3.2. Giải pháp hoàn thiện quy định về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
3.2.2. Hoàn thiện một số quy định của pháp luật về nghĩa vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
3.2.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về nghĩa vụ cẩn trọng
Trong chương trước, NCS đã chỉ ra rằng nội dung pháp luật về nghĩa vụ cẩn trọng của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được đề cập cụ thể trong LQLSDVNN, còn trong LDN có đề cập đến nghĩa vụ cẩn trọng của người quản lý công ty, tuy nhiên vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Vì vậy, nội dung pháp luật
về nghĩa vụ cẩn trọng của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần được quy định cụ thể để có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể:
Để có sơ sở pháp lý cho việc thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật cần làm rõ nội dung của nghĩa vụ cẩn trọng. Mặc dù, LDN năm 2020 đã cụ thể hóa một số nội dung của nghĩa vụ cẩn trọng đối với người quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên cách tiếp cận này chưa bao quát được tất cả các nội dung của nghĩa vụ cẩn trọng của ngươi đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hơn nữa, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ thể đặc thù, do vậy pháp luật về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải có quy định rất cụ thể về nghĩa vụ cẩn trọng của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ nhất, nghĩa vụ cẩn trọng đòi hỏi người đại diện phải thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và nhiệm vụ được giao vì lợi ích tốt nhất của nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thứ hai, khi thực hiện nhiệm vụ được giao, người đại diện phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, điều lệ công ty, quy chế quản lý nội bộ của công ty, các quyết định của ĐHĐCĐ và HĐQT. Một quyết định trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty, quy chế quản lý nội bộ của công ty, các quyết định của ĐHĐCĐ và HĐQT là quyết định không hợp lệ và có thể đẩy công ty vào rủi ro pháp lý.
Thứ ba, nghĩa vụ cẩn trọng cũng đòi hỏi người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải ra quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin có được từ nguồn tin cậy.
Các thông tin tin cậy bao gồm các thông tin được cung cấp hoặc công bố bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức có chức năng công bố thông tin. Các thông tin tin cậy cũng bao gồm các thông tin được cung cấp bởi các nhà chuyên môn hợp pháp, ví dụ như luật sư, kiểm toán viên,…, các công ty chuyên môn như văn phòng luật sư, công ty luật công ty kiểm toán, … Trong trường hợp không có đủ thông tin để ra quyết định, người đại diện không được ra quyết định. Người đại diện ra hoặc tham gia ra bất kỳ một quyết định nào mà không đủ cơ sở thông tin tin cậy thì được coi là vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng.
Thứ tư, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp dù ở bất kỳ vị trí quản lý nào cũng có thẩm quyền giám sát. Nghĩa vụ cẩn trọng đòi hỏi người đại diện phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp, chuẩn mực quản trị chung nhằm xây dựng một hệ thống giám sát, kiểm soát rủi ro hợp lý.
4.2.2.2. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về nghĩa vụ trung thành
Trong chương trước, NCS đã phân tích những điểm còn tồn tại của các quy định của pháp luật về nghĩa vụ trung thành của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong phần này, NCS đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về nghĩa vụ trung thành của người đại diện như sau:
a) Quy định rõ khái niệm người có liên quan của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để có cơ sở kiểm soát khả năng tư lợi.
Hiện nay, khái niệm về người có liên quan của người đại diện chưa được đề cập trong pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong quy định của LDN thì khái niệm người có liên quan của doanh nghiệp vẫn được sử dụng để xác định người có liên quan của người quản lý doanh nghiệp. Đây là cách vận dụng không chính xác. Vì vậy, NCS đề xuất pháp luật về quản lý vốn nhà nước cần quy định người có liên quan của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm những cá nhân, tổ chức: (1). Cá nhân là cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha chồng/vợ, mẹ chòng/vợ, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, chịu dâu,em dâu, anh chồng/vợ, em chồng/ vợ, chị chồng/ vợ của người đại diện. (2). Cá nhân là ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, cháu ruột của NQLCTCP. (3). Tổ chức mà người đại diện hoặc người thuộc nhóm (1), (2) là chủ sở hữu, cổ đông, người góp vốn, thành viên, người quản lý hoặc người lao động.
Trong trường hợp có đủ chứng cứ xác định rằng cá nhân hoặc tổ chức có mối quan hệ với người đại diện dẫn đến người đại diện sẽ tạo lợi thế cho cá nhân hoặc tổ chức này khi tham gia giao dịch với DNCVNN thì trường hợp này người đại diện đã vi phạm nghĩa vụ trung thành.
b) Quy định rõ về nghĩa vụ trung thành của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thứ nhất, xây dựng khái niệm về nghĩa vụ trung thành của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng đảm bảo người đại diện không được tư lợi và ngăn ngừa xung đột lợi ích với Nhà nước, DNCVNN. Trong trường hợp có xung đột lợi ích thì lợi ích Nhà nước phải được người đại diện ưu tiên. Nghĩa vụ trung thành của người đại diện phải được quy định cụ thể thành các nghĩa vụ: không được chiếm đoạt, lạm dụng vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, không được chiếm đoạt, làm dụng cơ hội kinh doanh của DNCVNN vì mục đích riêng, không được cạnh tranh với DNCVNN…, và các trường hợp có xung đột lợi ích khác.
Thứ hai, bổ sung các quy định về kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải có quy định cụ thể về kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu chỉ dựa trên quy định chung của LDN về kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi đối với người quản lý công ty là chưa đủ. Đối với người đại diện phần vốn nhà nước cần quy định kiểm soát giao dịch có khả năng tư lợi theo hướng chặt chẽ hơn đối với người quản lý công ty. Theo đó cần quy định theo hai hướng, một là cấm đối với các giao dịch có khả năng tư lợi gây thiệt hại đối với Nhà nước, DNCVNN, hai là phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cho phép đối với những giao dịch có khả năng tư lợi nhưng mang tính cần thiết cho NDCVNN.
Thứ ba, cần quy định nghĩa vụ không được cạnh tranh với DNCVNN kể cả khi đã chấm dứt việc đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài việc quy định cấm cạnh tranh với DNCVNN trong thời gian làm đại diện vốn nhà nước thì cần quy định thêm thời gian cấm kinh doanh trong ngành nghề của doanh nghiệp sau khi kết thúc thời gian đại diện vốn nhà nước. Quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo nghĩa vụ trung thành của người đại diện vốn nhà nước, không lợi dụng ảnh hưởng từ việc đại diện vốn nhà nước để kinh doanh thu lợi riêng, cạnh tranh với DNCVNN, lôi kéo khách hàng của DNCVNN. Lĩnh vực kinh doanh bị hạn chế là lĩnh vực kinh doanh thực tế của DNCVNN. Thời gian hạn chế là khi đang thực hiện đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 03 năm kể từ thời điểm chấm dứt tư cách đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thời gian hạn chế này đủ dài để người đại diện không còn lợi dụng được các mối quan hệ trong kinh doanh của DNCVNN. Ba năm có thể là khoảng thời gian đủ dài để các mối quan hệ kinh doanh bị mờ nhạt, các mối quan hệ mà người đại diện có được với khách hàng, đối tác của DNCVNN trong thời kỳ đảm nhiệm chức vụ đã bị mờ nhạt. Đồng thời không hạn chế quá dài quyền tự do kinh doanh của người đại diện.