CHƯƠNG IV BÓN PHÂN CHO CÂY CÔNG NGHIỆP
2. BÓN PHÂN CHO CÂY ĐẬU TƯƠNG
Cây đậu tương còn gọi là đậu nành có tên khoa học là Glycine max. Đậu tương là cây trồng quan trọng trong các cây họ đậu do có nhiều tác dụng đối với nền kinh tế quốc dân. Hạt đậu tương là nguồn thực phẩm có giá trị cao, với hàm lượng trung bình rất cao của protein khoảng 30-40% và lipit khoảng 18-29%, là loại hạt duy nhất mà giá trị được đánh giá cao cả về protit và lipit. Hạt đậu tương còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến, nguồn thức ăn quan trọng cho chăn nuôi. Đậu tương cũng là cây cải tạo đất rất tốt, tạo khả năng đa dạng hóa và tăng thu nhập cho sản xuất nông nghiệp. Cây đậu tương có thể trồng nhiều vụ trong năm, trên các loại đất khác nhau và là cây trồng tốt trong luân canh, xen canh, gối vụ với các cây trồng khác.
Nhiệt độ và ánh sáng là 2 yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của đậu tương. Nhiệt độ thích hợp nhất cho đậu tương sinh trưởng và phát triển khoảng 22-270C, cây yêu cầu ánh sáng ngày ngắn với số giờ chiếu sáng ít hơn 12 giờ trong một ngày để ra hoa.
Đậu tương tuy là cây trồng có khả năng chịu hạn, nhưng muốn đạt năng suất đậu tương cao cần phải thường xuyên cung cấp đủ ẩm cho cây, nhất là trong các giai đoạn ra hoa, nuôi quả.
Đậu tương là cây trồng không kén đất, song đất thích hợp nhất cho trồng đậu tương là đất thịt nhẹ-thịt trung bình khá giàu dinh dưỡng và chất hữu cơ, thoát nước tốt có pH khoảng 6,2-7,0 mặc dù cây vẫn có thể phát triển được tốt trên đất có pH từ 5,5.
Cây đậu tương có thời gian sinh trưởng từ 90-150 ngày, trong đó thời gian từ khi gieo hạt đến ra hoa thường chiếm 30-90 ngày tuỳ theo giống và mùa vụ. Cây có đặc điểm vừa ra hoa vừa phát triển các cơ quan sinh trưởng và có tỷ lệ đậu quả thấp.
Năng suất trung bình của đậu tương trên thế giới khoảng 2,0 tấn/ha nhưng năng suất trung bình ở Việt Nam còn rất thấp (0,95-1,1 tấn/ha).
Trong trồng đậu tương cần quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn cố định đạm hoạt động, là cơ sở quan trọng cho việc đạt năng suất và hiệu quả sản xuất cao.Trong đó việc xây dựng được một quy trình bón phân hợp lý cho cây có vai trò đặc biệt quan trọng.
2.2. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây đậu tương Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây đậu tương
Cây đậu tương có các giai đoạn sinh trưởng và phát triển chính sau:
Thời kỳ nẩy mầm và mọc: Bắt đầu từ khi hạt hút nước trương lên, mầm mọc lên khỏi mặt đất, kéo dài 5-7 ngày trong điều kiện phù hợp.Thời kỳ này cây chủ yếu dựa vào dinh dưỡng do lá mầm của hạt giống cung cấp.
Thời kỳ cây con: Tính từ mọc đến khi cây nở hoa đầu tiên,là thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng của cây đậu tương. Thời kỳ này cần chú ý điều chỉnh để hạn chế cây sinh trưởng sinh dưỡng quá mạnh dẫn đến làm rụng hoa, rụng quả ở thời kỳ sau.
Thời kỳ nở hoa: Tính từ khi cây nở hoa đầu tiên, thường kéo dài 3-4 tuần. Ở thời kỳ này cây đậu tương vừa ra hoa, vừa tiếp tục phát triển mạnh thân, cành, lá và rễ nên cây tiêu thụ rất nhiều dinh dưỡng . Như vậy cây đậu tương có đặc điểm vừa sinh trưởng dinh dưỡng vừa sinh trưởng sinh thực. Vì vậy thời kỳ này, cây cần được quan tâm tạo những điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển trong đó có việc cung cấp rất nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và kali.
Thời kỳ hình thành quả, hạt: Lúc đầu quả lớn chậm, tốc độ lớn của quả và hạt tăng nhanh từ khi không còn hoa. Thời kỳ hạt mẩy là thời kỳ khủng hoảng dinh dưỡng nhất trong đời sống của cây đậu tương, cần quan tâm đáp ứng đủ ẩm và dinh dưỡng cho đậu tương.
Thời kỳ chín: Độ ẩm trong hạt giảm nhanh, tích luỹ chất không mạnh, khoảng 1-2 tuần trước chín sinh lý lá vàng và rụng.
Đặc điểm hệ rễ của cây đậu tương
Hệ rễ của cây đậu tương gồm rễ chính và nhiều rễ bên. Rễ chính mọc từ phôi rễ của hạt giống đậu tương. Từ rễ chính phát triển ra nhiều rễ bên mà trên đó có rất nhiều lông hút.
Rễ bên và lông hút làm nhiệm vụ hút nước và dinh dưỡng cho cây.
Mặc dù rễ chính của đậu tương có thể ăn sâu tới 150 cm (trong điều kiện tầng đất dầy và khô ráo), nhưng phần lớn hệ rễ phân bố chủ yếu ở lớp đất 10-15cm, phát triển lan rộng ra xung quanh 40-50 cm.
Hệ rễ cây đậu tương cũng như nhiều cây bộ đậu khác có đặc điểm, là khoảng 3-4 tuần sau gieo cây có khả năng hình thành các nốt sần, mà trong đó có các vi khuẩn nốt sần Rhizobium japonicum sống cộng sinh, tạo khả năng cố định đạm khí quyển thành đạm dễ tiêu cung cấp cho cây. Sau khi cây dậu tương nảy mầm khoảng 10-15 ngày, vi khuẩn bắt đầuxâm nhập vào rễ. Tế bào rễ bị kích thích bởi vi khuẩn, phản ứng lại bằng cách phát triển dị dạng, vượt kích thước thành những tế bào lớn có nhân khổng lồ và vẫn sống, các tế bào trên tập hợp thành các nốt sần có kích thước từ 4-10 mm. Nốt sần phân bố ở rễ chính và rễ bên với số lượng hàng chục, hàng trăm cái. Trong các nốt sần có chứa hàng triệu vi khuẩn và xảy ra mối quan hệ cộng sinh giữa tế bào rễ cây đậu tương và vi khuẩn. N2 có nhiều trong khí quyển, khuyếch tán từ đất vào nốt sần. Tại đây N2 được khử thành NH3 rồi được vận chuyển lên lá cho cây.
Khả năng cố định đạm của cây đậu tương đạt đỉnh cao vào giai đoạn cây ra hoa rộ.Vì vậy tạo khả năng cho cây đậu tương có thể tự đáp ứng 60-70% nhu cầu N của nó đồng thời có thể để lại lượng đạm đáng kể cho cây trồng sau. Tác dụng này có ảnh hưởng rất quyết định đến năng suất đậu tương và nhu cầu bón phân đạm cho cây đậu tương và các cây bộ đậu khác.
Cần tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn cố định đạm hoạt động như: làm đất tơi xốp, thoáng khí, có nhiệt độ 25-280C, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng khác P, K, Mg. Mo...và ánh sáng tốt để cây quang hợp. Nếu nốt sần phát triển tốt cây đậu tương có thể cố định được lượng đạm đủ để cho năng suất 3-4 tấn hạt/ha (Trung tâm TTKHKT hóa chất,1998)
Nhu cầu dinh dưỡng của đậu tương
Một tấn hạt đậu tương cùng với thân lá cây lấy đi từ đất: 81kgN; 17kgP2O5; 36kgK2O Bảng 6.4. Lượng dinh dưỡng cây đậu tương hút để tạo 1 tấn hạt
Loại dinh dưỡng N (kg) P2O5 (kg) K2O (kg) CaO (kg) MgO (kg) S (kg)
Số lượng 77-92 10-14 33-39 7-23 10-24 3-8
Loại dinh dưỡng Mn (g) Fe (g) Zn (g) Cu (g) B (g) Mo (g)
Số lượng 90-180 366-475 50-61 25 25-39 3-7
Nguồn: HHPBQT-Trung tâm TTKHKT hóa chất,1998, Ngô Thế Dân, 1997 Nhu cầu về đạm của cây đậu tương
Đạm là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng nhất và hút nhiều nhất của cây đậu tương do hạt đậu tương có chứa hàm lượng protein rất cao. Để đạt năng suất 3 tấn hạt/ha cây đâụ tương cần 285 kg N/ha (Bộ môn cây công nghiệp ĐHNNI,1996). Mặc dù cây đậu tương có khả năng tự túc phần lớn N nhưng việc cung cấp N hợp lý cho đậu tương có tác dụng làm cây mọc nhanh, phát triển hệ rễ, tạo cơ sở cho việc hình thành nốt sần. Đồng thời phát triển lá và thân, cành; tăng tỷ lệ đậu quả và tỷ lệ quả chắc, tăng trọng luợng hạt và hàm lượng protein trong hạt.
Thiếu đạm làm cây đậu tương chuyển màu lá thành xanh nhạt, cành và lá kém phát triển, hoa và quả rụng nhiều hoặc lép, trọng lượng hạt giảm.Nhưng thừa đạm lại cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn vào nốt sần và việc cố định N của cây đậu tương. Thừa đạm còn có khả năng làm cây phát triển quá mạnh các cơ quan sinh trưởng, ức chế việc ra hoa và quả ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng hạt.
Nhu cầu đạm của cây đậu tương tăng từ khi cây mọc nhưng tăng mạnh nhất vào thời kỳ ra hoa, kết quả, đặc biệt cao từ khi cây ra hoa rộ đến khi hạt mẩy. Tuy nhiên các loại cây đậu đỗ nói chung đều có thể hút N từ 2 nguồn: đạm phân tử được cố định qua nốt sần và N khoáng có trong đất qua rễ, trong đó nguồn cố định đạm có thể chiếm 60-70% tổng nhu cầu . Vì vậy mặc dù cây có nhu cầu về đạm cao nhất, nhưng nhu cầu cung cấp N cho cây từ đất và phân bón không cao.
Nhu cầu về lân của cây đậu tương
Lân có tác dụng xúc tiến phát triển bộ rễ và hình thành nốt sần vì vậy lân có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cây đậu tương. Cây đậu tương được cung cấp đủ lân có số lượng và trọng lượng nốt sần phát triển mạnh, cây sinh trưởng phát triển thân lá cành tốt và hợp lý. Lân còn có ảnh hưởng tốt rõ tới các yếu tố cấu thành năng suất đậu tương, làm tăng: số quả, số hạt, tỷ lệ qủa chắc và trọng lượng hạt. Đồng thời lân cũng ảnh hưởng tốt tới hàm lượng protein trong hạt, tăng khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh hại cho cây đậu tương.
Khi cây đậu tương thiếu lân ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành rễ, nốt sần và khả năng cố định đạm. Kết quả làm cây đậu tương có thân nhỏ; lá hẹp có đầu lá nhọn và cong, màu xanh tối, mặt lá có những chấm nâu. Thiếu lân nhiều làm thân cây đậu tương có màu đỏ, rễ có màu nâu, hoa và quả ít, năng suất và chất lượng hạt giảm.
Đậu tương hút lân trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển nhưng giai đoạn cây hút lân có ý nghĩa quan trọng nhất là ở thời kỳ đầu sinh trưởng. Thời kỳ cây hút nhiều lân nhất từ lúc bắt đầu ra quả cho đến 10 ngày trước khi hạt chín hoàn toàn. Ở thời kỳ sinh trưởng cuối lân được chuyển từ thân lá về quả và hạt.
Nhu cầu về Kali của cây đậu tương
Kali đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp chất gluxit ở trong cây đậu tương. Kali còn có vai trò điều hòa các quá trình đồng hóa đạm, tổng hợp protein, cân bằng nước và các phản ứng khác trong cây đậu tương nên có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng và phát triển; tăng tính chống chịu sâu bệnh hại, khả năng chịu rét, chịu hạn và chống đổ cho cây đậu tương.
Khi cây đậu tương thiếu kali, đỉnh và mép lá bị mất màu xanh thành màu vàng rồi xám nâu, thiếu nhiều làm khô và rụng lá, làm giảm năng suất rõ.
Cây đậu tương hút kali trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển, nhưng nhiều nhất là ở thời kỳ ra hoa, rồi giảm dần cho đến trước thu hoạch khoảng 20 ngày thì ngừng. Ở thời kỳ chín của cây đậu tương, kali được chuyển dần từ thân lá về hạt
Nhu cầu về các yếu tố dinh dưỡng khác
Ca, Mg có tác dụng điều chỉnh pH đất thích hợp cho vi khuẩn nốt sần phát triển và hoạt động cố định đạm, làm cây sinh trưởng phát triển tốt.
Lưu huỳnh cần thiết cho việc tổng hợp protein vốn xảy ra mạnh ở cây đậu tương. S cũng cần thiết cho việc hình thành nốt sần trên rễ cây đậu tương. Vì vậy thiếu S cũng ảnh hưởng rất xấu tới việc hình thành nốt sần trên rễ cây đậu tương và khả năng cố định đạm nên làm cho cây đậu tương sinh trưởng phát triển kém, cho năng suất hạt thấp. Thiếu S còn có khả năng ảnh hưởng rất xấu tới tỷ lệ và chất lượng của protein trong hạt nên ảnh hưởng xấu tới phẩm chất hạt đậu tương. Biểu hiện thiếu S ở cây đậu tương khá giống với biểu hiện thiếu đạm.
Cây đậu tương cũng có nhu cầu khá cao về các chất dinh dưỡng vi lượng mà các chất này lại thường hay bị thiếu trên các đất có pH gần trung tính,vốn rất phù hợp cho đậu tương. Khi cây đậu tương bị thiếu sắt, mangan, kẽm cây bị còi cọc, có một số quả không bình thường. Thiếu Bo làm cho nốt sần trên rễ cây đậu tương phát triển kém, tỷ lệ rụng hoa, rụng quả và hạt lép tăng.
Thiếu Molipđen ảnh hưởng xấu tới hoạt động của vi khuẩn nốt sần và đồng hóa đạm của cây.
Kết quả đều ảnh hưởng xấu đến năng suất và phẩm chất đậu tương.
2.3. Bón phân cho đậu tương Loại và dạng phân bón
Trong trồng đậu tương thường sử dụngcác loại và dạng phân bón sau:
Đôlômit hay vôi bột nhằm cung cấp Ca, Mg cho cây và trung hòa độ chua của đất.
Sử dụngphân chuồng đã ủ hoai mục.
Các loại phân vô cơ gồm: phân đạm sunfát amôn hay urê; phân lân dạng supe lân hay phân lân thiên nhiên, phân lân nung chảy; phân kali dạng sunfát kali, tro bếp hay clorua kali (khi đã có nguồn phân chứa S khác).
Cần quan tâm sử dụng các dạng phân có chứa S và Mg cho cây đậu tương. Cũng cần quan tâm bón các loại phân vi lượng B, Zn, Cu, Mo…cho cây.
Để đạt năng suất đậu tương cao và giảm việc bón phân đạm, cây đậu tương cần có một quần thể Rhizobium japonicum thích hợp để hình thành nốt sần. Vì vậy thường sử dụng các chế phẩm Nitrazin có Rhizobium japonicum thích hợp để nhiễm khuẩn cho hạt giống trước
khi gieo.. Việc sử dụng Nitrazin nhằm cung cấp những vi khuẩn có khả năng cố định đạm cao đã được chọn lọc cho việc trồng đậu tương, biện pháp này thường cho hiệu quả kinh tế cao trên những ruộng lần đầu tiên trồng đậu tương.
Lượng phân bón cho đậu tương
Lượng phân bón có thể thay đổi tuỳ theo điều kiện đất đai và khí hậu của từng vùng sản xuất.Trồng đậu tương trên đất phù sa cần bón phân ít nhất rồi đến đất đỏ vàng đồi núi; đất xám đất bạc màu và đất cát cần bón nhiều nhất. Trong các loại phân vô cơ bón cho đậu tương, khác với nhiều loại cây trồng khác, cần bón nhiều nhất là lân rồi đến kali, ít nhất là đạm.
Đôlômit hay vôi bột 0,3-1,0 tấn/ha tuỳ theo độ chua của đất.
Phân chuồng 5-8 tấn/ha, nếu có điều kiện bón lượng cao hơn càng tốt.
Phân khoáng:30-50kgN/ha; 50-90 kg P2O5/ha; 40-80 kg K2O/ha.
Bảng 7.4. Lượng phân bón cho dậu tương trên các loại đất khác nhau
Loại đất Lượng bón (kg/ha)
N P2O5 K2O
Các loại đất 30-50 50-90 40-80
Xám, bạc màu, cát 40-50 70-90 60-80
Đất đồi núi 30-40 60-80 50-60
Phù sa 30-40 50-60 40-50
Nguồn: Nguyễn Văn Bộ,2003; Nguy ễn Xuân Trường, 2000
Ở nước ngoài thường dựa vào chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng qua lá để xác định nhu cầu bón phân cho đậu tương.
Bảng 8.4. Chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng qua lá của cây đậu tương Loại dinh dưỡng Bộ phận và thời gian
lấy mẫu phân tích
Hàm lượng dinh dưỡng (% chất khô)
Thiếu Đủ
N Các lá phát triển
hoàn chỉnh phía
<2 3-5
P <0,2 0,2-0,5
K <2 2-3
Ca <0,5 0,5-2
Mg <0,3 0,5-0,7
S <0,15 0,25
Nguồn: T.S D ierol, T.H. Fairhơt, 2001 Phương pháp bón phân cho đậu tương
Bảng 9.4. Phương pháp bón phân cho đậu tương
Loại phân bón Thời gian và tỷ lệ phân bón (% so với tổng lượng bón)
Lót Thúc cây con Thúc ra hoa
Phân hữu cơ 100 0 0
N 0-50 25-50 0-25
P2O5 66-100 0-34 0
K2O 33-100 0-50 34-50
Vôi bột hay đôlômít cần được bón sớm trước khi trồng, trong quá trình làm đất và cần được đảo trộn đều vào lớp đất canh tác.
Nên sử dụng phân vi khuẩn nốt sần Nitrazin trộn với hạt giống trước khi gieo. Đặc biệt khi trồng đậu tương trên đất bạc màu, đất lúa, đất trồng đậu tương lần đầu.
Thường bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân cùng với 2/3 lượng phân kali;
hay toàn bộ lượng phân chuồng cùng với 2/3 lượng phân lân, 2/3 lượng phân kali và l/2 lượng phân đạm. Phân cần rắc đều theo hàng hay hốc khi trồng đậu tương, tránh để phân tiếp xúc trực tiếp với hạt giống.
Bón thúc lần 1- thúc cây con, khi cây có 2-3 lá thật. Ở đợt bón này thường dùng 1/4-1/2 tổng lượng phân N cùng với lượng phân lân còn lại và 1/3 tổng lượng K2O ( nếu chưa bón lót hết). Phân được hòa vào nứơc tưới cho cây hoặc bón theo rãnh cạnh hàng đậu tương, kết hợp với xới xáo làm cỏ để vùi phân vào đất.
Bón thúc lần 2- thúc ra hoa, khi cây bắt đầu có hoa, vào khoảng 30-35 ngày sau trồng.
Trong đợt bón này thường sử dụng các loại phân vô cơ còn lại với lượng như sau:1/4 tổng lượng N; 1/3 tổng lượng phân kali. Nên dành một phần phân đạm để bón vào đợt bón này, khi trồng đậu tương trên đất nghèo dinh dưỡng, ngược lại có thể không bón mà dồn vào các đợt bón trước.
Khi bón phân thúc phân khoáng cần bón cách gốc cây đậu tương 4-5 cm. Bón phân theo rãnh cạnh hàng đậu tương kết hợp xới vun để vùi phân.
Thường sử dụng các phân vi lượng Mo và B trong trồng đậu tương, trong đó Mo thường dùng để xử lý hạt giống, còn B thường dùng để phun trên lá.
Bảng 10.4. Qui trình bón phân NPK chuyên dùng cho cây đậu tương
Thời kỳ Loại phân Lượng bón
Lót khi trồng 03-06-08 400-500kg/ha
10-15 ngày sau trồng 03-06-08 200-300kg/ha
30-35 ngày sau trồng 03-06-08 200-300kg/ha
Nguồn: Nguyễn Xuân Trường, 2000