1.2. LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
1.2.3. Các hình thức trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, tính chất của khách thể bị xâm hại, quan hệ giữa khách thể vi phạm và công vụ được giao mà pháp luật quy định các hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự.
1.2.3.1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm được đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ của một người đã gây ra thiệt hại [74, tr. 57]. Về nguyên tắc, để buộc người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bồi thường thiệt hại, Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh đủ các yếu tố sau: (1). Tồn tại nghĩa vụ đối với Nhà nước; (2) Có hành vi vi phạm nghĩa vụ; (3). Có thiệt hại xảy ra;
và (4) Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại xảy ra.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện các quyền hạn trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước. Khi người đại diện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm được giao gây thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường. Cơ sở của trách nhiệm bồi thường đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm:
Thứ nhất, có nghĩa vụ phải thực hiện: Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Nhà nước giao đại diện cho nhà nước thực hiện các công việc nhất định và phát sinh các nghĩa vụ của người đại diện đối với nhà nước trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, có hành vi vi phạm: Là một loại trách nhiệm pháp lí, cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước trong quá trình thực hiện tư cách người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, có thiệt hại xảy ra trong thực tế: Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người có nghĩa vụ phải bù đắp cho phía bên kia những tổn thất vật chất mà mình đã gây ra do việc vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, việc xác định có thiệt hại xảy ra hay không, thiệt hại bao nhiêu là một việc làm cần thiết và hết sức quan trọng khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại [30, tr. 49]. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho nhà nước, gây tổn thất vốn nhà nước. Thiệt hại xảy ra trong thực tế mà mức thiệt hại có thể xác định được.
Thứ tư, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì người đại diện mới phải bồi thường thiệt hại. Đối với những thiệt hại không xuất phát từ hành vi của người đại diện thì người đại diện không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm gây thiệt hại đương nhiên được coi là có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ được giao. Người đại diện chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của chủ thể khác có trách nhiệm trong quản lý vốn nhà nước.
Như vậy, để áp dụng trách nhiệm bồi thường đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì phải có quy định về nghĩa vụ phải thực hiện của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có hành vi vi phạm, có thiệt hại thực tế
xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của người đại diện với thiệt hại thực tế xảy ra.
Thiệt hại mà Nhà nước phải gánh chịu bao gồm thiệt hại vất chất và thiệt hại về tinh thần. Trong đó, thiệt hại vất chất là các tổn thất về tài sản (bao gồm cả trường hợp giá trị vốn của Nhà nước bị giảm sút, các khoản tiền phải chi để bồi thường cho người thứ ba) và các thu nhập mà Nhà nước bị mất đi do hành vi vi phạm.
Về mặt nguyên tắc, người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vất chất mà bên bị vi phạm (trong trường hợp này là đối với Nhà nước) phải ghánh chịu. Trước hết, người vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm các thiệt hại về tổn thất tài sản, các chi phí để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm. Tiếp đến, người vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm khoản lợi tức bị mất do hành vi vi phạm. “Theo nghĩa chung nhất như được xác định ở trên, một thiệt hại phải thỏa mãn một vài điều kiện để bên bị thiệt hại có thể đòi hỏi bồi thường: thiệt hại phải chắc chắn, dự kiến trước được và có mối liên hệ đầy đủ với hành vi gây thiệt hại” [38, tr. 468]. Như vậy, khoản lợi tức bị mất phải là khoản lợi tức chắc chắn và có thể dự kiến trước được. Về mặt lý luận, tòa án sẽ chỉ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường khoản lợi tức bị mất do vi phạm nghĩa vụ nếu nguyên đơn chứng minh được:
(1). Khoản lợi tức bị mất là khoản thu nhập mà Nhà nước chắc chắn có được; (2). Có thể tính toán cụ thể khoản lợi tức đó; và (3). Hành vi vi phạm nghĩa vụ và khoản lợi tức bị mất có mối quan hệ nhân quả.
Thiệt hại về tinh thần cũng có thể là hậu quả của hành vi vi phạm nghĩa vụ. Tuy nhiên, thiệt hại về tinh thần không rõ ràng và khó chứng minh. Đặc biệt, đối với trường hợp của Nhà nước thì rất khó xác định thiệt hại về tinh thần, như sự suy giảm về uy tín của Nhà nước, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp rất khó đo lường. Vì vậy, việc đặt vất đề bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ đối với Nhà nước chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà không mang nhiều giá trị thực tiễn.
1.2.3.2. Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Trách nhiệm kỷ luật là hình thức trách nhiệm pháp lý được áp dụng với người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật, tức là những người có hành vi (hành động hoặc không hành động) vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện, gây tổn hại cho Nhà nước, doanh nghiệp. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước cử đại diện cho Nhà nước trong việc thực hiện các quyền của người góp vốn tại doanh nghiệp.
Nhà nước cử người của mình tham gia vào quản lý doanh nghiệp, giữ các chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị... Người đại diện mang tư cách
của một chủ thể được Nhà nước cử, giao thực hiện nhiệm vụ công theo các yêu cầu của Nhà nước. Do vậy, người đại diện chịu trách nhiệm kỷ luật trước Nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện khi người đại diện có hành vi vi phạm.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Nhà nước giao thực hiện các quyền hạn trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước. Khi người đại diện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm được giao thì phải chịu trách nhiệm kỷ luật đối với Nhà nước.
Theo Từ điển thuật ngữ pháp lý thì kỷ luật là: “Hình thức trừng phạt thuộc quyền của một số cơ quan chính quyền và nhà chức trách hành chính đối với nhân viên dưới quyền mình, khi người đó vi phạm quy chế, kỷ luật công tác, hoặc phạm những khuyết điểm mang lại những hậu quả xấu cho cơ quan, công vụ”. Như vậy, trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể hiểu là hình thức trừng phạt do chủ sở hữu nhà nước áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi người đó vi phạm pháp luật, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có các đặc điểm sau: Thứ nhất, trách nhiệm kỷ luật được đặt ra khi người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan tới việc thi hành nhiệm vụ được giao hay có ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ.
Là một dạng trách nhiệm pháp lý cụ thể nên trách nhiệm kỷ luật chỉ được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều dẫn tới trách nhiệm kỷ luật. Chỉ những hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc những hành vi có liên quan đến nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ được giao.
Hành vi vi phạm liên quan đến thi hành nhiệm vụ như: không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để thu lợi riêng cho bản thân và cho người khác; Vi phạm Điều lệ của tập đoàn, tổng công ty, công ty, quyết định vượt thẩm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả làm thiệt hại cho tập đoàn, tổng công ty, công ty và Nhà nước; Sử dụng thông tin, tài liệu của tập đoàn, tổng công ty, công ty để vụ lợi; Để thất thoát vốn của Nhà nước; Báo cáo không trung thực tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty, công ty...
Những hành vi có ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ được giao: Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ
luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền....
Các hành vi này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, năng lực của người đại diện.
Thứ hai, trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm pháp lý gắn với nhiệm vụ người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện. Điều này có nghĩa là chủ thể phải chịu trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện gắn với nhiệm vụ nhà nước giao nên trách nhiệm kỷ luật của người đại diện là trước Nhà nước mà không phải là trách nhiệm trước các bên có liên quan. Việc người đại diện chịu trách nhiệm trước Nhà nước thể hiện ở các hình thức kỷ luật mà cơ quan đại diện cho Nhà nước có quyền áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước trong đó bao gồm từ việc khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Thứ ba, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện do người có thẩm quyền thực hiện, cụ thể là: do cơ quan đại diện chủ sở hữu áp dụng. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Cơ quan này mang tính chất đại diện cho Nhà nước, có quyền quản lý đối với người đại diện và từ có quyền nhân danh Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu vốn để kỷ luật đối với người đại diện. Đối với trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự thì hoạt động của người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý mang tính chuyên nghiệp và giữa người truy cứu trách nhiệm và người bị truy cứu trách nhiệm không có quan hệ lệ thuộc về tổ chức. Trong khi đó, đối với trách nhiệm kỷ luật không phải là hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp của người có thẩm quyền mà chỉ là một phần của hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời giữa người chịu trách nhiệm kỷ luật và người áp dụng có quan hệ lệ thuộc về tổ chức hoặc quản lý. Trong trường hợp này, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu sự quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Thứ tư, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện được truy cứu theo nguyên tắc, thủ tục do pháp luật quy định. Trách nhiệm kỷ luật bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Các biện pháp chế tài này được quy định trong pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và được cụ thể hóa trong các văn bản quản lý của các cơ quan quản lý vốn nhà nước. Cũng như các dạng trách nhiệm pháp lý khác, việc truy cứu trách nhiệm kỷ luật là việc các chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại
doanh nghiệp. Việc áp dụng các biện pháp chế tài luôn ảnh hưởng bất lợi tới các quyền và lợi ích của người bị áp dụng. Do đó, các nguyên tắc, thủ tục truy cứu trách nhiệm kỷ luật được pháp luật quy định chặt chẽ mà không thể áp dụng một cách tùy tiện.
Việc thực hiện theo nguyên tắc và thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc áp dụng chung, thống nhất và mang tính công bằng giữa các trường hợp. Đồng thời việc truy cứu trách nhiệm pháp lý nói chung và trách nhiệm kỷ luật nói riêng phải luôn bảo đảm sự tương thích giữa tính chất, mức độ của hành vi vi phạm kỷ luật với biện pháp chế tài áp dụng. Nếu việc kỷ luật không tuân theo thủ tục pháp luật quy định thì quyết định kỷ luật sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Việc xử lý kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật. Đây là yêu cầu chung của mọi hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý thể hiện yêu cầu của Nhà nước đối với việc xử lý kỷ luật phải phản ánh sự đánh giá chính xác tính chất, mức độ của vi phạm pháp luật, trên cơ sở đó lựa chọn biện pháp chế tài thích hợp. Hơn nữa, trong xử lý kỷ luật, quan hệ giữa người có thẩm quyền kỷ luật và người bị kỷ luật là mối quan hệ lệ thuộc về tổ chức, quan lý. Trong đó người có thẩm quyền kỷ luật có quyền quản lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mối quan hệ này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kỷ luật theo cả hướng có lợi hay bất lợi cho người vi phạm vì tình cảm cá nhân (nể nhau hay thù oán nhau do quen biết, do cùng có những lợi ích, những hoạt động chung). Xử lý kỷ luật khách quan, công bằng, nghiêm minh đòi hỏi khi xử lý người có thẩm quyền phải đánh giá đầy đủ, toàn diện các yếu tố có liên quan đến vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý đúng pháp luật yêu cầu việc tiến hành kỷ luật phải tuân theo các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật, các nguyên tắc, thời hạn, thời hiệu kỷ luật…
Trong đó, cũng cần xác định những đặc thù, hoàn cảnh trong đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thái độ sửa chữa, tiếp thu, chủ động khắc phục hậu quả của người đại diện có hành vi vi phạm được coi là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi áp dụng trách nhiệm kỷ luật.
1.2.3.3. Trách nhiệm hành chính của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Trách nhiệm hành chính là hình thức trách nhiệm pháp lý áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật hành chính. Trách nhiệm hành chính được áp dụng nhằm bảo vệ trật tự quản lý nhà nước. Pháp luật quy định bất cứ một cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm hành chính, làm phương hại đến nhà nước đều bị xử phạt hành chính (trừ một số trường hợp như bất khả kháng,