VIỆT NAM:
1. Đặc điểm sản phẩm:
Hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm: gốm, sứ, tre, nứa, mây, đồ sơn mài, điêu khắc, lụa tơ tằm,… được coi là một trong những mặt hàng có thế mạnh, có bản sắc văn hóa - xã hội lâu đời của Việt Nam. Từ những nguyên vật liệu đơn giản và rất đỗi thân quen của con người như: cọng bèo tây, bẹ chuối, bẹ ngô, guột tế,… mà dưới bàn tay tài hoa và khéo léo của những người thợ đã thành những cái làn xách tay, những giỏ sách, những cái túi du lịch,… ; từ những nguyên liệu như: tre, nứa ghép thành những vật dụng hết sức đẹp và lạ mắt vừa có thể làm hàng tiêu dùng vừa có thể làm đồ trang trí, lưu niệm như: đĩa, âu salat, khay, bát tre, bình hoa cao cổ,... ; từ những vật liệu dường như bỏ đi như: vỏ trai, vỏ ốc, vỏ trứng,… mà làm sống động những bức tranh sơn mài,... ; từ gốc café, gốc cây thành lọ hoa, gạt tàn thuốc,… Tất cả những vật liệu đơn giản mà dưới bàn tay và trí tưởng tượng của con người đã làm nên một ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đầy tiềm năng và triển vọng.
Theo thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy cả nước có khoảng 1500 làng nghề với nhiều loại hình sản xuất như: hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân,… đã thu hút hàng triệu lao động mỗi năm vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Những cái tên làng nghề như đồ gỗ Đồng Kỳ - Bắc Ninh, Vân Hà - Đông Anh, sơn khảm Ngọ Hạ, lụa tơ tằm Vạn Phúc
- Hà Tây, gốm sứ Bát Tràng - Hà Nội,… đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt Nam và in đậm trong tâm trí du khách nước ngoài. Dự kiến đến năm 2006, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sẽ thu hút khoảng 2,0 đến 2,2 triệu việc làm trên khắp cả nước. Đây là những con số có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói và phần nào giảm bớt dòng người lao động di cư vào các thành phố lớn, gây sức ép cho việc quản lý đô thị, đảm bảo an toàn xã hội,…
2. Tình hình xuất khẩu sản phẩm và khả năng biến động của hàng thủ công mỹnghệ Việt Nam: nghệ Việt Nam:
Hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang tìm được chỗ đứng trên một số thị trường lớn và rất được ưa chuộng. Là một nhóm hàng tạo ra giá trị gia tăng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nguyên phụ liệu nhập không đáng kể, thường chỉ chiếm 35 % giá trị hàng hoá được sản xuất. Theo tính toán của các chuyên gia thì giá trị thực thu của ngành thủ công mỹ nghệ đạt tới 95 - 97%. Theo nghiên cứu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua như sau:
Bảng 4: Kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam Năm 2001 2002 2003 2004 2005
Kim ngạch xuất khẩu
TCMN (triệu USD/năm) 235 327 367 450 565 (Nguồn: Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam)
Qua bảng số liệu trên cho thấy kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam liên tục tăng cao, chứng tỏ sự phát triển không ngừng của ngành hàng thủ công mỹ nghệ.
Thực tế cho thấy hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhu cầu thị trường thế giới hầu như chưa bị giới hạn do “vòng đời” sản phẩm ngắn. Điều kiện thâm nhập thị trường của mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam khá thuận lợi, có tiếng là giá hợp lý, có tính riêng biệt và bản sắc văn hóa cao. Trong thời gian tới mặt hàng thủ công truyền thống vẫn có khả năng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt nếu kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch. Thị trường hàng hóa phục vụ khách du lịch sẽ càng phát triển trong đó nhóm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là sản phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng sẽ được ưu tiên.
Dự báo đến năm 2010 tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm trong nước của các làng nghề như: Hà Nội chiếm tỷ trọng khoảng 26-30%, thị trường thành phố Hồ Chí Minh chiếm 23-25%, Hải Phòng 8-10%, Đà Nẵng 6-7%, các địa phương khác 32-35%.
Đối với thị trường nước ngoài, các sản phẩm truyền thống đang ngày càng ưa chuộng. Một số lượng lớn người tiêu dùng, khách hàng ở các nước: châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản và các nước công nghiệp châu Âu đang hướng đến những sản phẩm mang tính dân tộc, tính nghệ thuật cổ truyền dân gian; những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang bản sắc của quốc gia, nơi mà chúng được sản xuất. Pháp là thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, năm 2006 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường Pháp sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh. Còn đối với thị trường Nhật Bản là thị trường ổn định đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan, thảm các loại. Năm 2006, Bộ thương mại đặt mục tiêu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là 5,1 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2005. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ là thị trường có nhu cầu lớn về hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và theo dự báo sẽ chiếm khoảng 20- 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Thị trường EU dự báo sẽ có nhu cầu lớn về các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mỹ nghệ, mây, tre đan,…
Tuy nhiên khi cam kết CEPT/AFTA và các khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc được thực hiện Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng nhập khẩu Trung Quốc, Thái Lan, Indonexia, Malayxia là những nước có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam những năm gần đây có những bước phát triển khá nhanh nhưng so với nhiều nước trong khu vực thì quy mô và chất lượng phát triển còn chưa cao. Ngành thủ công mỹ nghệ chưa phong phú đa dạng; số lượng các ngành nghề truyền thống làm hàng xuất khẩu phát triển chưa nhiều và còn kém đồng đều giữa các vùng; trình độ tập trung hóa và chuyên môn hóa chưa cao. Từ đó năng lực xuất khẩu còn nhỏ bé, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa, thủ công mỹ nghệ còn yếu, lực lượng trực tiếp sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả các hộ sản xuất cá thể) tuy đông nhưng không mạnh, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh, nhất là lúng túng trong quan hệ tìm thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp có lien quan, các tổ chức dịch vụ công (nhất là ở địa phương và kể cả các hội nghề nghiệp, hiệp hội làng nghề) chưa làm đúng vai trò trợ giúp, “cầu nối” giữa các doanh nghiệp, làng nghề trong vùng, giữa thị trường nội đại và thị trường thế giới.