Chương 3 ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG Ở
3.2.5. Giải pháp về nâng cao chất lƣợng nguồn lao động và đào tạo nguồn lao động chất lƣợng cao
Từ nay đến năm 2025, thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần các ngành thâm dụng lao động sang phát triển mạnh các ngành công nghiệp kĩ thuật cao (điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học…) với khu công nghệ cao ở Quận 9 và các ngành dịch vụ cao cấp (bảo hiểm, tư vấn, nghiên cứu và phát triển các công trình khoa học, ngân hàng…).
Do đó, sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, xí nghiệp của TP. HCM có xu hướng giảm dần lao động phổ thông, thay vào đó là đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề. Theo phân tích mục 2.3.4 Thành phố đang hướng đến các
ngành kĩ thuật cao nhưng nguồn lao động kĩ thuật cao lại đang thiếu; phân bố nguồn lao động chất lượng cao không đều giữa các ngành kinh tế và giữa các khu vực đô thị hóa; sự kết hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để tạo nguồn lao động phù hợp chưa tốt. Vì vậy, thành phố cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kĩ thuật, trình độ tay nghề cao với một số giải pháp:
- Quy hoạch lại hệ thống đào tạo
Quy hoạch lại hệ thống đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn giỏi và cơ cấu ngành nghề phù hợp với phát triển KT - XH thành phố. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố.
Đẩy mạnh hình thức đào tạo nghề, công nhân kĩ thuật để phù hợp cơ cấu lao động kĩ thuật theo trình độ đào tạo và kĩ năng lành nghề tương ứng với nhu cầu của thị trường sức lao động. Chú trọng đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp cho thanh niên nông thôn tại khu vực ĐTH, không còn đất sản xuất nông nghiệp. Tổ chức đào tạo các nghề truyền thống tại các làng nghề, xây dựng trường đào tạo nghề mới ở các huyện chưa có trường dạy nghề, nâng cấp mở rộng quy mô đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
Đối với đào tạo cao đẳng, đại học: ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng và phát triển các khu đô thị đại học mới để hình thành và phân bố hợp lí mạng lưới các trường đại học trên địa bàn thành phố.
- Đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo
Duy trì và nâng cao chất lượng của giáo dục phổ thông trong việc thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố; chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng đào tạo nghề nghiệp ở các trình độ (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề).
Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các lĩnh vực khác. Xây dựng danh mục các ngành đào tạo, xây dựng khung chương trình khối ngành, chuẩn đào tạo, chuẩn đánh giá sinh viên; tổ chức biên soạn giáo trình dùng chung cho các môn học, cho khối ngành… Trong đó, chú trọng gắn nội
dung đào tạo trong nhà trường với yêu cầu của thị trường lao động về kiến thức, kỹ năng… của vị trí công việc, gắn đào tạo với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tham khảo các chương trình, giáo trình tương tự của các trường tiên tiến ở nước ngoài. Cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho người lao động để họ chủ động hơn trong quá trình hội nhập.
Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục và dạy nghề có trình độ chuyên môn cao. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục, đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy; tạo điều kiện để giáo viên tích cực thâm nhập thực tế, tìm hiểu thực tiễn sản xuất và nhu cầu các doanh nghiệp. Từ đó giúp cho giáo viên nâng cao năng lực tổ chức hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học thông qua nghiên cứu, khảo sát thực tế trong quá trình học tập ở nhà trường.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển nguồn lao động: Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo lao động chất lượng cao, đặc biệt là các chương trình đào tạo đại học và sau đại học tại nước ngoài, tập trung vào các ngành, các lĩnh vực mũi nhọn theo định hướng phát triển của thành phố; trao đổi cán bộ, sinh viên với các trường đại học có uy tín; mở rộng các chương trình đào tạo liên kết với các trường có uy tín chất lượng trên thế giới, mời các giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy một số môn hoặc tổ chức các hội thảo quốc tế…
Tuyển chọn LĐ có trình độ chuyên môn tay nghề gửi ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, quản lí, điều hành nhằm hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao, có thể thay thế cho các chuyên gia nước ngoài. Trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như quản lí hành chính, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính – ngân hàng…
- Tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo
Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhà sản xuất, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo lao động (giữa doanh nghiệp với các trường cao đẳng, đại học, THCN, dạy nghề), với các cơ quan ban ngành có liên quan để có sự thống nhất giữa cung và cầu lao động trong mỗi giai đoạn, hạn chế
đến mức thấp nhất sự lãng phí trong đào tạo phát triển nguồn lao động. Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách gắn kết, phối hợp đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực xây dựng chương trình; tổ chức thực hành, thực tập, giải quyết việc làm cho sinh viên; kết hợp nghiên cứu khoa học và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu thực tế;
Xây dựng các khối liên kết giữa các trường có cùng khối ngành đào tạo nhằm mở rộng, tăng cường hoạt động hợp tác và liên kết. Qua đó, chia sẻ các nguồn lực giữa các trường thực hiện thống nhất, liên thông chương trình đào tạo, công nhận tín chỉ của nhau, tổ chức nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế của các trường đại học theo các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm bằng các mô hình, phương thức hợp tác như: chuyển giao công nghệ, công nhận chương trình, liên kết đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu khoa học, thực tập sinh viên, phát triển cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp giảng dạy. Chủ động phối hợp tìm kiếm đối tác có uy tín ở nước ngoài để giới thiệu với thành phố hỗ trợ cho chương trình hợp tác của đơn vị trong điều kiện và phạm vi của thành phố.
Các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng cách:
doanh nghiệp “đặt hàng” với cơ sở đào tạo với số lượng, trình độ và ngành nghề cụ thể. Từ đó nhà trường đưa ra nội dung chương trình và có kế hoạch đào tạo cụ thể phù hợp với yêu cầu sử dụng. Ngược lại, các cơ sở đào tạo liên hệ với các doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường để đưa sinh viên thực tập trong môi trường sản xuất, gắn lí thuyết với thực hành. Để sinh viên khi ra trường không còn bỡ ngỡ khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất và doanh nghiệp cũng không mất thời gian để đào tạo lại.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động thường xuyên học tập nâng cao kĩ năng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình bằng cách công đoàn cơ sở phối hợp cùng xí nghiệp tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức, các lớp học nâng cao trình độ cho lãnh đạo và người lao động tại cơ quan, xí nghiệp; mở rộng hệ
thống các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề để người lao động dễ dàng đăng kí tham gia học tập; Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ cho lao động.
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: Thành phố cần quan tâm, tăng mức chi ngân sách dành cho ngành giáo dục đào tạo, KHCN và phát triển nguồn nhân lực. Để nâng cao quy mô vốn đầu tư, thành phố cần tăng tỉ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và khuyến khích tiết kiệm cho đầu tư phát triển.
Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục: đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa hoạt động giáo dục để huy động vốn trong dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mở các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ngoài công lập. Thành phố cần tăng cường quản lí các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo từ các thành phần kinh tế khác để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tăng cường và khuyến khích mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế đầu tư cho giáo dục – đào tạo, chủ động thu hút các cơ sở đào tạo, các trường đại học có uy tín về các ngành kĩ thuật và quản lí tham gia tổ chức đào tạo tại thành phố thông qua việc liên kết với những trường đại học của TP. HCM.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các trường ngoài công lập vay vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới trang thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào phát triển ngành giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố.
Tóm lại, để TP. HCM trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo ngang tầm khu vực, cung cấp nguồn lao động chất lượng cao không chỉ cho TP. HCM cũng như khu vực phía Nam, mà còn một bộ phận lao động nhất định đủ sức tham gia vào thị trường lao động quốc tế, thành phố cần:
Cải cách toàn diện, căn bản và sâu rộng hệ thống giáo dục đào tạo cả về chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá, quản lí… phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, với xu thế phát triển của thế giới.
Mở cửa, liên thông với giáo dục đại học Quốc tế, thực hiện liên kết về đào tạo, giảng dạy, trao đổi sinh viên… với các trường đại học có chất lượng, trước hết là các trường trong khu vực. Xây dựng môi trường học tập đảm bảo chất lượng về chương trình đào tạo, giảng viên đứng lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập… nhằm thu hút sinh viên từ các nước đến nghiên cứu, học tập.
Xây dựng hệ thống các trường đại học Quốc tế, đầu tư nâng cấp một số trường trọng điểm quốc gia tiến tới đạt chuẩn quốc tế và khu vực với quy mô và cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu của TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Đưa những trường này trở thành trường trọng điểm đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho TP. HCM trong thời gian tới như ĐH Quốc gia TP. HCM, ĐH Bách Khoa TP. HCM, ĐH Y Dược TP. HCM…