Biểu hiện của tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động trong khu công nghiệp

Một phần của tài liệu Tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động tại một số khu công nghiệp các tỉnh phía bắc (Trang 44 - 47)

Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TÍNH TÍCH CỰC THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở MỘT SỐ

2.3. Lý luận về tính tích cực tham gia hoạt động xã hội của người lao động ở khu công nghiệp

2.3.2. Biểu hiện của tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động trong khu công nghiệp

Như đã phân tích ở trên về mặt lý luận chúng tôi cho rằng tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội là một phẩm chất tâm lý của người lao động với sự nhận thức một cách sâu sắc mục đích và ý nghĩa của việc tham gia, sự sẵn sàng, chủ động, sự kiên trì nỗ lực đạt kết quả. Để đánh giá đúng thực trạng tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động ở các khu công nghiệp một số tỉnh phía Bắc, để khảo sát, phân tích thực trạng tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động cần phải lượng hóa thành các mặt biểu hiện cụ thể. Qua việc điểm luận các nghiên cứu về tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở trong nước và ngoài nước cho thấy chưa có công trình nào dưới góc độ tâm lý học nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy, việc cụ thể hóa các tiêu chí đo lường tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động trong luận án được dựa trên cơ sở khoa học như sau: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia về tâm lý học xã hội, tâm lý học quản lý, và chuyên gia về lĩnh vực Công đoàn trong quá trình triển khai đề tài. Dựa trên quan điểm phương pháp luận khoa học: quan điểm duy vật biện chứng, quan điểm tiếp cận hoạt động và kế thừa các nghiên cứu đi trước về vấn đề tính tích cực.

Từ đó luận án đã tập trung khảo sát thực trạng tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội qua các mặt biểu hiện như sau:

2.3.2.1. Nhận thức về sự cần thiết, lợi ích của việc tham gia các hoạt động xã hội Thứ nhất là sự nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của từng hoạt động xã hội mà doanh nghiệp đã tổ chức cho người lao động được tham gia.

Thứ hai là người lao động nhận thấy lợi ích khi họ tham gia các hoạt động xã hội. Nếu người lao động nhận thức một cách sâu sắc, biểu hiện ở mức cao khi đánh giá về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia các hoạt động xã hội mà doanh nghiệp đã tổ chức, đây là một trong những biểu hiện của tính tích cực. Ngược lại, nếu người

lao động không nhận thấy ý nghĩa của các hoạt động, đánh giá ở mức độ thấp. Đây cũng là một trong những dấu hiệu ảnh hưởng đến sự tham gia các hoạt động xã hội của họ. Khi tham gia các hoạt động xã hội người lao động không chỉ nhận thấy lợi ích mang lại cho bản thân mà còn cho tập thể và cộng đồng. Nếu người lao động nhận thấy lợi ích của việc tham gia ở mức cao thì đây được coi là biểu hiện của tính tích cực. Biểu hiện cụ thể ở các mệnh đề như giúp cho người lao động hòa nhập với tập thể và cộng đồng, người lao động nắm bắt được tình hình của Doanh nghiệp, qua đó nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao nhận thức về các hoạt động chính trị xã hội, qua đó giúp cho người lao động có tinh thần trách nhiệm với với tập thể và với cộng đồng.

2.3.2.2. Sự sẵn sàng chủ động tham gia các hoạt động xã hội

Sự sẵn sàng chủ động là thái độ của chủ thể đối với hoạt động, hay nói cách khác là tâm thế của chủ thể hướng tới thực hiện một hành động nào đó. Nội dung tâm lý của sự sẵn sàng hành động bao gồm: Các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo và khả năng khắc phục khó khăn, trở ngại trong quá trình hành động. Có động cơ mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện hành động. Sự sẵn sàng hành động gồm các yếu tố: mức độ hình thành động thái thần kinh của hành động, sự chuẩn bị về thể chất, sự sẵn sàng của các yếu tố tâm lý. [6]

Chủ động là khả năng thực hiện một hoạt động đúng mà không cần có sự hỗ trợ của người khác. Đối lập với thụ động, lười biếng, ỉ lại vào người khác, hoặc là thái độ thờ ơ, dửng dưng. Chủ động là phẩm chất để thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Một người có trách nhiệm họ luôn chủ động hoàn thành tốt nhất công việc của mình, chủ động trong hợp tác hỗ trợ đồng nghiệp, người thân, chủ động trong đóng góp và chia sẻ với cộng đồng và xã hội.

Thực tế cho thấy, muốn thực hiện một hoạt động nào có kết quả tốt bao giờ cũng cần có sự chủ động, sự chuẩn bị một cách chu đáo, sẵn sàng. Đối với việc tham gia các hoạt động xã hội sự sẵn sàng chủ động thể hiện ở chỗ cảm thấy không mệt mỏi hay gượng ép khi tham gia, họ chuẩn bị về thời gian và kinh phí để tham gia một cách tốt nhất mà không cần có sự giám sát, đôn đốc của người quản lý. Biểu hiện cụ thể khi tham gia các hoạt động xã hội như: Dành nhiều thời gian để tham

gia hoạt động xã hội, dành một khoản chi tiêu để tham gia, khi được giao nhiệm vụ không thoái thác, né tránh, luôn tìm hiểu trước nội dung các hoạt động để tham gia và đặc biệt còn phải thuyết phục, vận động người khác để tham gia. Nếu người lao động thể hiện ở các mặt biểu hiện này ở mức độ cao thì đó là thể hiện tính tích cực cao và ngược lại.

2.3.2.3. Hành động kiên trì, nỗ lực vượt khó trong tham gia các hoạt động xã hội Kiên trì là phẩm chất ý chí của nhân cách được đặc trưng bởi việc vượt qua những khó khăn bên trong và bên ngoài nhằm đạt mục đích đặt ra, bất chấp các trở ngại [6].

Stoltz.P đưa ra khái niệm AQ (chỉ số vượt khó) cho rằng những người có chỉ số AQ thấp thường dễ xúc động và dễ buông xuôi trước nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong khi đó những người có AQ cao khi đối mặt với những khó khăn, chủ động tìm kiếm các giải pháp để giải quyết vấn đề thay vì dựa vào sự phán quyết của người lãnh đạo hoặc bi quan, chán nản và họ ít khi đầu hàng trước những tình huống khó khăn của công việc [35]

Khi tham gia các hoạt động xã hội hành động kiên trì, nỗ lực vượt khó thể hiện ở hành động vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, không ngại khó, ngại khổ để thực hiện đến cùng những việc cần làm khi tham gia hoạt động xã hội. Trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội đối với người lao động tại các khu công nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi mà họ sẽ gặp rất nhiều những khó khăn vất vả nào là thời gian eo hẹp, áp lực công việc, điều kiện kinh tế, điều kiện gia đình tất cả những điều đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tham gia các hoạt động xã hội của người lao động. Biểu hiện của sự kiên trì, nỗ lực vượt khó trước hết là họ tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội khi doanh nghiệp tổ chức. Đây là một trong những dấu hiệu cơ bản để đánh giá hành động kiên trì của người lao động.

Tiếp theo là dù có những cản trở gây khó khăn nhưng họ luôn kiên định tham gia đến cùng, trong quá trình tham gia sẽ gặp những khó khăn nhưng họ sẽ cố gắng hết sức để giải quyết những khó khăn đó, không bỏ cuộc, không làm giữa chừng khi tham gia, bình tĩnh giải quyết những khó khăn đó ngay cả khi mệt mỏi. Đó chính là những dấu hiệu tích cực khi tham gia các hoạt động xã hội.

Từ những dấu hiệu cơ bản như sự nhận thức, sự sẵn sàng chủ động và hành động kiên trì, nỗ lực vượt khó trong tham gia các hoạt động xã hội trên sẽ là kết quả đạt được của người lao động. Kết quả là một chỉ báo quan trọng để đánh giá tính tích cực tham gia hoạt động xã hội của người lao động.

* Kết quả đạt được thể hiện ở sự hài lòng và hiệu quả của việc tham gia các hoạt động xã hội và thể hiện ở hành động dự kiến tham gia trong tương lai vào các hoạt động xã hội.

Một phần của tài liệu Tính tích cực tham gia các hoạt động xã hội của người lao động tại một số khu công nghiệp các tỉnh phía bắc (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)