Một số vấn đề lý luận về tính tích cực

Một phần của tài liệu Tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động tại một số khu công nghiệp các tỉnh phía bắc (Trang 32 - 36)

Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TÍNH TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở MỘT SỐ

2.1. Một số vấn đề lý luận về tính tích cực

2.1.1. Các quan điểm khoa học về tính tích cực

Tính tích cực là khái niệm khá phức tạp được định nghĩa từ nhiều lĩnh vực và từ các góc độ khác nhau.

- Quan điểm của các nhà sinh học

Xuất phát từ sự nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau, các nhà sinh học cũng giải thích khác nhau về tính tích cực.

I.P.Paplop nhà sinh lý học người Nga đã nghiên cứu cho rằng cơ sở sinh lý thần kinh của tính tích cực chính là hoạt động của bán cầu đại não và hệ thống tín hiệu thứ hai. Con vật chỉ bắt chước không có tính tích cực, chỉ có con người mới có tính tích cực [27]

Theo M.Kagan: Tính tích cực của thực vật, đó là định hướng, là sự hướng tới những yếu tố của hoàn cảnh để tạo nên sự thay đổi, vận động hoặc thích nghi của sinh vật đối với môi trường. dẫn theo [40]

- Quan điểm của các nhà Triết học: Mỗi sự vật bao giờ cũng thể hiện tính tích cực của nó bởi vật chất luôn vận động và phát triển không ngừng.

Theo V.I Lênin tính tích cực là thái độ cải tạo của chủ thể đối với khách thể, đối với đối tượng, sự vật xung quanh; là khả năng của mỗi người đối với việc tổ chức cuộc sống, điều chỉnh những nhu cầu, năng lực của họ thông qua các mối quan hệ xã hội. Tính tích cực của từng cá nhân có thể được thực hiện thông qua hoạt động sáng tạo, tự giác, có hứng thú không phải do tính tất yếu bên ngoài mà do tính tất yếu bên trong, do nhu cầu và lợi ích của chủ thể.

- Quan điểm của các nhà Tâm lý học

Lý thuyết phân tâm học (S.Freud, K.Horney, E. Erikson, E.Fromm...) nhấn mạnh đến bản năng, mà đặc biệt là bản năng tính dục, (S.Freud), những “lo lắng cơ bản” (K.Horney), “hướng tới yêu thương”(E.Fromm ) là những kích thích của tính tích cực hoạt động của con người.

Lý thuyết của các nhà tâm lý học nhân văn (C.Rogers,A.Maslow) mô hình của tính tích cực được thể hiện trong quan hệ: “nhu cầu- tính tích cực”.

C.Rogers cho rằng tất cả các sinh vật sống đang liên tục hiện thực hóa tiềm năng của chúng, thậm chí là hoàn cảnh bất lợi. Điều thúc đẩy con người hoạt động xuất phát từ nguồn lực bên trong như nhu cầu tự hiện thực hóa, khuynh hướng hiện thực hóa bẩm sinh hoặc nhu cầu tự khẳng định. Những sức mạnh này là bẩm sinh nhằm hiện thực hóa tiềm năng của họ, làm cho họ trưởng thành, trở thành con người tốt hơn với đầy đủ chức năng. [92]

Lý thuyết tâm lý học hành vi J.Watson, bản chất của hành vi là phản ứng của cơ thể đáp lại tác động của môi trường, tính chất của kích thích là cái thúc đẩy tính tích cực hành động của con người (Watson, 1962)

Tính tích cực của con người sẽ tăng lên khi tăng cường những hành vi củng cố tích cực như tăng cường thêm giá trị, khen ngợi sau mỗi lần thực hiện hành vi. [94]

Lý thuyết nhận thức xã hội A, Bandura khi giải thích hành vi con người lại cho rằng, việc thực hiện một hành vi nào đó không chỉ vì cái chúng ta nhận được mà còn trên cơ sở nhận thức, đánh giá về hậu quả của việc thực hiện hành vi chính là cơ sở của tính tích cực [59]. Tính chủ thể được thể hiện qua tính có ý định, tính lựa chọn, tính đắn đo trước khi làm, tính tự điều chỉnh và tính tự suy ngẫm rút ra bài học. Con người có đạo đức xã hội mạnh mẽ sẽ hành động tích cực để tăng thêm phúc lợi cho người khác ngay cả sự ảnh hưởng đến chi phí của cá nhân họ. [59]

Lý thuyết tâm lý học hoạt động: Các nhà tâm lý học hoạt động cho rằng:

Tính tích cực gắn liền với hoạt động và hoàn cảnh bên ngoài được thể hiện như điều kiện và động lực để hình thành và hiện thực hóa hoạt động. Tính tích cực thể hiện ở tính chế ước, chế định trạng thái bên trong của chủ thể. Nó thể hiện sự thích ứng một cách chủ động với hoàn cảnh và môi trường sống bên ngoài. P.I.Gaperin cho rằng: “Tính tích cực được thể hiện trong các mức độ lĩnh hội khác nhau và mức độ ấy chính là chỉ số đo sự phát triển tích cực của chủ thể”.

Lý thuyết trao đổi xã hội Cook & Rice, 2003; Homans, 1961, Lawler & Thye, 1999; Thibaut & Kelley, (1959) xem xét các nguyên tắc cơ bản của hành vi con

người trong khi tránh bất lợi, người có xu hướng mở rộng trong doanh thu tương tác, giảm chi phí, hoặc có xu hướng mở rộng sự hài lòng, làm giảm sự không hài lòng, xuất phát từ khát vọng tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí. [59]

Như vậy, tính tích cực theo quan điểm của các nhà sinh học, triết học, tâm lý học có sự khác nhau nhưng đều có những đặc điểm chung thống nhất là tính tích cực là yếu tố tất yếu bên trong chủ thể, mang tính chủ động để thích nghi với môi trường sống bên ngoài. Ở con người, tính tích cực của chủ thể là do nhu cầu, lợi ích của nó thúc đẩy biểu hiện ở hành vi tích cực.

2.1.2. Khái niệm tính tích cực Tính tích cực:

Theo từ điển tiếng Việt: tính là “những đặc trưng tâm lý ổn định riêng của mỗi người”. Nó thường được biểu hiện trong thái độ, hành vi, cử chỉ; tích cực là

“chủ động hướng hoạt động nhằm tạo ra những thay đổi, phát triển”. Tính tích cực gắn với hoạt động chủ động, sáng tạo của con người nhằm đạt tới mục đích đã định ra trong cuộc sống.

Tính tích cực được hiểu theo 2 nghĩa: Một là chủ động hướng hoạt động nhằm tạo ra những thay đổi, phát triển (tư tưởng tích cực, phương pháp tích cực).

Hai là hăng hái, năng nổ với công việc (tích cực học tập, tích cực làm việc ).

Theo V.Okôn trong cuốn “Những cơ sở của việc dạy học nêu vấn đề” cho rằng: Tính tích cực là chủ thể ý thức được mục đích hành động, là lòng mong muốn hành động được nảy sinh một cách chủ định và gây nên những biểu hiện bên ngoài hoặc bên trong của sự hoạt động, dẫn theo. [40]

Các nhà tâm lý học Việt Nam như Phạm Minh Hạc, Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Kế Hào, đều coi nhân cách là chủ thể có ý thức. Tính tích cực là một thuộc tính của nhân cách được biểu hiện trước tiên ở việc xác định một cách tự giác mục đích hoạt động, tiếp đó là sự chủ động, tự giác thực hiện các hoạt động, giao tiếp nhằm hiện thực hóa mục đích. Ở đây nhân cách bộc lộ khả năng tự điều chỉnh và chịu sự điều chỉnh của xã hội, giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét tích cực của nhân cách.

Tác giả Nguyễn nh Tuyết đã chỉ ra mối liên hệ giữa tính tích cực với hoạt động của con người. Tác giả cho rằng; “Hoạt động bao giờ cũng do chủ thể tiến hành, đó chính là con người đang hoạt động. Tính chủ thể bao hàm trước hết là tính tích cực. Tính tích cực phát triển đến đỉnh cao thành tính chủ động, say mê, nhiệt tình. Con người là chủ thể hoạt động, con người càng hoạt động tính chủ thể càng phát triển cao và do đó con người sẽ dần hoàn thiện”, dẫn theo. [40]

Theo các tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành.

Tính tích cực là một thuộc tính của nhân cách, được biểu hiện trước tiên ở việc xác định một cách tự giác mục đích hoạt động, tiếp đó là sự chủ động tự giác thực hiện các hoạt động, giao tiếp nhằm hiện thực hoá mục đích. Ở đây nhân cách bộc lộ khả năng tự điều chỉnh và chịu sự điều chỉnh của xã hội. Đây cũng là biểu hiện tính tích cực của nhân cách. Một cá nhân được thừa nhận là một nhân cách khi nào anh ta tích cực hoạt động trong những hình thức đa dạng của nó, nhờ vào việc nhận thức, cải tạo sáng tạo ra thế giới và đồng thời cải tạo chính cả bản thân mình. Như vậy, cá nhân được coi là nhân cách khi nó tích cực hoạt động và giao tiếp trong xã hội một cách có ý thức tính tích cực là đặc trưng hoạt động của con người. [40,42, 4]

Như vậy, hoạt động là nền tảng, điều kiện làm nảy sinh tính tích cực, tính tích cực chỉ có thể xuất hiện khi có hoạt động diễn ra. Khi diễn ra hoạt động, ít nhiều đều xuất hiện tính tích cực, ở mức độ này hay mức độ khác. Trên cơ sở phân tích và tiếp cận các quan điểm của các nhà Tâm lý học với phương pháp luận thống nhất giữa tâm lý - ý thức - hoạt động - giao tiếp và nhân cách, nghiên cứu xác định tính tích cực như sau: Tính tích cực là phẩm chất tâm lý cá nhân, biểu hiện ở sự nhận thức, sự sẵn sàng chủ động, sự kiên trì, nỗ lực vượt khó để mang lại kết quả.

Khái niệm này đề cập đến một số khía cạnh sau:

Thứ nhất: Tính tích cực luôn gắn với nhận thức. Tính tích cực của con người không phải là bẩm sinh, di truyền mà tính tích cực được hình thành trước hết qua sự nhận thức của cá nhân đối với các hoạt động. Chỉ khi nào cá nhân đó thực sự hiểu hết mục đích và ý nghĩa của hoạt động đó thì cá nhân mới tích cực hoạt động để đạt kết quả tốt nhất.

Thứ hai: Tính tích cực để chỉ sự sẵn sàng chủ động, hành động một cách có ý thức, theo chủ ý của chủ thể đặt ra, nó đối lập với sự bị động, thụ động.

Thứ ba: Tính tích cực thể hiện ở sự kiên trì, nỗ lực vượt khó để dồn hết tâm sức vào quá trình hoạt động.

Một phần của tài liệu Tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động tại một số khu công nghiệp các tỉnh phía bắc (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)