3.1. Đánh giá tác động và đề xuất các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công, xây dựng
3.1.2. Các công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác đến môi trường
3.1.2.6. Phòng ngừa, ứng phó rủi ro, sự cố giai đoạn thi công
a. Phòng ngừa, ứng phó sự cố, đảm bảo an toàn trong bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ
Thực hiện tất cả các công việc có liên quan đến VLNCN đúng theo các quy định tại QCVN 01:2019/BCT của Bộ Công thương (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy VLNCN và bảo quản tiền chất thuốc nổ), cụ thể về các nội dung sau:
(1) Đối với công tác khoan nổ mìn của dự án:
Đơn vị giao thầu tổ chức thi công các bãi nổ có điểm khởi nổ và hướng văng của đất đá để tận dụng mặt thoáng tự nhiên theo địa hình. Như vậy về kỹ thuật nổ mìn thì việc đá văng được đảm bảo an toàn ngược hướng công trình hiện hữu.
(2) Biện pháp đảm bảo an toàn cho vật kiến trúc và con người:
- Thông báo cho mọi ngưòi làm việc trong dự án về ngày, giờ nổ mìn để di chuyển đảm bảo an toàn.
- Chịu trách nhiệm về các thiệt hại (nếu có) về cây trồng, hoa màu, công trình, vật kiến trúc do quá trình nổ mìn gây ra trong phạm vi vùng nguy hiểm khi nổ mìn.
Trong quá trình nổ mìn, không may có rung chấn, mảnh đá văng làm hư hỏng, gây chết các loài động, thực vật trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Chủ dự án sẽ cùng Đơn vị thi công nổ mìn (trực tiếp là Chỉ huy nổ mìn) kiểm tra lập biên bản, xác nhận thiệt hại thực tế.
- Thỏa thuận phương án đền bù (nếu có) và phương án đảm bảo an toàn khi nổ mìn với Chính quyền địa phương, Vườn Quốc gia Hoàng Liên thông báo nổ mìn (vị trí, thời gian và hiệu lệnh nổ mìn) cho Địa phương, các đơn vị làm việc trong khai trường, các đơn vị lân cận khai trường chịu ảnh hưởng của việc nổ mìn trước ngày nổ
mìn ít nhất 01 ngày.
- Chỉ tiến hành nổ mìn khi được bàn giao mặt bằng và đảm bảo các điều kiện an toàn đối với người và công trình theo quy định.
- Thiết kế điều chỉnh hướng mặt thoáng hợp lý để hạn chế tới mức tối thiểu hiện tượng đá văng và chấn động nền, chấn động không khí đối với công trình cần bảo vệ.
Trước giờ nổ mìn, Chủ dự án phối hợp với Đơn vị nổ mìn và nhà thầu xây dựng tổ chức bố trí gác, thông báo nơi ẩn nấp, thỏa thuận di chuyển người ra khu vực đảm bảo an toàn. Chỉ thực hiện nổ mìn khi khoảng cách đảm bảo từ bãi nổ đến vị trí ẩn nấp của người > 300m.
(3) Quy định an toàn về bốc dỡ, vận chuyển VLNCN:
- Vận chuyển VLNCN từ kho ra công trường phục vụ thi công theo từng hộ chiếu nổ mìn đã được cơ quản chức năng thẩm định, phê duyệt.
- Phương tiện vận chuyển đang chứa VLNCN có đầy đủ biểu trưng, ký, báo hiệu nguy hiểm theo đúng quy định hiện hành về vận chuyển VLNCN.
- Trên đường vận chuyển khi phải đỗ dừng để nghỉ ngơi, chỉ được đỗ dừng ở ngoài khu vực dân cư, cách đường giao thông công cộng ít nhất là 100m, cách nhà và các công trình ít nhất 200m. Khi dừng phải tắt động cơ, phải có biện pháp chèn chống trôi trượt xe. Khi không có điều kiện dừng xe xa đường cho phép dừng ở lề đường nhưng phải xa khu dân cư ít nhất 200m.
- Khi vận chuyển kíp nổ không còn nguyên bao bì ngoài thì các hộp, gói kíp phải đặt trong hòm kín có chèn lót bên trong bằng các vật liệu mềm không phát sinh ra tia lửa do ma sát và tĩnh điện, kể cả trường hợp kíp nổ chứa trong hòm chứa kíp chuyên dụng.
- Những bến bãi bốc dỡ và trên phương tiện vân chuyển VLNCN sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị và phương tiện chữa cháy theo quy định.
- Nơi bốc dỡ sẽ có biển báo giới hạn ngăn cách. Những người không có liên quan đến việc bốc dỡ không được vào trong khu vực đã ngăn cách. Trong quá trình bốc dỡ sẽ có bảo vệ trông coi.
- Chỉ sử dụng những phương tiện đã quy định trong QCVN 01:2019/BCT của Bộ Công Thương (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy VLNCN và bảo quản tiền chất thuốc nổ) để vận chuyển VLNCN.
- Lái xe, áp tải, bảo vệ, công nhân bốc dỡ sẽ được học tập các quy định trước khi tham gia vận chuyển VLNCN.
(4) Quy định về tín hiệu cảnh báo an toàn khi tiến hành nạp, nổ mìn:
- Thời gian nổ mìn:
+ Sáng từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 00 phút.
+ Chiều từ 17 giờ 00 phút đến 18 giờ 00 phút.
- Hiệu lệnh nổ mìn:
+ Tín hiệu thứ nhất: Tín hiệu nạp mìn, bằng một hồi còi hú dài. Theo tín hiệu này, tất cả mọi người không liên quan đến việc nạp, nổ mìn, thiết bị máy móc phải di chuyển ra khỏi giới hạn vùng nguy hiểm hoặc đến vị trí an toàn dưới sự chỉ dẫn giám sát của người chỉ huy đợt nổ.
+ Tín hiệu thứ hai: Tín hiệu khởi nổ, bằng hai hồi còi hú liên tiếp. Theo tín hiệu này, chỉ huy nổ mìn ra lệnh khởi nổ bãi mìn.
+ Tín hiệu thứ 3: Tín hiệu báo yên, bằng ba hồi còi hú liên tiếp. Tín hiệu này được phát ra sau khi đã kiểm tra bãi nổ, báo công việc nổ đã kết thúc và đảm bảo an toàn.
(5) Quy định về bảo vệ, cảnh giới canh gác:
Trước mỗi đợt dự kiến thi công nổ mìn, Kỹ sư khai thác mỏ của Đơn vị thầu nổ mìn trực tiếp kiểm tra địa điểm nổ mìn, lập hộ chiếu chi tiết từng bãi nổ, xác định VLNCN tiêu hao, khoảng cách an toàn, vị trí canh gác, sơ tán người và thiết bị. Chủ dự án sẽ thông báo rộng rãi cho chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực biết rõ địa điểm, thời gian và các biến báo, tín hiệu nổ mìn theo quy định để tuân thủ theo sự hướng dẫn của công nhân làm nhiệm vụ canh gác, sơ tán.
Tại các vị trí tuyến đường vào bãi mìn phải đặt biển báo “Khu vực đang nổ mìn cấm vào”.
Mọi công nhân được giao nhiệm vụ canh gác phải tuân thu theo sự chỉ dẫn của người chỉ huy nổ mìn, hướng dẫn trong hộ chiếu nổ mìn (HCNM).
Mỗi vị trí canh gác sẽ có còi, đeo băng đỏ, trang bị bộ đàm và còi hú.
Bán kính sơ tán người, thiết bị được quy định theo từng hộ chiếu nổ mìn.
Kiểm tra kỹ tình trạng an toàn trong khu vực được giao canh gác và báo cáo lại người chỉ huy.
Chỉ khi có hiệu lệnh báo yên mới cho qua vị trí gác của mình.
Nghiêm cấm tất cả mọi người không có nhiệm vụ vào bãi mìn.
Phạm vi khu vực canh gác của mỗi trạm gác sẽ được khép kín liên tiếp với trạm gác liên kề và thông tin liên lạc thông suốt bằng bộ đàm.
(6) Biện pháp xử lý mìn câm, xử lý, ứng phó khi gặp sự cố (nếu có):
* Biện pháp kiểm tra sau khi nổ mìn:
- Khi nổ mìn điện, thợ mìn chỉ được ra khỏi hầm trú ẩn khi đã tháo hai đầu dây dẫn chính ra khỏi nguồn điện và đấu chập mạch lại với nhau, nhưng không được sớm hơn 5 phút kể từ lúc nổ mìn, đất đá hết xô đổ.
- Sau khi nổ mìn nếu có những tảng đá treo, hàm ếch nguy hiểm cho người và thiết bị thì sẽ tìm cách loại trừ ngay những nguy hiểm đó dưới sự chỉ đạo của cán bộ phụ trách sản xuất ở khu vực đó.
- Nếu chưa có khả năng giải quyết nhanh thì sẽ đặt biển báo hiệu báo cho mọi người không vào phạm vi nguy hiểm.
*Biện pháp xử lý mìn câm
- Sau khi tiến hành nổ mìn xong, khi phát hiện có mìn câm, phải lập tức cắm biển báo có mìn câm ở bên cạnh phát hiện mìn bị câm. Báo cho người chỉ huy nổ mìn hoặc cán bộ được giao trực tiếp phụ trách khu vực sản xuất biết để quyết định biện pháp xử lý mìn câm.
- Việc xử lý mìn câm sẽ tiến hành theo sự hướng dẫn của người chỉ huy nổ mìn và không được thực hiện bất cứ công việc gì không liên quan đến xử lý mìn câm.
Trường hợp không thê kết thúc xử lý mìn câm trong ca/kíp, phải bàn giao cho ca/kíp tiêp theo xử lý. Phải lập “Sổ xử lý mìn câm” để ghi lại các phát mìn câm, biện pháp xử lý và thời gian xử lý theo quy định tại Phụ lục 14 của QCVN 01:2019/BCT.
(7) Biện pháp xử lý, ửng phó khi gặp sự cố về thòi tiết, cản trở khác trong các khâu khoan, nạp:
- Khi có sương mù làm cho không thể quan sát rõ trong phạm vi nguy hiểm thì không tiến hành nổ mìn. Nếu khi thi công xong bãi mìn mà xuất hiện sương mù đến mức không quan sát được phạm vi nguy hiểm thì sẽ tạm dừng nổ mìn, đồng thời thông báo cho các Đơn vị liên quan và mọi người biết việc thay đổi giờ nổ mìn.
- Trường hợp sương mù chỉ làm hạn chế tầm quan sát thì trước khi nổ mìn sẽ bổ sung các biện pháp an toàn có sự thống nhất với các Đơn vị liên quan như: tăng thêm trạm gác, thông tin trên loa truyền thanh để mọi người rõ,...
- Trong thời gian có sấm chớp, không tiến hành công tác nổ mìn trên mặt đất.
Trong trường hợp nổ mìn điện đã được lắp ráp xong trước lúc có sấm chớp thì sẽ cho nổ ngay với điều kiện là đã thực hiện đầy đủ các quy định an toàn cho việc khởi nổ hoặc sẽ tháo các dây dẫn khu vực ra khỏi mạng dây chính, đấu chập mạch mạng nổ, mìn điện và quấn các đầu dây, mọi người sẽ rút ra ngoài giới hạn vùng nguy hiểm, đồng thời bố trí canh gác không cho người vào vùng nguy hiểm.
- Chỉ tiến hành khởi nổ bãi mìn khi được sự đồng ý của cán bộ Chỉ huy nổ mìn sau khi kiểm tra toàn bộ khu vực bãi nổ đảm bảo an toàn theo các quy định hiện hành.
Trạm khởi nổ sẽ đặt ngoài giới hạn vùng nguy hiểm hoặc ở vị trí ẩn nấp đảm bảo an toàn và ngược chiều gió.
* Một số tình huống cụ thể:
Tình huống 1: Khi có mưa bão sấm chớp
- Khi trên khai trường xuất hiện mưa dông, sấm sét thì không được thực hiện các công việc có tiếp xúc trực tiếp với VLNCN (nạp thuốc, lấp bua, đấu nối mạng nổ,…).
Trường hợp khi vận chuyển thuốc ra ngoài khai trường (chưa vận chuyển thuốc xuống khỏi xe) thì trời đổ mưa to kèm theo sấm sét. Lực lượng áp tải chưa cho vận chuyển VLNCN xuống xe, thông báo cho người lái xe đánh xe ra nơi an toàn (có thể trông coi, quan sát thấy). Sau khi chờ một thời gian dài, thấy tình hình thời tiết không có biến đổi, vẫn có hiện tượng mưa to kèm theo sấm sét kéo dài, thông báo với người phụ trách công trường biết tình hình để mời lực lượng công an địa phương (xã, phường,...) xác nhận nguyên nhân không nổ mìn được (do điều kiện thời tiết), thống nhất lập biên bản chở VLNCN về, ký gửi kho và chuyển ngày nổ mìn sang một ngày khác.
- Trong trường hợp đang thi công có xuất hiện mưa dông, sấm sét phải dừng hoàn toàn công tác nạp, nổ mìn; nếu mạng nổ trên mặt đã được đấu ghép xong phải nhanh chóng thống nhất với các Đơn vị liên quan, phối hợp canh gác đuổi người để khởi nổ bãi mìn ngay (với điều kiện là đã thực hiện đầy đủ các quy định an toàn cho việc khởi nổ). Trường hợp bất khả kháng thì lập tức rút toàn bộ người ra khỏi vùng bán kính nguy hiểm, trú ẩn tại khu vực an toàn, đồng thời thông báo cho các đơn vị liên quan biết tình hình để hỗ trợ lực lượng, tổ chức canh giữ bãi mìn ở vị trí an toàn theo đúng quy định. Nếu không nổ được trước 13 giờ 30 phút thì chỉ được phép xử lý từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 00 phút trong cùng ngày và trong khoảng thời gian này người Chỉ huy nổ mìn phải trực tiếp cùng tổ mìn bảo vệ khu vực bãi mìn, cấm người không phận sự ra vào khu vực này. Thông báo cho các nhà thầu để tạm ngưng các công việc liên quan trong bán kính nguy hiểm. Chỉ được phép thực hiện khi đã báo cáo cho Sở Công thương, đồng thời sẽ thiết lập biên bản trong đó ghi rõ nội dung và nguyên nhân gây ra sự cố, có chữ ký của Quản lý công trình và người Chỉ huy nổ mìn.
Tình huống 2. Thiết bị cơ giới hỏng không di chuyển được
Sau khi đã thi công nạp mìn xong, chuẩn bị tiến hành đấu kíp, ghép mạng điện trở có 01 máy xúc đang xúc đá cách bãi mìn khoảng 50m bị chết máy, không di chuyển ra khoảng cách an toàn được. Nhà thầu thông báo cần phải sửa chữa máy xúc này trong một thời gian dài (đến cuối giờ chiều mới xong). Lúc này, sẽ đưa kíp ra nơi an toàn; cắt cử người canh gác bãi mìn; phối hợp với nhà thầu để thông báo cho người và thiết bị không làm việc tại khu vực gần bán kính an toàn bãi mìn, yêu cầu đơn vị có máy xúc sửa chữa một cách nhanh nhất có thể. Lập biên bản để thông báo với chính quyền địa phương thay đổi về thời gian nổ mìn.
Ngoài ra, Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố (nếu có) thực hiện theo đúng phương án phòng ngừa, thủ tiêu sự cố và quy tắc ứng phó trong phương án: HCNM là người trực tiếp chỉ huy ứng phó sự cố trên đường vận chuyển. Khi có sự cố xảy ra sẽ huy động tất cả mọi lực lượng tham gia ứng phó, thủ tiêu: Báo cáo kịp thời cho lãnh đạo các Đơn vị liên quan và Ban chỉ đạo phòng ngừa, thủ tiêu sự cố cũng như phối hợp với lực lượng tại chỗ địa phương theo đúng quy định.
b. Ứng phó sự cố đổ sập công trình cầu
Đối với công trình cầu, nguy cơ đổ sập có thể xẩy ra trong quá trình thi công, lao dầm, thi công phần trên… để đảm bảo an toàn và hạn chế các sự cố khi thi công cầu, thực hiện các biện pháp giảm thiểu như sau:
1. Xét duyệt phương án thi công trước khi thi công công trình
Theo Luật xây dựng, nhà thầu sẽ phải trình các phương án tổ chức thi công để Chủ dự án xem xét. Chủ dự án sẽ xem xét chi tiết các phương án này dựa trên các quy định chuyên ngành và phê duyệt nếu thấy hợp lý và an toàn. Công việc thi công chỉ được thực hiện khi có quyết định phê duyệt.
2. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công xây dựng
- Hoạt động thi công sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công đã được phê duyệt.
- Trước khi tiến hành thi công, các đơn vị thi công phải xây dựng quy trình thi công và phải được chủ dự án phê duyệt.
3. Lập kế hoạch phòng chống và ứng cứu sự cố
- Lập đội cứu trợ, tổ chức và kế hoạch ứng cứu (người chỉ huy, trình tự thực hiện).
- Kế hoạch về phương tiện và thiết bị xử lý sự cố.
- Bố trí bình dập lửa, bể nước cứu hoả, bình ôxy thường xuyên tại công trường.
c. Ứng phó sự cố sụt lún công trình tại các vùng đất yếu
Thực hiện các biện pháp giảm thiểu sự cố tại các vùng đất yếu như sau:
- Quan trắc lún tại công trình của Dự án và công trình liền kề không thuộc Dự án để có những điều chỉnh.
- Đền bù thiệt hại đối với công trình liền kề không thuộc Dự án bị hư hại do Dự án gây ra.
Nếu không có biện pháp xử lý thích hợp sẽ xuất hiện nguy cơ sụt lún. Sụt lún không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình thuộc Dự án mà còn đe dọa đến các công trình gần kề không thuộc Dự án.
d. Ứng phó sự cố sạt lở núi
Để đề phòng chống sạt lở đất có thể thực hiện theo các biện pháp quản như sau:
- Biện pháp lâu dài hạn chế sạt lở trên tuyến đường này là trồng cỏ và xây kè chống sạt lở mái taluy dương, nhất là đối với những đoạn có nền đất yếu dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Biện pháp này nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay khi tuyến đường bắt đầu vào hoạt động.
- Ngoài ra, có thể sử dụng công nghệ neo trong đất. Công nghệ này được thực hiện bằng cách khoan ngang vào vách đá nhiều lỗ sâu từ 4m - 26m, sau đó bắn dây cáp sắt vào, tại các lỗ khoan sẽ cho phun bê tông mác cao tạo thành một khối liên kết vững chắc.
Bên cạnh đó còn kiến nghị thêm biện pháp sau như:
- Điều tiết dòng mặt: biện pháp này nhằm giảm bớt sự tẩm ướt đất đá trên khu vực trượt do nước mưa. Tổ hợp các công tác của biện pháp này gồm chặn đón và tháo dẫn nước dưới đất ra khỏi khu trượt, xây dựng hệ thống thu gom nước mặt và cây trồng.
- Phân bố lại các khối đất đá: cắt xén đất đá ở phần chủ động của khối trượt hoặc đồng thời đắp thêm bệ phản áp ở phần bị động (chân) của khối trượt. Sự phân bố lại đất đá làm thay đổi độ dốc của sườn, tăng áp lực có hiệu ở mặt trượt thuộc phần thấp của khối trượt và làm tăng tương ứng sức chống cắt của đất đá. Khi tiến hành cắt xén đất đá cần xét tới tốc độ phong hoá của chúng và khi cần thiết phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đất đá khỏi phong hoá (bằng cách lát cỏ, xây các lớp phủ bảo vệ).