CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẨY MẠNH KINH TẾ HOÁ NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
1.2. Tiếp cận thị trường trong QLTN&BVMT
1.2.2. Vận dụng các nguyên tắc của KTTT trong QLTN&BVMT
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp luôn hoạt động để tối đa hóa lợi nhuận và các cá nhân luôn hoạt động để tối đa hóa lợi ích cá nhân. Đây là nguyên tắc rất quan trọng trong việc thiết kế và thực hiện các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường. Các công cụ kinh tế là những công cụ sử dụng tín hiệu lợi nhuận và lợi ích để tác động vào động cơ kinh tế để từ đó điều chỉnh hành vi của cá nhân, doanh nghiệp theo hướng có lợi cho môi trường.
Các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường được thiết kế trên nguyên tắc tối đa hóa lợi ích gồm:
Thuế và phí môi trường
- Thuế, phí tài nguyên: Dựa trên nguyên tắc người được hưởng lợi phải trả tiền. Mục đích của thuế tài nguyên là nhằm xác lập mức tối ưu kinh tế về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trả tô tức cho tài nguyên do tính tới sự khan hiếm của chúng.
Thuế tài nguyên thường gồm: thuế sử dụng đất, thuế sử dụng nước, thuế rừng, thuế tiêu thụ năng lượng, thuế tài nguyên khoáng sản.
- Thuế môi trường: Dựa trên nguyên tắc người gây ra ô nhiễm phải trả tiền.
Mục đích của thuế môi trường là xác lập mức ô nhiễm tối ưu về mặt kinh tế, khuyến khích bảo vệ môi trường, hạn chế tác nhân gây ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn quy định. Thuế môi trường có thể gồm các loại như: thuế, phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm; thuế, phí đánh vào sản phẩm mà trong và sau khi sử dụng có thể gây ô nhiễm; thuế và phí cấp sai là cấp kinh phí hoặc ưu đãi về thuế cho các sản phẩm có ích hoặc không làm tổn hại đến môi trường; phí hành chính để trả cho các hoạt động thực thi, giám sát, cấp giấy phép, đăng ký.
Các chương trình thương mại
- Hạn ngạch (quota) khai thác tài nguyên có thể mua bán: mục đích của quota là kiểm soát sản lượng khai thác và nỗ lực khai thác, đặc tính của quota có thể mua bán được là có thể phân chia, mua bán được và thị trường hoạt động hoàn hảo. Cơ quan quản lý môi trường xác định mức sản lượng thu hoạch tối ưu đối với tài nguyên sau đó hình thành tổng số hạn ngạch thích ứng với sản lượng thu hoạch bền vững. Phân bổ quota được bằng cách bán đấu giá. Thường được áp dụng đối với tài nguyên thủy hải sản.
- Giấy phép phát/ xả thải có thể mua, bán giữa các cơ sở gây ô nhiễm: Mục đích của giấy phép là nhằm kiểm soát lượng ô nhiễm phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Cơ quan quản lý môi trường xác định mức độ tối ưu phát thải tổng số ô nhiễm hoặc hạn ngạch thích ứng với khả năng tiêu hiểu chất thải của môi trường.
Phân phối hạn ngạch bằng cách đấu thầu, phát không hoặc vừa phát không vừa đấu thầu.
Động cơ tài chính
- Trợ cấp tài chính: mục đích là làm giảm ô nhiễm, thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường. Có nhiều hình thức trợ cấp như giảm thuế , giảm lãi suất, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nguồn nguyên liệu đầu vào, Nhà nước giúp doanh nghiệp quảng bá và tiêu thu sản phẩm.
- Hệ thống ký thác – hoàn trả: thuế (lệ phí) được gọi là ký thác, trợ cấp được gọi là hoàn trả. Công cụ ký thác hoàn trả bao gồm một lệ phí vào món hàng cụ thể
và một trợ cấp cho hoàn trả món hàng đó. Công cụ này có thể được dùng để động viên tái luân chuyển thích hợp có lợi cho môi trường. Các ứng dụng: Tiền cam kết ký quỹ xí nghiệp khai thác tài nguyên đứng trước số tiền thế chân, sau khi khai thác đảm bảo vệ sinh môi trường, số tiền sẽ được hoàn trả lại; vỏ chai, lon bia, nước ngọt và các loại bao bi khác khi mua người tiêu thụ phải trả một khoản tiền, khi dùng xong bán lại vỏ, bao bì này các loại sản phẩm nguy hại: xe hơi, bình acquy; ti vi, máy tính…
- Thưởng phạt về môi trường: Các giải thưởng cho các cá nhân tổ chức, hãng có các hành động bảo vệ môi trường. Ngược lại phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái tài nguyên.
* Vận dụng nguyên tắc “người sử dụng, hưởng lợi từ TN&MT phải trả tiền”
(nguyên tắc BPP) trong QLTN&BVMT
Nguyên tắc BPP là cơ sở để Nhà nước thực hiện các chính sách thu tài chính từ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để cải thiện chất lượng môi trường cho xã hội. Về mặt kinh tế, chất lượng môi trường được cải thiện là một loại hàng hóa công cộng tức là các thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi chung với nhau (ví dụ không khí được làm sạch, nước thải được xử lý, đa dạng sinh học được bảo tồn).
Tuy nhiên, để có được những hàng hóa công cộng môi trường thì cần phải có chi phí để cung ứng những hàng hóa đó. Nước sạch, không khí sạch hay đa dạng sinh học không được bảo tồn và được cải thiện một cách miễn phí. Phải có nguồn lực tài chính để làm mọi thứ tốt hơn. Vì vậy, về nguyên tắc những ai được hưởng lợi từ chất lượng môi trường tốt hơn thì phải đóng góp tiền để có được chúng. Tuy nhiên, do lợi ích thu về từ việc tiêu dùng hàng hóa của mỗi người là khác nhau và thu nhập cũng khác biệt nên khả năng chi trả và đóng góp của mỗi cá nhân là khác nhau. Hơn nữa do chất lượng môi trường không có tính loại trừ nên có những người không đóng góp cũng vẫn có thể được hưởng chất lượng đó. Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì sẽ không thể có nguồn đủ nguồn lực để cung cấp hàng hóa chất lượng môi trường. BPP là nguyên tắc cơ bản biện hộ cho sự tham gia của Nhà nước trong việc tạo ra các chính sách huy động sự đóng góp của xã hội cho mục tiêu bảo
vệ môi trường. Trong đó, Chính phủ có thể thông qua các công cụ như thuế, phí hoặc những qui định về đóng góp bắt buộc để yêu cầu các chủ thể hưởng lợi từ chất lượng môi trường trong xã hội phải đóng góp. Sau khi thu về những khoản tài chính thì Nhà nước có thể sử dụng chúng để làm chất lượng môi trường tốt hơn.
* Vận dụng nguyên tắc “Người gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục và tái tạo” (nguyên tắc PPP) trong QLTN&BVMT
Theo định nghĩa chính thức khởi xướng đầu tiên bởi khối OECD, nguyên tắc
“người gây ô nhiễm phải trả” là “nguyên tắc được dùng để phân bổ chi phí cho các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nhằm khuyến khích việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên môi trường khan hiếm và tránh làm ảnh hưởng tới đầu tư và thương mại quốc tế”. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” được hiểu là những người gây ô nhiễm phải chịu các chi phí thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm được quyết định bởi cơ quan có chức trách của chính quyền nhằm đảm bảo môi trường trong trạng thái chấp nhận được.
Nguyên tắc PPP trước hết nhằm mục đích đảm bảo sự công bằng trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường vì môi trường là của chung, nếu như môi trường xấu đi thì tất cả các thành viên trong phạm vi ảnh hưởng đều phải gánh chịu trong khi sự đóng góp vào việc làm xấu đi của môi trường là không giống nhau.
Nguyên tắc này còn tác động vào lợi ích kinh tế của chủ thể thông qua đó tác động đến hành vi xử sự của các chủ thể với môi trường theo hướng có lợi cho môi trường. Để thực hiện nguyên tắc thì phải đảm bảo những yêu cầu: số tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải tương xứng với tính chất và mức độ gây tác động xấu đến môi trường, tiền phải trả cho hành vi gây ô nhiễm phải đủ sức tác động đến lợi ích, đến hành vi của các chủ thể. Tiền ở đây phải mang tính ngang giá, nhưng không phải thu mang tính tượng trưng. Ở Việt Nam, đã từng có một đề án của một địa phương về việc áp dụng thí điểm thu phí bảo vệ môi trường đối với các phương tiện giao thông cơ giới, chủ yếu áp dụng đối với xe gắn máy 300.000đ/xe/năm, và xe hơi 5.000.000đ/xe/năm. Việc thu như thế này là bình quân và không thể làm giảm lượng xe lưu thông vì có xe xử dụng nhiều có xe sử dụng ít, mức độ tác động xấu
đến môi trường của từng xe là khác nhau. Nếu thu phí bảo vệ môi trường bằng cách tính vào giá xăng dầu thì sẽ đảm bảo mức độ gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới tỉ lệ thuận với tiền chủ xe phải trả. Lúc này vừa góp phần hạn chế lưu thông vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu việc thu phí này quá thấp (100đ/lít xăng chẳng hạn) thì cũng không tác động đáng kể gì và người ta vẫn chấp nhận bỏ tiền ra để nộp vì thu như thế cũng là thu tượng trưng.