3.3.3.1. Điều chỉnh cơ cấu thuế để đảm bảo nguồn thu phục vụ cho phát triển công nghệ sau thu hoạch trong bối cảnh hội nhập kinh tế
Thuế phải đảm bảo được những chi tiêu cần thiết và hợp lý của NSNN, trong đó có nhu cầu chi tiêu cho nông nghiệp và CNSTH. Dự tính giai đoạn 2001 - 2005, tỷ lệ động viên của thuế và phí vào NSNN chiếm khoảng 20% - 21%/GDP; giai đoạn 2006 - 2010 chiếm khoảng 21% - 22%/GDP. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập kinh tế đã dẫn đến giảm mạnh nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2006 việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của tiến trình hội nhập sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu của NSNN. Thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5%
được áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu sẽ làm giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thuế, giai đoạn 1998-2006, khi tham gia AFTA, thuế nhập khẩu sẽ giảm 171 triệu USD so với năm 1998 bằng 2,2% tổng thu NSNN.
Bảng 3.2: Dự kiến số thuế nhập khẩu giảm trong quá trình thực hiện AFTA (Đơn vị tính: triệu USD)
Năm Kim ngạch nhập khẩu Thuế suất nhập Số thu thuế Thuế nhập
từ ASEAN (diện cắt giảm theo CEPT)
khẩu bình quân
theo CEPT (%) nhập khẩu khẩu giảm so với năm 1998
1998 2.560 9,6 246
1999 2.609 9,6 250 4
2000 2.658 9,4 250 4
2001 2.709 9,3 252 6
2002 2.760 9,2 254 8
2003 2.813 8,4 236 -10
2004 2.866 6,4 183 -62
2005 2.921 4,5 131 -114
2006 2.976 2,5 74 -171
Nguồn: Tổng cục Thuế.
Theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam cam kết trong vòng 3 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ tiến hành giảm thuế nhập khẩu đối với 226 mặt hàng. Trong đó có 177 mặt hàng là nông nghiệp. Dự kiến lũy kế từ 2001-2003, số thu thuế nhập khẩu sẽ giảm 169,13 tỷ VND và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 2,4 tỷ VND so với năm 2001 [17, tr. 55].
Trước tình hình đó, hệ thống thuế cần được điều chỉnh để giữ cho nguồn thu của NSNN được ổn định, tạo điều kiện ổn định chi cho nông nghiệp và CNSTH.
Hiện nay, nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN khoảng 25%. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ chiếm 3 - 5% tổng thu NSNN. Vì vậy, cùng với tiến trình hội nhập, phải giảm dần tỷ trọng thuế xuất nhập khẩu và tăng dần nguồn thu từ thuế nội địa.
Cụ thể:
Đối với thuế TNDN:
- Thực hiện áp dụng một mức thuế phổ thông chung là 28%, sau đó sẽ điều chỉnh giảm xuống còn 25% và mức thuế ưu đãi là 20%; 15%; 10%. Tiến tới thống nhất điều kiện, mức và thời gian ưu đãi thuế giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
- Bỏ các ưu đãi về miễn giảm thuế do thực hiện các chính sách xã hội.
Đối với thuế TNCN:
Trong những năm tới, cùng với đà phát triển kinh tế, thu nhập của dân cư sẽ tăng lên. Vì vậy, cần tăng nguồn thu từ thuế TNCN. Hiện nay nguồn thu từ thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao còn rất nhỏ so với tiềm năng (chỉ chiếm 2% tổng thu NSNN) và so với các nước trên thế giới. Dự tính đến năm 2010 tăng thuế TNCN lên 5% tổng thu NSNN.
Đối với Việt Nam, do thu nhập của đại đa số người dân còn thấp nên trước mắt chính sách thuế mới thực hiện điều tiết đối với một số người có thu nhập cao. Tuy nhiên, có tính đến yêu cầu giảm mức động viên đối với các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH-CN để khuyến khích và ưu đãi đối với các cán bộ khoa học. Chính sách thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, nhất là các nhà khoa học trong lĩnh vực CNSTH cần được nghiên cứu và có cơ chế ưu đãi riêng.
Để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ nên bỏ hẳn quy định thu 5% thuế TNCN đối với thu nhập không thường xuyên về chuyển giao công nghệ nhằm tạo động lực cho các cá nhân chuyển giao công nghệ mới vào thực tế.
Trong thời gian tới, cần nhanh chóng nghiên cứu và ban hành luật thuế TNCN để thay cho pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Đối với thuế GTGT:
Cần giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Mức thuế suất phổ thông của thuế GTGT nên xác định ở mức 10% để đảm bảo tính đơn giản của chính sách thuế và không ảnh hưởng đến nguồn thu của NSNN.
Do đó sẽ đảm bảo được yêu cầu về chi NSNN cho phát triển CNSTH. Mặt khác, mức thuế suất 10% cũng tương đồng với các nước trong khu vực như Inđônêxia 10%; Philippin 10%; Trung Quốc 13%.
Cần áp dụng một thuế suất thống nhất cho một nhóm sản phẩm, không phân biệt theo tính chất, nguồn nguyên liệu, hình thức sản phẩm để tránh lợi dụng lách thuế giữa các mức thuế suất của cùng một loại sản phẩm, gây thất thu cho NSNN.
3.3.3.2. Chính sách thuế khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch
* Chính sách thuế khuyến khích phát triển thị trường công nghệ Chính sách thuế phải góp phần khuyến khích cầu và thúc đẩy cung về công nghệ. Thể hiện:
Chính sách thuế khuyến khích cầu cho công nghệ
- Miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm cho các CNSTH tiên tiến nhập từ nước ngoài về.
- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu để khuyến khích phát triển công nghệ bảo quản và chế biến nhất là chế biến tinh.
Để tạo điều kiện tích tụ vốn cho đổi mới công nghệ, Nhà nước tiếp tục cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao nhanh, tăng tỷ lệ chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại và các chi phí hợp lý khác. Tuy nhiên, cần chú ý tránh trường hợp một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để tính chi phí khấu hao lớn hơn so với thực tế nhằm giảm số thuế phải nộp. Đồng thời lại hạn chế đối với một số doanh nghiệp được trang bị máy móc hiện đại, hoạt động có hiệu quả do quy định mức khấu hao chỉ được vượt quá hai lần mức trích khấu hao theo chế độ. Phải có những quy định cụ thể hơn về điều khoản này để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ như:
chỉ cho phép trích khấu hao nhanh đối với những doanh nghiệp làm ăn có
hiệu quả. Để đánh giá tính hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, có nhiều chỉ tiêu song chỉ tiêu hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước đúng thời gian và đầy đủ là chỉ tiêu quan trọng, cần xem xét khi quyết định đầu tư cho doanh nghiệp hoặc cho phép doanh nghiệp được trích khấu hao nhanh.
Chính sách thuế thúc đẩy cung cho công nghệ
- Nhà nước cần miễn thuế GTGT trong một thời gian nhất định cho các cơ sở nghiên cứu CNSTH có hoạt động sản xuất kinh doanh được ứng dụng vào thực tế.
- Đối với cơ sở nghiên cứu sử dụng đất làm thí nghiệm cần được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, vì đất đai được coi như một tư liệu sản xuất phục vụ nghiên cứu CNSTH.
- Đối với các thiết bị và CNSTH mới do trong nước sản xuất được đưa vào danh mục dự án có ưu đãi cao nhất và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 4 năm.
- Miễn thuế TNDN và thuế GTGT cho các sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử theo công nghệ mới. Các hoạt động dịch vụ CNSTH được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế.
Cần nghiên cứu ban hành thuế bảo vệ môi trường, trong đó:
Đối tượng chịu thuế là tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng các hàng hóa và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Đối tượng nộp thuế là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường. Căn cứ tính thuế là doanh thu (hoặc chi phí) nhân với thuế suất. Mức thuế suất dự kiến từ 0,2 - 2% hoặc tính theo số tuyệt đối trên một đơn vị sản phẩm. Đối tượng tính thuế là doanh thu tiêu thụ hàng hóa hoặc dịch vụ gây ô nhiễm.
Sự ra đời của loại thuế này sẽ ràng buộc về trách nhiệm vật chất đối với các doanh nghiệp nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và
ngăn không cho Việt Nam trở thành "bãi rác thải công nghiệp" của các nước tiên tiến trên thế giới.
* Chính sách thuế khuyến khích phát triển nguồn nhân lực
Để từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ lao động trong hệ thống sau thu hoạch cần có các chính sách khuyến khích cán bộ như: Miễn thuế thu nhập đối với các thu nhập từ phát minh sáng chế hoặc các công trình khoa học xuất sắc, các khoản thu nhập về cải tiến kỹ thuật, các giải thưởng quốc gia, quốc tế, quà biếu tặng là các CNSTH được chuyển giao.
Trước mắt thực hiện thu thuế đối với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực STH như đối với người nước ngoài. Không thu thuế GTGT và giảm thuế TNDN đối với hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cho CNSTH.
* Chính sách thuế khuyến khích chế biến và xuất khẩu nông sản Theo quy định hiện hành, nông sản xuất khẩu được áp dụng thuế suất GTGT 0% và mức thuế suất 5% được áp dụng đối với nông sản đã qua chế biến. Để khuyến khích phát triển chế biến nông sản STH, trong thời gian tới nên giảm 50% thuế GTGT cho các nông sản đã qua chế biến.
Với cơ chế hoàn thuế nhập khẩu hiện nay, Nhà nước chỉ hoàn thuế nhập khẩu đầu vào cho các nhà xuất khẩu trực tiếp, còn các nhà xuất khẩu gián tiếp (các nhà sản xuất trung gian) trong nước cung cấp đầu vào cho các nhà xuất khẩu trực tiếp thì không được hoàn thuế. Quy định này không khuyến khích sản xuất, chế biến của các cơ sở trung gian cho các nhà xuất khẩu. Để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng các đầu vào trong nước, cần mở rộng cơ chế hoàn thuế đến cả các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp.
Theo Thông tư số 61/2001/ TT-BTC, các chi phí thuê dịch vụ môi giới xuất khẩu được coi là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, mức khống chế của các khoản chi này còn thấp cần được nâng lên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách thuế, cần tiến hành đổi mới công tác quản lý thuế. Tiếp tục mở rộng việc thực hiện thí điểm cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế để đến năm 2006 sẽ áp dụng trên toàn quốc. Ngoài ra, cần phải đơn giản hóa các thủ tục nộp thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình.
Ngoài ra, cần giảm dần sự bảo hộ của Nhà nước, thực hiện bảo hộ có trọng điểm, có thời hạn, có điều kiện đối với lĩnh vực nông nghiệp và STH phù hợp với thời hạn cắt giảm thuế theo tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
Trước đây, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu cao. Có những mặt hàng được bảo hộ với mức thuế suất cao 30 -50%; có loại bảo hộ đến 80 - 100%. Khi bước vào cắt giảm theo lộ trình, thuế suất giảm xuống 0 - 5% nên phải giảm dần sự bảo hộ của Nhà nước. Theo Hiệp định AFTA đến năm 2006, Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu các hàng nông lâm sản xuống còn 0 - 5% và loại bỏ các hạn chế định lượng ngay khi các hàng hóa này tham gia vào CEPT.
Giảm mức thuế quan hiện hành đối với 244 mặt hàng trong đó có 195 mặt hàng nông sản trong vòng từ 3 - 6 năm. Loại bỏ toàn bộ hạn chế về số lượng nhập khẩu đối với 69 mặt hàng nông sản trong vòng 3 - 5 năm.
Chuyển đổi các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng nông sản sang thuế quan.
Đối với Việt Nam, mức độ và thời gian bảo hộ phải hợp lý, phù hợp với tiến trình hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.
Về mức độ: Dựa trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của từng loại hàng hóa, từng thị trường và theo định hướng của Nhà nước. Nếu bảo hộ với mức cao sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho các doanh nghiệp được bảo hộ. Vì vậy, mức độ bảo hộ cần phải giảm dần để thích nghi với quá trình hội nhập.
Về thời gian: Cần bảo hộ có thời hạn nhất định. Nếu bảo hộ với thời gian kéo dài sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thời
gian bảo hộ phải căn cứ vào lịch trình hội nhập và phù hợp với yêu cầu của các tổ chức quốc tế.
Về đối tượng: Chỉ bảo hộ những mặt hàng có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Những ngành Việt Nam không có lợi thế thì không nên bảo hộ.
Về hình thức: Tăng cường hỗ trợ bằng các hình thức được phép bảo hộ của AFTA và WTO như hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin và tìm kiếm thị trường
Đối với những ngành sử dụng nhiều nguyên liệu và lao động trong nước, giá trị gia tăng cao, trước mắt thực hiện bảo hộ cao như bảo quản, chế biến nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu để tạo điều kiện phát triển cho ngành. Khi ngành đã phát triển sẽ giảm dần mức bảo hộ xuống.
Để các doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp nhằm thích nghi với tiến trình giảm thuế và giảm bảo hộ, cần phải tiếp tục công bố rộng rãi và công khai tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc bảo hộ.