7. Cấu trúc luận án
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá
1.1.4.1. Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ
Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ có ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển và mở rộng quy mô đô thị, đến phân bố và cơ cấu dân cư, lao động. Những nơi có vị trí địa lí thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế như ven các sông lớn, ven biển, trung tâm của vùng đồng bằng châu thổ đất đai màu mỡ, là đầu mối giao thông vận tải quan trọng (đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển…) tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết vùng, giao lưu và trao đổi hàng hóa, thu hút đầu tư góp phần quan trọng trong việc mở rộng và phát triển không gian đô thị, thu hút lao động tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
1.1.4.2. Nhân tố kinh tế - xã hội
Trình độ phát triển kinh tế - Quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế
Quy mô nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến thu hút và sử dụng lao động.
Một đô thị có quy mô kinh tế càng lớn thì sức ảnh hưởng của đô thị đến nền kinh tế của đất nước cũng như các vùng xung quanh càng lớn. Nó thể hiện ở sức hút và sức lan tỏa của đô thị, đó là nhu cầu “nhập vào” các yếu tố bên ngoài như tiền vốn, tài nguyên, sức lao động… cũng như “xuất ra” và cung ứng nhiều mặt hàng với các vùng xung quanh. Vì vậy, làm tăng nhu cầu lao động trong sản xuất và tăng sức hút đối với lao động ở các nơi khác đến.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tác động đến tốc độ chuyển dịch CCKT và CCLĐ.
Khi các ngành kinh tế tăng trưởng nhanh, kéo theo sự chuyển dịch các ngành kinh tế, từ đó yêu cầu lao động cũng phải chuyển dịch để cung lao động cho các ngành.
Ngoài ra, khi kinh tế phát triển mạnh thì CSHT cũng được đầu tư phát triển, mở rộng các đô thị, hình thành nhiều KCN, khu dân cư… thu hút dân cư, làm tăng quy mô cũng như chất lượng lao động. Qúa trình đô thị hóa và phát triển kinh tế có mối quan hệ biện chứng với nhau, tăng trưởng kinh tế thường kéo theo mở rộng quy mô các đô thị, đồng thời tác động đến chuyển dịch CCKT, cơ cấu xã hội của đô thị.
Quá trình ĐTH cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đô thị do “sự khác biệt giữa NSLĐ thành thị và NSLĐ nông thôn” và “mức tăng năng suất nhanh hơn ở thành thị”. Nghĩa là NSLĐ thành thị cao hơn lao động nông thôn nên trong giai đoạn đầu của ĐTH, sự chuyển dịch LĐ từ nông thôn ra thành phố sẽ góp phần thúc đẩy nhanh chóng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì “mức tăng năng suất nông nghiệp vẫn không thể so được với mức tăng năng suất đạt được nhờ việc luân chuyển LĐ từ khu vực nông nghiệp sang các ngành nghề có năng suất lao động cao hơn” [98, tr.IX]. Và vì thế, lao động cũng có xu hướng chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp với NSLĐ thấp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ với NSLĐ cao hơn.
- Cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chuyển dịch CCKT và CCLĐ có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong đó chuyển dịch CCKT quyết định chuyển dịch CCLĐ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh hay chậm quyết định sự chuyển dịch CCLĐ với tốc độ nhất định. Trong đó, CCKT thường chuyển dịch trước và nhanh hơn so với tốc độ chuyển dịch CCLĐ, định hướng cho thay đổi CCLĐ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thường nhanh hơn so với tốc độ tăng của năng suất lao động.
Sự phát triển kinh tế đô thị gắn liền với quá trình CDCCKT. Kinh tế đô thị với cơ cấu ngành đa dạng, phần lớn là các ngành phi nông nghiệp, giá trị gia tăng chủ yếu do yếu tố chất xám, ứng dụng KHKT trong sản xuất, có tính năng động cao và hiệu quả lớn. Theo Michael Spence “năng suất trung bình của một người lao động trong lĩnh vực chế tạo hoặc dịch vụ cao hơn khoảng từ ba đến năm lần so với năng suất của một người lao động trong các khu vực truyền thống và đôi khi còn cao hơn nhiều” [97, tr.XI]. Vì hiệu quả sản xuất của khu vực II và III cao hơn khu vực I nên CCKT có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần vai trò của khu vực I, chuyển hướng sản xuất phục vụ một số nhu cầu đặc thù đô thị và gia tăng vai trò của khu vực II và III, đặc biệt là các ngành có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn.
Cơ cấu thành phần kinh tế có ảnh hưởng đến việc sử dụng và phát huy khả năng lao động sáng tạo của người lao động. Thành phần kinh tế đa dạng sẽ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp phát huy tính tự chủ, độc lập của người lao động, tận dụng mọi nguồn vốn, kĩ thuật để sản xuất.
Cơ cấu theo lãnh thổ kinh tế là sự phân công lao động xã hội theo lãnh thổ trên phạm vi cả nước. Việc xác lập CCKT theo lãnh thổ một cách hợp lý nhằm bố trí các ngành sản xuất trên lãnh thổ sao cho thích hợp để triển khai có hiệu quả mọi tiềm năng và lợi thế của từng vùng. Tùy theo nguồn lực kinh tế của mỗi vùng lãnh thổ mà sẽ có hướng chuyên môn hóa sản xuất khác nhau từ đó tạo nên sự chuyên môn hóa trong lao động giữa các vùng, góp phần sử dụng hợp lí, hiệu quả nguồn lao động của địa phương.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một vùng, một quốc gia diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn khi các đô thị được mở rộng, các thành phố vệ tinh được xây dựng, cơ sở hạ tầng được xây dựng và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu lưu thông, trao đổi hàng hóa và phát triển kinh tế. Từ đó dẫn đến sự phân công lao động xã hội, hình thành nhiều ngành kinh tế mới, thúc đẩy dịch vụ phát triển.
Dân số, phân bố dân cư và nguồn lao động
Quy mô, cơ cấu dân số có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, cơ cấu lao động.
Gia tăng dân số đô thị phụ thuộc rất lớn vào gia tăng cơ học. Ở đô thị, do tỉ suất sinh thấp và gia tăng cơ học cao nên tỉ trọng dân số dưới tuổi LĐ ở đô thị thấp hơn nông thôn, ngược lại, tỉ trọng trong độ tuổi lao động cao hơn khu vực nông thôn.
Người di cư vào đô thị thường có tính chọn lọc cao về tuổi, giới tính, trình độ học vấn: những người ở tuổi 20 – 35 tuổi và những người có học vấn cao hơn dễ chấp nhận di cư hơn. Vì vậy, cơ cấu dân số và CCLĐ ở đô thị thường có cơ cấu trẻ, họ có sức khỏe, lại có học vấn và trình độ cao, là những người năng động, sáng tạo trong cuộc sống, công việc, có thể dễ dàng thay đổi nơi làm việc, nghề nghiệp, nơi cư trú và dễ thích nghi với môi trường mới hơn so với LĐ lớn tuổi. Họ chính là nhân tố quan trọng trong quá trình phân công LĐ xã hội, phân bố lực lượng lao động theo ngành, theo lãnh thổ, góp phần đẩy nhanh quá trình CDCCLĐ của địa phương.
Quá trình ĐTH cũng làm gia tăng dòng di cư từ khu vực nông thôn vào thành thị, làm tăng cung lao động ở thành thị, đặc biệt là lao động trẻ. Người nhập cư thường phân bố không đều trong các khu vực của đô thị, bị thu hút nhiều hơn vào một số khu vực nhất định (nơi tập trung các KCN, nơi có mức sống và chi phí sinh hoạt thấp, …). Các luồng nhập cư không chỉ làm gia tăng quy mô dân số, lao động mà còn làm thay đổi các đặc trưng nhân khẩu học, thay đổi cơ cấu ngành nghề, chất lượng lao động và cả sự thay đổi phân bố lao động theo không gian đô thị.
Sự phân bố dân cư do quá trình ĐTH cũng ảnh hưởng đến chuyển dịch CCLĐ của đô thị, bởi vì cộng đồng dân cư là chủ thể của thành phố, là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự thay đổi phân bố dân cư của đô thị do các nguyên nhân: sự thay đổi cấu trúc không gian đô thị, phù hợp với quy hoạch không gian đô thị, cũng như sự thay đổi các nhân tố thu hút dân cư (như cơ sở hạ tầng, điều kiện ở và mức sống, khả năng tìm việc làm…); các luồng nhập cư vào đô thị và sự phân bố người nhập cư vào các khu vực bên trong đô thị.
Số lượng và chất lượng nguồn lao động cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự chuyển dịch CCLĐ. Trong chuyển dịch CCLĐ theo ngành, công nghiệp và dịch vụ là những ngành đòi hỏi cao về chất lượng lao động, lao động đã qua đào tạo, lao
động có trình độ CMKT tăng lên để đáp ứng yêu cầu của ngành. Trong chuyển dịch CCLĐ theo thành phần kinh tế, khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng tăng phù hợp với xu thế mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là khu vực đòi hỏi trình độ KHCN cao, kinh nghiệm quản lí tiên tiến, người lao động có tay nghề và CMKT cao. Do vậy, nguồn lao động chất lượng cao là nhân tố quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển CCLĐ trong nền kinh tế.
Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa - Quá trình công nghiệp hóa
Công nghiệp hóa góp phần hình thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy CDCCKT. Gắn liền với quá trình CNH là quá trình phân công lao động xã hội. Ở giai đoạn đầu của quá trình CNH, lao động vẫn còn tập trung đông trong khu vực nông nghiệp, NSLĐ thấp, trình độ phân công lao động xã hội hạn chế. Đến khi CNH đạt đến một trình độ nhất định của sự phát triển, KHKT được ứng dụng vào trong sản xuất, nhu cầu LĐ nông nghiệp giảm trong khi nhu cầu LĐ công nghiệp và dịch vụ tăng lên, vì thế, lao động có xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Quá trình CNH còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế hiện đại. Hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật, GTVT, TTLL phát triển; các KCN, khu đô thị, khu thương mại mới được hình thành và ngày càng hiện đại là cơ sở để thu hút và hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động kinh tế phi nông nghiệp diễn ra ngày càng sôi nổi, đa dạng hóa và hình thành nhiều ngành nghề mới trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ…Vì vậy, CCLĐ trong nội bộ từng ngành kinh tế cũng có những thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng LĐ trong các ngành thâm dụng lao động, tăng tỉ trọng LĐ trong các ngành đòi hỏi chất xám, công nghệ cao.
Quá trình CNH còn là quá trình trang bị và trang bị lại những công cụ, thiết bị, phương tiện sản xuất hiện đại và ứng dụng các thành tựu KHKT tiên tiến cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, lao động không chỉ có sự thay đổi về số lượng mà còn chuyển dịch về chất lượng. Tỉ trọng lao động giản đơn, trình độ thấp ngày càng giảm, tỉ lệ lao động phức tạp, lao động có CMKT cao tăng lên. Đặc biệt, tăng tỉ lệ LĐ qua đào tạo, LĐ có CMKT trong các ngành sản xuất và dịch vụ chất lượng cao.
- Quá trình đô thị hóa
Quá trình CNH thúc đẩy quá trình đô thị hóa đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với dân cư từ các vùng nông thôn chuyển vào đô thị. Đô thị là nơi công nghiệp phát triển mạnh, quá trình CNH diễn ra nhanh, kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều việc làm đã trở thành “lực hút” rất lớn đối với lao động từ nông thôn di cư đến đô thị, làm cho quy mô dân số và tỉ lệ dân thành thị gia tăng nhanh chóng, góp phần làm tăng quy mô lực lượng lao động đô thị. Ở nước ta hiện nay, lao động đô thị tăng nhanh chủ yếu do ba dòng di cư sau:
Thứ nhất, lao động từ khu vực nông thôn đổ về các đô thị để tìm việc làm.
Dòng di cư này sẽ tiếp tục diễn ra mạnh và là nguồn cung cấp lao động chủ yếu cho đô thị, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển.
Thứ hai, dòng di cư của lao động có trình độ, CMKT từ đô thị nhỏ sang đô thị lớn, từ đô thị chưa phát triển sang đô thị phát triển mạnh. Tình trạng này gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” tại những đô thị có người lao động xuất cư.
Thứ ba, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sau khi ra trường họ không về lại quê hương mà tìm cách ở lại thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc đến các đô thị khác để tìm việc.
Đô thị không chỉ là nơi tập trung về mặt số lượng mà còn góp phần nâng cao chất lượng lao động. Môi trường làm việc, sản xuất, kinh doanh ở đô thị luôn biến đổi và cạnh tranh gay gắt đòi hỏi người lao động ngoài ưu thế về độ tuổi, sức khỏe cần phải có trình độ, kinh nghiệm, sự năng động nhạy bén trong công việc. Vì vậy thu hút nguồn lao động chất xám, lao động chất lượng cao đến đô thị. Đối với lao động tại chỗ đòi hỏi phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình thì mới có thể cạnh tranh được công việc với lao động nhập cư. Nhờ đó mà chất lượng lao động ở đô thị không ngừng được nâng cao. Ngoài ra, đô thị còn là trung tâm văn hóa, giáo dục của vùng hoặc cả nước, vì vậy nơi đây tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, nhiều trường đại học, trung tâm dạy nghề…giúp người lao động dễ dàng tiếp cận hệ thống giáo dục, hệ thống đào tạo nghề đa dạng các cấp, giúp người lao động có thể nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề của mình.
Đô thị hóa làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, làm một bộ phận đất nông nghiệp chuyển đổi thành đất công nghiệp và đất đô thị, chuyển một bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, làm cho CCLĐ ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều chuyển dịch nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm như tình trạng người dân mất đất không tìm được việc làm phù hợp với trình độ, việc xuất hiện nhiều KCN – KCX làm thiếu hụt nguồn lao động, nhất là nguồn lao động trình độ cao, việc làm cho người dân tái định cư…
Sự mở rộng địa giới hành chính của các đô thị, hình thành các quận, huyện mới vừa là kết quả vừa là điều kiện thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Sự thay đổi về ranh giới hành chính do nhu cầu mở rộng không gian đô thị trong quá trình công nghiệp hóa đã ảnh hưởng đến quy hoạch và cấu trúc đô thị. Sự điều chỉnh địa giới hành chính không chỉ ảnh hưởng đến quy mô dân số, diện tích đô thị nói chung và các đơn vị hành chính trực thuộc nói riêng, mà còn làm thay đổi phân bố dân cư, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thay đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề của người dân trong khu vực đô thị được mở rộng.
Sự phát triển kinh tế giữa các khu vực thường có sự khác nhau vì nó phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố liên quan đến sự phân bố không gian. So sánh sự phát triển kinh tế giữa các vùng lãnh thổ khác nhau có thể thấy có sự mất cân bằng về phân bố dân cư và phân bố các hoạt động kinh tế. Trong đó, đô thị trung tâm có vai trò chi phối, dẫn dắt đối với kinh tế đô thị, có khả năng lan tỏa về kĩ thuật, nhân lực, vốn, nắm giữ vai trò tổ chức và điều tiết sản xuất với các khu vực xung quanh.
Cơ sở hạ tầng
Sự phát triển của CSHT có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Số lượng và chất lượng cơ sở hạ tầng (GTVT, TTLL, điện, nước…) góp phần đảm bảo các mối liên hệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo tiền đề hình thành các KCN tập trung, thu hút sự tập trung của lao động. GTVT, TTLL là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong CSHT. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, nó đảm bảo thông tin nhanh nhạy, lưu thông hàng hóa kịp thời, kích thích sản xuất phát triển, tạo ra nhiều ngành nghề mới, góp phần phân công lại lao động xã hội.