Chương 3 ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG Ở
3.2.4. Giải pháp về thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, giải quyết việc làm cho lao động
- Giải pháp về thu hút và sử dụng hợp lí lao động
Thực hiện chế độ đãi ngộ thích đáng đối với những người có trình độ cao, các nhà quản lí giỏi, các cán bộ, chuyên gia đầu ngành, công nhân kĩ thuật có trình độ tay nghề bằng nhiều chính sách ưu đãi về chính sách đào tạo, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc như mua nhà với giá ưu đãi hoặc cho vay với lãi suất thấp, tạo môi trường làm việc thuận lợi với những trang thiết bị và công nghệ tốt nhất, cơ hội phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp. Để cạnh tranh với các địa phương lân cận trong việc thu hút lao động chất lượng cao, thành phố ngoài chính sách ưu đãi đối
với người lao động còn là các chính sách hỗ trợ cho gia đình họ (nhà ở, việc làm, học hành của con cái…) để người lao động yên tâm làm việc.
Huy động sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt kiều, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài bằng cách thực hiện việc thuê, hợp tác, tư vấn đối với các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ cao; khuyến khích tham gia nghiên cứu các công trình khoa học mang tính thực tiễn; đóng góp ý kiến về những vấn đề trong phát triển KT – XH của thành phố; giải quyết nhanh chóng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở khi họ mua đất và xây nhà tại thành phố; có chế độ chính sách ưu đãi và lương bổng thích hợp khi họ về nước làm việc.
Tăng cường sử dụng nguồn lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, đặc biệt là các du học sinh, tạo điều kiện cho lao động trẻ được phát huy năng lực của mình, có cơ hội thăng tiến vào các chức vụ lãnh đạo, quản lí, có cơ hội được học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài…
Các chính sách đối với lao động nhập cư tại thành phố: số lượng lao động nhập cư chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong cơ cấu lao động của thành phố, vì vậy, thành phố cần phải có chính sách đối với lao động nhập cư. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động để tổ chức quản lí và giúp đỡ người nhập cư hội nhập nhanh vào cuộc sống mới. Cho phép người nhập cư tạm trú dài hạn nhập hộ khẩu thành phố khi có đủ các điều kiện như công ăn việc làm ổn định, nhà ở giấy tờ hợp pháp. Cần xây nhà tập thể cho công nhân thuê, nhà thuê phải đảm bảo vệ sinh môi trường và các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Các chủ thuê mướn lao động nhập cư phải mua các loại phí bảo hiểm cho lao động để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người nhập cư. Các trung tâm hướng nghiệp tăng cường hoạt động, mở rộng đào tạo nghề, tăng khả năng dạy nghề cả về số lượng và chất lượng, giáo dục luật lao động cho người nhập cư.
Hiện nay dân nhập cư di chuyển vào TP. HCM theo hai hướng: nông thôn – TP. HCM và đô thị khác - TP. HCM. Thành phần di chuyển dân cư nông thôn – TP.
HCM thường chịu tác động lớn hơn của “lực đẩy”, ngược lại di dân đô thị khác – TP. HCM thường chịu tác động lớn hơn của “lực hút”. Như vậy để giải quyết tình trạng di dân đến TP. HCM cần phải tổ chức không gian đô thị hợp lí, thống nhất,
xây dựng hệ thống các “đô thị vệ tinh”, hình thành “cụm đô thị” xung quanh các đô thị cực lớn nhằm giảm áp lực tăng dân số cơ học đến các vùng đô thị lớn. Cần có sự phối hợp đồng bộ với các tỉnh thành trong việc giải quyết vấn đề việc làm và nâng cao chất lượng lao động tại địa phương, hạn chế dòng di cư của lao động không có trình độ.
- Giải pháp giải quyết việc làm cho lao động
Để hạn chế lao động tập trung đông vào khu vực nội thành, cần thực hiện tốt vấn đề quy hoạch theo hướng chuyển các KCN – KCX, các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm thành phố, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư đồng thời với việc xây dựng CSHT hoàn chỉnh và đồng bộ ở khu vực ngoại thành, để dãn dân từ khu vực nội thành ra ngoại thành, thu hút lao động nhập cư đến ngoại thành, từ đó giảm áp lực gia tăng dân số và lao động cho khu vực nội thành TP. HCM.
Bố trí lại các cơ sở sản xuất kinh doanh từ nội thành ra ngoại thành, phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ đa dạng phù hợp với quy mô và tính chất của từng quận huyện nhằm phân bố và chuyển dịch lao động nhanh và hiệu quả hơn. Có thể phát triển thêm các ngành dịch vụ, thương mại tại các trung tâm công nghiệp đang phát triển ở phía tây bắc thành phố (Củ Chi, Hóc Môn) và phía tây nam (Bình Chánh, Bình Tân).
Trong thời gian tới, quá trình ĐTH của TP. HCM tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp nhiều, số lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề phi nông nghiệp diễn ra nhanh. Tuy nhiên, như phân tích ở mục 2.3.4 thì lực lượng lao động nông thôn chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa và CMKT còn khá thấp. Để nâng cao tay nghề và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn này, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Cần thực hiện thường xuyên công tác rà soát, quản lí lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất chưa qua đào tạo nghề ở địa phương để có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Tích cực thực hiện công tác tuyên truyền vận động học nghề để chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm.
Nâng cao chất lượng lao động nông thôn bằng việc phát triển mạng lưới trường THCS, THPT, tăng cường phổ cập, bổ túc văn hóa cho lao động nông thôn, lao động chưa có việc làm tạo điều kiện cho người lao động có đủ trình độ văn hoá để học nghề; Xây dựng kế hoạch phân luồng sau THCS, THPT để thu hút số học sinh sau khi tốt nghiệp đi vào học nghề, có chính sách hỗ trợ cho những sinh viên trường nghề như giảm học phí, hỗ trợ đào tạo, cho vay tiền…nhằm khuyến khích học sinh lựa chọn trường nghề sau khi tốt nghiệp.
Các trường cũng cần làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh khi các em lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Tổ chức các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề và tại doanh nghiệp cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay trước khi nhập trường và chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Coi đây là công việc thường xuyên của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, tư vấn…
Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, khuyến khích thành lập các cơ sở đào tạo, dạy nghề cho lao động ở nông thôn trên các ngành nghề, lĩnh vực và tạo điều kiện nơi làm việc sau khi học nghề xong. Tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các trường dạy nghề chính quy có quy mô lớn ở ngoại thành theo hướng đào tạo chuyên sâu, hiện đại một số ngành chủ lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển mô hình kinh tế trang trại, bố trí lại các cơ sở sản xuất hợp lí…