Chương 2 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH
2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở thành phố
2.2.3. Nhân tố tự nhiên
TP. HCM nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và ĐB sông Cửu Long. Nhìn chung, địa hình TP. HCM tương đối thấp, khá bằng phẳng và đa dạng tạo điều kiện thuận lợi phát triển nhiều mặt. Nơi có địa hình cao và địa chất tương đối ổn định nằm ở phía Bắc – Đông Bắc và một phần Tây Bắc (Củ Chi, Thủ Đức, Quận 9, 12) thuận lợi cho xây dựng các công trình, tổ chức hoạt động kinh tế và sinh sống của dân cư. Hiện nay, đây là khu vực tập trung khá nhiều các KCN, hình thành các khu đô thị cùng hệ thống CSHT hiện đại của thành phố. Ngược lại, vùng trũng nằm ở phía Nam – Tây Nam và Đông Nam thành phố (Quận 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) không thuận lợi cho dân cư tập trung sinh sống, thường xuyên bị ngập trong những ngày triều cường, khó khăn trong việc xây dựng CSHT.
2.2.3.2. Khí hậu
TP. HCM nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa mang tính chất cận xích đạo với hai mùa rõ rệt. Lượng bức xạ dồi dào, nền nhiệt cao và khá ổn định với nhiệt độ bình quân hàng năm là 27oC. Lượng mưa trung bình đạt trên dưới 2000 mm/năm. Nhìn chung, khí hậu TP. HCM khá ôn hòa, lượng mưa tương đối lớn, nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão, đây là những điều kiện thuận lợi cho sức khỏe người lao động và tổ chức hoạt động sản xuất, thu hút lao động nhập cư.
Đối với hoạt động nông nghiệp, điều kiện nhiệt độ và ánh sáng thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các chủng loại cây trồng và vật nuôi đạt năng suất cao; đối với các hoạt động kinh tế công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có thể tiến hành quanh năm, ít bị gián đoạn bởi yếu tố thời tiết, việc đi lại và lưu thông hàng hóa cũng được dễ dàng. Điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và CDCCLĐ.
2.2.3.3. Đất đai
TP. HCM có tổng diện tích đất tự nhiên là 209.555 ha được chia thành bốn nhóm đất chính: nhóm đất xám; nhóm đất phù sa; nhóm đất phèn và đất phèn mặn.
Đất nông nghiệp của TP. HCM chiếm 55,8% trong cơ cấu sử dụng đất, có khả năng chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp khi quá trình ĐTH được mở rộng. Đất đai ở khu vực nội thành phần lớn sử dụng xây dựng các công trình nhà ở, nhà máy xí nghiệp, CSHT phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ; còn đất đai khu vực các huyện ngoại thành đa số được sử dụng cho mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp, dẫn đến sự phân hóa lao động theo ngành nghề giữa các khu vực đô thị. Diện tích đất chưa sử dụng của thành phố còn rất ít,458,7 ha chiếm 0,2% diện tích tự nhiên.
2.2.3.4. Thủy văn
Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn, TP. HCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với tổng chiều dài sông ngòi, kênh rạch là 7.955 km, tổng diện tích mặt nước ước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố, đây là nguồn cung cấp nước dồi dào thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp cần nhiều nước (hóa chất, chế biến thực phẩm, dệt..).
Hệ thống thủy văn của TP. HCM còn tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng hệ thống các cảng sông – biển quốc tế (cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Cát Lái…), là hệ
thống giao thông đường thủy quan trọng trong phát triển kinh tế; mở rộng mối quan hệ giao lưu, trao đổi buôn bán trong nước và quốc tế; thúc đẩy hoạt động công nghiệp và dịch vụ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CDCCLĐ. Tuy nhiên, hệ thống sông kênh rạch gây nên tình trạng thủy triều thâm nhập sâu tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp, hạn chế việc tiêu thoát nước ở khu vực nội thành, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng và cuộc sống người dân.
Tóm lại, TP. HCM có vị trí địa lí thuận lợi, gần các vùng giàu tài nguyên, đầu mối giao thông quan trọng; điều kiện khí hậu ôn hòa thích hợp cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của người lao động; hệ thống sông ngòi có giá trị nhiều mặt (giao thông, sản xuất, sinh hoạt…); hệ thống đất đa dạng thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thích hợp xây dựng CSHT… Như vậy, điều kiện tự nhiên TP. HCM thuận lợi cho phát triển kinh tế, trở thành trung tâm kinh tế phát triển mạnh nhất nước, với cơ cấu kinh tế đa ngành, đa thành phần, một đô thị đặc biệt có sức hút lớn đối với lao động nhập cư, tạo việc làm cho người lao động, làm thay đổi cơ cấu lao động cả về số lượng và chất lượng trong thời gian qua.