3.1. Đánh giá tác động và đề xuất các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn thi công, xây dựng
3.1.1. Đánh giá, dự báo các tác động
3.1.1.3. Các tác động khác
a. Tác động do sạt lở, bồi lắng do thi công (1) Tác động do sạt lở
Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình trượt lở đất được tại khu vực thi công dự án mô tả tại hình 3.2.
Hình 3.2. Các nguyên nhân gây trượt lở đất đá
Sạt lở đất đá là hiện tượng các khối đất, đá đổ, rơi theo phưomg thẳng đứng, không theo mặt trượt nhất định, tích đọng tại chỗ hoặc bị cuốn trôi bởi dòng nước. Hiện tượng sạt lở đất có thể là hậu quả của sự xuất hiện các chấn động địa chất tự nhiên, do hiện tượng phong hóa hoặc do sự thay đổi độ ẩm trong đất, hoặc do sự dịch chuyển kết cấu bảo vệ phần chân của mái dốc, do xây dựng công trình trên sườn dốc hoặc do hiện tượng phong hóa bề mặt sườn dốc và do các tác động của con người làm thay đổi,... Ngoài ra, hiện tượng sạt lở đất đá còn do những chấn động tự nhiên làm mất sự liên kết của đất, đá trên sườn đồi và núi ở vùng có địa hình dốc lớn, địa chất yếu có độ rỗng lớn, vùng đất pha cát đá và vùng rừng thưa, rừng bị chặt phá nhiều, địa hình đồi núi cao, dốc lớn,...
[17].
Trong những năm gần đây tình trạng sạt lở đất đá xảy ra khá nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lai Châu, gây hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội, tính mạng con người.
Với địa hình chủ yếu là đồi núi, địa hình dốc, thảm phủ thực vật thưa, kết cấu đất đá rời rạc nên có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá,..
- Hoạt động thi công tuyến đường gồm GPMB, chiếm dụng đất rừng sẽ làm mất lớp thảm thực vật bảo vệ trên bề mặt, bạt taluy làm đường, nổ mìn phá đá,...làm cho đất đá ở đây bị mất cân bằng trọng lực dẫn đến hiện tượng sạt lở đất đá. Ngoài ra, nguyên nhân ngoại sinh như mưa lớn kéo dài là nguyên nhân kích hoạt gây sạt lở trong một thời gian ngắn. Các nguyên nhân liên quan đến môi trường địa chất là các nguyên nhân tiềm ẩn, chứa đựng những nguy cơ cao dẫn đến sạt lở đất đá khi bị con người tác động vào và chịu ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố kích hoạt.
- Trong quá trình đào, nổ mìn phá đá để hạ độ cao sẽ làm thay đổi mái taluy hiện tại, gây mất cân bằng có thể sẽ dẫn đến sụt lở ngay cả khi đang thi công và sau khi đưa công trình vào sử dụng. Sạt lở đất có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ động thực vật ở phía taluy âm. Một số đoạn để hạ nền đường phải tiến hành nổ mìn, việc nổ mìn sẽ gây ra chấn động lớn là nguyên nhân gây sạt lở. Khi mưa lớn hoặc nổ mìn, chấn động sẽ gây ra sạt lở, đá đổ từ bờ cao xuống mặt tầng hay sườn núi sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến hiện tượng sụt lở, văng đất đá, các mảnh vỡ gây nguy hiểm cho người lao động.
- Hiện tượng sạt lở có khả năng xảy ra, đặc biệt khi có mưa bão lớn. Nước chảy có thể cuốn trôi đất đá từ trên cao xuống vùng thấp trũng hơn. Nếu xung quanh tuyến đường thi công có lưu vực nước mặt thì hiện tượng bồi lắng có thể xuất hiện ít nhiều.
Nổ mìn
Quá trình san lấp tạo mặt bằng thi công sẽ làm thay đổi mặt đệm tự nhiên của khu vực, làm biến đổi hệ thống thoát nước mặt đất, gây cản trở dòng chảy mặt, giảm khả năng thoát nước của dự án.
Hoạt động thi công bao gồm: đào ta luy dương, đắp ta luy âm là các hoạt động có khả năng làm tăng thêm các nguy cơ gây sụt trượt tại các vị trí trên.
- Xói lở, sụt trượt do thi công đào taluy dương: Một số vị trí khúc cua trên tuyến sẽ tiến hành bạt mom (bạt taluy dương) để mở rộng bán kính cong đảm bảo tầm nhìn và an toàn cho hoạt động của phương tiện giao thông. Việc làm phơi lộ đất đá, làm thay đổi kết cấu địa hình, kết cấu nền móng..., sẽ làm mất cân bằng động tự nhiên giữa các lớp đất đá đã được thiết lập trong một quá trình lâu dài đặc biệt khu vực có địa hình có độ dốc lớn. Trong thời gian thi công, mưa lớn có thể xuất hiện gây hiện tượng trương nở đất cộng với xói mòn sẽ gây xói lở, trượt đất. Hệ lụy của hiện tượng xói lở, sụt trượt đất làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, gây tai nạn lao động, tai nạn giao thông; trượt lở trên quy mô lớn sẽ làm mất thảm thực vật xung quanh và vùng thấp do bị đất vùi lấp; đất đá trượt sẽ trôi xuống các thung lũng, xuống các dòng nước khe làm ảnh hưởng đến chế độ thủy văn dòng chảy, có thể thay đổi chất lượng thủy vực khu vực và ảnh hưởng đến sinh cảnh các loài thủy sinh có trong thủy vực và gây cản trở, tắc nghẽn, mất ATGT.
- Xói lở, sụt trượt do thi công đắp taluy âm: Trên tuyến sẽ có một số điểm, đoạn đắp taluy âm hoặc những chỗ chứa đất, đá được san gạt từ mái taluy dương cũng có thể sẽ gây hiện tượng xói mòn, trôi đất do đây là phần đất bở rời đã bị phá hoàn toàn tính liên kết. Hiện tượng đất trôi này có thể kéo theo hiện tượng trượt lở đất ở các vách đất gốc tại taluy âm đó và gây ra các vấn đề hệ lụy của nó như đã nêu trên (phần sạt lở taluy dương).
- Thời gian tác động: trong thời gian thi công.
- Phạm vi tác động: tại các vị trí tuyến đi vào khu vực đồi núi có địa hình phân cắt.
- Mức độ tác động: ĐÁNG KỂ, được yêu cầu giảm thiểu.
(2). Bồi lắng thủy vực
Trong quá trình thi công một khối lượng đất, đá, vật liệu xây dựng, sắt thép phế liệu được thải bỏ ra môi trường gây ra hiện tượng tắc nghẽn các dòng chảy, nguy hiểm hơn nó có thể gây bồi lắng các thủy vực lân cận làm mất khả năng cấp nước của các lưu vực này, đặc biệt là đoạn qua mon núi, tuyến đi trên sườn núi sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của một số loài sinh vật. Nhất là khi dự án xây dựng tuyến đường xây dựng các vị trí có địa hình cao cần phải đào và san gạt một lượng đất lớn vấn đề này có thể gây ra tình trạng bồi lắng các khe suối cắt ngang tuyến dự án. Tuy nhiên diện tích các công trình chiếm dụng trên sông suối tối đa chỉ bằng 5% tổng chiều rộng lòng sông nên làm thay đổi tiết diện dòng chảy là không đáng kể; căn cứ hồ sơ tính toán thủy văn của dự án, vận tốc dòng chảy ở lòng sông suối lớn hơn 0,6 m/s nên theo giáo trình thiết kế thì sẽ không gây bồi lắng cát, bùn tại khu vực do thay đổi dòng chảy.
- Vị trí: dọc tuyến, đặc biệt tại các vị trí thi công cầu, các đoạn tuyến giao cắt với các thủy vực.
- Thời gian tác động: Trong thời gian đào, đắp.
- Mức độ tác động: TRUNG BÌNH, được yêu cầu giảm thiểu.
b. Tác động đến giao thông và vấn đề an toàn giao thông trong thi công (1) Ùn tắc và mất ATGT tại vị trí giao cắt với các tuyến đường bộ hiện hữu:
- Việc lấn chiếm hành lang giao thông khi thi công qua các nút giao để bố trí các hạng mục thi công như bãi vật liệu, xe máy thi công có thể làm xuất hiện nguy cơ ùn tắc giao thông thậm chí mất an toàn giao thông trên các tuyến đường ngoài phạm vi nút giao. Thêm vào đó việc tăng thêm lượng xe của Dự án tham gia thi công tại các nút này (với trọng tải xe cung ứng vật liệu và phế thải trung bình 16 tấn/chuyến) càng làm tăng tình trạng ùn tắc.
- Hoạt động đào đắp có thể gây tràn đổ đất, bùn trên đường, khi gặp trời mưa đất dễ hóa lỏng sẽ hóa lỏng hình thành lớp bùn đất gây trơn trượt làm mất an toàn giao thông, cũng như là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông các nút giao với tuyến thi công,…Khi không có mưa, lượng bùn đất tràn đổ ra mặt đường sẽ là nguồn phát sinh bụi làm cản trở tầm nhìn cũng là nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, hoạt động có ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thông trên tuyến giao thông hiện hữu chính là quá trình thảm mặt đường. Nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông lớn nhất là tại vị trí nút giao, do khu vực này tập trung một số lượng phương tiện qua lại.
- Việc vận chuyển cấu kiện bê tông siêu trường siêu trọng trong phục vụ thi công cầu cũng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, do các phương tiện vận chuyển cấu kiện thường rất to, nếu không bố trí thời gian vận chuyển hợp lý, sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đến các phương tiện lưu thông trên đường.
Như vậy, nguy cơ gây ra ùn tắc trên tuyến ngoài phạm vi nút giao và các giao cắt hiện hữu sẽ xảy ra nếu không có các biện pháp giảm thiểu. Tác động tiềm ẩn trong suốt thời gian thi công các nút giao.
- Thời gian tác động: trong thời gian thi công.
- Phạm vi tác động: tại các vị trí thi công trên tuyến hiện hữu.
- Mức độ tác động: TRUNG BÌNH, được yêu cầu giảm thiểu;
(2) Tăng nguy cơ tai nạn giao thông do hoạt động vận chuyển làm rơi vãi vật liệu gây lầy hóa, trơn trượt:
Đối với các tuyến đường hiện hữu: Các xe chở vật liệu, phế thải từ các mỏ/ bãi vật liệu và khu vực thi công sẽ kéo theo đất bám dính trên lốp xe. Đất rơi vãi trên đường sẽ sinh bụi và gặp nước cũng sẽ hóa lỏng. Bùn đất hóa lỏng trên bề mặt đường tạo ra tình trạng trơn trượt và làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Va chạm không chỉ xảy ra giữa phương tiện giao thông trên đường và phương tiện thi công mà còn có thể xảy ra giữa các phương tiện giao thông với nhau. Nguy cơ trơn trượt xuất hiện trên các tuyến đường vận chuyển: QL.4D.
- Thời gian tác động: Trong thời gian thi công.
- Phạm vi tác động: Tuyến vận chuyển thuộc QL.4D.
- Mức độ tác động:TRUNG BÌNH, được yêu cầu giảm thiểu.
(3) Hư hại tiện ích cộng đồng do vận chuyển trên các đường cấp thấp:
Trong bước lập dự án đầu tư do chưa thể xác định được chính xác các đường liên thôn liên xã được sử dụng để chuyên chở vật liệu và phế thải từ các mỏ/ bãi vật liệu ra các Quốc lộ, đường tỉnh và từ khu vực thi công đến vị trí tận dụng đắp bờ bao, làm đường công vụ nên các tác động đến tiện ích cộng đồng trong quá trình vận chuyển chỉ mang tính dự báo. Theo đó nếu sử dụng đường liên thôn liên xã để chuyên chở thì các tác động đến tiện ích cộng đồng chủ yếu là:
- Hư hại, xuống cấp đường trong thời gian thi công;
- Hư hại hoàn toàn nếu sau thi công không được hoàn nguyên.
Hư hại đường, gián tiếp gây thiệt hại cho người dân địa phương sử dụng đường hàng ngày. Sự bức bối này diễn ra trong suốt thời gian thi công và còn kéo dài nếu đường không được hoàn trả ít nhất như trạng thái ban đầu.
- Thời gian tác động: Trong thời gian vận chuyển.
- Phạm vi tác động: tại các tuyến đường vận chuyển;
- Mức độ tác động: TRUNG BÌNH, được yêu cầu giảm thiểu.
c. Tác động do hoạt động đổ thải tại các bãi thải
Đất đá loại cần được đổ bỏ là đất hữu cơ lẫn rễ thực vật phát sinh từ việc đào nền đường và đất, đá phát sinh từ khu vực thi công dự án.Đất đá loại không đáp ứng được yêu cầu vật liệu của Dự án và cần được đổ bỏ, không có thành phần độc hại. Đây là nguồn vật liệu tốt có thể tận dụng để san nền những khu vực dân dụng không có yêu cầu cao về vật liệu nền. Giống như hoạt động đào đắp và vận chuyển vật liệu/ phế thải, ngoài những tác động phát sinh trong quá trình vận chuyển, đất đá loại tại các khu vực đổ còn có thể tràn ra các khu đất kế cận gây ra tình trạng vùi lấp hay lầy hóa.
Tuy nhiên, quá trình đổ thải, đất đá loại do chưa được đầm chặt có thể xói và tràn đổ đất xuống các khu vực xung quanh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của hệ sinh thái trên cạn, làm giảm năng suất cây trồng tại khu vực.
Như đã mô tả ở chương 1, các vị trí đổ đất đá loại đều là các vị trí đất trống, thung trũng của các địa phương trong khu vực Dự án, do đó việc tràn đổ ra khu vực xung quanh, ảnh hưởng từ bụi, khí thải đến dân cư là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, các biện pháp giảm thiểu vẫn sẽ được đưa ra trong mục 3.1.2 nhằm hạn chế thế tối đa hoặc loại trừ việc tràn đổ.
Thời gian tác động: Trong suốt thời gian đổ thải.
Mức độ tác động:TRUNG BÌNH, được yêu cầu giảm thiểu;