Các công cụ tài chính chủ yếu tác động đến công nghệ sau thu hoạch

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 30 - 38)

"Tài chính phản ánh tổng hợp các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong việc phân phối các nguồn lực thông qua việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể trong xã hội" [22, tr. 18].

Sự tồn tại của các phạm trù tài chính là cơ sở khách quan để hình thành nên các công cụ tài chính. Công cụ tài chính là phương tiện để các chủ

thể kinh tế điều khiển nền kinh tế theo những mục tiêu nhất định. Giải pháp tài chính là việc sử dụng các công cụ tài chính để thực hiện các chính sách tài chính trong từng thời kỳ phát triển kinh tế nhất định.

Hệ thống các công cụ tài chính bao gồm: Chi NSNN, thuế, tín dụng, tỷ giá hối đoái, bảo hiểm... nhưng tác động chủ yếu đến CNSTH gồm có chi NSNN, thuế và tín dụng. Với việc sử dụng hệ thống các công cụ tài chính này, Nhà nước có thể quản lý phần lớn tổng sản phẩm xã hội và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các chủ thể kinh tế cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Để các công cụ tài chính phát huy tác động tích cực lớn nhất đến sự phát triển của CNSTH, cần phải lựa chọn đúng mục tiêu, đối tượng, phương thức tác động của từng công cụ. Đồng thời phải sử dụng đồng bộ và tổng hợp các công cụ tài chính nhằm khơi thông các nguồn lực của đất nước cho phát triển nông nghiệp và CNSTH.

Mục tiêu tác động của các công cụ tài chính bao gồm cả mục tiêu ở tầm vĩ mô và tầm vi mô. Ở tầm vĩ mô, các mục tiêu là tăng trưởng, việc làm, ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công bằng xã hội... Ở tầm vi mô, các mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp, phát triển lĩnh vực STH hay một khâu cụ thể như bảo quản hoặc chế biến nông sản. Dù ở tầm vi mô hay tầm vĩ mô, mục tiêu tác động của các công cụ tài chính đối với hệ thống STH đều là làm giảm bớt tổn thất STH, tăng chất lượng và giá trị nông sản, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối tượng tác động của các công cụ tài chính là lợi ích của các chủ thể kinh tế có liên quan đến CNSTH. Đối với các chủ thể trong hệ thống STH động lực chủ yếu là lợi ích kinh tế. Vì vậy, các công cụ tài chính phải tác động một cách hợp lý đến lợi ích của từng chủ thể nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ.

Phương thức tác động của từng công cụ tài chính không giống nhau.

Có những công cụ tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các chủ thể trong hệ thống STH như chi ngân sách, thuế… Có những công cụ tác động gián tiếp như tín dụng, tỷ giá hối đoái...

Khả năng về tài chính của một quốc gia không chỉ biểu hiện bằng số lượng các nguồn tài chính đã có trong tay Nhà nước, mà còn biểu hiện ở việc sử dụng các công cụ tài chính để chi phối và tác động đến toàn bộ các hoạt động trong nền kinh tế. Để hiểu rõ vai trò của tài chính đối với sự phát triển của CNSTH, cần phải xem xét cụ thể một số công cụ tài chính chủ yếu sau:

1.3.1.1. Chi ngân sách nhà nước

Chi ngân sách là việc phân phối và sử dụng quỹ NSNN nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước theo những nguyên tắc nhất định.

Chi ngân sách chủ yếu là những khoản chi không mang tính hoàn trả trực tiếp như: chi cho các ngành, các cấp để thực hiện các chức năng của Nhà nước. Ngoài ra, cũng có những khoản chi ngân sách để thực hiện các chương trình mục tiêu như: chương trình giải quyết việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình cải tạo giống... Đây chính là khoản cho vay ưu đãi có hoàn trả gốc, không phải trả lãi hoặc lãi suất rất thấp. Xét về thực chất chi NSNN chính là sự tài trợ, hỗ trợ của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp và CNSTH.

Chi NSNN có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lĩnh vực STH và nông nghiệp. Quy mô chi ngân sách vừa tác động trực tiếp đến sự phát triển của CNSTH thông qua việc phân bổ các nguồn lực tài chính cho CNSTH, vừa tác động gián tiếp đến việc hình thành những điều kiện tiền đề để phát triển hệ thống STH. Cơ cấu chi của NSNN ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của hệ thống STH. Do đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của CNSTH. Thể hiện:

- Chi NSNN là khoản chi thường có mức lớn và để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi số tiền lớn và không có khả năng thu hồi vốn nhưng lại tạo ra môi trường và điều kiện kinh doanh cần thiết như: phát triển các cơ sở hạ tầng cho hệ thống STH như kho tàng, bến bãi... hoặc chi cho nghiên cứu STH. Đây là những hàng hóa công cộng mà khu vực tư nhân vì mục đích lợi nhuận sẽ không cung cấp đủ hoặc không cung cấp. Hiệu quả của các khoản chi NSNN phải được xem xét trên phạm vi kinh tế vĩ mô thông qua mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và hiệu quả xã hội đem lại cho toàn bộ đất nước. Đối với các nước có nền nông nghiệp chậm phát triển, chi NSNN có một vai trò đặc biệt quan trọng vì cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất yếu kém, tích lũy của bản thân khu vực nông nghiệp thấp.

- Mặc dù NSNN có hạn nên quy mô của các khoản chi NSNN cho CNSTH còn nhỏ bé, song chi NSNN đóng vai trò là đột phá khẩu, là chất xúc tác cho quá trình tạo vốn đối với CNSTH. Chi NSNN có tác dụng tạo ra khoản "vốn mồi" ban đầu để kích thích các nguồn vốn của tư nhân và thu hút các nguồn vốn khác trong toàn xã hội đầu tư vào các khâu STH và nông nghiệp theo định hướng của Nhà nước.

- Chi NSNN góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản đang đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường sinh thái cũng như vấn đề xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, chi NSNN còn góp phần bình ổn thị trường và giá cả nông sản.

1.3.1.2. Thuế

Thuế là hình thức đóng góp nghĩa vụ theo luật định của các tổ chức kinh tế và dân cư cho Nhà nước bằng một phần thu nhập của mình.

Thuế là một khoản thu bắt buộc nhằm đảm bảo nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, đặc biệt là chi tiêu cho hàng hóa công cộng. Do phát sinh hiện tượng "người ăn theo" của hàng hóa công cộng nên rất khó thu hồi được vốn

đã bỏ ra. Vì vậy, Nhà nước buộc phải động viên một phần thu nhập của các chủ thể trong xã hội để trang trải cho các nhu cầu chi tiêu đó.

Thuế là khoản phân phối lại không mang tính chất hoàn trả trực tiếp.

Nó không phải là một khoản đối giá. Người dân không có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp cho họ một số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ có giá trị tương đương với khoản thuế mà họ phải nộp.

Động viên qua thuế kết hợp giữa phương thức cưỡng chế, có tính pháp lý cao với kích thích vật chất nhằm tạo sự quan tâm của các chủ thể kinh tế đến hiệu quả kinh doanh và nâng cao thu nhập. Vì vậy thuế là một công cụ đắc lực của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Thuế có tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp và CNSTH. Thể hiện:

- Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN để tài trợ cho nông nghiệp và CNSTH. Ở Pháp, thuế đóng góp tới 95,3% ngân sách, ở Cộng hòa Liên bang Đức là 92,7% và Mỹ là 90,5%. Ở nước ta thuế và phí chiếm khoảng 93% tổng thu của NSNN.

- Thuế góp phần thúc đẩy hệ thống STH phát triển đồng bộ, cân đối.

Ngoài việc tạo nguồn thu cho NSNN, thuế còn phân phối lại thu nhập, điều tiết hoạt động của các chủ thể kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển cân đối trong toàn bộ hệ thống STH. Sự điều tiết của thuế được thực hiện thông qua việc tăng hoặc giảm thuế và các ưu đãi về thuế như quy định thuế suất, miễn thuế, hoàn thuế... cho các chủ thể trong hệ thống STH. Sự điều tiết của thuế trong lĩnh vực nông nghiệp thường theo hướng hỗ trợ là chủ yếu. Nhất là hỗ trợ để khuyến khích khu vực nông nghiệp và nông dân ứng dụng CNSTH vào thực tế.

Trong hệ thống thuế, thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản... có tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế

của người nông dân, người chế biến, người bảo quản và người vận chuyển.

Thuế gián thu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế xuất nhập khẩu... làm thay đổi sức mua của người tiêu dùng và thay đổi lợi nhuận của các cơ sở STH. Do đó, thuế là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của CNSTH và là một giải pháp quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế một cách mềm dẻo và có hiệu quả.

- Thuế góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng cung cấp những hàng hóa công cộng như cơ sở hạ tầng nông thôn, các nghiên cứu cơ bản về CNSTH mà kinh tế tư nhân thường từ chối cung cấp. Thông qua thuế, các nguồn lực có thể được phân phối lại giữa các tầng lớp dân cư, giữa các ngành, các khu vực để nền kinh tế phát triển theo những mục tiêu đã đề ra.

Ngoài ra, thuế còn góp phần đảm bảo công bằng và bình đẳng trong xã hội. Chính sách thuế được quy định thống nhất cho tất cả các thành phần kinh tế sẽ góp phần vào việc thực hiện sự bình đẳng và công bằng giữa các đơn vị tham gia vào hệ thống STH.

1.3.1.3. Tín dụng

Tín dụng biểu hiện mối quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tín dụng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vốn cho quá trình sản xuất và đời sống theo nguyên tắc có hoàn trả.

Thực chất của tín dụng là quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau giữa các chủ thể trong nền kinh tế nhằm thỏa mãn thỏa mãn nhu cầu tạm thời về vốn trong quá trình sản xuất và tiêu dùng

Tín dụng mang tính chất hoàn trả trực tiếp: Các đối tượng đi vay phải hoàn trả cả gốc và lãi trong một thời gian nhất định. Điều này làm cho tín dụng có khả năng thúc đẩy việc hạch toán kinh doanh hơn là vốn từ NSNN. Với tính chất này tín dụng góp phần thúc đẩy các cơ sở đi vay phải giám sát chặt chẽ các khoản vay để đảm bảo khả năng thanh toán, đồng thời tạo ra động lực để thúc đẩy việc đầu tư một cách có hiệu quả.

Tín dụng mang tính chất tự nguyện: Do không mang tính chất bắt buộc nên phải sử dụng đòn bẩy lãi suất và các điều kiện khác để thu hút người vay và người cho vay. Cơ chế lãi suất và điều kiện vay linh hoạt sẽ điều tiết việc phân bổ nguồn tài chính một cách hợp lý.

Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ tín dụng được biểu hiện rất đa dạng thành nhiều loại tín dụng khác nhau:

- Tín dụng thương mại: là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp được thực hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa của nhau

- Tín dụng ngân hàng: là quan hệ tín dụng giữa một bên là ngân hàng và bên kia là các tác nhân kinh tế tài chính của toàn xã hội.

- Tín dụng nhà nước: là quan hệ tín dụng giữa Nhà nước với các doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức xã hội thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc quan hệ tín dụng giữa các nhà nước với nhau, hoặc giữa các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Hình thức tín dụng này có thể bằng hàng hóa, cũng có thể bằng tiền.

- Tín dụng thuê mua: là quan hệ tín dụng giữa công ty tài chính với những người sản xuất, kinh doanh dưới hình thức cho thuê tài sản [43, tr. 65].

- Tín dụng tiêu dùng: là quan hệ tín dụng phục vụ cho tiêu dùng của dân cư dưới hình thức hàng hóa thông qua việc bán chịu trả góp giữa các doanh nghiệp hoặc các tổ chức tài chính cho người tiêu dùng

Nền kinh tế thị trường càng phát triển thì vốn của thị trường chứng khoán càng có vai trò quan trọng. Song ở Việt Nam thị trường chứng khoán chưa phát triển nên tín dụng ngân hàng và tín dụng nhà nước vẫn là kênh dẫn vốn chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và sau thu hoạch.

Tín dụng tác động đến CNSTH chủ yếu trên các mặt sau:

- Đảm bảo nhu cầu về vốn cho phát triển hệ thống STH. Cùng với cơ chế tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, yêu cầu về vốn của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nông dân cũng có nhu cầu lớn đối với vốn vay để ứng dụng CNSTH.

Trong điều kiện vốn của NSNN có hạn, nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là vốn đầu tư của tín dụng nhà nước (trung và dài hạn) cho đổi mới công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo sự phát triển không ngừng của hệ thống STH.

- Tín dụng Nhà nước thường có sự ưu đãi về lãi suất nên các chủ thể kinh tế trong hệ thống STH có điều kiện tiếp cận được các nguồn lực tài chính với chi phí thấp để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Mặt khác, Nhà nước có ưu thế trong việc huy động vốn tín dụng với khối lượng lớn, thời gian dài (phát hành trái phiếu Chính phủ, vay của các Chính phủ và các tổ chức nước ngoài…) để cho vay đầu tư trung vay dài hạn. Thông qua hình thức tín dụng Nhà nước (thực chất là một khoản chi của NSNN có hoàn trả cả gốc lẫn lãi), vốn của NSNN được sử dụng một cách có hiệu quả hơn, khắc phục được tình trạng sử dụng lãng phí vốn của NSNN.

- Khuyến khích phát triển CNSTH thông qua tín dụng ưu đãi: Tín dụng ưu đãi bao gồm ưu đãi về số lượng vốn vay, thời hạn vay và lãi suất tiền vay. Các khoản tín dụng ưu đãi giúp cho các chủ thể hoạt động trong hệ thống STH tiếp cận được vốn vay với chi phí thấp để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các chủ thể đầu tư vào những máy móc, công nghệ hiện đại nhằm giảm tổn thất STH và tăng chất lượng nông sản. Đối với các hộ nông dân, vay vốn tín dụng để áp dụng máy móc, công nghệ mới trong các khâu thu hoạch, đập, sấy khô, bảo quản ở quy mô hộ gia đình và liên hộ gia đình là cách làm có hiệu quả kinh tế cao. Nhất là trong điều kiện hiện nay ở nước ta nền sản xuất hàng hóa chưa phát triển.

- Giảm bớt sự mất cân đối cung cầu về nông sản

Quan hệ cung cầu về nông sản thường xuyên ở trong tình trạng mất cân đối do tính thời vụ của sản xuất nông nghiệp. Chính sách tín dụng góp phần tăng cầu về nông sản thông qua việc thúc đẩy khả năng hoạt động của các doanh nghiệp chế biến nông sản, hỗ trợ công tác thu mua, dự trữ của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản. Hơn nữa, lãi suất tín dụng không chỉ là một công cụ để ngân hàng và các tổ chức tín dụng thực hiện việc huy động vốn và cho vay, mà còn là một công cụ để Nhà nước điều chỉnh cơ cấu cây trồng và cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Hỗ trợ cho CNSTH bằng tín dụng thông qua lãi suất là hình thức hỗ trợ có tác dụng cao và phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta khi thị trường vốn còn chưa phát triển.

Mỗi công cụ tài chính có tác động khác nhau đến sự phát triển của CNSTH. Có những công cụ tác động trực tiếp, có những công cụ tác động gián tiếp đến lợi ích kinh tế của các chủ thể. Nhưng tựu chung lại, chúng có hai vai trò quan trọng là hỗ trợ nguồn lực tài chính để phát triển CNSTH với tốc độ cao và điều chỉnh để đạt được sự cân đối, hợp lý trong toàn bộ hệ thống STH. Để phát huy được vai trò trên, các công cụ tài chính phải tác động một cách đồng bộ vào hệ thống STH.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ GIẢI PHÁP tài CHÍNH THÚC đẩy PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH TRONG điều KIỆN CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa ở VIỆT NAM (Trang 30 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w