Hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong thiên thần sám hối và giã biệt bóng tối của tạ duy anh (Trang 36 - 40)

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TỰ SỰ VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG THIÊN THẦN SÁM HỐI VÀ GIÃ BIỆT BÓNG TỐI CỦA TẠ DUY ANH

2.1. HÌNH TƯỢNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN

2.1.1. Hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi

Bất kỳ một tác phẩm nào cũng có một hình tượng người kể chuyện trần thuật của nó. Dưới hình thức người trần thuật, tác giả “mách” cho độc giả cần hiểu các nhân vật như thế nào, giải thích những ý nghĩa thầm kín, những động cơ bí ẩn phía sau, hành động của các nhân vật ấy có sức thuyết phục đến mức tối đa về phương diện nghệ thuật. Thông thường, trần thuật từ ngôi thứ nhất diễn ra khi có một nhân vật tôi đóng vai trò kể chuyện từ đầu đến cuối..

Tạ Duy Anh thường sử dụng hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít. Nhân vật này xưng “tôi”, tức anh ta đang kể chuyện về chính mình và những việc có liên quan đến anh ta. Đa số tác phẩm Tạ Duy Anh đều xây dựng ngôi kể này.

Theo lý thuyết Tự sự học, người kể chuyện ngôi thứ nhất được định nghĩa như sau: “dạng này câu chuyện được kể lại bởi một người kể chuyện hiện diện như một nhân vật trong truyện. Người kể chuyện là một nhân vật ở cấp độ hành động. Người kể chuyện xưng tôi, tự sự dưới hình thức lộ diện công khai (tôi, chúng tôi, chúng ta, chúng mình). Người tự sự là một nhân chứng đồng sự, nó vừa thuật truyện, đồng thời vừa tham gia vào câu chuyện mà nó kể. Vì vậy, nó ở cấp độ hành động, chứng kiến mà người ta gọi là cái tôi trải nghiệm ở cấp độ hành động.

Với phương thức tự sự lộ diện, diễn ngôn của nhân vật xưng tôi thường hướng sự chú ý của người đọc vào chính mình. Các dấu hiệu của nó thường

thể hiện ở cách sử dụng các biện pháp tư sự, bộc lộ cảm xúc chủ quan. Tức là có xu hướng giải minh bản thân của cái tôi. Chính vì tính chất chứng kiến với tư cách là vai đồng lõa hay là đồng sự này, mà nhân vật kể chuyện bị hạn chế tầm nhìn. Nó chỉ kể điều nó biết, nó chứng kiến. Nó không thể kể điều ngoài nó.

Mặc dù, tầm nhìn của nhân vật kể chuyện bị hạn chế, nhưng người kể chuyện có lợi thế bộc lộ chiều sâu nội tâm của chính mình cũng như các nhân vật mà nó hệ lụy. Việc thay đổi hình thức trần thuật kể chuyện từ ngôi thứ ba, toàn năng và thượng đế trong văn học cổ điển đến việc sử dụng ngôi thứ nhất, kể chuyện công khai, vừa chủ quan, vừa khách quan, đã bộc lộ một khả năng khám phá chiều sâu của con người cá nhân trong văn học. Roland Barthes gọi đó là cuộc hành trình giải phóng từ con người chức năng sang con người cá thể - bản thể.

Trong ngôi kể chuyện xưng tôi, đặc biệt là có một nhân vật “Tôi” của tác giả với rất nhiều chi tiết tự truyện. Đương nhiên, ta không thể máy móc đồng nhất nhân vật này với con người tác giả ngoài cuộc sống thực tế. Vậy người cầm bút chỉ chăm chú tới tính chân thật của tác phẩm nghệ thuật và anh ta phơi bày cả những thói xấu thầm kín của bản thân để đạt tới sự chân thật đó. Và dường như quan điểm đó có phần trùng với nhà văn Tạ Duy Anh.

Trong tác phẩm Thiên thần sám hối, nhân vật chính là một hài nhi còn nằm trong bụng mẹ chờ ngày ra đời. Nhà văn Tạ Duy Anh đã để cho nhân vật hài nhi ấy xưng tôi và kể chuyện ở hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất.

Cách chọn người kể chuyện ngôi này của tác giả đối với nhân vật bào thai giống như cậu bé Kim Đồng trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn, cậu Oskar trong Cái trống thiết của Gunter Grass hay bé Hon trong Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài. Oskar quỷ lùn vừa chế nhạo cái thế giới mà dưới mắt nó chỉ đáng làm cho rối tung lên, lại vừa lợi dụng cái thế giới bất toàn đó để thể nghiệm

khả năng cám dỗ, hủy diệt của mình. Bé Hon trong Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài đến thế giới với sứ mệnh của một Thiên sứ nhưng cuối cùng đành ra đi vì mọi thông điệp cứu rỗi đều không ích gì trước một thế giới suy đồi toàn diện.

Với ngôi kể chuyện này, cuộc sống hiện lên một cách rõ nét qua con mắt của một hài nhi. Từ đó cuộc đời con người được phơi bày ra chua chát, đắng cay và nghiệt ngã. Đó là chuyện những người đàn ông đầy dục vọng, chuyện những cô gái bị thất thân, những người đàn bà nhàm chán chuyện chăn gối nhưng phải chấp nhận cuộc sống vợ chồng, những phụ nữ mang thai nhưng không biết rõ cha đứa bé mình sắp sinh là ai vì đã chung đụng với nhiều người đàn ông cùng một lúc. Mỗi người đàn bà mang thai đều có hoàn cảnh riêng, số phận riêng và những đứa con của họ sẽ hạnh phúc hay bất hạnh khi quyết định chào đời hay trở về làm thiên thần mãi mãi.

Với lối kể chuyện ngôi thứ nhất hấp dẫn, tác giả làm cho người đọc cảm thấy mình đang có mặt trong câu chuyện theo dấu chân của người mẹ mang nhân vật hài nhi, tham gia cuộc hành trình của những câu chuyện đời thường có thật mà như huyền ảo, cổ tích. Những câu chuyện đời thường ấy lần lượt được kể lại qua điểm nhìn của hài nhi. Đầu tiên là câu chuyện của cô gái bị gã họ Sở lừa làm tình nhân. Anh ta đã có vợ ở quê giờ lại muốn nhỏm cái chân thủ trưởng nên không muốn để lộ mối quan hệ bất chính của mình.

“Khi bụng em ễnh ra nó khuyên em đi nạo. Em sợ nó chạy làng cố giữ để ép nó nên mới ra cơ sự này” [2, tr.7]. Hóa ra động cơ thôi thúc hai người đến với nhau không phải xuất phát từ tình yêu thực sự mà họ đến với nhau vì nhưng mưu tính riêng của mỗi người, rồi hậu quả họ gây ra sẽ trút hết lên đầu đứa trẻ vô tội. Từ khi chưa chào đời, nó đã bị cha bỏ rơi, mẹ oán hận: “Em mang con anh A trong bụng chẳng khác gì mang cục đá, mang cái nghiệp chướng. Em chẳng có tình cảm gì với nó sất. Giá nó chết ngạt đi thì càng mừng (...) Ra đi mày. Tao không ăn vạ bố mày thì thôi chứ mày quyền gì mà ăn vạ tao.” [2,

tr.9]. Đứa trẻ sẽ chào đời và sống giữa cuộc đời như thế nào, nó có thể tồn tại được với cả xã hội xấu xa, nghiệt ngã hay không? Khi chính người cha, người mẹ không muốn sự có mặt của nó trên đời.

Tính hiệu quả của việc lựa chọn hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất mà Tạ Duy Anh thực hiện trong Thiên thần sám hối là ở chỗ nhà văn không cần biện giải, bình luận, thêm thắt gì mà tự cái cuộc sống đầy tội lỗi kia cứ hiện lên rõ ràng như những thước phim tư liệu hết sức khách quan. Cứ thế, toàn bộ câu chuyện được kể từ điểm nhìn của hài nhi và người đọc có dịp chứng kiến sự tha hóa đáng sợ của con người qua những điều cu cậu nghe được.

Nếu như trong Thiên thần sám hối, tác giả sử dụng hình thức kể chuyện ngôi thứ nhất xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm thì trong Giã biệt bóng tối, tác giả lại dùng lối kể chuyện luân phiên của nhiều ngôi thứ nhất, tạo nên sự linh hoạt trong cách dẫn dắt câu chuyện.

Mở đầu Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh để cho người kể chuyện đứng ở điểm nhìn ngôi thứ nhất kể về những câu chuyện, những vụ việc lặt vặt mà cha của nhân vật xưng tôi - người kể chuyện ghi lại khi ông được mời lập biên bản sự việc vi phạm an ninh ở trong làng. Tiếp đó, ngôi nhất được trao cho những nhân vật khác bao gồm: Thằng bé lang thang, ả Ca-ve, anh chàng làm thuê ở thành phố, nhà thiết kế. Tất cả các nhân vật đều được đặt ở ngôi kể thứ nhất và luân phiên nhau với các đại từ nhân xưng như: Tôi, tao, tớ. Mỗi nhân vật tự kể lại câu chuyện của đời mình hoặc do mình chứng kiến. Người đọc bị dẫn dắt vào ma trận của trò chơi chữ nghĩa và họ phải tự mình xâu chuỗi, suy đoán bởi mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện là một mảng màu của cuộc sống. Tưởng chừng như độc lập và tách biệt nhưng càng đến cuối tác phẩm, chúng càng cho thấy sự gắn kết và dần hé lộ ra bí mật trong câu chuyện.

Sử dụng luân phiên và trao ngôi kể chuyện thứ nhất cho nhiều nhân vật

khác nhau, Tạ Duy Anh đã tạo nên một sự đổi mới mạnh mẽ trong nghệ thuật tự sự đương đại. Cách làm này đã giảm thiểu vai trò chi phối của nhà văn đối với nhân vật cũng như cách nhìn nhận cuộc sống. Nhà văn không còn là đấng toàn năng, áp đặt quan điểm của mình. Ông để nhân vật tự suy tư, tự phơi bày cuộc sống với những cung bậc khác nhau. Hiện thực trong tác phẩm trở nên sinh động. Giọng điệu trở nên phong phú và đa dạng. Đặc biệt, với việc sử dụng nhiều ngôi thứ nhất khác nhau trong cùng một tác phẩm, Tạ Duy Anh đã buộc người đọc phải tự gắn kết từng mảnh vỡ qua “tự truyện” của mỗi nhân vật để ghép thành bức tranh hoàn chỉnh. Người đọc đến với tác phẩm của ông không chỉ để thưởng thức như thưởng thức món ăn dọn sẵn, mà ở đây, họ phải “lăn vào bếp” để cùng đầu bếp chính là nhà văn hoàn thành món ăn cho riêng mình.

Tóm lại, sử dụng ngôi kể chuyện thứ nhất, nhân vật trong Thiên thần sám hối đã có lợi thế bộc lộ chiều sâu nội tâm của chính mình cũng như các nhân vật mà nó hệ lụy. Nhờ ngôi kể này, sự nếm trải của nhân vật trần thuật, những ký ức tuổi thơ, tình yêu và sự thù hận... được tác giả truyền tải một cách trọn vẹn và sâu sắc đến người đọc. Cùng với đó, việc sử dụng luân phiên ngôi kể chuyện thứ nhất trong Giã biệt bóng tối, Tạ Duy Anh cũng đã tạo nên nhiều góc quét khác nhau, làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều và làm cho người đọc hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về đối tượng ấy. Mặt khác, điều này cũng cho phép nhà văn khai thác tối đa sức mạnh của tinh thần dân chủ trong tư duy tiểu thuyết và tạo con đường riêng đến với trái tim bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong thiên thần sám hối và giã biệt bóng tối của tạ duy anh (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)