Các lí thuyết liên quan đến chuyển dịch CCLĐ và đô thị hóa

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hoá (Trang 31 - 36)

7. Cấu trúc luận án

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.3. Các lí thuyết liên quan đến chuyển dịch CCLĐ và đô thị hóa

Theo Colin Clark (1940), nhà kinh tế học người Anh, đã chia nền kinh tế hiện đại thành ba khu vực: Khu vực I: sản phẩm được sản xuất ra có nguồn gốc tự nhiên;

Khu vực II: gia công các sản phẩm được sản xuất ra có nguồn gốc tự nhiên; Khu vực III: là ngành sản xuất ra của cải vô hình [47, tr.19].

Dựa trên số liệu thống kê về sự thay đổi trong cơ cấu lao động của các nước tư bản phương Tây, Jean.Fourastier (1963) đưa ra lí thuyết “Ba khu vực hoạt động kinh tế - xã hội” chia nền kinh tế thành ba khu vực cơ bản.

- Khu vực I: là các hoạt động khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên như đất, rừng, biển; trong đó hoạt động nông – lâm – ngư nghiệp là hoạt động chủ đạo trong thời kì đầu của tất cả các cộng đồng mới thành lập.

- Khu vực II: dựa trên tiến bộ KHKT làm cho năng suất lao động xã hội tăng nhanh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Mức sống dân cư đô thị ngày càng cao tạo sức hút lớn đối với dòng di cư lao động từ nông thôn vào đô thị.

J.Fourastier gọi lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là lao động khu vực II.

- Khu vực III: KHKT ngày càng phát triển, sản xuất công nghiệp chuyển sang giai đoạn tự động hóa, hoạt động dịch vụ phát triển để tiếp nhận nguồn lao động dư thừa từ công nghiệp và để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. J.Fourastier xếp các hoạt động trên vào khu vực III, gọi chung là lao động dịch vụ [80, tr.97].

Theo GS. Nhiêu Hội Lâm, Ủy ban kinh tế Trung Quốc đã quy định việc phân chia ba ngành sản xuất của Trung Quốc như sau:

- Ngành sản xuất thứ nhất: nông nghiệp (nghề rừng, chăn nuôi, nghề cá).

- Ngành sản xuất thứ hai: công nghiệp (ngành khai thác, ngành chế tạo, nước sạch, điện lực, nhiệt lượng, hơi đốt và ngành xây dựng).

- Ngành sản xuất thứ ba: các ngành nghề khác ngoài hai ngành sản xuất thứ nhất và thứ hai. Do ngành sản xuất thứ ba có nhiều ngành nghề nên có thể chia thành hai ngành lớn: ngành lưu thông và ngành dịch vụ [38, tr.248].

1.1.3.2. Lí thuyết liên quan đến chuyển dịch cơ cấu lao động

Năm 1935, nhà kinh tế học người Mĩ A.Fisher đưa ra lí thuyết “Quy luật tăng năng suất lao động” trong cuốn “Các quan hệ kinh tế của tiến bộ kĩ thuật” phân tích sự thay đổi xu hướng sử dụng lao động trong ba khu vực kinh tế: khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp và khai thác khoáng sản), khu vực II (công nghiệp chế biến và xây dựng), khu vực III (các ngành dịch vụ). Theo A.Fisher, với sự phát triển của KHKT, ngành nông nghiệp là ngành dễ có khả năng thay thế lao động nhất, nhu cầu lao động nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu ngành kinh tế; ngành công nghiệp là ngành khó có khả năng thay thế lao động hơn nông nghiệp và ngành dịch vụ là ngành khó thay thế lao động nhất. Vì vậy, nhu cầu lao động trong ngành dịch vụ sẽ có xu hướng tăng và tăng càng nhanh khi nền kinh tế càng phát triển.

Xu hướng chuyển dịch là tỉ trọng nông nghiệp có xu hướng giảm đi, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng trong cơ cấu GDP và lao động. Theo A.Fisher, tỉ lệ dịch vụ ở các nước phát triển có thể đạt trên 80%, công nghiệp từ 11- 12% và nông nghiệp giảm xuống dưới 5%. Một xu hướng khác cho thấy, khi nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển cao thì tốc độ tăng của ngành dịch vụ sẽ cao hơn so với tốc độ tăng của ngành công nghiệp. Trong ngành công nghiệp, tỉ trọng ngành sản xuất sản phẩm có hàm lượng KHKT và vốn càng lớn và tăng nhanh, tỉ

trọng các ngành sử dụng nhiều lao động giảm dần. Đối với ngành dịch vụ, theo sự phát triển kinh tế, các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, du lịch… sẽ có tốc độ tăng nhanh và chiếm tỉ trọng cao [39, tr.85].

Hình 1.1. Sự chuyển dịch CCLĐ theo các khu vực kinh tế qua các giai đoạn ĐTH

Giai đoạn đô thị hóa

I II

II1 II2 II3 III

Cấu trúc lao động xã hội liên tục chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi từ công nghiệp sang dịch vụkhoa học, công nghệ

Cơ cấu lao động theo các khu vực kinh tế

I: 80-90%

II+III: 10-20%

I: 60-80%

II: 20-30%

III: 10-15%

I: 40-60%

II: 30-45%

III: 15-25%

I: 20-40%

II: 30-40%

III: 25-30%

I: 10-15%

II: 15-25%

III: 45-65%

Nguồn: [52, tr.121]

Theo lí thuyết Ba khu vực hoạt động KT - XH của J.Fourastier thì giữa quá trình thay đổi CCLĐ trong ba khu vực kinh tế với các giai đoạn của quá trình ĐTH có mối quan hệ với nhau. Vào đầu thời kì quá độ (1800), lao động khu vực nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn nhất (80%). Nhưng nhờ áp dụng KHKT trong nông nghiệp, cùng với quá trình mở rộng của đô thị, nhu cầu lao động trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp tăng lên, tiếp nhận sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp qua, làm tỉ lệ lao động khu vực công nghiệp tăng lên đạt khoảng 40 – 50%

vào khoảng giữa thế kỉ XX, sau đó bắt đầu giảm xuống dần dần rồi đi vào ổn định ở mức 15 – 20% tổng số lao động. Lao động trong khu vực dịch vụ phát triển tăng lên liên tục do tiếp nhận nguồn lao động từ khu vực nông nghiệp và công nghiệp chuyển qua và ngày càng chiếm chủ đạo trong cấu trúc lao động xã hội. Thời kì quá độ kết thúc khi lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất (80%).

I

II + III

I

II III

I II III

I II III

I

II III

Lí thuyết của J.Fourastier thể hiện sự thay đổi và phân bố LĐ ở ba khu vực kinh tế trong quá trình ĐTH như sau: Giảm lực lượng LĐ trong khu vực nông nghiệp; Tăng rồi giảm lực lượng LĐ trong khu vực công nghiệp; Tăng lực lượng LĐ trong khu vực dịch vụ. Các nước đang phát triển, LĐ trong khu vực nông nghiệp lớn hơn khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nhưng hiện nay ở các nước này, CCKT đang chuyển dịch nhanh từ khu vực I sang khu vực II và III, kéo theo sự thay đổi CCLĐ từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Nhà lịch sử kinh tế nổi tiếng người Mĩ Walter W.Rostow (1960) đã đưa ra mô hình Rostow (Rostow model) thể hiện sự thay đổi CCKT và CCLĐ của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Giai đoạn 1: xã hội truyền thống, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, NSLĐ thấp. Giai đoạn 2: chuẩn bị cất cánh, thời kì quá độ từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, xuất hiện một số ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu phát triển. Giai đoạn 3: cất cánh, công nghiệp giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, CCKT là công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ. Giai đoạn 4: trưởng thành, nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển ổn định và hiện đại, nông nghiệp được cơ giới hóa, nhiều ngành công nghiệp mới, hiện đại phát triển, các ngành dịch vụ phát triển nhanh, CCKT là công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp. Giai đoạn 5: tiêu dùng cao, lao động thay đổi theo hướng tăng tỉ lệ dân cư đô thị và lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, cơ cấu giai đoạn này là dịch vụ - công nghiệp.

1.1.3.3. Lí thuyết liên quan đến di chuyển lao động từ nông thôn vào thành thị

W.Arthur Lewis, nhà kinh tế học người Mĩ gốc Jamaica, đã đưa ra mô hình di cư lao động nông thôn ra thành phố và việc phân phối lại lao động giữa hai khu vực kinh tế nông nghiệp và công nghiệp trong tác phẩm “Lí thuyết về phát triển kinh tế”(1954). Lewis chia nền kinh tế thành hai khu vực công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu sự di chuyển lao động giữa hai khu vực này: khu vực nông nghiệp truyền thống đất đai chật hẹp, năng suất lao động thấp, lao động dư thừa, số lao động này không có việc làm nên không có thu nhập. Khu vực công nghiệp thành thị hiện đại có năng suất cao, thu hút lao động nông nghiệp xu hướng chuyển dần sang.

Sự di chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp giúp tăng năng suất lao động nông nghiệp, tạo việc làm cho số lao động dư thừa trong nông nghiệp, tăng thu nhập, tăng hiệu quả cho sản xuất công nghiệp từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Todaro (1970) đưa ra mô hình sự di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị dựa trên sự cải tiến mô hình của Lewis. Theo Todaro, không phải mọi lao động ra thành phố đều tìm được việc làm ngay bởi vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế, tỉ lệ việc làm và thất nghiệp ở thành phố, trình độ tay nghề của người lao động. Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng để khu vực thành thị trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế thì phải đặt trung tâm vào những ngành công nghiệp có trình độ kĩ thuật cao. Nhưng những ngành này lại yêu cầu cao về vốn, công nghệ, lao động có trình độ tay nghề vì vậy gây khó khăn cho nguồn lao động từ khu vực nông thôn vốn tay nghề lao động thấp.

Harry T.Oshima, nhà kinh tế người Nhật Bản trong tác phẩm “Tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á gió mùa” đưa ra quan điểm mới về mô hình phát triển dựa trên những đặc điểm cơ bản của sản xuất nông nghiệp và hoạt động kinh tế ở các nước khu vực châu Á gió mùa khác so với các nước Tây Âu. Ông đưa ra mô hình tăng trưởng với ba giai đoạn phát triển khác nhau: (1) Giai đoạn bắt đầu của quá trình tăng trưởng: tạo việc làm cho thời gian nhàn rỗi theo hướng tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp. (2) Giai đoạn hai: hướng tới có việc làm đầy đủ bằng cách đầu tư phát triển đồng thời cả nông nghiệp và công nghiệp. (3) Giai đoạn ba:

thực hiện phát triển các ngành kinh tế theo chiều sâu nhằm giảm cầu lao động.

1.1.3.4. Lí thuyết về tổ chức địa bàn cư trú, phát triển đô thị và đô thị chức năng

Về phát triển không gian đô thị và tổ chức địa bàn cư trú của dân cư đã có nhiều nhà nghiên cứu bàn về vấn đề này với nhiều mô hình và trường phái khác nhau. Ernerst Burgess (1925) đưa ra mô hình “vùng vòng tròn đồng tâm” mô tả cấu trúc phân bố của đô thị. Ông xem thành phố gồm có một loạt các khu vực hình tròn và mỗi vùng được sử dụng với mục đích chuyên biệt với một bộ phân dân cư khác biệt sinh sống, trong đó vùng lõi là khu trung tâm gắn với các hoạt động dịch vụ cao cấp, các khu vực vùng ven gắn với hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Năm 1922, Raymond Unwyn, kiến trúc sư, trong cuốn “Thực tiễn quy hoạch đô thị” đã đưa ra mô hình “đô thị vệ tinh” đầu tiên. Theo đó sẽ có một đô thị trung tâm được bao quanh bởi một mạng lưới các đô thị nhỏ có quy mô giới hạn theo một khoảng cách nào đó. Đô thị trung tâm sẽ được duy trì ở quy mô hiện hữu, hoặc thu hẹp lại, trong khi các đô thị vệ tinh sẽ góp phần phân tán bớt dân số của đô thị lớn với một quy mô dân số tối ưu nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho dân cư đô thị.

“Mô hình khu vực” của Homer Hoyt đưa ra năm 1939 cho rằng cơ cấu đô thị bao gồm các khu vực kéo dài từ vùng trung tâm đến khu vực ngoại vi theo các trục giao thông thuận tiện và quan trọng. Theo đó, khu vực trung tâm vẫn là hoạt động thương mại và dịch vụ cao cấp, dọc theo các tuyến giao thông ở khu vực ngoại vi là các cơ sở công nghiệp và địa bàn cư trú của dân cư.

Tóm lại, các lí thuyết trên đều lí giải xu hướng phân bố lực lượng sản xuất, chuyển dịch CCLĐ trong quá trình ĐTH trong mỗi giai đoạn phát triển KT - XH. Các lí thuyết, quan điểm khác nhau của các nhà khoa học mặc dù đưa ra trong những thời kì lịch sử nhất định đều có giá trị khoa học và chuẩn mực riêng. Từ những lí luận chung đó, tạo điều kiện cho tác giả trong việc nghiên cứu sự thay đổi CCKT, CCLĐ và xu hướng phân bố lao động phù hợp trong quá trình ĐTH vận dụng vào TP. HCM trong giai đoạn nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hoá (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)