Tiểu thuyết Tạ Duy Anh - một phong cách riêng độc đáo

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong thiên thần sám hối và giã biệt bóng tối của tạ duy anh (Trang 33 - 36)

CHƯƠNG 1: VẤN ĐỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ THÀNH TỰU SÁNG TẠO CỦA TẠ DUY ANH

1.3. TIỂU THUYẾT TẠ DUY ANH - RIÊNG VÀ CHUNG TRONG HÀNH TRÌNH TIỂU THUYẾT VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

1.3.2. Tiểu thuyết Tạ Duy Anh - một phong cách riêng độc đáo

Tiểu thuyết Tạ Duy Anh nương theo lối mòn những người trước đã đi nhưng không giẫm lên dấu chân của họ, tìm ra cái riêng độc đáo trong cái chung.

Văn Tạ Duy Anh hiền hòa nhưng không kém phần khốc liệt, vừa khiến người đọc rưng rưng nước mắt lại vừa khiến họ rùng mình vì sợ hãi trước những sự thực dữ dội phơi bày trên trang giấy.

Tiểu thuyết Tạ Duy Anh bày tỏ niềm quan tâm sâu sắc đến con người, đặc biệt là vấn đề nhân cách, phẩm giá, đạo đức. Nhà văn không ngần ngại len lách vào những góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn con người và dũng cảm phô ra trước ánh sáng thói tham lam, ích kỷ, vụ lợi, độc đoán, chuyên quyền, hám danh lợi ... Ông truy đuổi gắt gao đến cùng cái ác. Tác phẩm của ông nhiều khi ngột ngạt bởi một bầu không khí đặc quánh tội ác và những điều vô luân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta đồng tình với việc một số người tỏ ra nghi ngờ giá trị nhân văn trong văn chương Tạ Duy Anh. Bởi sự tồn tại của cái ác là sự thật mà các nhà văn có lương tâm không nên che đậy người khác và huyễn hoặc bản thân mình. Vì thế, viết về cái ác trong bản thân con người thực chất là cách nhà văn chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống ở bề rộng và bề sâu của nó. Mặt khác, tái hiện cái ác cũng là một hình thức chống lại cái ác. Theo Tạ Duy Anh, để con người có thể chống lại cái ác, nhất thiết phải giúp cho họ hiểu về nó một cách từng tận: “Cái cách tôi tâm đắc nhất là mô tả kỹ lưỡng, sống động về nó (cái ác) để mọi người dễ bề nhận ra. Cái đẹp chỉ

biểu lộ rực rỡ nhất khi nó đối lập với cái xấu” [18, tr.338].

Chính vì vậy mà không ít nhà phê bình nhận định rằng tác phẩm của Tạ Duy Anh đã dóng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với sự băng hoại đạo đức của con người, đồng thời đó cũng là nơi lưu giữ nhân tính giữa bộn bề cái xấu, cái ác. Đọc tiểu thuyết Tạ Duy Anh, lắm khi thấy vang lên một giọng mỉa mai chua chát. “Ở các thời đại mà đặc điểm nổi trội là ăn cháo đá bát thì đáng kiếp có sống sờ sờ ra đấy cũng thế thôi” (Hắn). Nhiều lúc, ta lại gặp những ước mơ rất Chí Phèo: Muốn làm người tốt, muốn mang gương mặt thật của mình chứ không phải là cái mặt nạ son phấn. Nhưng đám đông không cho anh làm điều đó: “Ông thật là người có lương tâm, nhưng tôi, để cái lương tâm ấy sau này đi gặp Phật, còn bây giờ ông còn cách duy nhất là đeo cái mặt nạ son phấn ấy và cố quên đi nó là mặt giả (Người khác).

Tuy nhiên, viết về con người không hoàn thiện không phải để chế giễu, nhục mạ, ghét bỏ con người mà để hiểu, để khoan dung và thông cảm với những lẻ loi, yếu đuổi, những nghiệt ngã của kiếp người. Cho nên, ẩn đằng sau vẻ tàn nhẫn của nhà văn chính là sự xót thương cùng một niềm tin bất diệt về nhân tính. Điều đó lý giải vì sao những trang viết của Tạ Duy Anh toát lên vẻ lạc quan với một niềm tin vào con người, vào khả năng tự cải tạo, tự thay đổi và vươn lên của họ.

Về kỹ thuật viết, Tạ Duy Anh đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều cách viết khác nhau để tránh lặp lại người khác và chính mình, đồng thời cũng để duy trì cảm hứng sáng tác lâu dài. Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh có sự mô phỏng các hình thức sáng tác dân gian để tạo nên thế giới kỳ ảo, có sự hiện diện của con người phi lý trong bối cảnh xã hội đầy ắp những sự phi lý, có các yếu tố thuộc về phân tâm học như giấc mơ, sự ám ảnh tình dục, có nhiều dạng thức kết cấu khác nhau như dạng song hành (Dịch quỷ sứ), dạng kết cấu ngỏ (Truyền thuyết viết lại) ... dạng kết cấu vòng trong (Xưa kia chị đẹp nhất

làng), dạng ghi chép kiểu ký sự (Lão cò ra tỉnh)...

Nhìn chung, trong rất nhiều cây bút trẻ đang góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, chúng ta không thể quen một tên tuổi nổi trội trong thời kỳ này, đó là Tạ Duy Anh. Ông nổi danh ngay tác phẩm Bước qua lời nguyền. Tiếp theo đó là Đi tìm nhân vật rồi đến Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối. Mỗi lần ông viết là mỗi lần trải nghiệm những gì đã qua được chắt lọc, ngưng kết ở dạng tinh túy nhất. Chính số phận run rủi của cuộc đời là nguyên nhân dẫn ông đến với văn chương.

*

* *

Tạ Duy Anh được độc giả và giới phê bình dành tặng danh hiệu nhà văn viết về nông thôn. Tạ Duy Anh cũng tự nhận “Tôi là nhà văn viết về làng của mình”. Thực tế chứng minh rằng những gì thuộc về máu thịt đã trở thành thế mạnh thực sự của nhà văn. Cho đến nay Tạ Duy Anh vẫn tiếp tục sáng tác với một bút lực dồi dào và không ngừng đổi mới, với phương châm “Viết tất cả những điều tâm huyết với đất nước, với nhân dân, với con người, với tương lai, với độc giả”. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ra đời của những tác phẩm xứng đáng để đạt mang dấu ấn Tạ Duy Anh.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong thiên thần sám hối và giã biệt bóng tối của tạ duy anh (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)