CHƯƠNG 1: VẤN ĐỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ THÀNH TỰU SÁNG TẠO CỦA TẠ DUY ANH
1.3. TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH - RIÊNG VÀ CHUNG TRONG HÀNH TRÌNH TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
1.3.1. Diện mạo chung của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã ví von một cách hình tượng rằng:
Cuộc sống luôn vỗ sóng vào văn học. Mỗi thể loại như một một con thuyền vượt sóng. Con thuyền truyện ngắn hôm nay có những tay chèo lái khá không bị chìm dưới lớp sóng mà biết khai mở những luồng lạch riêng vượt lên nhìn bao quát và xuyên sâu khắp biển cả ... Và ông đã hoàn toàn có lý, bởi kể từ cái mốc 1975, văn học - trong đó có truyện ngắn, tiểu thuyết đã bám sát cuộc sống, xới lật từng mảnh đất nhỏ của hiện thực hôm nay, chiêm nghiệm, suy ngẫm nhiều điều về quá khứ.
Với công cuộc đổi mới toàn xã hội, văn học ta, đặc biệt là văn xuôi (trong đó có tiểu thuyết) đã chuyển mình khá mạnh mẽ. Không xuôi chiều kiểu êm dầm mát mái nữa, nó mạnh dạn phanh phui các mặt trái của xã hội, các uẩn khúc hoặc tráo trở của lòng người. Nó bắt người đọc phải tự vấn lương tâm, nó có tham vọng đánh thức dậy lòng nhân ái giữa một cuộc sống cộng đồng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tiểu thuyết sau 1975 tập trung nghiên cứu hiện trạng tinh thần xã hội sau chiến tranh - một hiện trạng phức tạp và đa dạng, đan xen các mặt tích cực và tiêu cực. Tính chất phức tạp của đời sống tinh thần xã hội là kết quả tất yếu của hậu quả chiến tranh, của đời sống kinh tế khó khăn, của sự thâm nhập các trào lưu tư tưởng từ bên ngoài vào. Nhìn chung, các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh và viết về sự thật. Chuyện đời thường “vì thế nổi trội trong tiểu thuyết và truyện ngắn giai đoạn này, thậm chí đã hình thành một quan niệm “Văn học đời thường” (còn gọi là
“văn học thế sự”).
Nhà văn có thể viết tất cả mọi chuyện: Nỗi cô đơn, sự đau khổ về thể xác và tinh thần của con người, niềm vui và sự đắng cay của cuộc đời, sự trung thành và sự phản bội quay quắt ... Tiểu thuyết, truyện ngắn nhìn sâu hơn vào số phận và cảnh ngộ của con người, bộc lộ nhiều triết lý nhân sinh. Nhờ không khí dân chủ đã mở ra cho văn học mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ... được đón nhận nồng nhiệt như những cây bút có khả năng làm nóng lên đời sống văn chương. Đặt cuộc sống lên trên hết, các cây bút trẻ dám bất chấp những phán xét của dự luận, tin tưởng ở tài năng, nghị lực và nhân cách của mình để phản ánh, để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác với những biến thái phức tạp khôn cùng của nó để vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, lý trí và nhân bản hơn.
Giai đoạn này xuất hiện nhiều tiểu thuyết viết về con người bình thường với vô vàn những khúc quanh, những mặt khuất lấp trong cuộc đời họ.
Đọc những trang viết này, có người không khỏi băn khoăn vì các truyện ít trực tiếp miêu tả các sự kiên lớn của đời sống trong chiến đấu và sản xuất, ngược lại, có phần hơi thiên về chuyện đời thường. Tuy nhiên, những băn khoăn đó không tồn tại lâu, bởi con người và những vấn đề thuộc về con người từ lâu vẫn là tâm điểm khám phá của văn học. Trong bối cảnh phức tạp của đời sống xã hội Việt Nam sau 1975, con người lại càng phức tạp và khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Cuộc sống vốn “đa sự” như cách nói của Nguyễn Minh Châu - tác động hết sức khác nhau đến từng người, tạo nên số phận, cảnh ngộ riêng của họ. Mỗi con người đều có vị trí và giá trị nhất định trước cộng đồng và lịch sử. Dường như nhà văn muốn khám phá ra những điều thú vị này ở từng con người, soi sáng cái độc đáo, không lặp lại ở mỗi cá nhân như một giá trị và nhân vị, phù hợp với bản chất đời thường ở mỗi cá nhân.
Quan niệm về sự “đa trị” của con người xuất hiện trong giai đoạn này giúp các nhà văn khám phá những góc khuất, những tầng chìm trong tâm hồn nhân vật, khiến cho các hoạt động của họ không mang tính “dẹt”, “phẳng” mà hiện lên sự đa dạng, góc cạnh, nhiều chiều ...
Về phương diện tự sự, các nhà văn trẻ mạnh dạn tiếp nhận và vận dụng những nghệ thuật viết mới nhằm tạo nên diện mạo, hiện đại cho các tác phẩm của mình. Ví như truyện kỳ ảo, có Bến trần gian của Lưu Sơn Minh, truyện
giả cổ tích kiểu Những ngọn gió Hua Tát của Nguyên Huy Thiệp, truyện dòng ý thức kiểu Tiệm may Sài Gòn của Phạm Thị Hoài, truyện ngắn kiểu Kịch câm của Phan Thị Vàng Anh, truyền phi lý kiểu Mệ lộ của Phạm Thị Hoài...