Các nhân tố tác động đến công nghệ sau thu hoạch

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 22 - 25)

CNSTH chịu tác động của rất nhiều các nhân tố khác nhau. Có thể chia tất cả các nhân tố thành 4 nhóm chủ yếu sau:

1.1.5.1. Nhóm nhân tố liên quan đến đầu vào

Nhóm nhân tố này bao gồm nguồn lực tự nhiên, nguồn nhân lực và nguồn vốn.

Một là: Nguồn lực tự nhiên.

Hiểu theo nghĩa rộng nguồn lực tự nhiên bao gồm cả điều kiện tự nhiên (thời tiết khí hậu) và tài nguyên thiên nhiên.

- Điều kiện tự nhiên: Đầu vào của CNSTH là các loại nông sản. Do nguyên liệu cung ứng cho CNSTH là những sản phẩm hữu cơ nên phụ thuộc rất lớn vào tính chất sinh học và điều kiện thời tiết, khí hậu. Khi xảy ra thiên tai, mất mùa, nguyên liệu nông sản không đủ cung ứng, chất lượng giảm dẫn đến số ngày hoạt động của CNSTH trong một năm thấp, hiệu quả không cao.

Đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản nếu việc dự trữ, bảo quản không đáp ứng được yêu cầu sẽ gây ra chậm trễ trong sản xuất hoặc không sử dụng hết công suất của máy móc thiết bị. Ngoài ra, sự đa dạng về thời tiết khí hậu đòi hỏi công nghệ bảo quản và chế biến khác nhau không những đối với các nông sản khác nhau mà còn khác nhau đối với cùng một loại nông sản.

- Tài nguyên thiên nhiên: Đất đai màu mỡ, đa dạng sẽ góp phần vào việc tăng năng suất cây trồng, tạo ra các nông đặc sản riêng có của từng vùng, từng nước. Đây là một nguồn nguyên liệu tốt, tạo điều kiện cho CNSTH phát triển.

Hai là: Nguồn nhân lực.

Chất lượng của nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng đối với quá trình phát triển của CNSTH nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Sự tăng trưởng và phát triển của CNSTH không phải do tổng lượng lao động quyết định mà chủ yếu do hàm lượng lao động trí tuệ so với lao động giản đơn chiếm trong tổng lượng lao động quyết định.

Khi phân tích nền kinh tế Đông Á thời kỳ 1969 - 1985, người ta rút ra kết luận: 60% tốc độ tăng trưởng của các nước này là do sự đóng góp của vốn vật chất và vốn con người. Trong số 60% đó, vốn vật chất chỉ chiếm từ 35 - 49%

còn lại 51 - 65% là đóng góp của vốn con người [49, tr. 30-31].

Ba là: Nguồn vốn.

Vốn có tác động rất quan trọng đối với việc phát triển CNSTH. Nhu cầu về vốn để phát triển CNSTH rất lớn, bao gồm cả vốn bằng tiền và vốn bằng hiện vật (tài sản hoặc cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội). Vốn để phát triển CNSTH có thể lấy từ các nguồn: vốn NSNN, vốn tín dụng, vốn của các chủ thể kinh doanh, vốn nhàn rỗi huy động trong dân và vốn nước ngoài.

Trong đó nguồn vốn từ NSNN đóng vai trò quyết định đến cơ cấu và phương hướng đầu tư cho CNSTH.

1.1.5.2. Nhóm nhân tố liên quan đến đầu ra

Nhóm này bao gồm thị trường đầu ra và phong tục, tập quán của dân cư từng vùng.

- Thị trường đầu ra

CNSTH chịu tác động rất lớn của giá cả trên thị trường. Giá cả các nông sản đã qua xử lý của CNSTH có tác động mạnh mẽ đến số lượng, chất lượng, cơ cấu của các loại công nghệ trong hệ thống STH. CNSTH không thể phát triển được nếu sản phẩm của CNSTH không được thị trường chấp nhận do giá cả cao hoặc sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng.

- Phong tục, tập quán của dân cư từng vùng

Mỗi thị trường tiêu thụ có phong tục, tập quán và thị hiếu tiêu dùng rất khác nhau. Ví dụ về gạo: Người Nhật ưa thích loại gạo hạt tròn, dẻo, xay xát thật trắng, tỷ lệ tấm thấp khoảng 5% và yêu cầu về vệ sinh công nghiệp rất nghiêm ngặt. Người Thái Lan ưa thích loại gạo hạt dài, xay xát kỹ và cơm rời.

Một số nước ở châu Phi như Ghinê, Xuđăng, Cốtđivoa thích gạo hạt dài hoặc trung bình, tỷ lệ tấm vừa phải từ 10 - 20% [25, tr. 90].

Nếu muốn xuất khẩu hàng nông sản vào Pháp thì tối thiểu các doanh nghiệp phải áp dụng một số bộ tiêu chuẩn cơ bản bao gồm tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm HACCP; tiêu chuẩn GMP dành cho các nhà máy chế biến; Tiêu chuẩn PRC; SQF 1000 và SQF 2000 dành cho cả quản lý chất lượng, quá trình chế biến lẫn nguồn nguyên liệu phụ [9].

Điều này làm cho CNSTH càng thêm phong phú, phức tạp và luôn đòi hỏi phải có sự đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của từng thị trường.

1.1.5.3. Nhóm nhân tố liên quan đến các chính sách của Nhà nước Các chính sách kinh tế hiện hành có tác động rất lớn đến sự phát triển của CNSTH thông qua việc tác động đến lợi ích kinh tế của các chủ thể trong hệ thống STH. Hệ thống các chính sách có tác động đến CNSTH bao gồm:

chính sách thuế, tín dụng, chi NSNN, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách lưu thông hàng hóa, chính sách phát triển KH-CN, chính sách giá cả... Các

chính sách này phù hợp sẽ tạo điều kiện thúc đẩy CNSTH phát triển. Ngược lại sẽ là một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của CNSTH.

1.1.5.4. Nhóm nhân tố quốc tế

Trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới hiện nay, các nhân tố quốc tế có tác động rất lớn đến sự phát triển của CNSTH. Với các hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài cùng với viện trợ quốc tế sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại của thế giới để đẩy nhanh tốc độ phát triển của CNSTH. Song mở cửa thị trường thế giới cũng đồng nghĩa với việc đặt CNSTH của Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt với CNSTH của các nước tiên tiến trên thế giới.

Qua phân tích có thể thấy rằng, CNSTH chịu tác động tổng hợp của rất nhiều các nhân tố: từ các nhân tố tự nhiên đến các nhân tố kinh tế - chính trị - xã hội; từ các nhân tố trong nước đến các nhân tố ngoài nước. Để thúc đẩy CNSTH phát triển cần phải kết hợp hài hòa và có hiệu quả tác động tổng hợp của tất cả hệ thống các nhân tố trên.

1.2. VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w