Từ những kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước, có thể rút ra một số bài học sau cho Việt Nam:
Thứ nhất: Đầu tư trọng tâm vào những mục tiêu cụ thể trong hệ thống sau thu hoạch
Chính phủ một số nước thường xây dựng các chương trình phát triển riêng cho từng mục tiêu cụ thể, thời gian cụ thể, mặt hàng cụ thể với sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Thái Lan chọn mục tiêu mặt hàng xuất khẩu là gạo, Trung Quốc chọn mục tiêu chế biến nông sản bằng việc thành lập các xí nghiệp "Đầu rồng", Nhật Bản chọn mục tiêu phát triển công nghệ với chính sách công nghệ hai tầng... Với chính sách đầu tư cụ thể, năng lực của CNSTH nói chung và một số mặt hàng, khâu chủ lực được nâng lên, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chính phủ còn chú trọng vào đầu tư công nghệ nhiều tầng để đảm bảo cung cấp nguyên liệu bán thành phẩm cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Thứ hai: Đầu tư phải tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống
Kinh nghiệm của Malaysia về sự không đồng bộ giữa cơ khí hóa khâu gặt đập và các khâu sấy khô, bảo quản, chế biến đã dẫn đến tình trạng thóc bị tổn thất lớn. Vì vậy, phải đầu tư một cách đồng bộ cho các khâu STH và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Mặt khác, các chính sách ban hành phải dựa trên điều kiện cơ sở vật chất thực tế và phải rõ ràng về đối tượng.
Không nên quy định Nhà nước là "người mua cuối cùng" vì quy định này dễ tạo ra sự bao cấp tràn lan và dịch chuyển trợ cấp cho các đối tượng không nằm trong diện được hưởng.
Thứ ba: Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các chính sách tài chính để thúc đẩy CNSTH phát triển
Nhà nước hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản như cho vay vốn dài hạn lãi suất thấp, đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của một số thị trường lớn, ưu đãi về thuế... Mức thuế suất của nông sản thấp hơn so với mức thuế suất
của các sản phẩm khác, đặc biệt đối với nông sản xuất khẩu. Trung Quốc có chính sách miễn toàn bộ thuế sử dụng đất đối với tái đầu tư, Thái Lan có chính sách tự do chuyển vốn và lợi nhuận về nước đầu tư, Nhật Bản miễn thuế cho nghiên cứu công nghệ cơ bản... Chính sách hỗ trợ của Nhà nước vừa tạo ra điều kiện về vật chất vừa tạo ra động lực để thúc đẩy CNSTH phát triển.
Thứ tư: Chú trọng đầu tư vào yếu tố con người
Thông qua chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chính sách khác đối với các cán bộ khoa học để huy động được nguồn chất xám phục vụ cho việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng CNSTH vào thực tiễn. Chênh lệch giữa lương khởi điểm của cán bộ công chức với lương của cán bộ khoa học phải tương đối rộng để khuyến khích các cán bộ khoa học: Trung Quốc quy định chênh lệch là 2,7 lần; Thái Lan là 3 lần. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách ưu đãi khác cho các cán bộ khoa học về công tác tại nông thôn.
Tóm lại, xuất phát từ việc phân tích về mặt lý luận, chương 1 tập trung nghiên cứu phân tích một số khái niệm cơ bản về hệ thống STH, CNSTH, sự cần thiết của CNSTH, đặc điểm của CNSTH và các nhân tố tác động đến quá trình phát triển của CNSTH. Hệ thống STH là một hệ thống phức tạp nên CNSTH cũng liên quan đến nhiều ngành, nhiều khâu, nhiều chủ thể kinh tế và chịu tác động của nhiều nhân tố từ tự nhiên đến kinh tế - xã hội. Để phát triển CNSTH cần phải giải quyết đồng bộ mối quan hệ giữa các bên liên quan.
Luận án cũng khẳng định vai trò động lực của KH-CN nói chung và CNSTH nói riêng đối với sự phát triển nông nghiệp, nhất là trong điều kiện CNH, HĐH đất nước. Từ đó, thấy rõ vai trò quan trọng của các công cụ tài chính trong việc thúc đẩy phát triển CNSTH. Các công cụ tài chính như thuế, chi NSNN, tín dụng có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của CNSTH nói riêng và phát triển nông nghiệp nói chung. Từng công cụ tài chính có vai trò
khác nhau đến sự phát triển của CNSTH, song nhìn chung các công cụ này đều góp phần quan trọng vào việc tập trung vốn để tăng cường cơ sở vật chất;
phát triển nguồn nhân lực; phát triển các yếu tố đầu vào; các yếu tố đầu ra và thúc đẩy sự liên kết giữa các ngành, các chủ thể trong hệ thống STH. Vì vậy, khi sử dụng các công cụ tài chính phải phát huy tác động cao nhất của từng công cụ song cần phải phối hợp các công cụ với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp của hệ thống các công cụ tài chính nhằm thúc đẩy CNSTH phát triển với tốc độ cao và vững chắc.
Việc phân tích kinh nghiệm thành công và thất bại của một số nước trên thế giới có giá trị tham khảo rất lớn đối với Việt Nam. Nhất là kinh nghiệm của những nước nông nghiệp tiên tiến (Nhật), nước có công nghệ chế biến phát triển (Thái Lan) và một số nước khác có điều kiện kinh tế - xã hội và xuất phát điểm khi tiến hành CNH, HĐH tương đồng với Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước để tìm ra cách đi thích hợp nhất, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa CNSTH của Việt Nam với CNSTH của các nước tiên tiến trên thế giới.
Chương 2
TÁC ĐỘNG CỦA CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH Ở VIỆT NAM
2.1. SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ 1990 ĐẾN NAY