3.1.3.1. Chiến lược tổng thể
Từ đường lối chung về phát triển nông nghiệp và KH-CN trong nông nghiệp, chiến lược CNSTH của nước ta trong giai đoạn 2001-2010 là:
Một là: Công nghệ sau thu hoạch phải thúc đẩy hình thành một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao
Trong nghiên cứu cơ bản ưu tiên tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học STH và công nghệ tự động hóa. Trong bảo quản phải nâng cao chất lượng bảo quản, chuyển việc sử dụng các chất hóa học sang thay bằng các kỹ thuật vật lý như kho lạnh, khí ozon... Trong chế biến phải ưu tiên theo ba hướng:
- Đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt chú ý thực phẩm sạch, thực phẩm ăn liền và các thức ăn nhanh khác phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng theo tác phong của thời đại công nghiệp.
- Tăng cường chế biến sâu, trong đó chú trọng đến chế biến những thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc chữa bệnh.
- Chế biến để tận dụng các phụ phế phẩm trong nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.
Hai là: Kết hợp giữa công nghệ hiện đại và công nghệ cổ truyền để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp
Phát triển cơ giới hóa có trọng điểm, có chọn lọc như cơ giới hóa các lĩnh vực trọng điểm (thu hoạch, chế biến nông sản, chế biến giống); cơ giới hóa vận tải và phục vụ ngành nghề nông thôn. Trong 10 năm tới, lấy cơ giới hóa nông nghiệp loại vừa và nhỏ là chủ yếu.
Hiện đại hóa công nghệ chế biến gạo, rau quả và đa dạng hóa sản phẩm. Cần chọn hướng đi tắt đón đầu đối với các công nghệ tiên tiến, hiện đại ở những khâu, ngành và sản phẩm xuất khẩu chủ lực để tiến kịp với trình độ CNSTH của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt chủ yếu tập trung thúc đẩy quá trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhập khẩu, tạo khả năng thích nghi tiến đến cải tiến và làm chủ các công nghệ nhập khẩu.
Ba là: Phát triển CNSTH phải phù hợp theo quy hoạch của từng loại nông sản và từng vùng kinh tế
Ở những vùng chưa quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn. Phát triển mạnh kỹ thuật bảo quản tại chỗ nhằm giảm tổn thất STH.
Ở những vùng đã quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung:
phát triển nhà máy chế biến quy mô lớn, hiện đại ở các vùng lúa, vùng rau, vùng cây ăn quả để tạo ra các sản phẩm chế biến tinh, có chất lượng cao, giá thành hạ.
Xây dựng hệ thống bảo quản, vận chuyển có hiệu quả và khả năng cơ giới hóa cao.
Bốn là: Phát triển công nghệ sau thu hoạch phải gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái
Trong quá trình bảo quản, chế biến cần sử dụng những công nghệ sạch, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và không có hại cho môi trường.
Đồng thời khai thác sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng phụ phế phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
3.1.2.3. Các nhiệm vụ cụ thể
Để thực hiện được chiến lược đề ra, các nhiệm vụ cụ thể bao gồm đồng bộ từ khoa học -công nghệ, chính sách tài chính, đào tạo đến thị trường và thông tin.
* Về khoa học - công nghệ
- Lĩnh vực nghiên cứu cơ giới hóa sản xuất cây trồng chính: Nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao các loại máy thu hoạch: lúa, ngô, rau màu và cây có củ
- Lĩnh vực nghiên cứu bảo quản, chế biến và vận chuyển nông sản:
Nghiên cứu công nghệ và thiết bị trong hệ thống nhà sơ chế và thiết bị sơ chế rau quả tươi cho vùng nguyên liệu.
Nghiên cứu công nghệ và thiết bị cho hệ thống kho bảo quản, hệ thống vận chuyển rau quả tươi, đặc biệt là cho quy mô hộ và trang trại; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra một số chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản nông sản, nghiên cứu công nghệ vật liệu và thiết bị sản xuất bao bì phục vụ vận chuyển và bảo quản nông sản.
Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và thiết bị phục vụ công nghiệp chế biến, chú trọng chế biến tinh sâu, chế biến thực phẩm chức năng và đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực và rau quả.
Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật và công nghệ tận dụng xử lý phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, nâng cao chất lượng và giá trị phụ phế phẩm [11, tr 13-17].
* Về chính sách tài chính
Các chính sách tài chính được điều chỉnh theo ba hướng:
- Chính sách tài chính thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp bao gồm: tăng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng từng bước CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện xã hội hóa việc đầu tư, khuyến khích mọi người dân cùng tham gia. Thực hiện các chính sách khuyến khích về thuế, tín dụng để thúc đẩy phát triển CNSTH.
- Chính sách tài chính thực hiện điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư theo hướng CNH, HĐH: huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho tăng trưởng và phát triển. Trong đó, nguồn vốn trong nước là chủ yếu. Tăng
cường hiệu quả của chi NSNN, tăng cường huy động vốn qua hệ thống tín dụng, mở rộng các hình thức huy động qua thị trường vốn.
- Chính sách tài chính hỗ trợ cho nông nghiệp thông qua hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp.
* Về đào tạo cán bộ
Nâng cao trình độ cho cán bộ của Viện Cơ điện Nông nghiệp và CNSTH dưới nhiều hình thức:
• Đào tạo tập trung sau đại học: Đào tạo trong và ngoài nước về thạc sĩ và tiến sĩ về chuyên ngành cơ điện nông nghiệp và bảo quản và chế biến nông sản.
• Đào tạo không tập trung: Mở một số khóa học cập nhật kiến thức mới cho các cán bộ của viện và mở các lớp tập huấn về kỹ thuật bảo quản và sơ chế nông sản cho nông dân và các cơ sở chế biến.
* Về thông tin và thị trường tiêu thụ
- Cung cấp thông tin hai chiều từ trung ương đến các địa phương về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Hiện đại hóa hệ thống thông tin cho trung tâm thông tin các cấp.
- Chiếm lĩnh và mở rộng thị trường trong nước.
- Tăng cường thâm nhập, giữ vững và mở rộng thị trường quốc tế, trong đó chú trọng thị trường ASEAN và thị trường châu Á.
Để thực hiện thành công chiến lược CNSTH, cần sử dụng đồng bộ các giải pháp tài chính từ chi NSNN đến thuế và tín dụng. Tuy nhiên, cần ưu tiên cho từng khâu của hệ thống STH trong từng thời kỳ và phù hợp với quan điểm sử dụng các giải pháp tài chính trong giai đoạn hiện nay.
3.2. QUAN ĐIỂM SỬ DỤNG CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH Ở VIỆT NAM