Để đầu tư vào con người có hiệu quả cần thay đổi phương pháp xác định chỉ tiêu đào tạo, cơ cấu tổ chức và chính sách đầu tư cho con người.
3.3.6.1. Xác định chỉ tiêu đào tạo
Trong cơ chế thị trường, đào tạo nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Các ngành, các doanh nghiệp, các cơ quan phải là người quyết định số lượng, chất lượng, ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của họ. Vì vậy, các chỉ tiêu phải được hình thành từ "gốc", tức là từ sự đặt hàng của các ngành, các doanh nghiệp, các cơ quan. Cần thay việc giao chỉ tiêu đào tạo hàng năm các cán bộ khoa học trong nông nghiệp cho các trường bằng cơ chế bộ Giáo dục và đào tạo đặt hàng theo yêu cầu của các doanh nghiệp và các các cơ quan. Yêu cầu đưa ra phải cụ thể về số lượng, ngành nghề và trình
độ. Những trường có sinh viên tốt nghiệp không được các doanh nghiệp, các cơ quan đặt hàng chấp nhận do không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị cắt giảm bớt chỉ tiêu đào tạo cho các năm sau.
Trên cơ sở đặt hàng của các doanh nghiệp, cơ sở thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thống kê để chia thành nhiều hình thức đào tạo:
Đào tạo tập trung: được thống kê cho từng ngành trên cơ sở đó phân cho từng trường và trở thành chỉ tiêu đào tạo của từng trường theo các cấp học: đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề. Nhà nước cần tập trung kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, tăng cường trang thiết bị, giáo cụ, phòng thí nghiệm để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, để nâng cao chất lượng của cán bộ khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực CNSTH, trong các đề tài trọng điểm cấp bộ, cấp Nhà nước đều phải có phần dành cho đào tạo sau đại học (trong hoặc ngoài nước) và coi phần đào tạo này là một bộ phận không thể thiếu được của đề tài.
Đào tạo lại: Tiến hành mở những khóa học cập nhật kiến thức với thời gian ngắn từ 1-2 tháng với từng chuyên đề cụ thể cho các cán bộ ở các viện nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu. Có thể thuê chuyên gia nước ngoài về lĩnh vực CNSTH để giảng dạy cho các lớp này. Kinh phí do Nhà nước và cơ quan có người học hoặc bản thân người học cùng đóng góp.
Xây dựng chương trình đào tạo lại các cán bộ khuyến nông cấp xã, huyện với nội dung giảng dạy về kinh tế thị trường và kiến thức về công nghệ mới. Đặc biệt là các chương trình về chuyển giao CNSTH để thực hiện việc chuyển giao công nghệ mới đến từng hộ nông dân. Viện CNSTH và trường nông nghiệp chịu trách nhiệm về kiến thức chuyên môn. Toàn bộ kinh phí do ngân sách của từng tỉnh chịu và nằm trong kinh phí đào tạo cán bộ cho nông nghiệp.
3.3.6.2. Hoàn thiện chính sách đầu tư cho con người
Trong hệ thống STH, lực lượng lao động gồm các cán bộ khoa học hoạt động trong lĩnh vực STH và nông dân.
- Đối với các cán bộ khoa học:
Lao động của các cán bộ khoa học là lao động phức tạp, đòi hỏi mức độ chất xám cao. Vì vậy, chính sách đầu tư cho nhân lực của hệ thống STH nên theo hướng phát huy được năng lực sẵn có và tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học có khả năng cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của ngành. Chính sách đó bao gồm tiền lương, tiền thưởng (sự đãi ngộ) và chính sách sử dụng lao động (tạo điều kiện cho cán bộ phát huy hết khả năng của họ).
Về chế độ tiền lương: Từng bước tiến hành xóa bỏ chi lương cho cán bộ theo cách bình quân chủ nghĩa như hiện nay. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phải tiền tệ hóa các thu nhập hiện vật và các thu nhập khác ngoài lương. Cần đảm bảo cho các cán bộ có thể sống chủ yếu bằng mức lương của họ. Hiện nay, nhìn chung mức lương chỉ đáp ứng được khoảng 1/5 đến 1/3 nhu cầu sinh hoạt bình thường của cán bộ công chức. Riêng đối với các giáo sư, phó giáo sư trong lĩnh vực STH, ngoài chế độ tiền lương chung còn có thể có những ưu đãi riêng như hỗ trợ về nhà ở và các điều kiện làm việc khác. Để khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống STH, các cán bộ khoa học sau khi bảo vệ có bằng thạc sĩ sẽ được tăng thêm một bậc lương và có bằng tiến sĩ sẽ được tăng thêm hai bậc lương.
Nên có chính sách ưu tiên về tiền lương cho những cán bộ làm công tác nghiên cứu và triển khai CNSTH, làm công tác khuyến nông ở cơ sở và các vùng sâu, vùng xa... Hệ số lương của các cán bộ này nên cao hơn so với hệ số lương chung của nền kinh tế.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích và sử dụng nhân tài có hiệu quả bằng biện pháp kết hợp giữa thi tuyển và kiểm tra thường kỳ (2 - 3 năm một lần) với trả lương thỏa đáng đối với tất cả những người được hưởng lương từ NSNN. Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia có mô hình hội đồng quản lý nhân sự quốc gia tập trung. Hội đồng này đề ra qui chế thi tuyển và
kiểm tra thường kỳ đối với tất cả các nhân viên hưởng lương từ NSNN từ cấp trung ương đến cơ sở. Vì vậy, các nước này có một đội ngũ nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp có trình độ cao góp phần thực hiện thành công CNH, HĐH đất nước.
Về chế độ tiền thưởng: Trong điều kiện nước ta còn nghèo, đời sống của cán bộ còn gặp nhiều khó khăn thì lợi ích kinh tế là đòn bẩy mạnh mẽ nhất thúc đẩy mọi khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Mức thưởng được dựa trên kết quả của các công trình nghiên cứu của họ.
- Nếu là các công trình mang tính chất nghiên cứu cơ bản, không xác định được cụ thể về lợi ích kinh tế, mức thưởng sẽ do hội đồng khoa học cấp ngành hoặc cấp Nhà nước đánh giá và quyết định. Mức cụ thể sẽ tùy vào từng trường hợp, song về nguyên tắc, mức thưởng phải tạo ra đủ động lực về vật chất và tinh thần để các cán bộ khoa học có thể chuyên tâm vào việc nghiên cứu.
- Nếu là những công trình ứng dụng có hiệu quả kinh tế rõ ràng, mức lợi đem lại từ các công trình nghiên cứu đó là căn cứ để xác định mức thưởng. Sau khi các đề tài nghiệm thu được đưa vào áp dụng trong thực tế, tác giả có thể được hưởng 20% lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu trong 3 năm. Có như vậy mới khuyến khích được các cán bộ khoa học dành toàn bộ tâm huyết cho công việc sáng tạo.
Cần có cơ chế thu hút các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề của lĩnh vực STH về làm việc lâu dài ở nông thôn, nhất là lực lượng cán bộ trẻ mới ra trường, được đào tạo cơ bản về lĩnh vực STH. Mục đích của cơ chế này là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có trình độ cao vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các chuyên gia giỏi về CNSTH của nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Về chính sách sử dụng lao động: Có cơ chế khuyến khích bằng lợi ích vật chất cho các nhà khoa học chủ động đề xuất những đề tài nghiên cứu ở các cơ sở thực tế và được cơ sở thực tế chấp nhận đặt hàng. Cho phép các nhà khoa học được chủ động liên kết, hợp tác, ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với các cơ sở thực tế và sử dụng thời gian trong giờ để nghiên cứu khoa học và thực hiện các hợp đồng ký kết với bên ngoài.
- Đối với nông dân
Cần đặc biệt coi trọng việc đào tạo nâng cao trình độ về CNSTH cho người nông dân để họ có khả năng tiếp nhận các công nghệ mới được chuyển giao.
Trước hết cần tập trung kinh phí để mở các lớp bồi dưỡng về một số kỹ thuật, công nghệ bảo quản chế biến STH cho nông dân để đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ STH vào thực tiễn. Lớp bồi dưỡng có thể dưới dạng các buổi báo cáo kinh nghiệm, các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ đơn giản. Viện CNSTH và các trường nông nghiệp chịu trách nhiệm chính về chuyên môn, kinh phí đào tạo có thể lấy từ quỹ khuyến nông của các địa phương. Bên cạnh đó nên thành lập câu lạc bộ KH-KT nông nghiệp ở nông thôn để nông dân có điều kiện tiếp cận với KH- CN mới.
Đồng thời mở rộng đầu tư tuyên truyền về các kỹ thuật nông nghiệp và CNSTH thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài, báo...
Đứng trên phạm vi toàn xã hội, vốn đầu tư cho đào tạo nông dân sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với những thiệt hại mà người nông dân gây ra vì thiếu kiến thức cần thiết.
Cùng với việc nâng cao trình độ cho nông dân, cần khuyến khích mọi người nông dân tham gia làm khoa học để tiến tới thực hiện "xã hội hóa nghiên cứu khoa học". Đối với những nông dân có các phát minh hoặc sáng kiến cải tiến áp dụng có hiệu quả trong thực tế, Nhà nước cần ban hành các
chính sách khuyến khích thỏa đáng. Vừa qua, ông Tâm ở Đồng Tháp đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy gặt lúa và máy cắt cỏ với giá rẻ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong cả nước. Hiện nay với khả năng về tài chính có hạn, ông Tâm chỉ có thể sản xuất đơn chiếc. Để khuyến khích những người nông dân như ông Tâm nghiên cứu khoa học, cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ các chi phí nghiên cứu ban đầu hợp lý; hỗ trợ sản xuất hàng loạt, tạo điều kiện đăng ký bản quyền cho tác giả; hỗ trợ chi phí giới thiệu sản phẩm và không thu thuế đối với thu nhập từ việc tiêu thụ các sản phẩm do họ làm ra. Có như vậy mới có thể huy động được toàn bộ tiềm năng chất xám của đất nước cho phát triển KH-CN nói chung và CNSTH nói riêng.
Các giải pháp trên vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu, dài nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao và sự thiếu hụt về chất lượng lao động trong lĩnh vực STH ở nước ta hiện nay.