CHƯƠNG 4: RÚT RA MÔ HÌNH ÁP DỤNG KINH TẾ HÓA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TẠI VIỆT NAM VÀ TẠI TỈNH HOÀ BÌNH
4.4. Một số ứng dụng đối với tỉnh Hoà Bình
4.4.1. Tổng quan về ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà bình
Công tác quản lý Tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng kinh tế hoá, thị trường hoá. Đất đai có giá và cơ chế định giá đất đai có bước phát triển phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Một số cơ chế, công cụ kinh tế được đưa vào áp dụng trong quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường đã phát huy tác dụng, tạo nên bước chuyển biến về tăng thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Một số hoạt động điều tra cơ bản đã được xã hội hóa; bước đầu hình thành các quan hệ cung – cầu, cơ chế đấu giá, đấu thầu theo cơ chế thị trường trong một số lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Một số loại thị trường về tài nguyên và môi trường như đất đai, khoáng sản hình thành và vận hành hiệu quả …(năm 2011 thu ngân sách trong lĩnh vực TN&MT đạt hơn 50%
tổng thu ngân sách của tỉnh)
4.4.2. Những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trên địa bàn tỉnh Hoà bình.
(1) Về phát triển các quan hệ thị trường, đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Thiếu các cơ chế định giá, lượng hóa giá trị, thiết lập tài khoản, hạch toán tài nguyên và môi trường về : Tài nguyên đất, nước, khoáng sản, dịch vụ môi trường, các hệ sinh thái, cảnh quan, tiềm năng vị thế, v.v. chưa được định giá hoặc định giá
chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị của TN&MT trên địa bàn tỉnh chưa được lượng hóa, quy đổi thành tiền để có thể hạch toán phục vụ phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách cân đối vĩ mô. Các thiệt hại do suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường gây ra cũng chưa được lượng hóa, chưa được tính đến đầy đủ dẫn đến chưa thực sự đo lường được chất lượng phát triển, thực chất của phát triển.
- Còn tồn tại nhiều cơ chế nặng về "bao cấp", "xin - cho" không còn phù hợp với thể chế kinh tế thị trường: (Đặc biệt các lĩnh vực đất đai, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ)cần phải được chuyển đổi cho phù hợp với quan hệ kinh tế thị trường. Cơ chế đấu giá, đấu thầu, cung - cầu theo quan hệ thị trường đã được hình thành ở một số lĩnh vực đất đai nhưng vận hành chưa thông suốt.
- Các công cụ kinh tế chưa được áp dụng hoặc áp dụng chưa hiệu quả trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tỉnh Hoà bình.
- Huy động các nguồn thu từ tài nguyên và môi trường chưa tương xứng với tiềm năng: Thực tế nền kinh tế đang dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên như ở tỉnh Hoà Bình hiện nay thì huy động ngân sách từ tài nguyên và môi trường chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu ngân sách tỉnh. Huy động ngân sách tại một số huyện riêng từ đất đai đã chiếm tỷ trọng trên 40 % tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, các nguyên tắc "Tổ chức, cá nhân sử dụng, hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền"
và "Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy thoái tài nguyên phải trả chi phí khắc phục, cải tạo và phục hồi" được vận dụng chưa đúng, chưa đầy đủ( VD công trình thuỷ điện Hoà bình với diện tích mặt nước chuyên dùng rất lớn nhưng chưa có định mức thu phí cụ thể…).
- Các quan hệ thị trường chưa được thiết lập đồng bộ, các loại thị trường về tài nguyên và môi trường chưa phát triển hoặc hoạt động chưa thông suốt, chưa minh bạch và không hiệu quả: Thị trường quyền sử dụng đất, bất động sản, thị trường một số loại khoáng sản đã đi vào hoạt động nhưng chưa thông suốt, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu minh bạch và không hiệu quả. Cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các loại thị trường này phát triển còn thiếu vắng.
- Thương mại hóa thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường là một nhu cầu khách quan nhưng chưa được thực hiện triệt để.
(2) Về đổi mới tư duy, tăng cường năng lực phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường.
- Sự chậm trễ trong đổi mới tư duy, tình trạng níu bám vào cơ chế cũ, cách làm cũ vẫn còn phổ biến trong quá trình quản lý.
- Năng lực phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập: Đa phần cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành tài nguyên và môi trường hiện dựa trên nền tảng kiến thức về khoa học kỹ thuật, chưa được đào tạo kiến thức cơ bản hoặc chuyên sâu về kinh tế.
4.4.3. Giải pháp thực hiện
(1) Điều tra, đánh giá tiềm năng, cơ hội; nhận dạng các thách thức, rào cản; xây dựng nền tảng cơ sở lý luận, khung chính sách và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
- Điều tra, phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; nhận dạng các thách thức và rào cản khi triển khai thực hiện.
- Xây dựng nền tảng cơ sở lý luận, sự đồng thuận của các ngành, các cấp và toàn xã hội về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
- Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Khung chính sách và lộ trình đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà Bình.
(2) Nâng cao năng lực phân tích kinh tế trong ngành tài nguyên và môi trường.
- Thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh Hoà Bình.
- Kiện toàn bộ máy trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tỉnh Hoà bình theo hướng tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý có kiến thức, chuyên môn về kinh tế, có tư duy đổi mới theo hướng kinh tế hóa.
- Tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, học tập kinh nghiệm tiến tới áp dụng phổ biến và thống nhất các công cụ phân tích hiệu quả kinh tế, phân tích chi phí - lợi ích trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
(3) Áp dụng có sáng tạo cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng phù hợp, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường toàn quốc.
- Hình thành cơ chế định giá, lượng hóa giá trị kinh tế, thiết lập tài khoản , thực hiện việc hạch toán tài nguyên và môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
- Chuyển đổi hoặc xóa bỏ các cơ chế quản lý về điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn bất cập, không phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.
- Áp dụng rộng rãi các các công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thống nhất và đồng bộ với các công cụ hành chính, hình sự, kỹ thuật và các công cụ quản lý khác.
- Phát triển các nguồn thu ngân sách nhà nước trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc "tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải trả tiền" và "tổ chức, cá nhân làm suy thoái tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí khắc phục, cải tạo, phục hồi".
- Hình thành đồng bộ các loại thị trường trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm các điều kiện, môi trường pháp lý để các loại thị trường này hoạt động thông suốt, minh bạch và hiệu quả.
- Xã hội hóa hoạt động điều tra cơ bản, dự báo khí tượng, thủy văn và các dịch vụ cung cấp hạ tầng thông tin kỹ thuật khác về tài nguyên và môi trường theo quan hệ "cung - cầu" của thị trường; thương mại hóa thông tin, số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường phục vụ nhu cầu của xã hội.
4.4.4. Phương pháp thực hiện
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ về kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
- Thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh lân cận, hợp tác quốc tế về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.
- Bảo đảm các cơ chế và nguồn lực thực hiện. Nguồn vốn thực hiện nghiên cứu được lấy từ ngân sách nhà nước, huy động hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh. Các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố trong tỉnh tổng hợp vốn thực hiện nhiệm vụ được giao vào kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện .
- Đơn vị thực hiện
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ và kết quả thực hiện Đề án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 5 năm và hàng năm để thực hiện .
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ có liên quan ; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.