Dự báo các tác động môi trường chính, các chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN HẦM ĐƯỜNG BỘ QUA ĐÈO HOÀNG LIÊN KẾT NỐI THỊ XÃ SA PA, TỈNH LÀO CAI VỚI HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU (Trang 46 - 49)

5.3.1. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của nước thải

a. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của nước thải trong giai đoạn thi công - Hoạt động sinh hoạt của công nhân phát sinh nước thải sinh hoạt với khối lượng khoảng 5,0 m3/ngày.đêm/công trường thi công với thành phần chủ yếu là các chất cặn bã, các chất lơ lửng (SS), các hợp chất hữu cơ (BOD/COD), các chất dinh dưỡng (N, P) và vi sinh vật.

- Hoạt động vệ sinh phương tiện vận chuyển, thiết bị thi công phát sinh nước thải với khối lượng khoảng 3,0 m3/ngày.đêm/công trường và hoạt động của trạm trộn bê tông xi măng phát sinh nước thải với khối lượng tối đa khoảng 4,0 m3/ngày.đêm/công trường thi công. Thành phần chủ yếu là chất rắn lơ lửng, dầu mỡ, đất, cát,…

- Nước mưa chảy tràn trên công trường thi công phát sinh với lưu lượng khoảng 1,08 m3/s/công trường thi công/trận mưa lớn nhất với thành phần chủ yếu là đất, cát, cành lá cây, chất rắn lơ lửng,…

b. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của nước thải trong giai đoạn vận hành Không có hoạt động phát sinh nước thải.

5.3.2. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của bụi, khí thải

a. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của bụi, khí thải trong giai đoạn thi công Bụi, khí thải phát sinh từ hoạt động phát quang thảm thực vật, phá dỡ nhà cửa, các công trình hạ tầng, nổ mìn phá đá thi công phần đường, cầu, đào đắp, vận chuyển nguyên nhiên vật liệu, đổ thải, khoan cọc nhồi, hoạt động của các máy móc, thiết bị thi công các hạng mục công trình của Dự án, hoạt động của trạm trộn bê tông xi măng...

Thành phần chủ yếu gồm: Bụi, CO, NOx, SO2, VOCS,...

b. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của bụi, khí thải trong giai đoạn vận hành Hoạt động của phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến phát sinh chủ yếu là bụi, khí thải với thành phần chủ yếu là COx, NOx, SO2, VOC,...

5.3.3. Chất thải rắn, chất thải nguy hại

a. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của chất thải rắn thông thường

* Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của CTR thông thường giai đoạn thi công:

- Hoạt động sinh hoạt của công nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với khối lượng khoảng 25 kg/ngày/công trường thi công. Thành phần chủ yếu là thức ăn thừa, rau củ, bao bì, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, giấy báo,…

- Hoạt động phá dỡ nhà cửa, các công trình hạ tầng trong phạm vi GPMB phục vụ thi công gây phát sinh phế thải với khối lượng khoảng 1.832 m3. Thành phần chủ yếu gồm: đất đá, gạch ngói, bê tông, phế liệu,...

- Hoạt động dọn dẹp mặt bằng công trường thi công phát sinh trữ lượng gỗ khoảng 3.661m3; khối lượng sinh khối khoảng 1.725m3. Thành phần chủ yếu gồm: trữ lượng gỗ; chất thải thực bì, cây cỏ, cành lá.

- Hoạt động đào, đắp, khoan cọc nhồi, nổ mìn phá đá,.. phát sinh chất thải rắn thông thường với tổng khối lượng khoảng 2.770.521m3 (gồm 2.766.603m3 đất, đá đào + 4.219m3 đất, đất lẫn bentonite). Thành phần chủ yếu gồm: bùn thải, đất, đá thải, đất lẫn bentonite.

- Hoạt động thi công các hạng mục công trình của Dự án chất thải rắn thông thường với tổng khối lượng khoảng 8,7 tấn/ngày. Thành phần chủ yếu là mẩu sắt, thép, xà bần, bao bì,…

* Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của chất thải rắn thông thường trong giai đoạn vận hành:

Hoạt động bảo trì, vận hành các công trình trên tuyến phát sinh chất thải rắn thông thường với khối lượng khoảng 3÷5 m3/đợt bảo dưỡng với thành phần chủ yếu là bê tông, cọc tiêu hỏng,...

b. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của chất thải nguy hại

* Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của CTNH trong giai đoạn thi công:

Hoạt động văn phòng và hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa, thay dầu đối với phương tiện thi công phát sinh CTNH với khối lượng khoảng 164 kg/tháng/công trường thi công với thành phần chủ yếu là dầu mỡ thải, giẻ lau dính dầu, bóng đèn huỳnh quang thải, ắc quy thải, pin thải, hộp mực in thải,...

* Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của CTNH trong giai đoạn vận hành:

Hoạt động vận hành, bảo trì các công trình và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến phát sinh CTNH với khối lượng khoảng 3,0 kg/đợt bảo dưỡng với thành phần chủ yếu là bóng đèn huỳnh quang hỏng, sơn thừa, nhựa đường bám dính,…

5.3.4. Tiếng ồn và độ rung

a. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của tiếng ồn và độ rung trong giai đoạn thi công Phát sinh chủ yếu từ các phương tiện giao thông vận tải và hoạt động của máy móc thi công như máy đào, máy xúc, xe trộn bê tông, xe lu, xe ủi, hoạt động khoan cọc nhồi; hoạt động khoan, nổ mìn phá đá ảnh hưởng đến hệ sinh thái thực vật và động vật trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

b. Nguồn phát sinh, quy mô, tính chất của tiếng ồn và độ rung trong giai đoạn vận hành

Hoạt động lưu thông của các phương tiện giao thông trên tuyến phát sinh tiếng ồn có khả năng ảnh hưởng tới một số khu dân cư nằm dọc hai bên tuyến ở khoảng cách từ 10 m ÷ 30 m tính từ phạm vi đất dành cho đường bộ; ảnh hưởng đến các loài động vật xung quanh tuyến (đoạn qua Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng Liên).

5.3.5. Tác động đến đa dạng sinh học

Dự án sẽ xây dựng trong khoảng 4 năm, giai đoạn thi công là thời điểm gây tác động mạnh đến HST do tính đột ngột, khối lượng thi công lớn, phạm vi tác động rộng.

- Trong quá trình thi công cần vận chuyển một khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, huy động nhiều phương tiện vận tải, máy xây dựng và làm việc trong thời gian dài sẽ không tránh khỏi gây ra tiếng ồn, rung động ảnh hưởng đến các hoạt động của các loài thú hoang dã trong Vườn, một số loài động vật có thói quen ra gần đường kiếm ăn, một số loài cư trú ở sát khu vực này sẽ phải di chuyển vào sâu bên trong, một số loài thường xuyên di chuyển băng qua đường hay một số loài có dấu hiệu phục hồi sẽ bị sẽ bị ảnh hưởng.

- Làm biến đổi lớp phủ thực vật tự nhiên là các loại thảm thực vật thấp, các lùm cây bụi xung quanh các vị trí thi công bị phá huỷ. Một nguy cơ nữa đó là nguy cơ về sự di chuyển và di cư của một số loài động vật đi từ vùng này qua các vùng đệm khác là khá lớn..

- Thêm vào đó, một số đoạn tiến hành hạ nền đường với địa chất đá cứng chắc (đá cấp 2, cấp 3) phải dùng mìn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các thảm thực vật rừng, các loại thực vật nhỏ và một số loài động vật hoang dã không quen với tiếng ồn và độ rung ở cường độ cao, gây ra những xáo trộn nhất định cho hệ động vật hiện có của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

5.3.6. Các tác động khác

- Dự án dự kiến tác động đến hộ dân bị ảnh hưởng bởi mất đất ở, hộ dân bị ảnh hưởng bởi mất đất sản xuất do hoạt động giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án.

- Giảm, thu hẹp diện tích đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất tại các khu vực của Dự án; giảm diện tích Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Tại các vị trí có địa hình dốc, độ phủ trung bình, việc chuyển đổi diện tích đất rừng có thể xảy ra sự cố sạt lở, xói mòn, rửa trôi bề mặt trong quá trình thi công và vận hành tuyến đường.

- Chiếm dụng rừng có thể tạo ra các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội như: Làm giảm vai trò của rừng phòng hộ; hạn chế nơi cư trú của các loài động vật;

ảnh hưởng một phần đến thu nhập của người dân bản địa do mất nguồn thu từ những sản vật rừng như gỗ (rừng sản xuất), củi thực phẩm, cây thuốc và các lâm sản khác. Hệ sinh thái bị tác động gồm hệ sinh thái đồng cỏ (các khu vực đất trống cây bụi, thảm tươi), hệ sinh thái ao hồ mặt nước (suối) và hệ sinh thái rừng (động, thực vật).

- Việc chọn tuyến đi qua khu vực rừng phòng hộ là bắt buộc và đảm bảo tính khả thi nhất, nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về hiệu quả kinh tế và xã hội cũng như tiêu chuẩn đáp ứng được điều kiện thi công dự án như điều kiện địa hình thuận lợi cho bình diện tuyến, thuận lợi cho công tác thiết kế và giảm tổng mức đầu tư dự án.

Dự án có dạng tuyến nên tỷ lệ diện tích chiếm dụng/ chiều dài là không lớn; do vậy diện tích rừng tại từng tiểu khu sẽ bị ảnh hưởng không lớn, vẫn đảm bảo được chức năng của các tiểu khu.

- Tác động đến sinh kế của các hộ dân do chiếm dụng vĩnh viễn khoảng đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác.

Một phần của tài liệu BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN HẦM ĐƯỜNG BỘ QUA ĐÈO HOÀNG LIÊN KẾT NỐI THỊ XÃ SA PA, TỈNH LÀO CAI VỚI HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(271 trang)