Chương 2 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH
2.3.1. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế ở TP. HCM
2.3.1.1. Sự thay đổi về quy mô, tỉ trọng và tốc độ chuyển dịch CCLĐ phân theo nhóm ngành kinh tế
Bảng 2.7 cho thấy, quy mô lao động TP. HCM trong giai đoạn 1999 – 2013 tăng nhanh từ 2.145.964 người lên 4.024.000 người, tăng gấp 1,87 lần. Trong đó, lao động ngành dịch vụ cao nhất, tiếp đến là ngành công nghiệp và thấp nhất là ngành nông nghiệp. Cơ cấu lao động thành phố là dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng CNH – ĐTH, phù hợp với xu hướng chuyển dịch CCKT: giảm tỉ trọng lao động ngành nông nghiệp (giảm 4,5%), tăng tỉ trọng lao động ngành công nghiệp – xây dựng (tăng 2,4%) và dịch vụ (tăng 2,1%). Hai ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng 97,9% trong cơ cấu lao động thành phố.
Bảng 2.7: Lao động và cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế của TP. HCM giai đoạn 1999 – 2013
Năm Đơn vị 1999 2005 2009 2013
Tốc độ tăng BQ % 2000-
2005
2006- 2013
2000- 2013 Tổng số Người 2.145.964 2.676.420 3.676.206 4.024.000 3,75 5,23 4,59 Nông –
Lâm – Ngƣ
Người 141.862 145.282 101.759 84.504 0,39 -6,55 -3,63
% 6,6 5,4 2,8 2,1
CN – Xây dựng
Người 889.921 1.226.932 1.599.957 1.766.536 5,49 4,66 5,02
% 41,5 45,9 43,5 43,9
Dịch vụ Người 1.114.181 1.304.206 1.974.490 2.172.960 2,65 6,59 4,88
% 51,9 48,7 53,7 54,0
Nguồn: xử lí từ [14], [50], [74]
Trong công nghiệp – xây dựng
TP. HCM là trung tâm công nghiệp hàng đầu của VKTTĐPN và cả nước, hàng loạt các KCN – KCX ra đời cùng các cơ sở công nghiệp đã thu hút một số lượng lớn lao động vào làm việc, đặc biệt là lao động nhập cư. Giai đoạn 2000 – 2013, khu vực CN – XD có tốc độ tăng trưởng lao động cao nhất trong ba nhóm ngành kinh tế, bình quân tăng 5,02%/năm, trong đó giai đoạn 2000 – 2005 tăng nhanh nhất 5,49%/năm, giai đoạn 2006 – 2013, đạt bình quân 4,66%/năm. Trong cơ cấu lao động, tỉ trọng lao động công nghiệp – xây dựng tăng từ 41,5% năm 1999 lên 45,9% năm 2005, sau đó giảm xuống còn 43,9% năm 2013.
Giai đoạn 1999 – 2005, lao động công nghiệp tăng nhanh nhất là do trong một thời gian dài sau khi thống nhất đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường, TP.
HCM có nhiều lợi thế hơn so với các địa phương khác về tiềm lực kinh tế, tài chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng nên thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Trong giai đoạn này, nhiều KCN – KCX, nhiều doanh nghiệp công nghiệp của các thành phần kinh tế khác nhau được hình thành và phát triển nên số lượng lao động công nghiệp không ngừng tăng lên. Cơ cấu ngành công nghiệp là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến LT – TP (chiếm 41,3%
TGTSXCN – 2000) vì vậy nhu cầu lao động trong công nghiệp rất lớn.
Từ sau năm 2005, khu vực công nghiệp giảm tỉ trọng trong CCLĐ của TP.
HCM do chi phí đầu tư sản xuất ngày càng gia tăng, diện tích đất để mở rộng sản xuất công nghiệp không còn nhiều, sự hình thành và phát triển của một số trung tâm công nghiệp xung quanh TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dịch chuyển sang các địa phương khác với chi phí sản xuất thấp hơn và được hưởng nhiều ưu đãi hơn TP. HCM. Ngoài ra, thành phố đang thực hiện việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, năng suất lao động thấp từ nội thành ra khu vực ngoại thành và sang các tỉnh khác. Thành phố tập trung đầu tư phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Vì vậy, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp giảm, lao động dịch chuyển sang ngành dịch vụ làm cho tỉ trọng lao động ngành dịch vụ tăng cao. Đây cũng là sự chuyển dịch phù hợp định hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Bảng 2.8: Lao động và cơ cấu lao động công nghiệp – xây dựng phân theo ngành kinh tế TP. HCM giai đoạn 1999 - 2013
Lao động Tốc độ tăng BQ
2000-2013 (%) Đơn vị 1999 2005 2009 2013
Tổng số Người 889.921 1.226.932 1.599.957 1.766.536 5,02 Công nghiệp Người 743.751 1.033.271 1.339.217 1.374.588 4,48
% 83,6 84,2 83,7 77,8
Xây dựng Người 146.170 193.661 260.740 391.948 7,30
% 16,4 15,8 16,3 22,2
Nguồn: xử lí từ [14], [50], [74]
Trong ngành xây dựng, tỉ trọng lao động tăng nhanh từ 16,4% lên 22,2% giai đoạn 1999 – 2013 (tăng 5,8%). Sự tăng trưởng nhanh của ngành xây dựng cho thấy việc mở rộng nhanh chóng về không gian đô thị và tương ứng là nhu cầu về cơ sở hạ tầng đô thị tăng lên. Thành phố luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ cho phát triển KT - XH, thu hút đầu tư. Năm 2013 đầu tư cho xây dựng cơ bản là 18.964,2 tỉ đồng, chiếm 25,7% trong cơ cấu chi ngân sách của thành phố, tăng gấp 12,4 lần so với năm 2000 (1.527,5 tỉ đồng). Chính vì vậy, lao động
trong lĩnh vực xây dựng cũng tăng nhanh trong thời gian qua để phục vụ cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế của thành phố (bảng 2.8).
Trong quá trình phát triển ngành công nghiệp đô thị, con đường phát triển của các nước phần lớn diễn ra theo mô hình: các hoạt động công nghiệp thường chuyên môn hóa trong các ngành sản xuất sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, sau đó dần dần chuyển lên công nghệ bậc trung và công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn [41, tr.34]. Sự phát triển công nghiệp của TP. HCM cũng không nằm ngoài mô hình phát triển đó. Thành phố đang thay đổi cơ cấu sản xuất từ sản xuất công nghiệp nhẹ sử dụng công nghệ thấp sang sản xuất công nghiệp nặng sử dụng công nghệ cao (xem bảng 2.3). Sự thay đổi cơ cấu sản xuất các ngành công nghiệp đã kéo theo sự thay đổi trong cơ cấu lao động của các ngành.
Bảng 2.9: Cơ cấu lao động một số ngành công nghiệp trong các doanh nghiệp của TP. HCM giai đoạn 1999 – 2013 (%)
Năm 1999 2005 2009 2013 Tăng/giảm
1999 -2013
Cơ cấu 100 100 100 100
Dệt - may mặc 30,2 30,4 30,2 30,2 0
Giày da 26,1 23,7 17,2 21,0 -5,1
Chế biến TP, đồ uống 9,7 7,8 8,2 7,1 -2,6
Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ 2,4 2,9 2,7 1,1 -1,3
Cơ khí 8,8 11,2 13,8 12,2 3,4
Hóa chất 9,3 9,5 10,3 9,8 0,5
Điện tử - tin học 1,1 1,2 1,8 2,6 1,5
Giấy và sản phẩm từ giấy 1,5 1,9 1,8 1,9 0,4
Các ngành khác 10,9 11,4 14 14,1 3,2
Nguồn: tính toán từ [13]
Qua bảng 2.9, CCLĐ một số ngành công nghiệp trong các doanh nghiệp của TP. HCM cho thấy, CCLĐ trong nội bộ ngành công nghiệp thành phố có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động công nghiệp có hàm lượng công nghệ kĩ thuật cao, giá trị gia tăng lớn và giảm tỉ trọng lao động trong các ngành thâm dụng
lao động, giá trị gia tăng thấp. Tỉ trọng lao động ngành cơ khí tăng 3,4%, ngành điện tử - tin học tăng 1,5%, ngành hóa chất tăng 0,5%. Trong khi đó lao động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn, giá trị gia tăng thấp, gây ô nhiễm môi trường có xu hướng giảm như giày da giảm 5,1%, chế biến thực phẩm – đồ uống giảm 2,6%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 1,3%.
Tuy CCLĐ công nghiệp đang có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với chuyển dịch CCKT và theo từng giai đoạn phát triển của quá trình ĐTH nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm. Các ngành thâm dụng lao động (chế biến thực phẩm - đồ uống, dệt may, giày da) mặc dù tỉ trọng giảm nhưng vẫn là những ngành có tỉ trọng lao động lớn nhất (chiếm tới 58,3% lao động). Ngược lại, các ngành có hàm lượng công nghệ kĩ thuật cao, sử dụng ít lao động, giá trị gia tăng lớn như cơ khí, điện tử - tin học chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu lao động công nghiệp thành phố.
Quá trình ĐTH góp phần làm thay đổi sự phân bố lao động công nghiệp thành phố. Việc quy hoạch, phát triển đô thị và xây dựng các KCN – KCX cùng hàng loạt các cơ sở công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp tập trung chủ yếu ở các quận mới và các huyện ngoại thành dẫn đến khu vực này chiếm tới 53,4% tổng LĐ công nghiệp toàn thành. Trong đó, tập trung đông nhất tại các quận, huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp như Bình Tân (17,9%), Tân Phú (15,4%), Bình Chánh (11,9%), Thủ Đức (4,3%)… (2013). Thực tế tại các doanh nghiệp trong các KCN – KCX của TP.
HCM hiện nay đầu tư chủ yếu vào các ngành thâm dụng LĐ nên nhu cầu lao động là rất lớn. Tại các KCN tốc độ tăng LĐ bình quân là 12,4%/năm giai đoạn 1999 – 2013. Hai ngành may mặc và giày da chiếm tới 47,1% tổng số lao động KCN, tiếp theo là các ngành điện tử (17,5%), cơ khí (8,13%), chế biến thực phẩm (3,51%)…
Thị trường lao động thành phố hiện đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh lao động gay gắt từ các tỉnh thành lân cận. Hàng loạt các KCN và các cơ sở công nghiệp được mở ra tại các tỉnh xung quanh thành phố do đó nhu cầu về lao động tăng nhanh làm cho nguồn cung ứng có chiều hướng thiếu hụt. Mặc dù công nghiệp thành phố đang có sự chuyển hướng sang các ngành nghề sử dụng ít lao động và có trình độ chuyên môn cao (điện – điện tử, cơ khí chế tạo…) nhưng sự chuyển dịch vẫn còn chậm.
Trong ngành dịch vụ
TP. HCM là trung tâm thương mại – dịch vụ lớn nhất nước, nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao được hình thành và phát triển như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… TP. HCM là nơi đầu tiên có thị trường chứng khoán, cũng là nơi tập trung nhiều ngân hàng, trung tâm tài chính, thương mại đã thu hút một lượng lao động khá lớn tập trung vào các ngành dịch vụ. Ngoài ra, thành phố còn có đội ngũ chuyên viên kinh tế, kĩ thuật có trình độ được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước khác nhau với một đội ngũ doanh nhân năng động, giàu kinh nghiệm trong hoạt động lĩnh vực kinh tế thị trường, là điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ các ngành thương mại – dịch vụ phát triển.
Bảng 2.10: Cơ cấu lao động phân theo các ngành dịch vụ của TP. HCM giai đoạn 2005 – 2013 (%)
Năm 2005 2009 2013 Tăng/giảm
Tổng số 100 100 100
Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ 41,4 42,0 40,5 -0,9
Vận tải kho bãi 17,1 13,3 13,3 -3,8
Khách sạn và nhà hàng 6,9 6,6 6,3 -0,6
Thông tin và truyền thông 5,9 5,3 4,9 -1,0
Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 4,9 6,8 7,5 2,6
Kinh doanh bất động sản 3,2 3,7 3,7 0,5
Hoạt động chuyên môn, KHCN 7,7 8,9 9,7 2,0
Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 9,0 9,0 9,3 0,3
Giáo dục – đào tạo 1,4 1,9 2,3 0,9
Y tế 0,9 1,0 1,2 0,3
Dịch vụ khác 1,7 1,5 1,2 -0,5
Nguồn: tính toán từ [13]
Trong giai đoạn 1999 – 2013, tỉ trọng lao động ngành dịch vụ của TP. HCM tăng lên từ 51,9% lên 54,0%. Trong đó, Thành phố ưu tiên phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch phù hợp. Các ngành dịch vụ thế mạnh của thành phố đều tăng tỉ trọng, nhóm ngành hoạt động chuyên môn - KHCN
tăng 2%, nhóm ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 2,6%, giáo dục – đào tạo tăng 0,9%, bất động sản tăng 0,5%. Đây là dấu hiệu khả quan đối với các ngành dịch vụ công nghệ cao của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho TP. HCM nhanh chóng chuyển hướng phát triển theo chiều sâu.
Mặc dù lao động trong các ngành dịch vụ của TP. HCM đang có sự chuyển dịch tích cực và đúng định hướng nhưng lao động trong một số lĩnh vực mũi nhọn còn chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu lao động dịch vụ thành phố. Các ngành dịch vụ như hoạt động chuyên môn – KHCN chiếm 9,7%, thông tin và truyền thông 4,9%, hoạt động tài chính - ngân hàng – bảo hiểm 7,5%, giáo dục – đào tạo 2,3%, y tế 1,2%, … Trong khi đó ba ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ; vận tải kho bãi và khách sạn, nhà hàng chiếm tới 61,1% lao động (bảng 2.10).
Trong ngành nông – lâm – ngư nghiệp
Lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp TP. HCM đang có xu hướng giảm, từ 141.862 người năm 1999 xuống còn 84.504 người năm 2013, tốc độ giảm trung bình là 3,63 %/năm trong giai đoạn 2000 - 2013. Về tỉ trọng lao động giảm xuống mức rất thấp, từ 6,6% năm 1999 xuống còn 2,1% năm 2013 trong cơ cấu lao động của thành phố. Quá trình CNH và ĐTH đã có tác động khá rõ nét đến sự thay đổi lao động và tỉ trọng lao động trong ngành N – L – NN của TP. HCM thời gian qua.
Thứ nhất, do tác động của quá trình CNH – ĐTH đang diễn ra nhanh ở các quận mới và huyện ngoại thành làm cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Trong giai đoạn 2000 – 2013, diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm 13.803 ha.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, giai đoạn 2001 – 2010, thành phố có gần 2.650 dự án được giao đất với tổng diện tích là 19.943ha, trong đó diện tích dành cho dự án nhà ở chiếm 38%, dự án thương mại chiếm 39%, dự án công trình công cộng là 23% [77, tr.275]. Phần lớn các dự án này đều sử dụng từ quỹ đất nông nghiệp của thành phố. Khi đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác như xây dựng các KCN tập trung, trung tâm thương mại, khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng thì đi cùng với đó là quá trình biến đổi các hoạt động kinh tế sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Do mất đất hoặc thiếu đất sản xuất, một bộ phận người dân phải chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác
Thứ hai, cùng với quá trình mở rộng nội thành, chia tách thành một số quận mới và việc xây dựng nhiều KCN – KCX tại các quận mới này đã tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ với mức thu nhập cao hơn làm cho một bộ phận dân cư nông thôn đặc biệt là lao động trẻ bỏ nông nghiệp chuyển sang các ngành phi nông nghiệp để mong có cuộc sống tốt hơn.
Thứ ba, thời gian qua TP. HCM đã khai thác thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ và khoa học kĩ thuật hiện đại của mình để phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH – HĐH. Từ năm 2000 trở lại đây, thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào trong sản xuất làm cho lao động trong ngành nông nghiệp được giải phóng. Vì vậy, tuy diện tích đất nông nghiệp và lao động trong ngành nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhưng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp vẫn tăng trưởng khá, bình quân đạt 4,3%/năm giai đoạn 2000 – 2013.
Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra đối với lao động nông nghiệp thành phố dưới tác động của quá trình ĐTH là trình độ của người lao động. Lao động nông nghiệp phần lớn là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo, tỉ lệ lao động có CMKT còn thấp.
Có 97,1% lao động chưa được đào tạo hoặc được đào tạo nhưng không có bằng cấp, 0,7% là đào tạo sơ cấp, 1,3% trung cấp và 0,9% có trình độ từ CĐ – ĐH trở lên (2011). Vì vậy, lao động sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị mất đất sản xuất, phải chuyển từ nghề nông sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác trong khi không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong trường hợp này, khả năng chuyển đổi nghề hoặc tự tạo việc làm bị hạn chế và người nông dân phải chấp nhận làm các công việc đơn giản, thu nhập thấp như lao động dịch vụ phổ thông, làm thuê, bán hàng rong cho đến làm công nhân lao động phổ thông trong các KCN – KCX. Tuy nhiên, họ cũng rất dễ rơi vào hoàn cảnh thiếu việc làm, thất nghiệp khi phải cạnh tranh với lực lượng lao động nhập cư khá lớn từ các tỉnh thành khác đổ về thành phố hằng năm.
Trong nội bộ ngành nông – lâm – thủy sản, lao động chuyển dịch từ khu vực nông, lâm nghiệp sang thủy sản. Tỉ trọng lao động ngành nông – lâm nghiệp giảm từ 94,2% xuống còn 70,5% (giảm 23,7%). Ngược lại, tỉ trọng lao động ngành thủy sản tăng nhanh từ 5,8% lên 29,5% trong giai đoạn 1999 – 2013. Tỉ trọng lao động
ngành thủy sản tăng do chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt qua nuôi thủy sản. Trong thời gian gần đây người dân ở hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè chuyển đổi một phần diện tích lúa một vụ năng suất thấp ở vùng nhiễm mặn sang nuôi tôm sú theo các chương trình phát triển ngành nông nghiệp của thành phố và đẩy mạnh đánh bắt xa bờ. Diện tích lúa của huyện Nhà Bè giảm 1.116 ha và huyện Cần Giờ giảm 158ha trong giai đoạn 2005 – 2013. Lao động ngư nghiệp tăng nhanh cho thấy chuyển dịch CCLĐ trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp là phù hợp, phát huy được thế mạnh của vị trí địa lí, giáp biển và có mạng lưới sông ngòi dày đặc.
Bảng 2.11: Lao động và cơ cấu lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp của TP. HCM giai đoạn 1999 - 2013
Lao động Tốc độ tăng BQ 2000-2013 (%) Đơn vị 1999 2005 2009 2013
Tổng số Người 141.862 145.282 101.759 84.504 -3,63 Nông – Lâm
nghiệp
Người 133.623 130.254 84.854 59.557 -5,61
% 94,2 89,7 83,4 70,5
Ngư nghiệp Người 8.239 15.028 16.905 24.947 8,23
% 5,8 10,3 16,6 29,5
Nguồn: xử lí từ [14], [50], [74]
Hiện nay, lao động trong ngành N – L – NN tập trung chủ yếu ở 5 huyện ngoại thành, chiếm 90,5% tổng số lao động N – L – NN của toàn thành phố và một số quận ven như Quận 12, Quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp. Các huyện chiếm tỉ lệ lao động nông nghiệp cao so với lao động nông nghiệp toàn thành phố là Củ Chi (56,0%), Bình Chánh (19,1%), Hóc Môn (12,1%); các huyện chiếm tỉ lệ lao động ngành thủy sản cao là Cần Giờ (77,3%), Bình Chánh (8,8%), Nhà Bè (7,5%) (2011) [16].
2.3.1.2. Mối quan hệ giữa chuyển dịch CCKT và chuyển dịch CCLĐ Giữa chuyển dịch CCKT và CCLĐ theo ngành kinh tế có mối quan hệ gắn bó với nhau dưới tác động của quá trình CNH và ĐTH, xu hướng ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên về số lượng và tỉ trọng trong CCKT, ngược lại ngành nông nghiệp có xu hướng giảm. Sự thay đổi CCKT theo ngành cũng như trong nội bộ ngành sẽ kéo theo sự thay đổi của CCLĐ trong tổng thể lao động xã hội.