CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KINH TẾ HÓA NGÀNH TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
2.3. Thực trạng về sử dụng các công cụ kinh tế trong QLTN&BVMT
2.3.6. Đánh giá chung về sử dụng công cụ kinh tế trong QLTN&BVMT
Việc áp dụng các CCKT trong QLTN&BVMT bước đầu đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Các CCKT đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường, phần nào đã thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, tìm kiếm nguyên liệu thân thiện môi trường thay thế, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, tái chế, phát triển năng lượng sạch, phát triển các sản phẩm hữu cơ, tăng cường đáp ứng các yêu cầu môi trường, đầu tư chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường.
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TN&MT. Việc áp dụng CCKT trong QLTN&BVMT đã thay đổi hình thức quản lý môi trường từ mệnh lệnh kiểm soát, sang việc đưa các chi phí và lợi ích môi trường vào trong hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm và người hưởng lợi phải trả tiền, góp phần nâng cao hiệu quả QLTN&BVMT của Nhà nước.
Việc sử dụng CCKT đã từng bước thay đổi hành vi của nhà sản xuất. Có nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước như doanh nghiệp sử dụng công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều loại CCKT đã được ban hành, áp dụng và phát huy hiệu quả trong thúc đẩy phát triển sản phẩm, công nghệ thân thiện với môi trường. Trong vòng hơn 10 năm, kể từ khi Bộ Chính trị đưa ra định hướng về việc xúc tiến và thể chế hóa các CCKT trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cho đến nay, nhiều văn bản Luật và dưới Luật nhanh chóng được ban hành, được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Trong đó có thể kể đến như Luật Bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học, Luật Thuế môi trường,.... và kèm theo đó là các Nghị định, Thông Tư, Quyết định hướng dẫn việc thực thi các văn bản pháp luật đó.
Cùng với sự ra đời của các văn bản Luật và dưới Luật, các CCKT được áp dụng như thuế, phí, quỹ môi trường, ký quỹ môi trường, nhãn sinh thái, các công cụ hỗ trợ, khuyến khích, ưu đã khác đã được áp dụng, trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các loại CCKT đã được linh hoạt áp dụng để trực tiếp và gián tiếp phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chẳng hạn đối với công cụ quỹ môi trường, bên cạnh quỹ môi trường quốc gia, thì Nhà nước cho phép các địa phương hình thành quỹ môi trường địa phương và ngành để linh động có các hỗ trợ cụ thể và mạnh mẽ hơn đối với đặc thù của địa phương và của ngành.
(2) Một số hạn chế
- Hệ thống các CCKT được ban hành còn thiếu. Rất nhiều loại CCKT thực sự cần thiết để điều chỉnh hành vi doanh nghiệp nhưng chưa được ban hành như phí khí thải, thuế môi trường (thuế môi trường hiện tại phải đến năm nay mới có hiệu lực thi hành, nhưng cũng mới chỉ quy định cho 5 nhóm sản phẩm), hay chưa có quy định về công cụ đặt cọc - hoàn trả. Đây là công cụ góp phần giảm thiểu chất thải được loại bỏ vào môi trường, giảm việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống là vỏ chai thủy tinh đã thực hiện rất nhiều nhưng chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía nhà nước, trong khi, hình thức này có thể mở rộng áp dụng đối với cả các vỏ chai nhựa, các bình đựng hóa chất,...
- Ký quỹ môi trường hiện nay chỉ mới được áp dụng cho lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong khi một số lĩnh vực khác như khai thác rừng, khai thác thuỷ hải sản tự nhiên lại đóng thuế tài nguyên. Tại một số khu công nghiệp gần khu dân cư do xử lý ô nhiễm không tốt nên đã ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của dân cư xung quanh nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Không tiến hành ký quỹ nên rất lúng túng trong khâu xử lý khi xảy ra các tác hại môi trường. Tại nhiều nơi đã diễn ra sự đụng độ của dân cư với ban quản lý khu công nghiệp.
- Các quy định về phí chỉ mới dừng lại ở phí nước thải, rác thải và khai thác khoáng sản, các hoạt động gây ô nhiễm khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm tiếng ồn... đều chưa có chế tài điều chỉnh đã gây nên rất nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường cũng như sức khoẻ người dân.
- Các mức thuế, phí còn thấp chưa có tác dụng buộc doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tiết kiệm chi phí, hay chưa có đủ cao để hấp dẫn doanh nghiệp định hướng hay đầu tư vào phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, với mức thu phí nước thải quá thấp như hiện nay (thấp hơn 30 lần so với các nước phát triển) sẽ không có tác dụng để doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm.
- Mức thuế khai thác tài nguyên thấp, mức phạt hoặc thuế gây ô nhiễm môi trường còn thấp, nên chưa hạn chế được việc khai thác tài nguyên, nên chưa thể khuyến khích được việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Hàm lượng tài nguyên thiên nhiên trong các sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường vẫn còn cao.
- Có rất ít quy định về mức thuế, phí tài nguyên để nhằm hạn chế những sản phẩm sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, nhiên liệu đầu vào. Việc ban hành các công cụ thuế/phí này góp phần khuyến khích phát triển những sản phẩm ít sử dụng hoặc giảm thiểu sử dụng những nguyên liệu đầu vào, qua đó, góp phần khuyến khích phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ví dụ ở Thái Lan, chính phủ Thái Lan ban hành chính sách quản lý đất đai chặt chẽ, khiến cho giá thành của vật liệu đất nung cao hơn rất nhiều so với vật liệu xây dựng không nung. Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất Luật bảo vệ môi trường có quy định chung chung đối với những hoạt động gây tổn hại đến môi trường phải nộp thuế môi trường.
- Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường: Tương ứng với sự gia tăng các hành vi gây hại cho môi trường phải là sự gia tăng các biện pháp ngăn chặn và xử lý. Nghị định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường mới được ban hành làm căn cứ cho việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên. Tuy nhiên cần có những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện.
- Một số CCKT được ban hành chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, sản phẩm tái chế, các công nghệ thân thiện môi trường, máy móc thiết bị sản xuất các sản phẩm năng lượng, xử lý ô nhiễm mà chưa quan tâm đến các sản phẩm khác như sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện môi trường, sản phẩm dán nhãn sinh thái..