Thuế là một đòn bẩy kinh tế có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nông nghiệp, đặc biệt là CNSTH. Trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách giảm tỷ lệ động viên trong khu vực nông nghiệp. Năm 1993, tỷ lệ động viên từ nông nghiệp bình quân thời kỳ 1991-1995 là 3,5%, thời kỳ 1996- 2000 là 2,8%/ tổng thu nhập của lĩnh vực nông nghiệp [2, tr. 347]. Điều này
chứng tỏ quan điểm "khoan sức dân" của nhà nước nhằm tạo điều kiện cho khu vực nông nghiệp phát triển.
Cùng với chính sách "khoan sức dân", Nhà nước còn hỗ trợ phát triển nông nghiệp và CNSTH qua các chính sách khuyến khích cho hệ thống STH.
Thứ nhất: Chính sách thuế khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sau thu hoạch
Trong danh mục các ngành nghề được hưởng ưu đãi về thuế (danh mục A) bao gồm một số ngành nghề thuộc lĩnh vực STH như: kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu; nghiên cứu phát triển CNSTH; chế biến nông sản;
dịch vụ bảo quản nông sản; xây dựng kho bảo quản nông sản; chuyển giao công nghệ...
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực STH nêu trên được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 25%, 20% và 15% tùy theo vùng trong khi mức thuế suất chung là 28%. Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh chế biến nông sản và dịch vụ bảo quản nông sản mới thành lập còn được giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian hai năm đầu. Nếu kinh doanh ở vùng khó khăn thì được miễn thuế thu nhập 2 năm đầu và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Nếu ở vùng đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế thu nhập trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đã quy định bổ sung thêm một số khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi phí nghiên cứu KH-CN; sáng kiến cải tiến; các dịch vụ kỹ thuật; tiền thuê dịch vụ về công nghệ; chi bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa.
Riêng chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mại được phép tăng từ 7% lên 10%
trên tổng chi phí.
- Các doanh nghiệp chế biến nông sản có vốn đầu tư nước ngoài được áp dụng mức thuế suất 20% với thời hạn 10 năm. Đồng thời được miễn thuế 1 năm và được giảm 50% số thuế TNDN trong 2 năm tiếp theo. Nếu đầu tư vào vùng khó khăn, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm. Đồng thời được miễn thuế 4 năm và được giảm 50% số thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo.
- Các nhà đầu tư nước ngoài được miễn thuế TNDN phần giá trị của bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật do các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định.
- Cho phép hoàn 50% số thuế TNDN đã nộp trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài dùng thu nhập để tái đầu tư vào các dự án chế biến nông sản trong thời hạn 10 năm. Hoàn 100% số thuế đã nộp cho trường hợp tái đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trong thời hạn 15 năm.
Thứ hai: Chính sách thuế khuyến khích xuất khẩu nông sản
Nông sản xuất khẩu được áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 0%.
Có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản được hoàn lại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào. Quy định này đã góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, các doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu trong vòng 5 năm cho các dự án có trên 80% sản phẩm xuất khẩu.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh nông sản xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất của thuế TNDN là 15% trong thời hạn 15 năm nếu xuất khẩu được ít nhất 80% số sản phẩm và 20% trong thời hạn 12 năm nếu xuất khẩu 50 - 80% số sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu còn được hưởng các ưu đãi đầu tư như:
- Giảm 50% số thuế TNDN phải nộp cho phần thu nhập của các nhà đầu tư xuất khẩu năm đầu tiên, xuất khẩu mặt hàng mới, vào các thị trường mới và có doanh thu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước.
- Giảm 20% số thuế TNDN phải nộp cho phần thu nhập tăng thêm từ xuất khẩu khi doanh thu xuất khẩu đạt trên 50% tổng doanh thu hoặc thị trường xuất khẩu được duy trì ổn định về số lượng hoặc giá trị trong 3 năm liên tục.
Thứ ba: Chính sách thuế khuyến khích ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, kinh doanh
Để khuyến khích đưa KH-CN vào lĩnh vực nông nghiệp, chính sách thuế đã có nhiều quy định miễn giảm như:
- Miễn thuế nhập khẩu cho hàng chuyên dụng phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu KH-CN và giáo dục đào tạo; hàng viện trợ của các tổ chức nước ngoài cho cơ quan khoa học để phục vụ trực tiếp cho KH-CN. Miễn hoặc giảm thuế cho máy móc nhập khẩu phục vụ cho nghiên cứu KH-CN.
- Miễn thuế TNDN cho phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu khoa học, các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp. Miễn thuế cho các khoản thu nhập từ tiền thưởng cho các cải tiến công nghệ, các giải thưởng quốc gia, quốc tế, quà tặng là công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu. Các hợp đồng nghiên cứu khoa học, sản xuất thử không phải chịu thuế.
- Ngoài ra, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao được sửa đổi theo hướng nâng mức khởi điểm chịu thuế của người Việt Nam từ 3 triệu VND/tháng lên 5 triệu VND/tháng. Đối với người nước ngoài tăng từ 5 triệu VND/tháng lên 8 triệu VND/tháng để khuyến khích các cán bộ khoa học trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới hoặc ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn (phụ lục 22). Với các quy định mới này, hệ thống chính sách thuế đã thu hẹp chênh lệch về nghĩa vụ thuế giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn trong cơ chế thị trường.
Chính sách thuế cũng góp phần quan trọng vào việc bảo hộ sản xuất nông nghiệp. Đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, Nhà nước đánh thuế nhập khẩu cao để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Các loại rau tươi nhập khẩu thuế suất là 30%, nếu ở dạng chế biến hoặc qua bảo quản phải chịu mức thuế suất là 50%; quả các loại ở dạng tươi thuế suất là 40%, qua chế biến mức thuế suất là 50%. Chính sách thuế còn hỗ trợ việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ: Thóc làm giống thuế suất là 0%, trong khi các loại thóc khác thuế suất là 40%. Quy định này tạo điều kiện để nâng cao chất lượng gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu.
Đối với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nếu bán với giá quá thấp do trợ cấp của nước xuất khẩu, gây khó khăn cho sản xuất sản phẩm tương tự của Việt Nam thì phải nộp thêm thuế nhập khẩu bổ sung.
Những quy định khuyến khích đối với hệ thống STH của chính sách thuế đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy hệ thống STH nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tốc độ xuất khẩu hàng hóa và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tăng dần qua các năm. Bảng 2.7 cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư và xuất khẩu thời kỳ 1999-2003.
Bảng 2.7: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư và xuất khẩu năm 1999-2003 (Đơn vị tính: %)
Chỉ tiêu 1999 2000 2001 2002 2003
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp 107,3 105,4 102,6 106,2 104,1 Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 123,3 125,5 103,8 111,2 120,8 Tốc độ tăng trưởng đầu tư 109,8 110,8 112,2 115,7 110,4 Tốc độ tăng trưởng kinh tế (% GDP) 104,8 106,8 106,9 107,1 107,3
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2004), Niên giám thống kê 2003.
Nhờ có các ưu đãi về thuế nên môi trường đầu tư của Việt Nam đã có sự hấp dẫn hơn. Đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp - nơi thường có thu nhập
thấp và bấp bênh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam nói chung và vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã tăng dần qua các năm. Đến nay, vốn FDI trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các dự án FDI đã tập trung vào các lĩnh vực trồng và chế biến lúa gạo, cà phê, thủy sản. Ngoài ra, vốn cho vay, viện trợ, hợp tác KH-CN của các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng lên. Trong đó, có các dự án đầu tư để nâng cao năng lực cho CNSTH như dự án Danida của Chính phủ Đan Mạch.
Tuy nhiên, hiện nay chính sách thuế còn nhiều điều bất cập, thể hiện:
2.2.2.1. Chính sách thuế chưa đủ sức hấp dẫn để khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch
Mức độ khuyến khích của chính sách thuế chưa đủ sức hấp dẫn đối với việc sản xuất các thiết bị STH, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và tăng cường nhập khẩu các máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ cho chế biến nông sản xuất khẩu.
Thuế GTGT chưa khuyến khích sản xuất các nông sản đã qua chế biến. Nếu nông dân và các chủ trang trại bán các nông sản thô chưa qua chế biến thì không phải nộp thuế GTGT, nhưng nếu họ đầu tư vốn để chế biến nông sản thì phải nộp thuế GTGT với mức thuế suất là 10%. Trước đây, nông sản chế biến chỉ phải nộp thuế doanh thu tối đa là 5%. Như vậy, thuế GTGT làm tăng nghĩa vụ thuế của nông dân và các chủ trang trại lên gấp hai lần nếu họ đầu tư vào CNSTH [52, tr. 51].
Chính sách thuế mới chưa khuyến khích các doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước đây họ được hưởng thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế TNDN, nay theo quy định mới thuế suất ưu đãi trong trường hợp này chỉ áp dụng đối với hợp tác xã và các cơ sở mới thành lập thuộc địa bàn khó khăn mà không áp
dụng đối với các dự án đầu tư mở rộng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp đang hoạt động.
2.2.2.2. Chính sách thuế còn phức tạp và chưa bình đẳng
Hệ thống thuế còn nhiều phức tạp do chính sách thuế vừa phải thực hiện các mục tiêu (đảm bảo thu ngân sách; khuyến khích phát triển KH-CN…) vừa phải thực hiện các chính sách xã hội (chính sách thương binh, người tàn tật, lao động nữ…) làm tăng thêm chi phí quản lý và khó thực hiện.
Chính sách thuế còn có sự phân biệt đối xử về thuế suất, điều kiện ưu đãi, mức và thời gian miễn giảm giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Sự khác biệt trong việc xác định các chi phí để được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế bất lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp chế biến của Nhà nước được áp dụng chế độ bảo toàn vốn. Khi giá mua nguyên liệu, trang thiết bị, hàng hóa bằng ngoại tệ tăng lên hoặc khi tỷ giá hối đoái thay đổi thì chi phí để mua những mặt hàng trên được tính lại, còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải gánh chịu rủi ro này.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân còn bất lợi trong việc quy định thưởng xuất khẩu vì điều kiện để được thưởng thường nghiêng về các doanh nghiệp lớn như: chỉ có các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu từ 1 triệu USD trở lên mới được xét thưởng.
Vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa thu nhập chịu thuế và mức điều tiết của người Việt Nam và người nước ngoài dẫn đến tình trạng không khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là đầu tư vào nông nghiệp và CNSTH là những lĩnh vực chịu nhiều rủi ro và thu nhập thấp.
Nhà nước còn bảo hộ cao qua thuế làm cho các doanh nghiệp có tâm lý ỷ lại, không phát huy tính tự chủ, sáng tạo. Mặc dù mức thuế suất của thuế nhập nhập khẩu cao nhất đã giảm từ 200% năm 1997 xuống 120,8% năm 2003, song
tỷ lệ bảo hộ thực tế (ERP) đối với các mặt hàng thay thế nhập khẩu của Việt Nam vẫn vào loại cao nhất thế giới. ERP trong lĩnh vực sản xuất tại một số nước Đông Nam Á như Inđônêxia là 25 năm 1995, Malaixia là 13 năm 1995, Thái Lan là 72 năm 1997 và Việt Nam là 121 năm 1997 [18, tr. 84].
Hệ thống thuế phức tạp, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu không những đã tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng, giảm động lực khuyến khích của thuế mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm mọi khe hở của thuế để trốn thuế.
2.2.2.3. Chính sách thuế chưa gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải sử dụng các công nghệ sạch
Hệ thống thuế hiện nay chưa có quy định phạt cụ thể đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay chúng ta mới chỉ thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong đó có nước thải của các cơ sở chế biến thực phẩm.
Đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu và không gây ô nhiễm môi trường cũng chưa có các quy định thưởng thông qua thuế. Vì vậy chính sách thuế chưa tạo ra cơ chế lợi ích kinh tế thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sạch, hạn chế nhập khẩu và sử dụng các công nghệ cũ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.