Tài chính đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển CNSTH, đặc biệt là trong điều kiện CNH, HĐH đất nước và xu hướng hội nhập với kinh tế quốc tế. Tài chính là một yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp và quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 1999 tài chính chỉ chiếm 1/6 trong tổng các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đến năm 2000, đóng góp của tài chính đã tăng lên chiếm 1/3 trong tổng các yếu tố xác định năng lực cạnh tranh của quốc gia [28, tr. 111]. Vai trò quan trọng này được thể hiện ở những mặt sau:
1.3.2.1. Tập trung vốn để xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống sau thu hoạch
Trong nông nghiệp, do năng suất, hiệu quả của hoạt động nông nghiệp còn thấp, khả năng tích lũy trong nội bộ ngành còn ít, sức hấp dẫn đầu tư từ các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế cho nông nghiệp kém nên nguồn lực tài chính do bản thân khu vực nông nghiệp tạo ra còn rất hạn chế. Vì vậy, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp nói chung và cho các khâu STH nói riêng là vai trò hết sức quan trọng của các công cụ tài chính. Đặc biệt, đối với nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tình trạng thiếu vốn rất phổ biến. Hơn nữa, khả năng thu hồi vốn đầu tư vào CNSTH lâu, khả năng sinh lời của vốn đầu tư thấp và độ rủi ro cao.
Trước hết, chi ngân sách là nguồn vốn chủ yếu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - một điều kiện tiền đề cần thiết để phát triển hệ thống STH. Cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho sự hoạt động của hệ thống STH bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông như cầu cống đường sá; cơ sở hạ tầng về thị trường như hệ thống chợ, trung tâm giao dịch nông sản; cơ sở hạ tầng về bảo quản như kho tàng bến bãi; cơ sở hạ tầng về thông tin như hệ thống cung cấp thông tin, hệ thống điện, các văn phòng giới thiệu sản phẩm... Giải quyết tốt cơ sở hạ tầng một mặt tạo điều kiện cho sự lưu thông hàng hóa thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, nơi thừa, nơi thiếu. Mặt khác, phát triển cơ sở hạ tầng còn tạo khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút "chất xám"
và các nguồn lực khác để phát triển CNSTH. Trên cơ sở đó, thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Cơ sở vật chất là điều kiện không thể thiếu đối với việc phát triển hệ thống STH. Sự hỗ trợ của NSNN góp phần quan trọng trong việc trang bị các máy móc hiện đại, đồng bộ cho tất cả các khâu STH như xay xát, bảo quản,
chế biến, vận chuyển... nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội của toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, ngoài nguồn vốn của ngân sách, vốn chủ sở hữu của các cơ sở, vốn tín dụng chiếm một vị trí quan trọng trong việc phát triển CNSTH. Hiện nay, NSNN còn hạn hẹp, không thể đảm bảo toàn bộ vốn cho yêu cầu phát triển của CNSTH. Trong nhiều trường hợp, chi ngân sách chỉ có tác dụng hướng dẫn cho đầu tư tư nhân, tạo ra tiền đề ban đầu để thu hút các nguồn vốn khác trong toàn xã hội đầu tư vào CNSTH. Mặt khác, nông dân và khu vực nông nghiệp còn nghèo, nếu chỉ dựa vào vốn tự có thì khó có thể phát triển được CNSTH.
Trong thực tế, nguồn vốn tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong trong tổng vốn đầu tư của các chủ thể trong hệ thống STH. Với các khoản vay ngắn hạn, lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, những người hoạt động trong hệ thống STH sẽ duy trì được hoạt động thường xuyên. Với các khoản vay dài hạn họ có điều kiện đầu tư theo chiều sâu để đổi mới dây chuyền công nghệ, mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng mới, tạo ra cơ sở vật chất vững chắc cho toàn bộ hệ thống STH.
Vốn tín dụng cũng là nguồn vốn chủ yếu đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong đó, lãi suất ưu đãi luôn là động lực thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng các đề tài KH-CN vào thực tế.
Thứ ba, thuế tác động đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế.
Để khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất cao, quy mô nhỏ, các doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh quá trình tích tụ vốn. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy trong thời kỳ đầu CNH, chính phủ các nước đều thực hiện chiến lược ưu đãi thuế.
Bằng các chính sách ưu đãi về thuế như thuế suất thấp hoặc miễn thuế trong một số năm đối với việc đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản, Nhà nước khuyến khích lợi ích vật chất cho các chủ đầu tư và tạo ra động lực để thu hút một số lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính sách thuế hợp lý sẽ khuyến khích áp dụng CNSTH, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ví dụ, chính sách phát triển CNSTH thông qua thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc đổi mới công nghệ trong các khâu STH, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bảo quản và chế biến nông sản xuất khẩu.
Với vai trò thu hút mọi nguồn vốn trong và ngoài nước cho CNSTH, các công cụ tài chính góp phần đẩy nhanh tốc độ cơ khí hóa, hiện đại hóa các khâu của hệ thống STH - một yếu tố quyết định cho sự phát triển của CNSTH. Vì vậy, không thể phát triển CNSTH nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống các công cụ tài chính.
1.3.2.2. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống sau thu hoạch
Giáo dục và đào tạo là chìa khóa mở cánh cửa tương lai cho một nền công nghiệp hiện đại. Trong đó, tiềm năng trí tuệ của một đất nước là nhân tố quyết định tốc độ và hiệu quả của quá trình CNH, HĐH. Người ta tính rằng, nếu phổ cập giáo dục được nâng lên một lớp thì năng suất lao động bình quân của toàn xã hội sẽ tăng lên 5%. Theo UNESCO, năm 1997 tại Mỹ cứ đầu tư cho giáo dục 1 USD thì đem lại 4 USD tăng thêm, ở Nhật Bản là 10 USD [23, tr.
541].
Yếu tố con người đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của toàn bộ hệ thống STH. Nguồn nhân lực của hệ thống STH bao gồm các nhà khoa học, các cán bộ của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bộ có liên quan đến hệ thống STH và những người trực tiếp tham gia vào hệ thống STH.
Chi đầu tư của Nhà nước cho các chương trình đào tạo dài hạn trong nước như: chi cho giáo dục phổ thông, đào tạo tay nghề, đào tạo đại học và sau đại học góp phần tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, làm thay đổi về chất lực lượng lao động trong lĩnh vực STH. Bên cạnh đó, đầu tư vào các chương trình đào tạo ngắn hạn sẽ góp phần trang bị kiến thức cơ bản về phòng tránh tổn thất cho nông dân và những người hoạt động trong lĩnh vực STH. Ngoài ra, chính sách tín dụng hợp lý đối với các sinh viên tham gia nghiên cứu các đề tài về CNSTH sẽ góp phần tăng thêm đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, có khả năng gắn lý luận với thực tiễn và có thể giải quyết nhiều vấn đề mà thực tế đặt ra trong hệ thống STH.
1.3.2.3. Tạo điều kiện phát triển các yếu tố đầu vào cho công nghệ sau thu hoạch
Bản thân CNSTH muốn phát triển được phải có các yếu tố đầu vào có chất lượng cao và ổn định vì sản phẩm của CNSTH không thể thoát ly khỏi nguyên liệu nông sản. Yêu cầu của công nghệ chế biến đòi hỏi sự phù hợp của các nông sản nguyên liệu về số lượng, chủng loại, chất lượng, kích cỡ... Đồng thời, phải đảm bảo yêu cầu về nông sản sạch, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và các chất kích thích tăng trưởng có thể gây tác động xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này chỉ có thể đáp ứng được thông qua việc phát triển các vùng nguyên liệu tập trung.
Để hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản tập trung, chuyên xuất khẩu cần có sự đầu tư phù hợp của Nhà nước. Đặc biệt là đầu tư vào các giống mới, quy trình canh tác mới, công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng phục vụ cho các vùng nguyên liệu như công trình thủy lợi, giao thông, thông tin...
Chính sách đầu tư của Nhà nước còn góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của công nghiệp chế biến và yêu cầu của từng thị trường.
Chính sách tín dụng góp phần đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho nông dân theo yêu cầu về sản xuất nguyên liệu phù hợp với chu kỳ sản xuất của
từng loại cây trồng và vật nuôi. Mức lãi suất ưu đãi làm giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nguyên liệu nông sản, góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản chế biến trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chính sách thuế ưu đãi cho các vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... còn góp phần đáng kể vào việc phát triển các vùng chuyên canh phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp chế biến trong nước cũng như xuất khẩu.
1.3.2.4. Tạo điều kiện phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm của công nghệ sau thu hoạch
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cần phải được gắn chặt chẽ với thị trường trong nước và quốc tế. Song muốn gắn với thị trường, yêu cầu trước hết phải phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, vận chuyển và các dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Thị trường nông sản vừa là đầu ra cho CNSTH vừa là nhân tố quan trọng thúc đẩy CNSTH phát triển.
Để phát triển thị trường nông sản một cách ổn định và vững chắc, cần có một hệ thống kho, cảng phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, cần phải đầu tư cho công tác nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu nông sản để cung cấp thông tin về tình hình sản xuất và dự báo về thị trường. Các dự báo trung và dài hạn cho từng loại nông sản, từng loại thị trường đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với toàn bộ hệ thống STH.
Các thông tin trên thị trường trong và ngoài nước giúp cho nông dân và các nhà kinh doanh lựa chọn loại nông sản, cơ cấu cây trồng và công nghệ thích hợp. Để đáp ứng các yêu cầu trên, vai trò của NSNN rất quan trọng do hệ thống kho cảng và hệ thống thông tin mang nặng tính chất của hàng hóa công cộng. Vì vậy, tư nhân thường ít đầu tư cho lĩnh vực này.
Ngoài ra, chính sách thuế và tín dụng cũng có tác động hỗ trợ cho việc thu
hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho việc phát triển hệ thống thị trường đầu ra cho sản phẩm của CNSTH.
1.3.2.5. Thúc đẩy sự liên kết giữa các ngành, các chủ thể và các lĩnh vực trong hệ thống sau thu hoạch
CNSTH có mối liên quan với rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong nền kinh tế (phụ lục 4). Các mối liên kết này bao gồm:
- Liên kết giữa những người nông dân với nhau thông qua việc hỗ trợ nhau trong sản xuất để cùng cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, bảo quản dưới hình thức hợp tác xã.
- Liên kết giữa các viện, các trung tâm nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất nguyên liệu thông qua việc các nhà khoa học đưa công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
- Liên kết giữa Nhà nước với các thành phần kinh tế khác thông qua việc Nhà nước đầu tư cho các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp.
- Liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, bảo quản với các trang trại và nông dân thông qua việc doanh nghiệp đầu tư cho các trang trại và nông dân để sản xuất nguyên liệu cung ứng cho bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
- Liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với nhau thông qua hiệp hội ngành hàng để chia sẻ các thông tin về giá cả, công nghệ, thị trường...
- Liên kết giữa trong nước với ngoài nước thông qua đầu tư và chuyển giao CNSTH từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đầu tư vào CNSTH sẽ thúc đẩy sự hình thành và duy trì các mối liên kết trong hệ thống STH. Sự liên kết trong đầu tư là cơ sở quan trọng nhất của sự liên kết giữa các bên trong hệ thống STH. Sự liên kết này sẽ đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời cũng ràng buộc trách nhiệm của
từng bên tham gia nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho toàn bộ vốn đầu tư.
Sự tác động của các công cụ tài chính vừa liên quan đến thị trường đầu vào vừa liên quan đến thị trường đầu ra của CNSTH. Việc phân tích vai trò của các công cụ tài chính đối với CNSTH cho thấy nếu thiếu sự tác động của các công cụ tài chính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng và động thái phát triển của CNSTH.