CHƯƠNG III BÓN PHÂN CHO CÂY ĂN QUẢ
4. BÓN PHÂN CHO CÂY VẢI
Cây vải có tên khoa học là Litchi chinensis Sonn. Vải là cây ăn quả lâu năm ít rụng lá có tuổi thọ dài, có thể sống tới vài trăm năm. Đây là cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao của miền Bắc Việt Nam. Cây vải còn là cây ăn quả cho mật ong chất lượng rất tốt, gỗ vải là loại gỗ quý. Vải là cây dễ trồng, chịu được đất chua, đất dốc, ít sâu bệnh, ở thời kỳ kinh doạnh có lá dày che kín ánh sáng mặt đất nên có tác dụng chống cỏ dại và chống xói mòn rửa trôi bảo vệ đất tốt.
Cây vải có yêu cầu chặt chẽ với khí hậu, cây cần mùa hè với nhiệt độ cao, còn mùa đông có một thời gian mát và lạnh, yêu cầu ánh sáng trực xạ, nhiệt độ 24 – 320C là thích hợp nhất cho cây vải sinh trưởng và phát triển. Để đạt năng suất vải cao cần có thời tiết lạnh và khô vào tháng 11-12 phù hợp cho việc hình thành mầm hoa còn ở thời kỳ ra hoa, đậu quả vào tháng 2-3 cần có nhiều ngày nắng, không có gió bấc, mưa phùn. Nhiệt độ thích hợp cho vải ra hoa, thụ phấn là 18-240C.
Do có yêu cầu chặt chẽ về khí hậu mà vùng trồng vải chủ yếu của Việt Nam là miền Bắc. Cây vải có khả năng chịu hạn cao nhưng nơi lượng mưa 1250-1700 mm/năm thuận lợi nhất cho vải đạt năng suất cao.
Vải là loại cây trồng không kén đất, có khả năng thích ứng khá rộng, trừ đất có tầng đất quá mỏng, không thoát nước, đất quá chua hoặc quá kiềm. Vải mọc tốt trên đất dễ thoát nước, giàu chất hữu cơ, có pH từ 5,0 đến 6,0.
Cây vải là cây ăn quả có thời gian kiến thiết cơ bản ngắn nhưng thời gian kinh doanh có năng suất không ổn định lại kéo dài, cây trên 15 tuổi thường mới có khả năng cho năng suất ổn định. Vải có nhược điểm: cây cao và to, mật độ trồng thưa (100-180 cây/ha), quả chín tập chung và dễ hỏng nên gây nhiều khó khăn cho khâu thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
4.2. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây vải Đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây vải
Thời kỳ kiến thiết cơ bản bắt đầu từ sau khi trồng bằng cành chiết hay cây ghép đến khi cây đạt 3 tuổi. Trong thời kỳ này cây vải phát triển hệ thống rễ, thân, cành, hình thành tán cây.
Thời gian đầu cây phát triển rất chậm. Trong thời kỳ này đường kính thân, số cành và tán cây vải tăng dần hàng năm.Một năm cây vải cho ra từ 4 đến 5 đợt lá non (lộc) mà sau đó có thể phát triển thành cành vào các tháng: 2- 3, 4-5, 6-7, 8-9 và nếu thời tiết ấm cả vào các tháng 10-11.
Thời kỳ kinh doanh của cây vải được bắt đầu từ năm thứ 4 sau trồng. Ở thời kỳ này một năm cây vải cho 2-3 đợt lộc, trong đó: đợt lộc xuân vào khoảng tháng 2, đợt lộc sau thu hoạch quả vào khoảng tháng 6- 7 và đợt lộc thu vào khoảng tháng 9-10. Cây vải không ra hoa trên cành 1 năm, nên đợt lộc thu sẽ tạo ra các cành thu cho hoa và quả vào năm sau rất có ý nghĩa cho năng suất vải vụ tới.
Tháng 10-11 là giai đoạn ủ mầm hoa nên cần dinh dưỡng, nhưng cần lưu ý giảm lượng đạm sử dụng. Từ tháng 2- 6 là thời kỳ cây ra hoa kết quả, nếu quả nhiều thì không ra lá cần được cung cấp nhiều dinh dưỡng đặc biệt là đạm và kali để nuôi quả.
Đọt lá trên đó chùm hoa đã nảy sinh gọi là đọt mẹ, đọt mẹ càng già (ra vào tháng 6-7) càng có khả năng sinh ra nhiều chùm hoa khoẻ, thuần hoá cho nhiều quả hơn. Khi cây vải thụ phấn xong, hạt phát triển trước, khoảng 3-4 tuần trước khi quả chín, hạt ngừng phát triển, cùi phát triển nhanh, giai đoạn này cây cần nhiều nước và dinh dưỡng, đặc biệt là N,K,Ca.
Thời kỳ đầu kinh doanh cây vải cho năng suất và nhu cầu dinh dưỡng tăng dần trong khoảng 10 năm (từ năm thứ 4 đến năm thứ 14 sau trồng), từ năm thứ 15 sau trồng cây vải thường mới cho năng suất ổn định.
Ở thời kỳ già(cỗi), một năm cây chỉ ra 2 đợt lộc vào các tháng 2 và tháng 9, cây có năng suất quả giảm dần, cùng với hiện tượng chết cành.Nhu cầu dinh dưỡng của cây cũng giảm so với thời kỳ kinh doanh.
Đặc điểm hệ rễ của cây vải
Cây vải có bộ rễ rất khoẻ, gồm rễ phát triển theo chiều đứng và rễ phát triển ngang.
Đại bộ phận hệ rễ của cây vải tập trung ở tầng đất 0 - 60 cm, dù dễ có thể lan xa gấp 1,5 –2 lần so với hình chiếu của tán cây và có thể ăn sâu tới 1,6 m. Tuy nhiên phần lớn rễ tơ - là các rễ hút thức ăn tập trung ở độ sâu 0–40 cm với phạm vi chiều rộng trong và ngoài hình chiếu mép tán cây 10–50 cm.
Bộ rễ cây vải hoạt động mạnh vào 3 thời kỳ: thời kỳ 1– từ sau ra hoa rộ đến giữa tháng 6- là thời kỳ bộ rễ hoạt động mạnh nhất với nhiều rễ nhất; thời kỳ thứ 2–từ sau thu hoạch quả (giữa tháng 8), lượng rễ ít; thời kỳ thứ 3–trước và sau phân hoá mầm hoa (vào trung tuần tháng 10), trong điều kiện mùa đông, nhiệt độ đất giảm dần, lại khô hạn nên rễ hoạt động chậm dần hoặc ngừng hẳn.
Nhu cầu dinh dưỡng của cây vải
Nghiên cứu về dinh dưỡng của cây vải còn ít, thông qua các tài liệu hiện có thể thấy cây vải cần nhiều kali và đạm, rồi đến lân. Ở thời kỳ cây con cây cần nhiều đạm và lân còn ở giai đoạn kinh doanh của cây vải cần nhiều kali nhất rồi đến đạm và lân.
Bảng 12.3. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng tích lũy trong lá và quả vải (%) Tỷ lệ cây hút các chất dinh dưỡng N P2O5 K2O CaO MgO
Trong lá 7,8 1,0 4,6 2,3 2,5
Trong quả 1,6 1,9 5,3 1,3 1,0
Nguồn: Trần Thế T ục, 1997 Nhu cầu về dinh dưỡng đạm
Đạm có tác dụng rất lớn trong việc phát triển lá, thân, cành và tạo tán của cây vải nên có vai trò quyết định đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Đạm còn có có tác dụng lớn đến việc ra hoa, đậu quả, số lượng và trọng lượng quả nên có tác dụng quyết định đối với năng suất quả vải. Đạm là yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng ở thời kỳ cây con - kiến thiết cơ bản của cây vải. Ở thời kỳ kinh doanh của cây vải, đạm ngoài tác dụng lớn đến sự phát triển, cành, lá và tạo tán cây còn có ảnh hưởng quyết định đến năng suất quả.
Cây vải thiếu đạm có các đợt lộc mọc yếu, lá và cành bé, lá có thể bị rụng sớm, hoa và quả rụng nhiều. Thiếu đạm kéo dài làm cây vải mọc yếu, tán cây thấp bé, rút ngắn thời kỳ kinh doanh.
Nhưng thừa đạm lại có thể làm cho cành lá cây vải phát triển quá mạnh, ảnh hưởng xấu đến việc phân hoá mầm hoa, làm hoa và quả rụng, làm giảm năng suất và phẩm chất quả.
Trong một nhiệm kỳ kinh tế, nhu cầu đạm của cây vải tăng dần hàng năm, tăng mạnh ở thòi kỳ đầu kinh doanh và đạt cực đại ở thời kỳ cây có năng suất ổn định, rồi giảm dần ở thời kỳ cây già cỗi.Trong một năm nhu cầu đạm của cây vải cao sau khi thu hoạch để phục hồi và phát triển cành thu cho việc ra quả ở năm sau (tháng7-8) rồi giảm mạnh khi chuẩn bị phân hoá mầm hoa (tháng 12) và lại tăng mạnh vào đâù xuân (tháng2-3) khi cây phát triển cành xuân và ra hoa đậu quả, rồi lại giảm dần cho đến trước thu hoạch quả.
Nhu cầu về dinh dưỡng lân
Lân có tác dụng lớn đối với sự phát triển của hệ rễ và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây vải, vì vậy có ảnh hưởng rõ đến sinh trưởng và phát triển của cây. Lân thúc đẩy quá trình phân hoá mầm hoa, hình thành quả, sự thành thục của quả và hạt nên có tác dụng nâng cao năng suất và sớm cho thu hoạch quả .Lân cũng có ảnh hưởng rõ tới phẩm chất của quả vải. Lân còn làm tăng khả năng chống hạn, chống rét và chống chịu sâu bệnh hại cho cây vải.
Cây vải thiếu lân có lá tối màu, thiếu nhiều thì ở ngọn lá và mép lá có màu vàng nâu cục bộ và lan dần ra đến gân chính. Thiếu lân không chỉ ảnh hưởng xấu đến khả năng hút dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển của cây vải mà còn ảnh hưởng xấu đến việc ra hoa, đậu quả, năng suất và chất lượng quả. Nhưng khi vải được cung cấp quá thừa lân làm cho hàm lượng N và K trong cây giảm có thể ảnh hưởng xấu tới cây.
Trong một nhiệm kỳ kinh tế, nhu cầu lân của cây vải tăng dần hàng năm, đặc biệt cần thiết ở thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trong một năm nhu cầu lân của cây vải cao vào thời kỳ từ sau khi thu hoạch để phục hồi và phát triển cành thu cho việc ra quả ở năm sau và chuẩn bị phân hoá mầm hoa (từ tháng 7-8 đến tháng 12) rồi giảm dần cho đến trước thu hoạch quả.
Nhu cầu dinh dưỡng kali
Kali là yếu tố dinh dưỡng mà cây vải hút nhiều nhất. Kali có tác dụng quan trọng trong việc tổng hợp các chất gluxit, giúp cho cấu tạo các mô cứng cáp, vận chuyển các sản phẩm quang hợp đến các cơ quan dự trữ của cây được thuận lợi. Vì vậy kali còn có tác dụng làm tăng độ ngọt và các phẩm chất quả, tăng khả năng cất giữ, tăng khả năng bảo vệ của vỏ quả. Kali làm tăng khả năng chịu hạn, chịu lạnh, chịu nóng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp cho quả lớn nhanh và chóng thành thục.
Thiếu kali màu sắc lá hơi nhạt, ở ngọn lá có hiện tượng trắng màu tro, khô; mép lá có màu nâu gụ lan dần xuống tận gốc lá. Thiếu kali có ảnh hưởng xấu không chỉ đến sinh trưởng phát triển mà còn có ảnh hưởng xấu rõ tới năng suất và chất lượng quả của cây vải.
Nhu cầu kali theo nhiệm kỳ kinh tế của cây vải cũng tăng hàng năm tương tự như đối với đạm. Nhu cầu kali hàng năm của cây vải tăng dần từ sau khi thu hoạch quả và đạt cao nhất ở thời kỳ cây ra hoa rồi giảm dần từ khi đậu quả cho đến lúc thu hoạch
Hàm lượng kali trong lá cao thời gian chín của cây vải có tương quan thuận với năng suất vải cao.
Nhu cầu về các yếu tố dinh dưỡng khác
Cây vải có nhu cầu khá cao về MgO, CaO .
Mg cần thiết cho quá trình quang hợp thuận lợi ở cây, tạo khả năng chịu hạn tốt hơn cho cây vải, đồng thời có tác dụng làm tăng độ ngọt cho quả vải.
Ca có tác dụng lớn trong việc hấp thu dinh dưỡng của cây vải do có tác dụng tốt đến phát triển hệ thống rễ bên và lông hút của cây, nhất là trong điều kiện đất trồng vải trên đất chua. Ca còn có tác dụng giúp cây vải có khả năng chịu úng tạm thời, có ảnh hưởng tốt đến việc tích lũy chất gluixit vào quả. Vì vậy Ca có ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vải.
Có ý kiến rằng Clo cũng là yêu tố dinh dưỡng có nhu cầu khá rõ đối với cây vải nên dùng một lượng nhất định bón cho vải sẽ mang lại hiệu quả tích cực (Trần Thế Tục,1997).
4.3. Bón phân cho cây vải
Loại và dạng phân phân bón sử dụng cho cây vải
Trong trồng vải thường bón phân hữu cơ các loại, loại dùng để bón lót trước trồng không cần hoai mục, loại dùng để bón hàng năm nên hoai mục. Ngoài ra cũng có thể dùng bùn ao , nước phân để bón cho vải.
Các loại phân khoáng thường sử dụng để bón cho vải gồm: phân đạm urê, phân lân nung chảy và supe lân; phân kali clorua, kali sunphát và tro bếp, phân NPK 11-4-14 và các loại phân chuyên dùng cho vải.
Bón phân cho vải thời kỳ kiến thiết cơ bản Bón lót
Thường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân lân, phân kali để bón lót trứớc trồng vải.
Lượng phân bón cho mỗi cây thuờng như sau: 20-40 kg phân hữu cơ; 0,085-0,1 kg P2O5; 0,3-0,35 kg K2O. Phân hữu cơ có thể sủ dụng loại chưa hoai mục, phân lân nên dùng dạng phân lân nung chẩy, phân kali nên dùng là kali clorua và tro bếp.
Thường bón phân vào hố trước khi trồng cho mỗi cây. Việc làm đất, bón lót phân cho vải, tốt nhất là trước khi trồng 1 tháng. Sau khi bón phân và trồng cây cần tưói nước cho cây.
Bón hàng năm cho cây
Thường sử dụng phân hữu cơ và đủ cả 3 loại phân đa lượng để bón hàng năm cho cây vải mới trồng (cây ở độ tuổi 1-3).
Lượng phân bón cho mỗi cây trong một năm thường như sau: phân hữu cơ: 20-30 kg/cây; 0,2 kgN; 0,1 kg P2O5; 0,1 kg K2O. Lượng bón tăng dần hàng năm, năm thứ 1 bón ít hơn, năm thứ 3 bón nhiều hơn.
Tổng lượng phân bón trong 1 năm thường được chia bón định kỳ làm 4–5 đợt, nếu đất không đủ ẩm, sau mỗi đợt bón nên kết hợp tưới nước hay nên hoà phân vào nước tưới để tưới cho cây. Sau trồng khoảng một tháng, cây đã bén rễ hồi xanh là có thể bón phân cho cây.
Bón phân cho vải thời kỳ kinh doanh Lượng và tỷ lệ phân bón
Để xác định lượng phân bón ở thời kỳ này cần căn cứ vào độ lớn của cây (thông qua đường kính tán cây), sản lượng quả hàng năm, điều kiện đất đai. Có thể dựa vào kết quả việc phân
tích thành phần dinh dưỡng trong quả, trong lá điều chỉnh lượng phân bón cho cây. Để tạo 100 kg quả cần cung cấp cho cây các chất dinh dưỡng chính theo tỷ lệ N:P:K là 1:0.3-0,5:1,2 .
Thường sử dụng phân hữu cơ hoai mục hay nước phân chuồng, đủ cả 3 loại phân đa lượng để bón cho cây.
Lượng phân hữu cơ bón cho mỗi cây vải trong một năm nên 30-50kg cho chu kỳ bón 2-3 năm 1 lần.
Tổng lượng phân khoáng bón hàng năm cho một cây vải tăng đều ở thời kỳ đầu kinh doanh (năm thứ 4-15 tuổi) đối với mỗi yêu tố dinh dưỡng. Trong đó phân đạm từ 0,2-1,0 kgN/cây/năm;
phân lân từ 0,1-0,3 kgP2O5 /cây/năm; phân kali từ 0,3-1,4 kg K2O /cây/năm.
Tổng lượng phân bón cho mỗi cây vải trong một năm ở thời kỳ kinh doanh có năng suất ổn định (từ sau 15 năm tuổi) là: 1,0 kgN; 0,3 kgP2O5; 1,4 kg K2O
Tỷ lệ N: P2O5: K2O bón cho vải ở thời kỳ kinh doanh của cây vải thay đổi nhiều so với thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây, trong đó tỷ lệ kali bón tăng mạnh còn lân giảm khoảng và đạt tương ứng 1:0,3-0,5:1,2
Bảng 13.3. Lượng phân khoáng bón hàng năm cho cây vải (kg/cây)
Tuổi cây Đường kính tán (m) N P2O5 K2O
4-5 1.0-1.5 0,2 0,1 0,30
6-7 2.0-2.5 0,3 0,1 0,45
8-9 3.0-3.5 0,4 0,13 0,55
10-11 4.0-4.5 0,5 0,17 0,70
12-13 5.0-5.5 0,6 0,20 0,80
14-15 6.0-6.5 0,8 0,25 1,20
>15 >6.5 1,0 0,30 1,40
Nguồn: Menzel, 1986-Vũ Công Hậu, 1996; Bộ môn Rau quả ĐHNNI,1999 Phương pháp bón phân cho vải
Bảng 14.3. Thời gian và số lần bón phân cho vải
Thời gian bón Mục đích bón Tỷ lệ bón so với tổng lượng bón (%)
N P2O5 K2O
Cuối tháng 7 - đầu tháng 8 Hồi phục sau thu hoạch 30-50 30-50 25-50
Tháng 11 Phân hoá mầm hoa 25-30 30-50 25-30
Tháng 3 Đậu quả 25-30 0-30 25-50
Thường chia tổng lượng phân bón làm 3 lần bón vào các thời điểm: sau thu hoạch, xuất hiện mầm hoa, ra hoa rộ-đậu quả. Đợt bón phân cho vải ở thời kỳ đậu quả nên tránh sử dụng phân có chứa clo.Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần bón vào 2 đợt: Nếu đất có thành phần cơ giới từ trung bình, tổng lượng phân được bón vào lúc xuất hiện mầm hoa và sau khi đậu quả, mỗi lần 50% hay bón 1 lần sau thu hoạch (tháng 7) và một lần vào sau mùa mưa (tháng 11), lần sau này không bón nhiều đạm.
Kinh nghiệm bón phân cho vải để đạt năng suất và phẩm chất cao ở Quảng Tây Trung Quốc lại chia tổng lượng phân bón làm 6 lần bón.
Bảng 15.3. Phương pháp bón phân cho vải ở Quảng Tây-Trung Quốc
Thời kỳ bón Mục đích bón
Lượng phân bón so với tổng lượng bón (%)
N P2O5 K2O
Cuối tháng 7-đầu tháng 8 Hồi phục sau thu hoạch 30 10 10
Nửa cuối tháng 9 Thúc cành thu 15 15 15
Nửa đầu tháng 12 Thúc phân hoá hoa 20
Cuối tháng 2-đầu tháng 3 Thúc hoa 25 25 25
Đầu tháng 5 Giảm rụng quả 15 25 25
Nửa đầu tháng 6 Nuôi quả 15 25 15
Nguồn: Trần Thế Tục, 1997
Việc bón phân chia ra làm nhiều đợt bón là cần thiết khi trồng vải trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, đồng thời nhằm làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và phẩm chất quả.
Nhưng cũng cần quan tâm tính toán hiệu quả kinh tế, liên quan đến công sử dụng để bón phân.
Để bón phân cho vải, có thể bón phân vào hố hay hốc và bón phân vào rãnh. Nên bón trước khi trời mưa, nhờ nước mưa phân thấm vào đất. Nếu gặp hạn, trời không mưa phải hoà phân vào nước để tưới theo hình chiếu của tán cây.
Khi bón phân vào hốc, cần cuốc những hố nhỏ có kích thứơc 20x20x20 cm vòng quanh hình chiếu tán cây vải trên mặt đất, các hố này cách nhau 50 cm, tạo thành vùng tròn quanh gôc cây vải. Cũng có thể xới những hốc nhỏ và nông có kích thước khoảng 5 – 7 cm nằm trong vùng hình chiếu của tán cây. Sau đó rắc phân xuống hố hay hốc và lấp đất. Cách bón này thường áp dụng để bón phân khoáng.
Khi bón phân cho vải vào rãnh, cần xẻ rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây; rãnh có chiều rộng 10-30 cm, chiều sâu 30–40 cm. Cách bón này cần thiết khi có bón phân hữu cơ. Khi có bón phân hữu cơ nên trộn với phân hoá học để bón cho cây, rắc phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín.
Thường còn sử dụng phương pháp bón phân lên lá nhằm kịp thời cung cấp chất dinh dưỡng vi lượng như: Bo, Zn, Fe, Mo…cho cây vải đạt năng suất cao hơn, phẩm chất tốt hơn.
Khi bón phân lên lá cần chú ý một số điểm sau: Lá non và lưng lá của cây vải là nơi có mật độ khí khổng cao có khả năng hấp thu mạnh hơn so với lá già và mặt trên của lá. Khi phun phân phải chọn lúc có nhiều lá non và nên phun vào lưng lá.