy, có thể xây dựng “cốt trò” như sau: Nhà em có một máy bơm nước, chạy bằng động cơ đốt trong có công suất tương đương công suất của động cơ xe máy. Vì động cơ đốt trong bị hỏng, chưa chữa ngay được. Để máy bơm nước hoạt động, em có thể dùng tạm động cơ xe máy để kéo máy bơm nước. Vậy em hãy đề xuất một phương án hoặc thiết kế một bộ phận để truyền lực từ động cơ xe máy đến máy bơm nước.
* Bước 2: Xây dựng thể lệ, quy định của trò chơi.
Để tổ chức trò chơi thành công, GV phải xây dựng cụ thể, chi tiết thể lệ, quy định của trò chơi. Nội dung như sau:
Cuối tiết học bài 34, GV thông báo trò chơi, quy ước như sau: Mỗi HS đề xuất một phương án truyền lực từ động cơ xe máy (vẫn lắp trên xe) đến
máy bơm nước. Nội dung đề xuất được trình bày trên một trang giấy A4 với nội dung mô tả ngắn gọn ý tưởng và bản vẽ phác bộ phận truyền lực, không cần tính toán số liệu cụ thể. Đầu tiết học bài 35 sẽ nộp bản đề xuất cho GV.
GV chọn một số bản và yêu cầu tác giả trình bày ý tưởng trước lớp. Lớp sẽ nghe báo cáo và đánh giá để chọn ra bản có phương án khả thi, hiệu quả nhất.
Lưu ý: Xe máy vẫn để nguyên chiếc, không tháo rời động cơ và các bánh xe.
Khi HS báo cáo kết quả, GV có thể phân tích thêm để HS hiểu được tính khả thi và hiệu quả của phương án xây dựng.
Sau khi kết thúc trò chơi, GV phân tích cho HS thấy có nhiều phương án truyền lực và trong điều kiện nào thì nên chọn phương án nào.
* Bước 3: Hoàn thiện và soạn thảo nội dung trò chơi.
Sau khi hoàn thành bước 2, GV thực hiện việc đặt tên trò chơi. Để trò chơi hấp dẫn, thu hút sự chú ý của HS, tên trò chơi có thể là “Thi thiết kế kĩ thuật” chẳng hạn.
Đến đây, GV tiến hành rà soát nội dung bước 2 để hoàn thiện nội dung trò chơi. Nội dung trò chơi là một văn bản bao gồm: tên trò chơi, hướng dẫn luật chơi, quy định thưởng phạt khi chơi và điều nhận được sau khi chơi về thiết kế kĩ thuật.
Để định hướng cho HS nhận xét, đánh giá, l ựa chọn bản thiết kế tốt nhất, GV có thể phác trước một số ý tưởng như:
Đặt máy bơm sau xe máy, lắp một nhông xích vào trục máy bơm, thay xích tải bằng xích khác đủ dài để truyền lực từ nhông xích xe máy tới nhông xích máy bơm.
Đặt máy bơm sau xe máy, lắp một puli vào moay ơ bánh sau đ ể truyền lực đến máy bơm bằng đai truyền.
Đặt xe máy trên cao, máy bơm dưới gầm để dùng được đúng xích tải của xe.
Lắp một bánh cao su tì sát vào lốp bánh sau xe máy. Khi cho bánh sau quay sẽ làm cho bánh cao su này quay nhờ lực ma sát. Trên bánh cao su có lắp một puli để truyền lực tới máy bơm bằng đai truyền. Hoặc lắp bánh cao su này với trục của máy bơm.
Thay nhông xích tải bằng bánh puli và truyền lực bằng đai truy ền v.v...
***
Trong thực tế, cũng có GV đã tự xây dựng, sưu tầm các loại trò chơi khác nhau để sử dụng trong dạy học. Tuy nhiên, do cách làm tự phát nên việc phát huy mục đích, tác dụng của trò chơi chưa được làm rõ. Để khắc phục được hạn chế này cần phải nghiên cứu và ứng dụng các loại quy trình xây dựng các trò chơi dạy học khác nhau. Với phạm vi nghiên cứu của đề tài, trên đây mới chỉ trình bày cách xây dựng một số TCKT dùng trong dạy học môn Công nghệ - phần công nghiệp ở THPT. Việc xây dựng các trò chơi này không những thể hiện sự đúng đắn của quy trình đã thiết lập (được trình bày trong tiểu mục 1.4.3) mà còn giúp GV biết được phương pháp để xây dựng trò chơi phù hợp, khả thi và hiệu quả.