Chuyển dịch CCLĐ ở một số thành phố trong quá trình ĐTH

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hoá (Trang 55 - 62)

7. Cấu trúc luận án

1.2. Cơ sở thực tiễn

1.2.2. Chuyển dịch CCLĐ ở một số thành phố trong quá trình ĐTH

Thành phố Hà Nội

Quá trình ĐTH của thành phố Hà Nội diễn ra nhanh chóng cùng với quá trình điều chỉnh địa giới hành chính. Từ khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, thành phố Hà Nội có quy mô dân số đứng thứ hai toàn quốc, có trên 7,2 triệu người (đứng sau TP. HCM là 7,98 triệu người), trong đó có 2.951,3 nghìn người sống ở khu vực thành thị, tỉ lệ đạt 42,5% (2013). Với tốc độ tăng dân số nhanh, lực lượng lao động của Hà Nội không ngừng tăng lên, ngoài lao động tại chỗ còn có một lượng lao động từ các địa phương khác đến. Giai đoạn 2008 - 2014 tỷ lệ nhập cư thuần vào Hà Nội khoảng 0,5%/năm, tương ứng với khoảng 30.000 - 35.000 người được bổ sung thêm vào dân số Hà Nội mỗi năm từ nguồn nhập cư.

Thời gian qua, nhờ phát huy nguồn lực trong và ngoài nước, thành phố Hà Nội đã có bước phát triển nhanh chóng, đạt nhiều kết quả trong tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Cùng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì cơ cấu lao động cũng thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp đô thị, giảm tỉ trọng lao động khu vực nông nghiệp nông thôn. Năm 2013, tỉ trọng lao động công nghiệp – xây dựng là 28,2%, dịch vụ là 47,5%, nông nghiệp là 24,3%. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp của thành phố Hà Nội vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao.

Các vùng nông thôn của Hà Nội diễn ra quá trình ĐTH mạnh mẽ, hàng loạt các ngành nghề dịch vụ được mở rộng phát triển. Quá trình này tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Ví dụ như huyện Từ Liêm, số lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tăng rất nhanh từ 22.379 lao động năm 2010 lên 54.700 lao động năm 2013 (gấp 2,5 lần). Một phần không nhỏ là do số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất đã chuyển sang hoạt động dịch vụ khi có các cơ sở dịch vụ và đường xá được mở rộng. Năm 2013 có 1987 lao động nông nghiệp bị mất việc làm do thu hồi đất ở huyện Từ Liêm.

Về cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế, do Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, nơi tập trung các cơ quan, ban ngành hành chính cấp Trung ương và địa phương nên tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực nhà nước khá cao, chiếm 15,4%

(trong khi cả nước là 10,2% và TP. HCM là 14,8%), lao động ngoài nhà nước chiếm 78,7% và lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ thấp nhất (5,9%). Lao động đang có xu hướng tăng ở khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Chất lượng lao động của Hà Nội cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước.

Nhiều năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động luôn được Chính quyền Thành phố đặc biệt quan tâm. Hà Nội tập trung các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm dạy nghề hàng đầu cả nước, đã cung cấp cho Hà Nội một đội ngũ lực lượng lao động có chuyên môn và tay nghề cao, đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật có trình độ, các chuyên gia, thợ lành nghề… Đây là lực lượng lao động dồi dào cung cấp cho các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch

vụ. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của Hà Nội là 36,9%, cao hơn so với TP. HCM là 31,4% (2013). Trong đó lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỉ lệ cao nhất 19%. Nguồn lao động chất lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn lao động chất lượng cao của cả nước [74].

Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng khoảng 3,5%/năm nhưng số lao động có trình độ CMKT phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, các quận nội thành, trong khi ở nông thôn đa phần lao động chưa qua đào tạo. Vì vậy, khi bị tác động của ĐTH, chuyển đổi cơ cấu việc làm, một bộ phận lao động không có trình độ rất dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc làm những công việc tạm thời, thu nhập bấp bênh. Năm 2013 tỉ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn của Hà Nội là 1,4%, cao hơn so với TP. HCM là 0,1%. Thực trạng về mất cân đối giữa cung - cầu lao động, đặc biệt năng lực của lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động đang là yếu tố cản trở tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Thành phố Đà Nẵng

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997) đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi to lớn, không ngừng trong phát triển đô thị. Trong những năm gần đây, diện tích đô thị của thành phố Đà Nẵng liên tục mở rộng với tốc độ đô thị hóa cao, tỉ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (87,3% - 2013) đã đem lại cho Đà Nẵng một tầm vóc mới cả về không gian lẫn chất lượng đô thị. Đà Nẵng đã phát huy những lợi thế về vị trí địa lí thuận lợi của mình là nằm trong VKTTĐ miền Trung, giáp biển Đông để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Sự tăng lên của quy mô dân số cùng với tốc độ ĐTH đã kéo theo sự tăng trưởng về quy mô lực lượng lao động của thành phố Đà Nẵng từ 330.827 người năm 2000 lên 515.018 người năm 2013, tăng bình quân 2,9%/năm. Lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu trẻ, lao động độ tuổi dưới 35 chiếm 41,08%; phân bố chủ yếu ở khu vực đô thị chiếm 87,62%, khu vực nông thôn chiếm 12,38% [31].

CCLĐ theo trình độ CMKT có sự tăng lên rõ rệt, đáp ứng cho nhu cầu của quá trình CNH – ĐTH. Lao động chưa qua đào tạo giảm từ 75,5% năm 2001 xuống còn 65,3% năm 2013, lao động đã qua đào tạo tăng từ 24,5% lên 34,7%. Đặc biệt lao

động có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên tăng nhanh từ 9,0% lên 20,7% [31]. Mặc dù chất lượng lao động đã được nâng cao nhưng lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ lớn (65,3%); tỉ lệ đào tạo chưa thật hợp lí 1 CĐ – ĐH : 0,33 trung cấp chuyên nghiệp : 0,35 công nhân kĩ thuật; sự phân bố LĐ giữa thành thị và nông thôn, giữa các ngành kinh tế chưa đồng đều; lao động lành nghề, có trình độ cao còn thiếu…

Quá trình ĐTH của Đà Nẵng diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong giai đoạn 2011 – 2013, Đà Nẵng đã thu hồi 3.924,06 ha đất nông nghiệp, tổng số hộ bị thu hồi là 16.313 hộ, với tổng số LĐ là 46.772 người, trong đó số lao động bị mất hoặc thiếu việc làm do thu hồi đất nông nghiệp 25.752 người, chiếm 55% tổng số LĐ nông nghiệp bị thu hồi đất. Việc chuyển những người nông dân bị thu hồi đất sang hoạt động công nghiệp và dịch vụ là một tất yếu khách quan của quá trình CNH, ĐTH. Nhưng điều khó khăn của thành phố là những LĐ nông nghiệp phần lớn là LĐ giản đơn, chưa qua đào tạo nghề. Do đó họ rất khó kiếm được việc làm tốt, có thu nhập cao và ổn định trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Về cơ cấu lao động theo ngành kinh tế, thành phố đang có sự chuyển dịch từ công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp.

Quá trình đô thị hóa quá nhanh đã làm diện tích đất nông nghiệp giảm, quy mô sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp và tỉ trọng lao động nông nghiệp cũng giảm nhanh chóng xuống từ 30,2% xuống 8,2% trong giai đoạn 2000 – 2013. Trong khi đó, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong CCLĐ. Tỉ trọng lao động ngành dịch vụ tăng nhanh nhất từ 38,0% năm 2000 lên 58,8% năm 2012; ngành công nghiệp tăng từ 31,8% lên 33,0%. Sự chuyển dịch này cho thấy Đà Nẵng đã tận dụng được lợi thế nằm ở vị trí trung tâm “trung chuyển”

trong nước với quốc tế, vai trò trung tâm kinh tế, thương mại – dịch vụ của miền Trung, đặc biệt Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch và cảng biển. Vị trí, vai trò này quy định và tạo cơ hội để Đà Nẵng phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp phục vụ GTVT, tài chính, ngân hàng, du lịch...

Thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ nằm trên bờ Tây sông Hậu, ở trung tâm vùng ĐBSCL.

Thành phố Cần Thơ là một trong năm thành phố lớn nhất nước trực thuộc Trung

ương, có tỉ lệ đô thị hóa là 66,5% (2013). Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với sự chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị dẫn đến lực lượng lao động của thành phố tăng lên nhanh chóng. Năm 2005 là 627,4 nghìn người tăng lên 698,6 nghìn người năm 2013.

Năm 2000, 52,9% lao động của thành phố Cần Thơ tập trung trong khu vực sản xuất nông nghiệp, đến năm 2011 giảm xuống còn 39,9% (giảm 13%). Theo kết quả TĐTDS năm 1999, trên địa bàn 5 quận nội thành, lực lượng lao động là 280 ngàn, trong đó hơn 34,4% hoạt động ở khu vực I. Đến năm 2009, lao động nông nghiệp nội thành giảm 11 ngàn lao động, tương ứng giảm 10,8% trong cơ cấu sử dụng lao động (23,6%). Trong khi đó, tỉ lệ lao động khu vực phi nông nghiệp tăng lên tương ứng từ 65,6% lên 76,4% [76].

Sự gia tăng lực lượng lao động trong ngành phi nông nghiệp đánh dấu bước phát triển nền kinh tế công nghiệp của thành phố. Trong tiến trình hội nhập, thành phố Cần Thơ đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 KCN và CCKT chuyển dịch phục vụ cho quá trình CNH của thành phố. Tuy nhiên, quá trình CDCCLĐ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp nhìn chung còn chậm, vì vậy, thành phố Cần Thơ cần có biện pháp tác động để dịch chuyển lao động từ khu vực I sang khu vực II, III mạnh hơn nữa để đạt sự phát triển kinh tế tốt nhất.

Tóm lại, qua tìm hiểu chuyển dịch CCLĐ của ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy quá trình CNH, ĐTH ở các thành phố này đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ và có tác động lớn đến chuyển dịch CCLĐ cả về số lượng và chất lượng. Quá trình chuyển dịch CCLĐ diễn ra khá nhanh và rõ nét, tỉ lệ lao động nông nghiệp sụt giảm, đồng thời là sự gia tăng tỉ lệ lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ; tăng tỉ lệ lao động có trình độ CMKT, lao động có tay nghề, giảm tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo; lao động trong các thành phần kinh tế cũng có sự chuyển biến sâu sắc… Tùy theo tốc độ ĐTH của từng địa phương mà quá trình chuyển dịch CCLĐ diễn ra với cường độ mạnh nhẹ khác nhau. TP. HCM là đô thị có tỉ lệ ĐTH cao thứ hai cả nước, vì vậy quá trình chuyển dịch CCLĐ của thành phố cũng không nằm ngoài quy luật trên.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Chuyển dịch cơ cấu lao động và vấn đề đô thị hóa đã được nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả trên thế giới và Việt Nam quan tâm, nghiên cứu. Đô thị hóa có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực KT - XH của khu vực thành thị như tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập, đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động… Đô thị hóa đi kèm với quá trình CNH đã thu hút một số lượng lớn lao động di chuyển từ nông thôn vào thành thị, tham gia vào các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, thực hiện quá trình phân công lao động xã hội giữa các vùng trong đô thị.

Trên cơ sở nghiên cứu các lí thuyết liên quan đến chuyển dịch CCLĐ và đô thị hóa, tổng hợp các tiêu chí của một số tác giả khi nghiên cứu về chuyển dịch CCLĐ, tác giả đề xuất các xu hướng và tiêu chí để đánh giá quá trình chuyển dịch CCLĐ.

Các xu hướng chuyển dịch CCLĐ theo ngành kinh tế, theo thành phần kinh tế, theo trình độ CMKT, theo lãnh thổ và theo tuổi, giới tính.

Chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam và các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng chịu tác động của quá trình đô thị hóa. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, lao động có xu hướng di chuyển từ nông thôn vào đô thị, chất lượng lao động của các đô thị ngày càng được nâng cao.

Chương 2

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu lao động ở TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hoá (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)