B. PHẦN TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
5. Cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu
Trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một đề tài liên quan đến nhiều vấn đề lý thuyết từ vấn đề vốn nhà nước, đến vấn đề đại diện, vấn đề nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý. Để đảm bảo tính khoa học của kết quả nghiên cứu, luận án sử dụng một số lý thuyết nghiên cứu sau:
- Lý thuyết về sở hữu, đặc biệt là sở hữu nhà nước được sử dụng trong luận án để luận giải về vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, từ đó xác định những đặc trưng của đại diện vốn nhà nước.
- Lý thuyết về đại diện. Luận án có sử dụng học thuyết đại diện (agency theory) được phát triển bởi các nhà kinh tế học trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1980 của thế kỷ 20. Cho đến nay, học thuyết này vẫn tiếp tục được ủng hộ và phát triển bởi nhiều nhà kinh tế học. Học thuyết đại diện giải quyết mối quan hệ giữa người ủy quyền và người đại diện. Tiêu biểu là hai nhà khoa học Michael C. Jensen
& William H. Meckling. Vận dụng học thuyết đại diện giúp luận giải một số vấn đề trong mối quan hệ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vấn đề thứ nhất là mục tiêu của người ủy quyền và người đại diện xung đột. Vấn đề thứ hai, người ủy quyền khó có thể xác định được hành vi của người đại diện trên thực tế hoặc nếu có thể xác định được thì rất tốn kém. Xác định các nghĩa vụ là cơ sở cho trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nghĩa vụ trung thực, cẩn trọng, mẫn cán …
- Lý thuyết về kinh tế thị trường được sử dụng xuyên suốt luận án làm nền tảng lý luận về sự công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp
thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường và CSH vốn nhà nước cũng phải áp dụng các công cụ theo quy định của pháp luật trong quản lý vốn nhà nước.
- Lý thuyết về trách nhiệm pháp lý. Lý thuyết về trách nhiệm pháp lý được sử dụng xuyên suốt luận án làm nền tảng cho việc xây dựng lý luận về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định từng loại trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu trong luận án được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc công bằng. Cụ thể, những kết quả nghiên cứu liên quan đến trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp luôn được phát triển theo nguyên lý bảo đảm lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người thứ ba được bảo vệ trước những hành vi sai trái của người đại diện nhưng cũng đồng thời bảo đảm công bằng về trách nhiệm pháp lý cho người đại diện. Sự công bằng cũng đòi hỏi cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người đại diện trong những trường hợp nhất định. Ngoài ra, phân định rõ trách nhiệm pháp lý giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Với tư cách là đảng cầm quyền, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của sở hữu nhà nước và thành phần kinh tế quốc doanh, trong đó, nhấn mạnh
“kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển”; quan điểm của Đảng về vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cũng là nền tảng lý luận quan trọng để luận án đánh giá thực trạng quy định pháp luật cũng như xây dựng các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giám sát sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
5.2. Câu hỏi nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và các tài liệu có liên quan đến đề tài trong và ngoài nước, cùng với sự tham vấn, thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước
…. Luận án được triển khai với các câu hỏi nghiên cứu như sau:
1) Thế nào là vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Vì sao phải đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
2) Thế nào là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp? Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nghĩa vụ như thế nào ? Trách nhiệm pháp lý
của người đại diện phần vốn nhà nước như thế nào? Bao gồm các trách nhiệm pháp lý gì?
3) Pháp luật về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại daonh nghiệp có cấu trúc như thế nào? Thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay như thế nào?
4) Thực trạng áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian vừa qua như thế nào?
5) Cần có những phương hướng và giải pháp gì để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp?
5.3. Giả thuyết nghiên cứu
Luận án dựa trên các giả thuyết nghiên cứu sau:
1) Nhà nước có hoạt động đầu tư vốn vào doanh nghiệp hình thành nên các DNCVNN. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp qua cơ chế ủy quyền.
2) Cần nhận thức lại bản chất pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước.
3) Các quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn thiếu và hạn chế đòi hỏi cần phải hoàn thiện.
4) Thực tiễn áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn nhiều vướng mắc.
5) Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm pháp lý của người đại diện là một trong những yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, phát triển DNCVNN.
KẾT LUẬN PHẦN TỔNG QUAN
Trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một vấn đề “nóng” ở Việt Nam hiện nay. Nhưng đây cũng là một đề tài hóc búa và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính trị, thể chế nhà nước hay định chế sở hữu, tâm lý xã hội…. Qua kết quả khảo cứu của NCS, có nhiều công trình nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước cũng như quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tuy nhiên không có nhiều công trình nghiên cứu về khía cạnh pháp lý của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được công bố trên phạm vi quốc tế cũng như ở Việt Nam nói riêng. Thực tế này cũng đặt ra cho NCS một nhiệm vụ nặng nề khi thực hiện luận án tiến sĩ Luật học, thuộc chuyên ngành Luật Kinh tế.
Qua kết quả khảo cứu, NCS đã phân tích, đánh giá theo các nhóm vấn đề nghiên cứu như: vấn đề liên quan đến vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định của pháp luật về cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; về mô hình thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước; về đại diện thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước; luật pháp điều chỉnh trách nhiệm pháp lý của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu;… Cho đến thời điểm hiện nay chưa có công trình nghiên cứu được công bố nào ở cấp luận án tiến sĩ, sách chuyên khảo, đề tài khoa học nghiên cứu khoa học toàn diện về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam. Đề tài luận án không trùng lặp với với các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố.
Từ phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu theo các nhóm vấn đề, NCS đã xác định cơ sở lý thuyết, xây dựng câu hỏi nghiên cứu trên cơ sở các giả thuyết nghiên cứu khoa học về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.