1.2. LÝ LUẬN VỀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
1.2.2. Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Để làm rõ hơn bản chất trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cần thiết phải làm rõ những đặc trưng cơ bản của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý (cơ sở thực tế của trách nhiệm pháp lý là vi phạm pháp luật; cơ sở pháp lý của trách nhiệm pháp lý là quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; trách nhiệm pháp lý là sự phản ứng của Nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật và liên quan mật thiết với cưỡng chế nhà nước), trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn có những đặc trưng riêng có của nó.
Trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phụ thuộc vào cơ chế quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo cơ chế thị trường khác với cơ chế tập trung, bao cấp. Vì lẽ đó trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay có những đặc trưng cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Nhà nước trao cho những quyền hạn nhất định để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao. Đó không chỉ là nghĩa vụ đạo đức, mà trước hết là nghĩa vụ, chức trách, công việc được Nhà nước giao phó. Việc người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện đúng bổn phận, chức trách, vi phạm những điều pháp luật cấm thì tất yếu phát sinh trách nhiệm pháp lý.
Đặc trưng quan trọng trên của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được pháp luật quy định.
- Thứ hai, cơ sở phát sinh trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiểu theo nghĩa tiêu cực là hành vi vi phạm pháp luật của người đại diện trong hoạt động đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đó là các vi phạm nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vi phạm các điều pháp luật cấm, ra những quyết định không có căn cứ dẫn đến hậu quả gây tổn hại cho Nhà nước và cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác nhau tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm như: trách nhiệm kỷ luật khi vi phạm các quy định tại Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp; chịu trách nhiệm hành chính khi thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đại diện, nắm giữ các chức vụ tại doanh nghiệp, chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện tội phạm.
Từ những phân tích ở trên cho thấy, trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong hoạt động đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ sở trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ của người đại diện trong quá trình đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong những trường hợp nhất định còn là việc vi phạm các quy tắc đạo đức, điều lệ của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Những hành vi vi phạm này của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp gây tổn hại cho lợi ích của nhà nước, DNCVNN, mục tiêu khi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Đây cũng chính là căn cứ để phân biệt cơ sở trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp với trách nhiệm pháp lý của công dân.
- Thứ ba, việc xử lý người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động đại diện vốn nhà nước theo nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hành vi vi phạm khi bị truy cứu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn không có bất cứ đặc quyền, đặc lợi nào, thậm chí trong những trường hợp nhất định họ còn phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng hơn so với người cùng thực hiện một hành vi vi phạm như họ, nhưng không phải là người được nhà nước giao đại diện phần vốn nhà nước. Do những người được Nhà nước giao làm đại diện phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, năng lực, am hiểu lĩnh vực được giao, hành toàn có khả năng nhận thức được hậu quả của hành vi mình làm.
Vì vậy, nếu người đại diện thực hiện hành vi vi phạm thì phải xác định là lỗi cố ý chứ không thể do không đủ khả năng nhận thức hay năng lực chuyên môn.
Đặc trưng này của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm hạn chế việc sử dụng các quyền được nhà nước giao, đặc biệt tư cách quản lý nguồn lực kinh tế (có thể rất lớn) để gây ảnh hưởng, tạo đặc quyền, đặc lợi.
Về mặt nhận thức, đặc trưng trên của trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được hiểu: những nhiệm vụ, quyền hạn mà người người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nhà nước trao cho hoàn toàn không phải là đặc quyền, mà là điều kiện cần thiết để họ hoàn thành được các nhiệm vụ được giao. Hiện nay, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn giữ các chức vụ quan trọng, có thể nói chi phối tới nhiều nguồn lực, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính chất độc quyền hay nắm giữ tài nguyên thiên nhiên quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Nhà nước phải quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của người đại diện đối với công việc được giao. Họ cần phải là những người làm việc có nguyên tắc, có kỷ luật, có tinh thần chủ động sáng tạo, có tính quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Để bảo đảm những yêu cầu đó và để tránh việc người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp lợi dụng chức quyền vào mục đích cá nhân, pháp luật quy định việc tăng nặng trách nhiệm của họ khi có hành vi vi phạm pháp luật; thậm chí trong những trường hợp cần thiết, trách nhiệm cũng được quy định ngay cả khi người đại diện không vi phạm pháp luật, nhưng không hoàn thành công việc vì phát huy không đầy đủ khả năng của mình.
- Thứ tư, trách nhiệm pháp lý của người đại diện cũng được áp dụng trong trường hợp người đại diện lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn
của mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc đề nghị một người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Đây là đặc điểm giống với trách nhiệm pháp lý của công chức. Bởi vì đối với công dân không phải là công chức thì không thể có hành vi này. Luật phòng, chống tham nhũng quy định [47, điều 2]: hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn để đưa hối lộ, môi giới hối lộ, sử dụng trái phép tài sản nhà nước, chiếm đoạt tài sản nhà nước, vụ lợi, gây ảnh hưởng tới người khác để vụ lợi là những hành vi tham nhũng và đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bộ luật hình sự đã quy định các tội tham nhũng trong đó dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi bắt buộc về mặt khách quan của các tội này.
Theo Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Như vậy, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng thuộc trường hợp này.