CHƯƠNG 2. KHUNG LÝ THUYẾT THAM CHIẾU
2.4. Dạy học theo bối cảnh
2.4.1. Khái niệm dạy học theo bối cảnh
Dựa trên kết quả nghiên cứu về tâm lý học, khoa học thần kinh, vật lý và sinh học, Johnson (2002) định nghĩa dạy học theo bối cảnh (CTL) là một quá trình giáo dục nhằm giúp NH tìm thấy ý nghĩa của việc học bằng cách kết nối các môn học với bối cảnh cuộc sống hàng ngày của bản thân, đó là bối cảnh cá nhân, văn hóa, xã hội. Để đạt được mục đích này CTL phải là một hệ thống gồm tám thành phần mà khi phối hợp đan xen chúng với nhau sẽ tạo ra một hiệu ứng vượt xa những gì một thành phần riêng lẻ có thể đạt được. Các thành phần đó là (a) tạo các kết nối có ý nghĩa; (b) thực hiện công việc có ý nghĩa; (c) học tự điều chỉnh; (d) hợp tác; (e) tư duy phản biện và sáng tạo; (f) nuôi dưỡng cá nhân; (g) đạt các tiêu chuẩn cao; (h) đánh giá xác thực.
Các nhà tâm lý học từ lâu đã thừa nhận rằng con người luôn có động lực bẩm sinh để tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Như vậy tìm kiếm ý nghĩa trong bối cảnh bằng cách kết nối các mối quan hệ có ý nghĩa và hữu ích là hành động tự nhiên của con người. Khi NH tìm thấy ý nghĩa trong các bài học thì các em sẽ học và lưu giữ kiến thức đó lâu hơn. Hơn nữa, CTL giúp mở rộng bối cảnh cá nhân của NH bằng cách cung cấp cho NH những trải nghiệm mới mẻ kích thích não bộ tạo ra các kết nối mới và để từ đó khám phá ý nghĩa mới (Johnson, 2002).
Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan niệm dạy học theo bối cảnh theo Johnson (2002) vì nó chỉ rõ tám thành phần cần phối hợp để giúp SV tìm thấy ý nghĩa của việc học bằng cách kết nối các môn học với bối cảnh cuộc sống hàng ngày của bản thân.
Với đối tượng là SV nên chúng tôi lựa chọn bối cảnh cuộc sống và nghề nghiệp để có thể kết nối đến phạm vi hứng thú và quan tâm của các cá nhân một cách rộng nhất, đó là bối cảnh kinh doanh, kinh tế, khoa học đời sống và vật lý, khoa học xã hội.
2.4.2. Các thành phần của dạy học theo bối cảnh
Tạo kết nối có ý nghĩa: Kết nối việc học với bối cảnh cuộc sống làm cho việc học trở nên có giá trị. Khi SV kết nối nội dung môn học với kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, các em sẽ tìm thấy ý nghĩa và ý nghĩa đó trở thành lý do để các em nỗ lực học tập và có khả năng duy trì những gì được học trong một khoảng thời gian dài.
Thực hiện công việc có ý nghĩa: SV có thể tạo nên những kết nối giữa kiến thức với các ứng dụng của nó trong bối cảnh cuộc sống hàng ngày của bản thân, đó là bối cảnh cá nhân, văn hóa, xã hội.
Học tự điều chỉnh: Học tập tự điều chỉnh là một quá trình SV tham gia vào hành động độc lập, đôi khi có sự tham gia của một người hay là một nhóm. SV khám phá các môn học gắn kết với cuộc sống hàng ngày. Khám phá này thường mất thời gian nhưng nó rất đáng giá, giúp SV mở rộng và phát triển kiến thức, kĩ năng và NL của bản thân.
Khi SV giải quyết những vấn đề liên quan đến bối cảnh cuộc sống hàng ngày, các em cũng khám phá ra rằng mình có thể có những ảnh hưởng nhất định đến bối cảnh đó. Quá trình học tập tự điều chỉnh gồm hai khía cạnh riêng biệt nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Thứ nhất, học tập tự điều chỉnh đòi hỏi SV phải tiếp thu một số kiến thức và kĩ năng cụ thể. SV cần biết và có thể làm những việc nhất định: thực hiện hành động, đặt câu hỏi, lựa chọn độc lập, suy nghĩ sáng tạo và phản biện, tự nhận thức và hợp tác. Thứ hai, việc học tập này đòi hỏi SV phải sử dụng kiến thức và kĩ năng theo một trình tự nhất định, bao gồm các bước, một bước sẽ dẫn đến thành công một bước khác.
Hợp tác: Học tập hợp tác cho phép SV lắng nghe những thành viên khác trong nhóm, giúp các em khám phá ra rằng quan điểm của mình chỉ là một trong nhiều quan điểm. Từ sự hợp tác chứ không phải cạnh tranh, SV tiếp thu trí tuệ của người khác, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để vượt qua những trở ngại, hành động độc lập và có trách nhiệm, tin tưởng người khác và đưa ra quyết định. Hợp tác đóng vai trò quan trọng trong học tự điều chỉnh.
Tư duy phản biện và tư duy sáng tạo: Tư duy phản biện là một quá trình được sử dụng trong các hoạt động trí óc như GQVĐ, ra quyết định, thuyết phục, phân tích các giả thuyết và nghiên cứu khoa học. Tư duy phản biện là khả năng đánh giá một cách có hệ thống chất lượng suy luận của bản thân và của những người khác. Mục đích của tư duy phản biện là để đạt được sự hiểu biết đầy đủ nhất. Người có tư duy phản biện sẽ không chấp nhận ngay một câu trả lời nào đó, mà sẽ đặt các câu hỏi, xem xét kĩ lưỡng các giả thuyết và xem xét câu trả lời đó dưới nhiều góc nhìn khác nhau để có thể chắc chắn về sự rõ ràng và đúng đắn của câu trả lời đó. Tư duy sáng
tạo là hoạt động trí óc nuôi dưỡng sự độc đáo, mới mẻ và sâu sắc. Tư duy sáng tạo và tư duy phản biện cho phép SV nghiên cứu vấn đề một cách có hệ thống, đáp ứng nhiều thách thức theo một cách có tổ chức, hình thành các câu hỏi sáng tạo, mang tính đổi mới và thiết kế các giải pháp mới.
Nuôi dưỡng cá nhân: Sự tác động lẫn nhau của các thành phần CTL mang đến thành công cho NH. Bản chất của hệ thống CTL đòi hỏi GV cố vấn cho mỗi SV của họ, nuôi dưỡng các nỗ lực phát triển toàn diện của từng SV. CTL yêu cầu GV hiểu sở thích, tài năng, phong cách học tập, tính khí và cách đối xử của NH đó với các bạn. Khi GV giúp NH tin tưởng vào bản thân và tìm ra con đường của mình, họ sẽ truyền cảm hứng để các em đạt đến những tiêu chuẩn học tập khắt khe nhất. GV truyền cảm hứng cho SV phát triển tài năng tiềm ẩn của mình, phát triển trí thông minh, và tìm thấy thiên hướng nghề nghiệp, tạo cho các em những cảm xúc tích cực.
Đạt các tiêu chuẩn cao: Tiêu chuẩn đồng nghĩa với mục tiêu và chuẩn đầu ra môn học. GV có thể xây dựng mục tiêu yêu cầu phù hợp với mục tiêu giáo dục quốc gia của bậc học và mục tiêu giáo dục của các chương trình giáo dục của nước ngoài.
Đánh giá xác thực: Đánh giá xác thực tập trung vào các mục tiêu liên quan đến học tập thực hành; yêu cầu tạo nên các kết nối và hợp tác; đồng thời khắc sâu tư duy bậc cao. Các nhiệm vụ đánh giá xác thực cho phép SV thể hiện sự thông thạo về mục tiêu và sự hiểu biết sâu sắc, đồng thời nâng cao kiến thức của các em và phát hiện ra các cách để cải thiện việc thực hiện nhiệm vụ. Đánh giá xác thực khuyến khích SV vận dụng kiến thức môn học trong bối cảnh thế giới thực cho một mục đích ý nghĩa.
Khi thực hiện nhiệm vụ xác thực này, SV phải đối mặt với những thách thức và nỗ lực để đạt được kết quả có ý nghĩa trong bối cảnh gia đình, xã hội hay công việc.
2.4.3. Dạy học toán theo bối cảnh
Chúng tôi gọi dạy học theo bối cảnh trong môn toán là dạy học toán theo bối cảnh (DHTTBC). DHTTBC theo quan điểm của các nhà nghiên cứu về RME là một KN liên quan đến việc kết nối nội dung toán mà NH đang học với bối cảnh ở đó kiến thức toán đó có thể được sử dụng. Việc kết nối nội dung với bối cảnh là một phần quan trọng của việc mang lại ý nghĩa cho quá trình học toán (Gravemeijer & Doorman, 1999).
Chương trình môn toán cần kết hợp giữa nội dung toán học cụ thể với đời sống thực tế. Các nội dung toán cụ thể và các quá trình GQVĐ được đan xen với những bối cảnh thực có ý nghĩa với NH sẽ làm cho chương trình môn toán đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội (Trần Vui, 2017).
Việc dạy và học trong thời đại kĩ thuật số luôn chứa đựng một khối lượng tri thức, thông tin lớn, bùng nổ và tăng nhanh. Nội dung thông tin ngày càng chuyên sâu, phức tạp và biến đổi nhanh chóng khiến việc dạy học theo phương pháp truyền thống không còn đáp ứng được. Do đó, việc ứng dụng ICT vào dạy học là một xu hướng tất yếu. GV cần phát huy tối đa các ứng dụng của ICT trong dạy học như khai thác các phần mềm dạy học để hỗ trợ quá trình khám phá, phát hiện quy luật để rồi hình thành khái niệm; đồng thời thúc đẩy các kết nối, tạo môi trường tương tác giữa SV với đa
dạng nguồn học liệu, SV với cộng đồng người học, SV với GV hay các chuyên gia về lĩnh vực đang nghiên cứu. Việc thu thập và đánh giá thông tin, tài liệu nào phù hợp và hữu ích là rất quan trọng nên GV cần hướng dẫn SV cách tìm kiếm tài liệu, thông tin hiệu quả. Bên cạnh đó, xử lý dữ liệu thu thập bằng cách sử dụng các phần mềm hay ứng dụng web và kiểm soát quá trình học tập của mình thông qua hệ thống quản lý học tập cũng là những lợi ích mà ICT mang lại cho người học khi nó được kết hợp thành công trong môi trường học tập.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan niệm: DHTTBC là quá trình giáo dục nhằm giúp SV tìm thấy ý nghĩa của việc học toán bằng cách kết nối nội dung toán cụ thể với bối cảnh cuộc sống và nghề nghiệp, đó là bối cảnh kinh doanh, kinh tế, khoa học đời sống và vật lý, khoa học xã hội. Chú trọng cảm xúc, kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của SV, đồng thời kết hợp sử dụng ICT nhằm giúp SV hiểu sâu KN và nâng cao NL GQVĐTBC.
Theo PISA, hiểu biết toán được đánh giá liên quan đến nội dung toán học, quá trình toán học và bối cảnh trong đó toán học được sử dụng. Như vậy với mô hình trên, việc dạy học toán dựa trên sự đan xen của ba khía cạnh cơ bản của hiểu biết toán: nội dung toán cụ thể, quá trình GQVĐTBC và bối cảnh mà trong đó toán học được sử dụng tạo nên cấu trúc vững chắc cho hiểu biết toán của SV. Đồng thời cấu trúc bền vững này lại được nhúng vào trong môi trường ICT, tạo thành xu hướng giáo dục toán học mới đáp ứng với sự biến đổi không ngừng của xã hội (Hình 2.8).
Hình 2.8. Mô hình dạy học toán theo bối cảnh