CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KINH TẾ HÓA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
2.3. Thực trạng về sử dụng các công cụ kinh tế trong QLTN&BVMT
2.3.4. Công cụ hỗ trợ, ưu đãi về tài chính liên quan đến TN&MT
Trong những năm qua, chúng ta đã rất chú trọng đến việc hoàn thiện và mở rộng phạm vi của hệ thống các công cụ này nhằm tăng cường khả năng đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh sản xuất các sản phẩn công nghệ thân thiện môi trường. Các hỗ trợ ưu đãi về tài chính đối với phát triển SPTTMT của Việt Nam hiện nay tập trung vào:
Trợ cấp không hoàn lại
Các khoản cho vay ưu đãi
Cho phép khấu hao nhanh
Hiện nay, các quy định về hỗ trợ, ưu đãi phát triển SPTTMT được đề cập khá nhiều trong các văn bản của Nhà nước. Chẳng hạn Nghị định số 04/2009/NĐ-CP Về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường có quy định (điều 12), Luật chuyển giao công nghệ 2006; Luật đầu tư 2005 liên quan đến khác hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư; Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong
lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường” . Các trường hợp được nhận hỗ trợ ưu đãi tập trung vào:
Đầu tư cho sản xuất SPTTMT
Đầu tư công nghệ thân thiện môi trường
Đầu tư cho BVMT
- Nghị định số 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường có quy định (điều 12):
+ Doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần BVMT đối với các trường hợp: (1) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới chưa được sử dụng tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ sinh học để bảo vệ môi trường; (2)Chuyển giao công nghệ phục vụ xử lý chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường và (3) Áp dụng công nghệ giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozon.
+ Vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường đối với ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích được Nhà nước hỗ trợ 30%; 70% còn lại được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Bên cạnh các hỗ trợ ưu đãi về vốn vay, lãi suất vay, còn có các hạng mục khác như việc hỗ trợ về khấu hao tài sản cố định, trợ giá sản phẩm….
- Nghị định số 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường (Điều 17) quy định:
1. Tài sản cố định của doanh nghiệp được khấu hao nhanh gấp 2 lần mức khấu hao theo chế độ hiện hành đối với các trường hợp sau: (1) Sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; (2) Sản xuất các sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường; (3) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới chưa được sử dụng tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ sinh học để bảo vệ môi trường; (4) Chuyển
giao công nghệ phục vụ xử lý chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường; (5) Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (6) Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu, xử lý chất thải, dự án chuyển giao công nghệ phục vụ xử lý chất thải
2. Tài sản cố định của doanh nghiệp được khấu hao nhanh gấp 1,5 lần mức khấu hao theo chế độ hiện hành đối với các trường hợp: (1) Áp dụng công nghệ giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozon; (2) Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải.
Với sự gợi mở chính sách như vậy, hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều các tổ chức tài chính hoạt động cho vay với các ưu đãi đối với doanh nghiệp phát triển SPTTMT với các chính sách ưu đãi khác nhau. Các hình thức hỗ trợ này thường là gián tiếp thông qua các chính sách ưu đãi lãi suất, hạn mức tín dụng, thời gian hoàn vốn…. Tuy nhiên lại thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành và các quy định cụ thể, rõ ràng đối với các mức độ ưu đãi, hỗ trợ.
- Các hỗ trợ, ưu đãi đối với QLTN& BVMT mới chỉ tập trung vào bản thân sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường, năng lượng sản xuất mà chưa quan tâm đến quá trình sản xuất sản phẩm, tìm kiếm nguyên liệu sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm mới.
- Thực tế việc tiếp cận tới các hỗ trợ này của các doanh nghiệp còn hết sức hạn chế, chủ yếu vẫn hoạt động theo các dự án tài trợ của nước ngoài và các chương trình mang tính trọng tâm, trọng điểm quốc gia. Doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ này bởi các khó khăn đến từ quy trình, thủ tục đánh giá và kiểm duyệt rất khắt khe, mất thời gian.
- Mặc dù trong các văn bản có đề cập đến các hỗ trợ, ưu đãi đối với các loại sản phẩm thân thiện môi trường đã được nêu trong Luật BVMT, tuy nhiên, thực tế
hoạt động của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực môi trường lại rất giới hạn các khoản cho vay ưu đãi, và hầu hết tập trung vào lĩnh vực khuyến khích, ưu đãi đối với các hoạt động kiểm soát ô nhiễm hơn là khuyến khích phát triển sản phẩm thân thiện môi trường.