CHƯƠNG II BÓN PHÂN CHO CÂY RAU
5. BÓN PHÂN CHO CÂY DƯA CHUỘT
Dưa chuột là cây rau ăn quả truyền thống thuộc họ bầu bí, có tên khoa học là Cucumis sativus L . Dưa chuột là loại rau ăn quả thương mại quan trọng trên thế giới. Ở nước ta những năm gần đây dưa chuột cũng đã trở thành cây rau quan trọng trong sản xuất. Dưa chuột được sử dụng rộng rãi trong bữa ăn hàng ngày dưới dạng quả tươi, xào, trộn salát, cắt lát, muối chua, đóng hộp… Dưa chuột còn là loại hàng xuất khẩu quan trọng. Năng suất trung bình đạt từ 15-20 tấn, giống dưa chuột Nhật có thể đạt 50-60 tấn/ha.
Dưa chuột thuộc nhóm cây ưa nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển là 25-30oC. Cây ưa ánh sáng ngày ngắn, nắng nhiều có tác dụng tốt đến năng suất, chất lượng quả và rút ngắn thời gian lớn của quả. Cây có yêu cầu về độ ẩm rất lớn- đứng đầu họ bầu bí, rất kém chịu hạn. Thiếu nước cây không những sinh trưởng kém mà còn tích luỹ nhiều cucurbitaxina là chất gây đắng trong quả.
Đất thích hợp cho trồng dưa chuột là loại đất có thành phần cơ giới cát pha - thịt nhẹ, giàu chất hữu cơ, tơi xốp, có độ pH tối thích từ 6,0-6,5 dù cây có thể phát triển bình thường ở độ pH từ 5,5-6,8. Đất trồng dưa chuột phải luân canh triệt để, tốt nhất nên luân canh với cây lúa nước.
Dưa chuột là loại rau ngắn ngày, sau trồng 45-55 ngày cây đã cho thu lứa quả đầu.
Cây thân thảo có đặc tính leo bò, có bộ phận sử dụng là quả non.
Cây có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ thích hợp nhất ở phía Bắc vào tháng 1-2 còn ở phía Nam vào tháng 5-6.
5.2.Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây dưa chuột Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây dưa chuột
Trong quá trình sinh trưởng, cây dưa chuột trải qua các giai đoạn sinh trưởng và phát triển sau:
Giai đoạn nẩy mầm, từ khi cây bắt đầu mọc đến khi cây có 2 lá mầm, thời kỳ này cây có yêu cầu chủ yếu về độ ẩm và nhiệt độ, dinh dưỡng dựa vào hạt giống.
Giai đoạn cây con,từ khi cây có 2 lá mầm đến khi có 4-5 lá thật. Đặc điểm của thời kỳ này là thân lá sinh trưởng rất chậm, rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh, cần tăng cường chăm sóc. Cây đã hút dinh dưỡng từ đất nhưng nhu cầu còn chưa nhiều .
Giai đoạn ra hoa, từ khi cây có 4-5 lá thật đến khi có hoa cái đầu tiên. Thời kỳ này cây có đặc điểm thân lá sinh trưởng mạnh, nhanh chóng chiếm diện tích dinh dưỡng.
Giai đoạn quả, từ khi cây có quả thứ nhất đến ra quả tập trung. Cây sinh trưởng và phát triển rất mạnh. Quả được hình thành một cách liên tục, quả tăng nhanh về kích thước và khối lượng và phát triển cân đối, mẫu mã đẹp. Đây là giai đoạn cây vừa STDD vừa STST nên có nhu cầu về các chất dinh dưỡng rất cao. Cần đặc biệt chú ý đến sự cân bằng giữa sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực.
Giai đoạn già cỗi, từ khi sự sinh trưởng của thân lá, quả giảm đi nhanh chóng, số quả trên cây ít, quả phát triển không cân đối. Nhu cầu dinh dưỡng của cây giảm, nhưng tăng cường chăm sóc cung cấp dinh dưỡng hợp lý có thể làm cho thời kỳ già cỗi đến chậm.
Đặc điểm hệ rễ của cây dưa chuột
Cây dưa chuột nhìn chung có hệ rễ yếu, ưa ẩm, không chịu hạn, cũng không chịu ngập úng. Rễ nhánh và rẽ phụ phát triển theo điều kiện đất đai. Hệ rễ phân bố ở tầng đất từ 0-30 cm, nhưng hầu hết rễ tập trung ở tầng đất 15-20 cm. Thời kỳ cây con rễ sinh trưởng yếu, khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận kém, nếu cây bị hạn hoặc úng, nồng độ chất dinh dưỡng cao, hệ rễ sẽ bị khô đen và bị thối. Vì vậy dưa chuột là cây kém chịu mặn, không có khả năng chịu được những lượng phân khoáng cao vào một thời điểm bón phân, thích hợp với việc sử dụng nhiều phân hữu cơ.
Nhu cầu dinh dưỡng của cây dưa chuột
Cây dưa chuột có yêu cầu cao đối với dinh dưỡng trong đất, do cây hút đượcchất dinh dưỡng từ đất ít hơn rất nhiều so với cây rau khác. Ngoài ra cây dưa chuột còn có yêu cầu hút dinh dưỡng với tốc độ cao để phát triển nhanh nhưng lại kém chịu được những nồng độ dinh dưỡng cao. Trong 3 yếu tố dinh dưỡng chính N, P, K, cây dưa chuột cần nhiều nhất là kali, rồi đến đạm và ít nhất là lân. Để tạo được 10 tấn quả cùng với thân lá, cây dưa chuột cần khoảng 30 kgN, 15 kg P2O5 , 45 kg K2O.
Bảng .27.2. Nhu cầu dinh dưỡng để tạo 20 tấn quả của cây dưa chuột
Chất dinh dưỡng N P2O5 K2O MgO CaO
Kg/ha 39 27 70 10 35
Nguồn: HHPBQT- Trung tâm TTKHKT hóa chất, 1998 Nhu cầu đạm của cây dưa chuột
Đạm có vai trò quan trọng đối với cây dưa chuột. Ở các giai đoạn sinh trưởng đầu, đạm cần thiết cho cây để ra rễ, phát triển thân, lá, ra hoa và quả. Ở giai đoạn sau đạm còn ảnh hưởng lớn tới số lượng, kích thước, trọng lượng quả và hàm lượng các chất hữu cơ tích lũy trong quả nên có ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả của cây dưa chuột.
Thiếu đạm làm cho cây dưa chuột sinh trưởng phát triển thân lá chậm, cây thấp bé, ra hoa và quả ít, lại dễ bị rụng, năng suất và phẩm chất giảm mạnh. Thừa đạm làm cho cây kéo dài thời gian phát triển thân, lá, chậm ra hoa và quả. Thừa đạm còn làm cây phát triển thân lá quá tốt, ra hoa và quả ít, giảm khả năng chống chịu với sâu bệnh hại và điều kiện bất thuận.
Sau khi nảy mầm 10-15 ngày (thời kỳ cây con) cây còn hút đạm rất ít. Nhưng sau đó cây có tốc độ hút đạm tăng mạnh để phát triển thân lá (từ 16-30 ngày sau khi nảy mầm) và hút đạm nhiều nhất ở giai đoạn trước khi có hoa cái đầu tiên (từ 30-44 ngày sau khi nảy mầm). Ở giai đoạn quả (khoảng 45-60 ngày sau nảy mầm) cây còn có nhu cầu đạm khá cao nhưng đã giảm dần cho đến khi kết thúc giai đoạn cây già.
Nhu cầu lân của cây dưa chuột
Lân có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bộ rễ để hấp thu dinh dưỡng, đồng thời có ảnh hưởng lớn tới quá trình ra hoa và đậu quả nên có ảnh hưởng rõ đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây dưa chuột. Lân có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu với rét, hạn, và sâu bênh hại cho cây dưa chuột. Lân còn có tác dụng thúc đẩy cây dưa chuột sớm ra hoa, đậu quả nên sớm cho thu hoạch quả. Lân còn có tác dụng hạn chế tác hại của việc thừa đạm đối với cây dưa chuột, tạo khả năng để cây hấp thu đạm tốt hơn để đạt năng suất cao hơn.
Ở giai đoạn cây con trong các yếu tố dinh dưỡng chính, cây dưa chuột có nhu cầu lân cao nhất, dù cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhu cầu lân của cây. Nhu cầu lân của cây dưa chuột lớn nhất trong thời gian ra hoa và quả (30-60 ngày sau nảy mầm).
Nhu cầu kali của cây dưa chuột
Kali có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp và tổng hợp các chất gluxit trong cây, đồng thời cũng có tác dụng hạn chế tác hại của việc thừa đạm, phát huy tác dụng của đạm. Vì vậy kali có tác dụng rõ tới sự phát triển thân, lá, ra hoa, quả, năng suất và chất lượng của cây dưa chuột. Kali còn làm tăng khả năng chống chịu rét, hạn, úng và sâu bênh hại cho cây.
Nhu cầu kali của cây ở thời kỳ cây con rất ít, cây hút kali tăng nhưng còn chưa mạnh so với đạm và lân cho đến khi có hoa. Cây hút kali nhiều nhất (hơn 50 % tổng lượng hút) ở giai đoạn quả và đến khi kết thúc giai đoạn già cỗi.
Bảng 28.2. Sự hút các chất dinh dưỡng của cây dưa chuột trong qúa trình sinh trưởng ( % so với tổng lượng hút)
Số ngày sau khi nảy mầm N P2O5 K2O
16 6 8 3
30 28 24 16
44 56 47 41
58 76 75 69
75 100 100 100
Nguồn: V.G.Mineev, 1990 5.3. Bón phân cho cây dưa chuột
Loại và dạng phân bón cho dưa chuột
Đất trồng dưa chuột có pH< 5,5 cần bón vôi
Dưa chuột không chịu được nồng độ dinh dưỡng khoáng cao nhưng lại nhanh chóng phản ứng với hiện tượng thiếu dinh dưỡng. Vì vậy cây có hiệu quả sử dụng phân chuồng cao do có phản ứng tốt với nồng độ dinh dưỡng không cao từ phân chuồng và hàm lượng CO2
được thải ra trong quá trình phân giải phân. Tuy nhiên bón phân chuồng với phân khoáng một cách hợp lý sẽ làm tăng năng suất và hàm lượng đường trong quả.
Các dạng phân vô cơ thường dùng cho dưa chuột là phân đạm urê hay các dạng phân đạm nitrat; phân lân supe; phân kali sunfát, tro bếp. Nếu sử dụng KCl cần sử dụng để bón lót sớm cho cây. Nếu có điều kiện nên sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng.
Lượng phân bón
Vôi bột thường bón 500-1000 kg/ha
Phân hữu cơ thường bón 20-30 tấn, có thể bón đến 15-60 tấn. Nếu có điều kiện bón càng nhiều phân hữu cơ càng tốt do dưa chu ột có hiệu quả sử dụng phân hữu cơ cao.
Phân vô cơ, tuỳ theo trình độ thâm canh, mức phân vô cơ có thể dao động khá lớn.
Bảng. 29 .2. Lượng phân bón cho cây dưa chuột
Loại phân bón Đơn vị Lượng bón trên 1 ha
Phân hữu cơ tấn 15-60
N Kg 90-200
P2O5 Kg 60-120
K2O Kg 100-200
Nguồn: Tạ Thu Cúc 2000; Nguyễn Xuân Trường,2000
Lượng phân đạm có thể dao động từ 90-200 kgN/ ha, ở phía Bắc thường bón 90-120 kgN/ha, còn ở phía Nam thường bón 120-200 kgN/ha.
Lượng phân lân dao động từ 60-120 kg P2O5/ha, thường bón 60-90kg P2O5/ha.
Lượng phân kali dao động từ 100-200 kg K2O/ha, thường bón 100-120kg K2O/ha.
Ở nước ngoài thường dựa vào chuẩn đoán dinh dưỡng qua lá để xác định nhu cầu bón phân cho dưa chuột.
Bảng 30.2.Chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng qua lá của cây dưa chuột Loại dinh dưỡng Bộ phận và thời gian
lấy mẫu phân tích
Hàm lượng dinh dưỡng (% chất khô)
Thiếu Đủ
N Lá phát triển hoàn chỉnh, vào thời kỳ cây
<2 2,5-4,0
P <0,2 0,3-0,4
K <2,0 2,0-3,0
Ca <3,0 4,0-6,0
Mg <0,3 0,5-1,0
S <0,25 0,4-0,7
Nguồn: T.S.Dierolf, 2001 Phương pháp bón phân cho dưa chuột
Bón vôi bón trước khi làm đất lần cuối để trộn đều vôi vào lớp đất canh tác.
Bón lót trước khi trồng. Thường bón lót: toàn bộ lượng phân hữu cơ và phân lân; 1/5 tổng lượng phân đạm và kali.
Trong thực tế cũng có thể chỉ bón lót 1/2 tổng lượng phân lân, phần còn lại để bón thúc. Khi lượng phân bón không cao có thể bón lót 1/2 tổng lượng phân đạm và kali.
Bón các loại phân theo hốc, đảo trộn đều hay rải đều phân trong rạch ở độ sâu 15 cm và lấp một lớp đất mỏng.trước khi trồng.
Bảng .31.2. Phương pháp bón phân cho cây dưa chuột
Thời gian bón Tỷ lệ bón so với tổng lượng phân bón (%)
N P205 K20
Bón lót 20-50 50-100 20-50
Bón thúc 1 (cây có 4-5 lá) 25-40 0-25 25-40
Bón thúc 2 (cây có hoa cái đầu) 20 0-25 20
Bón thúc 3 (sau thu lứa quả đầu) 20 0 20
Bón thúc lần 1 khi cây có 4-5 lá .
Ở đợt bón này thường sử dụng 2/5 tổng lượng phân đạm, 2/5 tổng lượng phân kali để bón cho cây.
Trong thực tế ở đợt này có thể chỉ bón 1/4 tổng lượng phân đạm và kali nếu đã bón lót 1/2 tổng lượng đạm và kali khi trồng; bón 1/4 tổng lượng phân lân nếu chưa bón lót toàn bộ lân.
Sau khi bón phân, thường kết hợp với xới vun luống, nhặt cỏ và tưới nước theo rãnh.
Bón phân thúc lần 2, khi cây ra hoa cái đầu tiên
Sử dụng 1/5 tổng lượng đạm; 1/5 tổng lượng kali, kết hợp xới vun luống cao Có thể bón 1/4 tổng lượng lân (nếu còn) vào thời kỳ này
Bón thúc lần 3 sau khi thu hoạch lứa quả đầu tiên
Thuờng sử dụng nốt 1/5 tổng lượng đạm và 1/5 tổng lương kali còn lại để bón cho cây.
Dùng cuốc nhỏ bổ hốc giữa hai gốc cây, bón phân vào hốc và lấp đất, kết hợp làm cỏ và loại bỏ lá già, lá bị bệnh. Nếu đất khô nên kết hợp bón phân với tưới nước cho cây.
Sau mỗi lần thu, nếu có nước phân loãng tưới cho cây sẽ kéo dài thời gian thu hoạch quả. Trong thực tế cũng có thể sử dụng phân bón của các đợt bón thúc để hoà vào nước tưới cho cây, tuy nhiên sẽ tốn nhiều công.
Câu hỏi ôn tập
1. Đặc điểm dinh dưỡng của cây rau.
2. Nguyên lý bón phân cho cây rau.
3. Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà chua 4. Đặc điểm bón phân cho cà chua.
5. Nhu cầu dinh dưỡng của cây khoai tây 6. Đặc điểm bón phân cho khoai tây.
7. Nhu cầu dinh dưỡng của cây cải bắp.
9. Đặc điểm bón phân cho cây cải bắp.
10. Nhu cầu dinh dưỡng của cây dưa chuột.
11. Đặc điểm bón phân cho cây dưa chuột.
Bài tập
1. Xây dựng quy trình bón phân cho cây cà chua trồng trên đất xám bạc màu.