1.4.1.1. Trung Quốc
Nhận rõ tầm quan trọng của CNSTH đối với nông nghiệp và sự nghiệp phát triển đất nước, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này,
thể hiện:
Một là: Đầu tư trọng điểm cho khâu bảo quản và chế biến nông sản - Đối với khâu bảo quản
Về lương thực: Trung Quốc đã xây dựng hơn 60.000 kho bảo quản lương thực với tích lượng 1,6 tỷ tấn, trong đó có 78% là các kho có hệ thống điều khiển nhiệt - ẩm hiện đại. Vì vậy, tổn thất STH của ngũ cốc đã giảm từ 12 - 15% năm 1970 xuống còn 5 - 10% năm 1995. Dự tính đến năm 2005, tổn thất STH chỉ còn dưới 5% và đến năm 2010 tổn thất chỉ còn dưới 3%.
Về rau quả: Trung Quốc đầu tư xây dựng 6 triệu tấn tích lượng kho lạnh. Trong đó có 2,7 triệu tấn kho lạnh có hệ thống điều khiển tự động khí điều biến và khí kiểm soát... Để đạt chỉ tiêu trong những năm tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ xây thêm hàng triệu tấn tích lượng kho lạnh, trang bị 4.000 ô tô lạnh và 7.000 toa lạnh cho chuyên chở rau quả. Dự tính đến năm 2005 tổn thất rau quả chỉ còn dưới 15% và năm 2010 tổn thất còn 10% [57, tr. 15].
- Đối với khâu chế biến
Trung Quốc đã xây dựng và phát triển mô hình xí nghiệp Đầu rồng về chế biến nông sản. Để thúc đẩy xí nghiệp Đầu rồng phát triển, Nhà nước đã hỗ trợ về nhiều mặt như: các ngân hàng khi xem xét phân bổ vốn cho vay phải ưu tiên cho các xí nghiệp Đầu rồng vay vốn lưu động để thu mua nông sản của nông dân. Nhà nước miễn thuế nông nghiệp, thuế nông đặc sản trong 3 năm đầu làm ăn có lãi cho các xí nghiệp Đầu rồng khai phá đất hoang để sản xuất. Miễn toàn bộ thuế sử dụng đất đối với việc tái đầu tư để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, Nhà nước còn miễn thuế thu nhập công ty cho phần doanh thu có được từ chuyển giao công nghệ, tư vấn và các dịch vụ kỹ thuật.
Hai là: Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khoa học - công nghệ ở nông thôn
Trung Quốc rất coi trọng phát triển và ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp. Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định: Con đường căn bản để phát triển nông nghiệp Trung Quốc là lấy khoa học kỹ thuật làm vũ khí; lấy công
nghiệp hiện đại là làm chỗ dựa; lấy thị trường để hướng dẫn chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, lấy KH-KT hiện đại làm nền tảng [41, tr. 42].
Từ nhận thức trên, Trung Quốc đã có những hình thức sáng tạo trong việc thu hút vốn đầu tư cho ứng dụng KH-CN vào thực tiễn. Một trong những chương trình thành công nhất là "chương trình Đốm lửa" năm 1986. Cách thức hoạt động của chương trình này là tự nguyện và từ dưới lên. Các đơn vị muốn tham gia chương trình (không phân biệt thành phần kinh tế) phải tự đề xuất dự án, chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án. Cách thức đầu tư vốn là "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Năm 1994, tổng số vốn đầu tư cho "chương trình Đốm lửa" đã lên tới 23 tỷ nhân dân tệ, trong đó vốn NSNN chỉ chiếm 8%, vốn vay tín dụng 38% và vốn tự có của nông dân là 54%
[41, tr. 44]. Chương trình Đốm lửa đã huy động được tổng lực của nền kinh tế, đặc biệt là của khu vực nông nghiệp đầu tư cho chương trình KH-CN trong nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi vốn của NSNN cho nông nghiệp còn bị hạn chế. Đồng thời làm cho người nông dân thấy được hiệu quả của KH-CN đối với sản xuất, kinh doanh và mở ra cơ hội để thúc đẩy sự sáng tạo trong các vùng nông thôn.
Ba là: Thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ khoa học
Chính phủ Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của nguồn nhân lực KH-CN. Triết lý của Trung Quốc là: thiết bị là phần "cứng", công nghệ là phần "mềm", nhân lực trình độ cao là phần "sống". Thiếu phần
"sống" thì cả phần "cứng" và phần "mềm’ đều không thể hoạt động và có hiệu quả được. Chính phủ Trung Quốc quy định hệ số chênh lệch tiền lương giữa lương khởi điểm của cử nhân trong các cơ quan nghiên cứu và lương tối thiểu của nền kinh tế là 2,7. Ngoài ra còn có rất nhiều khuyến khích khác như: lương cho cán bộ khoa học chuyển về làm việc tại các vùng nông thôn, vùng sâu được hưởng thêm với hệ số trung bình là 1,5.
Các cơ quan được ký hợp đồng không hạn chế mức lương với cán bộ
nghiên cứu. Về nhân sự, Trung Quốc áp dụng hai nguyên tắc: thay thế chế độ tuyển chọn suốt đời sang chế độ tuyển chọn có thời hạn cho các vị trí quan trọng và cho phép cán bộ KH-CN có thể dùng thời gian làm việc trong giờ để nghiên cứu KH-CN.
Bốn là: Đổi mới phương thức đầu tư của ngân sách Nhà nước để khuyến khích phát triển thị trường công nghệ
Để khuyến khích thị trường KH-CN phát triển, Trung Quốc đã sử dụng một số chính sách tài chính như:
- Giảm bao cấp của NSNN cho các viện nghiên cứu, triển khai để các viện phải tìm kiếm nhu cầu thực tế từ xã hội, đồng thời đảm bảo tính tự chủ của các viện.
- Đổi mới phương thức cấp phát của NSNN cho nghiên cứu triển khai thông qua việc áp dụng cơ chế đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án đầu tư cho KH-CN lớn của Chính phủ.
1.4.1.2. Thái Lan
Từ một nước lạc hậu, yếu kém cả về nông nghiệp và công nghiệp.
Hiện nay, Thái Lan trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo và dứa. Có được kết quả trên từ một xuất phát điểm nông nghiệp lạc hậu, Chính phủ Thái Lan đã sử dụng một cách sáng tạo các giải pháp tài chính để thúc đẩy CNSTH phát triển. Thể hiện:
Một là: Sử dụng đồng bộ các giải pháp tài chính để phát triển công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu gạo.
Về đầu tư: Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, Nhà nước tập trung đầu tư vào tiêu chuẩn hóa các cơ sở xay xát, hệ thống kho tàng, bảo quản, bao bì, vận chuyển, cầu cảng bốc xếp và đặc biệt thỏa mãn các yêu cầu đặt ra ở thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật... Thêm vào đó, Thái Lan còn cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận về nước đầu tư.
Về thuế: Chính phủ Thái Lan thực hiện các biện pháp khuyến khích xuất khẩu gạo như: không thu thuế xuất khẩu; miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ của nước ngoài; giảm 5% thuế thu nhập của công ty trong 5 năm sau thời kỳ được miễn thuế; giảm gấp đôi thuế thu nhập về điện nước, giao thông vận tải trong một năm cho các cơ sở chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo [44, tr. 94].
Về tín dụng: Thái Lan có chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu gạo như cho các nhà xuất khẩu được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt là vốn dài hạn với lãi suất thấp. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bằng nhiều hình thức khác nhau: mua lại gạo của các nhà xuất khẩu, chịu chi phí lưu kho, bảo quản, vận chuyển khi giá gạo trên thế giới xuống thấp... Đồng thời định hướng thị trường chủ yếu, can thiệp để ký những hợp đồng lớn.
Bên cạnh chính sách thu hút vốn đầu tư trong nước, Chính phủ Thái Lan còn có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật, Mỹ, Đức, Anh... cho ngành chế biến gạo xuất khẩu. Do đó, Thái Lan đã có các dây chuyền công nghệ, thiết bị xay xát, đánh bóng gạo hiện đại, đảm bảo đạt được tỷ lệ tấm từ 5-10% cho xuất khẩu. Công nghệ chế biến gạo tiên tiến đã đưa Thái Lan lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Từ năm 1983- 1994, xuất khẩu thô của Thái Lan chỉ tăng gấp đôi, song xuất khẩu nông sản chế biến tăng gần 6 lần.
Hai là: Chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và triển khai công nghệ sau thu hoạch trong nông nghiệp
Chính phủ Thái Lan chú trọng xây dựng các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở từng vùng. Các trung tâm này chịu trách nhiệm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới và đào tạo nghề cho nông dân trong vùng. Các khoản chi phí này do Chính phủ tài trợ. Bên cạnh đó, công tác triển khai công nghệ vào thực tế cũng rất được quan tâm. Chính phủ đã chi cho công tác triển
khai công nghệ lớn gấp 1,7 lần so với công tác nghiên cứu. Các nguồn chi cho nghiên cứu, triển khai trong nông nghiệp được tập trung cho các nông sản xuất khẩu có vị trí chiến lược đối với nền kinh tế.
Ba là: Thực hiện chính sách ưu đãi cho hệ thống sau thu hoạch
Chính phủ Thái Lan áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho hệ thống STH như:
- Miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào nông nghiệp và CNSTH.
- Giảm 5 - 10% số thuế phải nộp hàng năm đối với vốn đầu tư vào các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.
- Nâng mức khởi điểm của cán bộ KH-CN trong các cơ quan nghiên cứu lên gấp 3 lần so với lương tối thiểu. Các giáo sư và các cán bộ giảng dạy các trường đại học trong một số chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp sẽ được tiếp tục công việc của mình sau khi nghỉ hưu.
1.4.1.3. Nhật Bản
Từ một nền nông nghiệp cổ truyền tự cấp tự túc, sản xuất manh mún, lạc hậu, Nhật Bản đã phát triển thành một cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với một nền nông nghiệp và công nghiệp hiện đại. Thành công của Nhật Bản có phần đóng góp đáng kể của nông nghiệp và CNSTH.
Chính phủ Nhật nhận thức rõ rằng đầu tư vào KH-CN mang tính mạo hiểm rất cao. Vì vậy, Nhật Bản luôn coi trọng chính sách đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, triển khai công nghệ mới trong nông nghiệp và lĩnh vực STH. Đầu tư của Chính phủ cho nghiên cứu và phát triển tăng đáng kể qua các năm. Năm 1992 là 2,7% GDP, năm 1996 là 6,9% GDP. Để nhanh chóng đưa công nghệ mới vào nông nghiệp, Nhật Bản thực hiện chính sách đầu tư công nghệ hai tầng:
- Nhập công nghệ cao để tăng năng lực quốc gia.
- Tạo công nghệ thấp để giải quyết việc làm, hạn chế thất nghiệp.
Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Năm 1992 là 2,2% trong khi đó, các nước khác tỷ lệ thất nghiệp từ 7- 10%. Hơn nữa, Chính phủ còn giảm thuế cho các chi phí nghiên cứu và thí nghiệm. Miễn thuế đối với các công nghệ cơ bản. Chính phủ Nhật Bản còn thực hiện cơ chế hợp tác hai chiều giữa công ty tư nhân và trung tâm nghiên cứu KH-CN thông qua hình thức ủy thác nghiên cứu, cung cấp kinh phí, hợp tác nghiên cứu... Kết quả thu được thuộc quyền sở hữu của công ty trong vòng 7 năm.
Cùng với đầu tư cho công tác nghiên cứu, Chính phủ Nhật luôn chú trọng đầu tư cho máy móc phục vụ nông nghiệp và các khâu STH. Năm 1971, Nhật Bản chỉ có 582.000 máy gặt, 84.000 máy gặt đập liên hợp, 616.000 máy sấy. Đến năm 1994, số máy gặt đã tăng lên 1.200.000 chiếc, máy gặt đập liên hợp 1.150.000 chiếc, máy sấy 1.200.000 chiếc [41, tr. 51]. Cơ giới hóa đã tạo điều kiện giảm đáng kể chi phí sản xuất trong nông nghiệp và các khâu STH.
Bên cạnh mạng lưới công nghiệp, Nhật Bản cũng rất chú trọng phát triển mạng lưới dịch vụ: dịch vụ vốn, bảo hiểm, cung cấp vật tư kỹ thuật, máy móc cho nông nghiệp, dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp, dịch vụ giao thông vận tải nông thôn, dịch vụ thu mua nông sản để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
1.4.1.4. Malaysia
Năm 1978, Chính phủ Malaysia bắt đầu thành lập tổ chức lúa gạo quốc gia (LPN). Để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, Chính phủ quyết định trở thành "người mua cuối cùng" và thực hiện trợ cấp cho người nông dân.
Theo chương trình trợ cấp, cứ bán 1 tấn lúa cho các đại lý của Nhà nước, nông dân sẽ được trợ cấp 2 MYR/tấn (MYR là đồng Ringgit của Malaysia).
Năm 1982, trợ cấp được tăng lên 10 MYR/tấn và năm 1990 tiếp tục tăng lên 15 MYR/tấn [62, tr. 40]. Chính sách này đã làm cho một số lượng lớn thóc được
chuyển vào các liên hiệp của LPN. Đồng thời, trong thời gian này Nhà nước đã đưa vào sử dụng máy gặt đập liên hợp, làm giảm đáng kể thời gian thu hoạch từ 30 ngày xuống 15 ngày. Việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch và việc đầu tư máy sấy khô không phối hợp với nhau đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của khâu xay xát. Vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách LPN là "người mua cuối cùng".
Số lượng thóc do LPN mua vượt quá xa so với khả năng sấy khô và xay xát của các liên hợp. Năm 1994, lượng thóc do LPN mua vào là 789.258 tấn, chiếm 53,9% tổng lượng thóc, nhưng chỉ sấy khô được 551.845 tấn, chiếm 37,7%. Số thóc LPN không có khả năng sấy khô là 237.413 tấn phải đưa sang khu vực tư nhân (phụ lục 5). Mặt khác, do thóc thu mua có chất lượng không cao nên tỷ lệ thu hồi gạo ở các liên hiệp của LPN chỉ từ 52 - 60%. Ngoài ra, chi phí chế biến của LPN còn cao hơn 42% so với khu vực tư nhân [62, tr. 42-43].
Đối với thóc ướt và không sạch, Malaysia quy định phạt dưới hình thức khấu trừ giá. Tuy nhiên, tỷ lệ khấu trừ rất thấp. Điêu này đã khuyến khích nông dân bán thóc ướt cho LPN. Trên thực tế, nông dân đã nhận thêm một khoản trợ cấp ngầm do không phải sấy khô thóc. Theo số liệu ước tính của Ngân hàng thế giới, chi phí sấy khô của LPN vào khoảng 30 MYR/tấn chính là khoản trợ cấp thêm cho người nông dân.
Hơn nữa, chính sách của Chính phủ đã dịch chuyển trợ cấp một cách gián tiếp từ nông dân sang người xay xát tư nhân dưới hình thức chuyển một phần thóc do LPN mua và sấy khô cho người xay xát. Dự tính chi phí sấy khô của LPN chuyển cho người xay xát tư nhân lên tới 5 triệu MYR trong năm 1986. Như vậy, chính sách trợ cấp của Chính phủ Malaysia đã không đem lại kết quả như mong muốn.