Bón phân cho cây cà chua

Một phần của tài liệu Giáo trình: Bón phân cho cây trồng (Trang 58 - 61)

CHƯƠNG II BÓN PHÂN CHO CÂY RAU

2. BÓN PHÂN CHO CÂY CÀ CHUA

2.3. Bón phân cho cây cà chua

Các loại và dạng phân bón cho cà chua

Cần bón vôi cho đất trồng cà chua có pH nhỏ hơn 5,5. Nên dùng nguyên liệu vôi dạng đôlômit để vừa trung hòa độ chua của đấtvừa cung cấp cả Ca và Mg cho cây cà chua.

Phân hữu cơ thường sử dụng là phân chuồng ủ hoai mục, nước phân chuồng.

Các loại phân vô cơ thường dùng trong trồng cà chua là: phân đạm dạng sunphát amôn và urê, ngoài ra cũng có thể sử dụng các loại phân nitrat; phân lân nên sử dụng dạng supe lân, cũng có thể phối hợp với các dạng phân lân khác khi bón lót; phân kali dạng kali sunphát, có thể dụng kali clorua để bón lót. Có thể dùng các loại phân đa yếu tố (NPK) nhưng phải là những loại chuyên dùng cho cà chua có tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp với từng thời kỳ bón cụ thể, hay cần tính toán bổ sung thêm phân đơn cho phù hợp với yêu cầu của cây. Chú ý sử dụng các phân chứa Mg nhằm đảm bảo nhu cầu Mg của cây.

Lượng phân bón cho cà chua

Bảng 14.2. Lượng phân bón cho cây cà chua

Loại phân bón Đơn vị Lượng bón trên 1 ha

Phân hữu cơ Tấn 15-30

N kg 120- 400

P2O5 kg 60- 200

K2O kg 100-300

Nguồn: Tạ Thu Cúc, 2000; Nguyễn Xuân Trường,2000 Lượng vôi bột thường sử dụng 500-1000kg/ha

Lượng phân bón tuỳ thuộc vào giống và năng suất kế hoạch, đặc điểm của đất và mùa vụ.

Lượng phân hữu cơ dao động 15-30 tấn/ha

Lượng phân vô cơ bón cho cà chua dao động trong phạm vi khá rộng tuỳ thuộc vào điều kiên thâm canh. Lượng phân đạm dao động từ 120-400 kgN/ha, lượng phân lân dao động từ 60-200 kg P2O5/ha, lượng phân kali dao động từ 100-300 kg K2O /ha.

Để đạt một vụ cà chua năng suất cao ở Hà Lan bón khoảng 400 kgN/ha (Jan.G.De Geus,1985).

Tại Đồng bằng sông Hồng để đạt năng suất 25-30 tấn/ha thường bón cho mỗi hecta:

Phân chuồng mục với lượng 15-25 tấn, phân đạm với lượng 120-150 kgN, phân lân với lượng 60-90 kg P2O5, phân kali với lượng 120-150 kg K2O.

Trong điều kiện ở phía Nam, thường bón cho mỗi ha trồng cà chua: phân hữu cơ hoai 20-30 tấn/ha, phân đạm với lượng 150-300 kg N, phân lân với lượng150-200 kgP2O5, phân kali với lượng150-300 kg K2O.

Phương pháp bón phân cho cà chua Bón phân lót cho cà chua

Khi cần bón vôi cải tạo độ chua của đất cần bón trong qúa trình làm đất, nên bón vôi sớm trước khi gieo trồng cà chua.

Thường bón lót toàn bộ phân hữu cơ và phân lân, cùng với 1/5 tổng lượng phân đạm, 1/3-1/2 tổng lượng phân kali. Trong thực tế có thể chỉ dùng 2/3 tổng lượng phân lân để bón lót, dành 1/3 lân để bón thúc, gặp mưa nhiều khi trồng có thể không bón lót đạm và kali mà dồn bón vào lúc cây bén rễ hồi xanh.

Khi bón phân cần trộn đều các loại phân bón với nhau, bón vào hốc đã đào từ trước ở độ sâu 15- 20 cm, rồi lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi trồng cây giống nhằm tránh để rễ cây mới trồng tiếp xúc trực tiếp với phân.

Bảng 15.2. Phương pháp bón phân cho cà chua

Thời gian bón Tỷ lệ bón so với tổng lượng phân bón (%)

N P205 K20

Bón lót 0-20,0 66,7-100,0 0-50,0

Bón thúc 1 (15-20 ngày sau trồng) 10,0 0-33,3 -

Bón thúc 2 (35-45 ngày sau trồng) 20,0 - 0-20,0

Bón thúc 3 (45-55 ngày sau trồng) 33,3 - 33,3

Bón thúc 4 (sau thu hoạch quả đợt 1) 20,0 - 20,0

Bón thúc phân cho cà chua

Thường sử dụng các loại phân đạm và kali vô cơ để bón thúc cho cà chua, cũng có thể bón thúc một phần phân lân. Ngoài ra có thể sử dụng các dạng phân hữu cơ lỏng, phân chuồng mục có chứa dinh dưỡng dưới dạng dễ tiêu để bón cho cây. Có thể bón thúc 1 phần phân lân (bằng lân hoà tan) hay 1 phần phân chuồng mục vào các đợt bón thúc 1 và 2. Các đợt bón thúc phân vào thời kỳ cây đã có quả, cần tránh bón phân trước thu hoạch 7-10 ngày.

Bón thúc lần 1, vào khoảng 15-20 ngày sau trồng, khi cây cà chua bắt đầu phát triển thân lá. Bón phân đạm với lượng khoảng 1/10 tổng lượng N bón và 1/3 tổng lượng phân lân (nếu phân lân còn). Khi sử dụng phân khô để bón, cần bón phân cách cây khoảng 7-10cm, kết hợp vun xới để vùi phân xuống độ sâu 5-7 cm. Cũng có thể hoà phân vô cơ theo nồng độ 1-2%

để tưới cho cây hay dùng 2-3 đợt tưới nước phân chuồng loãng để thay thế.

Bón thúc lần 2, khi cây cà chua bắt đầu có nụ, khoảng 35-45 ngày sau trồng. thường sử dụng phân đạm với lượng bằng 1/5 tổng lượng phân đạm và phân kali bằng 1/5 tổng lượng phân kali. Cũng có thể không bón kali vào đợt bón này nếu đã bón lót1/2 tổng lượng phân kali… Bón phân vào sát gốc cây rồi kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân xuống. Có thể dùng 2-3 đợt tưới nước phân chuồng loãng để thay thế.

Bón thúc lần 3, cách bón thúc 2 khoảng 10-12 ngày, khi cây ra quả rộ. Thường bón phân đạm với lượng bằng 1/3 tổng lượng phân bón đạm và 1/3 tổng lượng phân kali. Nên hoà phân vào nước để tưới cho cây.

Bón thúc đợt 4, sau khi thu hoạch quả đợt 1. Thường bón phân đạm với lượng bằng 1/5 tổng lượng phân N và phân kali với lượng bằng 1/5 tổng lượng phân kali. Nên hoà phân vào nước tưới cho cây.

Bảng 16.2. Hướng dẫn bón phân cho cà chua bằng phân chuyên dùng (ở miền Nam)

Thời kỳ bón phân Loại phân NPK Lượng bón (kg/ha)

Bón lót RL1 500-700

Bón thúc 1 (15-20 ngày sau trồng) 16-8-14 200-400

Bón thúc 2 (35-45 ngày sau trồng) 16-8-14 200-400

Bón thúc 3 (45-55 ngày sau trồng) 16-8-14 200-400

Bón thúc 4 (sau thu hoạch quả đợt 1) 16-8-14 200-400 Nguồn: Nguyễn xuân Trường, 2000

2.4. Bón phân cân đối cho cà chua

Trong bón phân cho cà chua cần biết: cân đối đạm – kali là yếu tố quan trọng nhất trong dinh dưỡng của cà chua. Bón phân lân và kali cân đối với đạm ngoài việc làm năng suất tăng thêm còn làm tăng kích thước quả, tăng tỷ lệ đường trong quả nên làm tăng chất lượng quả, tăng giá trị hàng hóa. Đồng thời còn có tác dụng tăng khả năng chống chịu các bệnh , đặc biệt là bệnh héo xanh, bệnh vi rus, bệnh xám quả.

Phối hợp một tỷ lệ và khối lượng thích hợp giữa phân hữu cơ và phân vô cơ (N,P K) là điều kiện quan trọng đảm bảo năng suất và chất lượng cà chua ở mùa vụ khác nhau.

Chế độ bón phân hợp lý cho cà chua thay đổi tùy thuộc vào mức năng suất và loại cà chua trồng. Khi tăng năng suất thì phải chú ý tới việc cung cấp đủ và cân đối dinh dưỡng các chất dinh dưỡng không chỉ đa lượng mà cả trung lượng và vi lượng.

Cần quan tâm đảm bảo Mg và B cho cây đặc biệt khi trồng cà chua trên đất nhẹ và thâm canh cao, bón nhiều phân kali.

Trong trồng cà chua thường sử dụng các phân vi lượng B, Mn, Zn, Cu đạt hiệu quả . Trồng cà chua trên đất chua cũng cần bón phân Mo .

Một phần của tài liệu Giáo trình: Bón phân cho cây trồng (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w