Về nội dung chương trình, giáo trình và cơ sở vật chất

Một phần của tài liệu vấn đề giáo dục lý luận mác - lênin cho học viên hệ cao cấp ở các trường chính trị và hành chính nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 96 - 99)

Thứ nhất, về nội dung chương trình.

Để đáp ứng yêu cầu giáo dục lý luận Mác - Lênin cho học viên hệ cao cấp trong hệ thống các Trường Chính trị và Hành chính Lào, căn cứ vào vị trí, chức năng nhiệm vụ của Học viện, Giám đốc Học viên Chính trị và Hành chính quốc gia Lào đã ra quyết định số 175/HVCT-HC, ngày 28 tháng 4 năm 2004 về việc phê duyệt củng cố chương trình lý luận chính trị-hành chính, thành lập hội đồng biên soạn giáo trình các môn khoa học Mác - Lênin. Giám đốc Học viện cũng tổ chức các nhà khoa học biên soạn các giáo trình để phục vụ cho việc dạy và học tại Học viện và trong hệ thống các Trường Chính trị và Hành chính. Thực hiện Quyết định số 1188-GD-TT ngày 12 tháng 7 năm 2005 về việc công nhận và phê duyệt chương trình lý luận chính trị - hành

chính hệ cao cấp của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, ngày 29 tháng 7 năm 2005 Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào ra quyết định số 399-HVCT-HCQG về việc xuất bản sách giáo trình lý luận chính trị - hành chính hệ cao cấp. Trên cơ sở đó, tất cả các giáo trình Mác - Lênin được sử dụng ở Học viện từ năm 1996 đều được củng cố, kế thừa, phát triển, đảm bảo nội dung phù hợp với đặc điểm, trình độ của học viên đang học tập ở Học viện và các Trường Chính trị và Hành chính Lào hiện nay. Tất cả các giáo trình đều có cơ sở pháp lý, là tiêu chuẩn đánh giá kiến thức các môn khoa học Mác - Lênin.

Nội dung chương trình các môn khoa học Mác - Lênin được sử dụng ở các trường Chính trị và Hành chính Lào cơ bản quán triệt được các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, có điều chỉnh bổ sung phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước, xu hướng vận động của thời đại, tiếp thu được những thành tựu khoa học công nghệ mới. Nội dung của giáo trình đã đi vào những vấn đề lý luận phục vụ cho đường lối chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện nay và các những vấn đề thực tiễn đặt ra, thể hiện sự kiên định của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đường lối chính sách của Đảng.

Bên cạnh những mặt đã đạt được thì hệ thống chương trình, giáo trình các môn khoa học Mác - Lênin vẫn còn những hạn chế, nội dung còn nặng về quan điểm đường lối chính trị. Các nội dung được chuyển tải còn nặng về kinh điển, trích dẫn. Nội dung chỉ tập trung trả lời các câu hỏi; chưa quan tâm cắt nghĩa được cơ sở khách quan, khoa học của các nguyên lý, quan điểm và lý giải khả năng ứng dụng cũng như tính hiện đại của chúng. Chưa có sự so sánh, đối chiếu cần thiết giữa lý luận Mác - Lênin với nhiều lý thuyết hiện hành để nâng cao tính chiến đấu; phê phán một cách có căn cứ, thuyết phục cũng như khẳng định vị trí không thể thay thế được của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình phát triển. Qua điều tra 5 Trường Chính trị và Hành chính Lào Năm học 2011- 2012 với 321 học viên về những kiến nghị liên quan nội dung chương trình các

môn khoa học Mác - Lênin ở các trường mà học viên đã học cho thấy 55,14% cho rằng nội dung chương trình quá dài; 34,57% cho rằng phù hợp; 10,28% cho rằng nội dung chương trình quá ngắn (xem phụ lục 2 bảng1). Từ nhiều năm nay các thầy, cô ở các trường đã cố gắng làm cho giáo trình phù hợp với từng đối tượng. Nhưng các giáo trình đều ít ví dụ thực tiễn cuộc sống để chứng minh cho tri thức khoa học Mác - Lênin. Qua điều tra 321 học viên đã học xong các môn khoa học Mác - Lênin cho thấy, 19,62% cho rằng cần biên soạn giáo trình phù hợp với đối tượng học; 30,52% số ý kiến cho rằng phải viết giáo trình đặc thù cho từng chuyên ngành học; và 49,84% cho rằng cần phải biên soạn giáo trình mới chuẩn quốc gia (xem phụ lục 2 bảng 1). Như vậy, đa số học viên đều mong muốn đổi mới chương trình giáo dục lý luận Mác - Lênin.

Thứ hai, về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy các môn khoa học Mác -Lênin.

Trong những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận Mác - Lênin cho học viên hệ cao cấp ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào, Đảng, Nhà nước Lào đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất đầy đủ hơn, tùy theo điều kiện của các trường. Bởi vì, cơ sở vật chất ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình dạy và học các môn khoa học Mác -Lênin, là điều kiện để giảng viên có thể đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm. Một số giáo trình, đầu sách và các tài liệu tham khảo liên quan đến các môn khoa học Mác - Lênin được bổ sung, thư viện được tăng cường về số lượng, một số thiết bị dạy học hiện đại được bổ sung. Mặc dù, đã có sự đầu tư, bổ sung, nhưng về nguồn kinh phí của các Trường Chính trị và Hành chính Lào vẫn còn có hạn, phần lớn dựa vào nguồn ngân sách hàng năm của Nhà nước, nên nhiều năm nay các trường chưa thực sự đầu tư thích đáng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập nói chung và giảng dạy và học tập các môn khoa học Mác - Lênin nói riêng. Trong những năm gần đây cũng có một số trường của các tỉnh đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất và có sự hợp tác với các tỉnh của Việt Nam như: Trường Chính trị và Hành chính Thủ Đô Viêng Chăn đã có sự hợp tác với Trường

Chính trị Lê Hồng Phong của Thủ Đô Hà Nội; Trường Chính trị và Hành chính tỉnh Luông Pha Bang hợp tác với Trường Chính trị tỉnh Sơn La... Các trường Chính trị Việt Nam đã giúp đỡ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhất là về giảng đường, hội trường, ký túc xá. Trên cơ sở đó các Trường Chính trị và Hành chính Lào đã được cải thiện nhiều hơn, nhưng hiện nay, ký túc xá, phòng học vẫn còn thiếu so với yêu cầu đào tạo hàng năm của các tỉnh và nhu cầu của các trường, số học viên ngày càng đông.

Thực tế cho thấy, qua điều tra 5 Trường Chính trị và Hành chính Lào với 321 học viên về việc bố trí lớp học thế nào cho phù hợp thì có 68,22% cho rằng nên bố trí 30 học viên trên một lớp; 28,66% cho rằng nên bố trí 31-50 học viên trên một lớp và chỉ có 3,11% bố trí lớp học 51 học viên trở lên (xem phụ lục 2 bảng 1). Như vậy, trong thời gian tới cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn và tốt hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao giáo dục lý luận Mác - Lênin ở các Trường Chính trị và Hành chính Lào nói chung.

Một phần của tài liệu vấn đề giáo dục lý luận mác - lênin cho học viên hệ cao cấp ở các trường chính trị và hành chính nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 96 - 99)