Những kết quả đạt được của công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 57 - 61)

Sau hơn 15 năm thực hiện đường lối đổi mới kinh tế, CNSTH ở nước ta đã có những bước chuyển mình đáng kể, thể hiện ở kết quả to lớn về nhiều mặt:

2.1.1.1. Tổn thất sau thu hoạch giảm xuống

CNSTH đã góp phần quan trọng vào việc giảm tổn thất STH cả về số lượng và chất lượng. Hiện tượng "mất mùa trong nhà" đã từng bước được khắc phục.

Đối với lương thực: Theo số liệu điều tra năm 1994 của Viện CNSTH (nay là Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) phối hợp với tổng cục Thống kê, tổn thất STH lúa ở Việt Nam từ 13-16% trên tổng sản lượng lúa thu hoạch, tương đương 1-2% GDP hàng năm. Mức tổn thất này được chi tiết cho các khâu như trong bảng 2.1.

Bảng 2.1: Tổn thất sau thu hoạch lúa gạo

(Đơn vị tính: %)

Khâu thu hoạch

Khâu đập, tuốt lúa

Khâu phơi sấy, làm sạch

Khâu bảo quản

Khâu xay xát, chế biến

Khâu vận chuyển

Tổng các khâu 1,3 - 1,7 1,4 - 1,8 1,9 - 2,1 3,2 - 3,9 4,0 - 5,0 1,2 - 1,5 13 - 16

Nguồn: Lê Doãn Diên (2002), Công nghệ STH thuộc ngành nông nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, tr. 44.

Riêng vụ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm tới 26% tổng sản lượng, được thu hoạch vào đúng mùa mưa nên tổn thất STH rất lớn, có thể lên đến 25 - 28% [9, tr. 44]. Do áp dụng CNSTH, tổn thất STH của lúa gạo đã giảm xuống hiện nay chỉ còn trên 10 - 12%. Các nhà kinh tế đã tính toán rằng cứ 1% tổn thất tương ứng với 7 triệu USD hay 100 tỷ VND.

Việc giảm được tổn thất xuống 3% - 4% tương ứng với việc tăng thêm 21- 28 triệu USD hay 300 - 400 tỷ VND cho đất nước [10, tr. 79].

Đối với rau quả: Tổn thất đối với rau quả rất cao vì thời gian sử dụng ngắn và rất nhạy cảm đối với tác động của môi trường xung quanh. Mức tổn thất STH của cây có củ là 20 - 30%, rau quả từ 20 - 40%. Hiện nay, tỷ lệ tổn thất của rau quả đã giảm xuống chỉ còn khoảng 25% [27, tr. 61].

2.1.1.2. Giá trị và chất lượng nông sản tăng lên

CNSTH của Việt Nam mặc dù mới phát triển nhưng đã đóng góp to lớn cho đất nước. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng liên tục theo thời gian. Năm 1990 chỉ đạt 2.404 triệu USD, đến năm 2003 đã tăng lên 19.880 triệu USD (phụ lục 6). Tính riêng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản, năm 1995 mới đạt 2.521 triệu USD, năm 2001 đã tăng lên 5.027 triệu USD, tăng lên gần hai lần so với năm 1995.

Trong suốt 14 năm liên tục từ 1989 đến nay, gạo của Việt Nam luôn có mặt trên thị trường thế giới với giá trị và chất lượng ngày càng tăng.

Về giá trị: Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta có xu hướng tăng lên.

Năm 1995 đạt 530 triệu USD; năm 1996: 868 triệu USD; năm 1997: 891 triệu USD;

năm 1998: 1,1 tỷ USD; năm 1999 trên 1,1 tỷ USD. Năm 2000 - 2002, do sự biến động bất lợi trên thị trường thế giới nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 600 - 700 triệu USD. Tổng cộng trong 14 năm, gạo xuất khẩu đã đem về cho đất nước trên

8 tỷ USD [24, tr. 295]. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả cũng có xu hướng tăng lên. Năm 1995 đạt 56,1 triệu USD, năm 2000 đạt 344 triệu USD và năm 2002 đạt trên 421 triệu USD. Hiện nay rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới [12, tr 2].

Về chất lượng: Chất lượng gạo xuất khẩu thay đổi theo hướng tỷ trọng gạo có chất lượng cao tăng lên và tỷ trọng gạo chất lượng thấp giảm xuống.

Năm 1990 gạo phẩm chất thấp (40% tấm) chiếm 55,5% và gạo phẩm chất cao (5% tấm) chiếm 3,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Năm 1998 gạo phẩm chất cao tăng lên 27%, gạo phẩm chất thấp giảm xuống chỉ còn 1,8% (phụ lục 7). Giá gạo xuất khẩu từ chỗ kém hơn so với các nước trong khu vực từ 50 - 80 USD/tấn, nay đã rút ngắn khoảng cách xuống chỉ còn dưới 10 USD/tấn [37, tr.

15].

Về thị trường: Thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Hiện nay nông sản của nước ta được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó khoảng 70% kim ngạch được xuất sang các nước châu Á. Trong những năm gần đây, nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường khắt khe ở Bắc Mỹ, Nhật bản và Liên minh châu Âu.

Công nghệ chế biến gạo tiên tiến đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam lên hàng thứ hai trong số các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (sau Thái Lan).

2.1.1.3. Cơ cấu tiêu dùng và xuất khẩu nông sản chuyển dần từ nông sản thô sang nông sản chế biến

Nét nổi bật của nông nghiệp trong những năm gần đây là bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa gắn với thị trường và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Từ năm 1991 đến nay, tỷ trọng và số lượng các loại nông sản đã qua chế biến ngày càng tăng. Tỷ trọng nông sản chế biến tăng từ 8% năm 1991 lên 20% năm 96, khoảng 35% năm 1999 và gần 40% năm 2000 [50, tr. 41].

Số lượng nông sản đã qua chế biến cũng tăng lên (phụ lục 8). Theo số liệu của một cuộc điều tra, trong tổng số 302 nông sản chế biến được tiêu thụ ở một số siêu thị, có tới gần 90% nông sản được chế biến từ các doanh nghiệp nhà nước, các cơ sở tư nhân và các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài [33, tr. 6].

Áp dụng CNSTH, nông sản nguyên liệu có thể đa dạng thành nhiều loại sản phẩm. Ví dụ: Từ dứa nguyên liệu có thể sản xuất ra dứa tươi, dứa hộp, dứa đông lạnh, dứa sấy khô, mứt dứa, nước dứa cô đặc, nước dứa giải khát, nước dứa ép...

Ngoài ra, CNSTH cũng góp phần rất quan trọng vào việc tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân. Chỉ tính riêng các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản đã tạo ra 44,48% việc làm cho nông dân lúc nông nhàn và có thể tạo thêm 33,44% việc làm cho các mạng lưới liên quan (phụ lục 9).

Có được những kết quả trên là nhờ việc nghiên cứu và ứng dụng nhiều CNSTH vào thực tế. Viện CNSTH đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước như: chương trình 20-A năm 1986 - 1990 về giảm tổn thất; đề tài KN- 01-13 về nghiên cứu một số chất mới trong bảo quản nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng nông sản... Từ năm 1989 đến nay, có hơn 100 công nghệ chế biến, bảo quản và thiết bị STH đã được tạo ra. Trong đó có 51 công nghệ chế biến; 6 công nghệ sấy; 25 công nghệ bảo quản; 13 thiết bị CNSTH và 5 hệ thống chỉ tiêu kiểm tra chất lượng nông sản (phụ lục 10). Ngoài ra, còn có nhiều đề tài KH-CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005 về lĩnh vực STH như đề tài KC.03, KC.06, KC.07 (phụ lục 11).

Bên cạnh đó, mức độ trang bị máy móc cho các khâu STH có xu hướng tăng lên cả về số lượng và tỷ trọng. Tỷ lệ cơ giới hóa chung của khâu thu hoạch tăng từ 30% năm 1986 đến 90% năm 1999. Số lượng máy tuốt lúa tăng từ 28.800 chiếc năm 1990 lên 97.808 chiếc năm 1994 và đạt 554.237 chiếc năm 2002 [24, tr. 115]. Đến nay trong khâu chế biến, 100% sản lượng

thóc đã được xay xát bằng máy. Nhiều nhà máy chế biến rau quả được xây dựng thêm. Năm 1999, cả nước có 12 nhà máy và 48 cơ sở chế biến rau quả.

Đến cuối năm 2003 đã có thêm 12 dự án chế biến rau quả. Tổng công ty Rau quả nông sản có trên 50% số nhà máy mới được đầu tư có trình độ công nghệ hiện đại.

Bước đầu đã có sự kết hợp giữa công nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu. Điển hình là mô hình nông trường sông Hậu. Nông trường sông Hậu vừa trồng lúa, vừa chế biến, vừa xuất khẩu gạo. Điểm nổi bật trong mô hình này là sự liên kết nông - công - thương nghiệp có hiệu quả và sự tác động tích cực của công nghiệp chế biến vào vùng sản xuất nguyên liệu.

Khâu vận chuyển cũng được cơ giới hóa đáng kể. Hiện đã có 22.000 ô tô các loại, trong đó có hơn 15.000 xe tải, tăng gấp 2 lần năm 1990. Từ năm 1998 - 2002, hầu hết các công việc chuyển chở năng nhọc đã được cơ giới hóa. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, chợ... có bước tiến bộ vượt bậc. Năm 1994, số xã có đường ô tô chỉ chiếm 87,9%. Đến nay, cả nước đã có 94,5% số xã có đường ô tô, chất lượng đường đã được cải thiện nâng cấp lên thành đường nhựa và bê tông hóa [24, tr. 53].

Mặc dù CNSTH ở nước ta bước đầu đã phát triển và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Song nhìn nhận một cách khách quan, CNSTH của Việt Nam vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w